Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020 – 2025): Đại hội cơ sở Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Giang
Ngày 10 tháng 3 năm 2020, tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Giang, được sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Giang tổ chức Đại hội cơ sở tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020-2025), nhằm đánh giá tổng kết công tác của Chi hội nhiệm kỳ (2015-2020) và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ (2020-2025), bầu Đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc khóa X Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Giang được thành lập từ năm 2008, hiện có 13 hội viên thuộc các chuyên ngành: Sáng tác, Lý luận và Biểu diễn. Trong nhiệm kỳ vừa qua, được sự chỉ đạo của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, sự quan tâm ủng hộ của Đảng bộ chính quyền tỉnh Hà Giang, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang, Chi hội luôn bám sát chủ trương đường lối phát triển Văn học nghệ thuật của Đảng, Chi hội đã đạt được nhiều thành tích trong các hoạt động âm nhạc, không ngừng phấn đấu bám sát các hoạt động văn hóa văn nghệ, phong trào nghệ thuật quần chúng tại địa phương, khu vực và trung ương.
Hàng năm, Chi hội phối hợp với Chi hội Âm nhạc địa phương, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức các hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp tại các sự kiện văn hóa, lễ hội của địa phương, tổ chức Đêm nhạc công bố các tác phẩm âm nhạc chào mừng Ngày Quốc khánh 2/9 và Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý và các đại biểu chúc mừng đêm nhạc chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9/2019 của Chi hội
Các nhạc sĩ của Chi hội tham dự các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, các trại sáng tác âm nhạc của địa phương và trung ương tại Vũng Tàu, Nha Trang, Tam Đảo, Đại Lải, Nam Định, Lạng Sơn… tham gia các cuộc vận động sáng tác về Nông thôn đổi mới; Bộ đội Biên phòng; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Một số hội viên làm công tác giảng dạy âm nhạc tại Trường Cao đẳng sư phạm, trường phổ thông trong tỉnh, có nhiều đóng góp tích cực trong công tác đào tạo âm nhạc, xây dựng các chương trình ca múa nhạc tham gia các liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp của khu vực và toàn quốc…
Những năm gần đây, đội ngũ nhạc sĩ Hà Giang phát triển tương đối cả về lượng và chất tạo nên sự phong phú đa dạng màu sắc âm nhạc. Các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều tác phẩm hay, có giá trị, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc miền núi phía Bắc, gần gũi với đời sống của đồng bào các dân tộc Hà Giang, các chất liệu dân ca Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô… được khai thác đưa vào các sáng tác mới rất độc đáo và hấp dẫn, bằng những giai điệu mộc mạc, ca từ gần gũi với cuộc sống các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều bài hát hay về quê hương Hà Giang và được sử dụng trong các chương trình nghệ thuật kỷ niệm các ngày lễ lớn của tỉnh. Trong đó, có nhiều tác phẩm đạt giải cao trong các cuộc thi, liên hoan âm nhạc trong khu vực và toàn quốc. Nhiều nhạc sĩ có tác phẩm được đăng tải trên các tạp chí văn học nghệ thuật, đài phát thanh, truyền hình của địa phương và trung ương. Các sáng tác của các nhạc sĩ đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng yêu nhạc, qua đó, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà, góp phần giới thiệu, quảng bá về con người, mảnh đất Hà Giang qua âm nhạc.
Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Giang là nòng cốt trong hoạt động âm nhạc tại địa phương và vùng Đông Bắc, do có kế hoạch phương hướng đúng, khích lệ kịp thời các hội viên ra sức sáng tạo, có nhiều tác phẩm có chất lượng tốt ở cả 3 lĩnh vực ca khúc, khí nhạc và lý luận. Một số tác giả đã có những công trình nghiên cứu, sưu tầm giới thiệu các tác phẩm âm nhạc có giá trị được đăng tải ở các nhà xuất bản, báo chí, đài phát thanh truyền hình, biểu diễn tại các hội diễn, hội thi nghệ thuật quần chúng và nghệ thuật chuyên nghiệp từ địa phương đến trung ương.
Các nhạc sĩ đã có những cống hiến rất đáng ghi nhận tiêu biểu như:
- Nhạc sĩ Ngô Sỹ Tùng với ca khúc “Hà Giang mãi tự hào” đạt giải A tại Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Bắc 2014 và Giấy khen của Cục Tuyên huấn tại Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 2015; “Mơ về Hà Giang” đạt Huy chương Bạc tại hội diễn các đoàn chuyên nghiệp toàn quốc và đạt giải A Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Bắc; “Qua những miền Di sản Việt Bắc”, “Hà Giang đang vươn tới tầm cao”, “Ngày hội quê em”, “Thành phố nơi biên cương” thơ Hoàng Trung Luyến… được biểu diễn tại các sự kiện lớn phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh và khu vực; tác phẩm “Lên đường” đạt giải Nhất Liên hoan tiếng hát “Đường 9 xanh năm 2019” tại tỉnh Quảng Trị; ca khúc “Bởi vì ai” đạt giải B cuộc thi viết về nạn nhân chất độc da cam tỉnh Hà Giang; ca khúc “Tự hào con đường hạnh phúc” đạt giải Ba cuộc thi về thanh niên xung phong mở đường hạnh phúc tỉnh Hà Giang 2014. Nhạc sĩ Ngô Sỹ Tùng đã vinh dự đạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật Tây Côn Lĩnh giai đoạn 2010 – 2015 của tỉnh Hà Giang với chùm ca khúc gồm 5 tác phẩm viết về quê hương Hà Giang.
- Nhạc sĩ Đinh Tiến Bình với ca khúc “Đường Thanh niên con đường huyền thoại” đạt giải Nhất cuộc thi sáng tác ca khúc về Con đường hạnh phúc tỉnh Hà Giang; ca khúc “Na Hang trong mơ” đạt giải A Liên hoan âm nhạc khu vực phía Bắc; ca khúc “Ru ca Đại tướng” đạt giải B Liên hoan âm nhạc khu vực phía Bắc 2014; “Tình ca bản Dao”, “Vấn vương cao nguyên đá”, “Xuống chợ” “Hãy là khăn đội, hãy là thắt lưng”… được biểu diễn tại các sự kiện, và nhiều giải thưởng viết cho các đơn vị, lực lượng Công an, Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam,… Nhạc sĩ Đinh Tiến Bình đã được UBND tỉnh Hà Giang trao tặng Huy hiệu “Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Hà Giang” với những cống hiến và đóng góp của nhạc sĩ trong những năm qua; và vinh dự được Nhà nước phong tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (2010).
- Nhạc sĩ Nguyễn Trùng Thương với “Cô giáo bản Mông” đạt giải A tại Liên hoan âm nhạc khu vực phía Bắc; “Khúc tráng ca Hoàng Su Phì”, “Xuân đã về nơi biên cương”, “Chiều đông Mèo Vạc”, “Tiếng sáo nài”, “Bản tình ca trên núi”, “Hát về anh”, “Thi đua là yêu nước”… được biểu diễn tại các chương trình phục vụ lễ kỷ niệm lớn của tỉnh và khu vực; ca khúc “Cung đường mùa xuân” được biểu diễn tại Lễ đón nhận Di sản phi vật thể ruộng bậc thang Hoàng Su Phì. Với 40 năm cống hiến cho ngành văn hóa và nghệ thuật, nhạc sĩ Nguyễn Trùng Thương đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều giải thưởng văn học, nghệ thuật cao quý của Nhà nước.
- Nhạc sĩ Vi Sỹ Bình với ca khúc “Tiếng hát trên con đường hạnh phúc” đạt giải B tại cuộc thi sáng tác ca khúc về con đường hạnh phúc tỉnh Hà Giang; “Thêu xuân” đạt giải Khuyến khích tại Liên hoan âm nhạc khu vực phía Bắc; ca khúc “Tiếng hát trên đỉnh Chiêu Lầu Thi”… được biểu diễn tại các chương trình nghệ thuật, các sự kiện văn hóa chính trị tại địa phương.
- Nhạc sĩ Bùi Trường Giang với tác phẩm “Giọt yêu thương” được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh hỗ trợ công bố tác phẩm mới; ca khúc “Muôn dặm làng quê” thơ Hạnh Lâm, được biểu diễn tại các sự kiện văn hóa của địa phương.
- Nhạc sĩ Hoàng Thùy Dung với tác phẩm “Sóng ruộng bậc thang”, thơ Hoàng Trung Luyến đạt giải Ba cuộc thi “Xây dựng Nông thôn mới” do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh tổ chức năm 2019; ca khúc “Đưa nhau về thương yêu” đạt giải Khuyến khích tại Liên hoan âm nhạc khu vực phía Bắc, ca khúc “Bài ca người lính” thơ Xuân Tư, được biểu diễn ở các chương trình nghệ thuật.
- Nhạc sĩ Ngô Thế Vương với ca khúc “Đi trong sương sớm” đạt giải A Bộ Công an; ca khúc “Màu áo xanh ghi trong sắc nắng” đạt giải Khuyến khích Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ca khúc “Bài ca thanh niên nơi địa đầu tổ quốc” đạt giải B Bộ Công an.
- Nhạc sĩ Nguyễn Bá Trịnh với đề tài “Sưu tầm nghiên cứu và bảo tồn phát huy văn hóa của dân ca dân tộc Pà Thẻn và sáo dọc Pà Thẻn Hà Giang”.
Ở lĩnh vực biểu diễn, các nhạc sĩ vừa là sáng tác nhưng vừa biểu diễn đã có những thành tích nhất định trong hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp như: Ngô Sỹ Tùng, Thùy Dung, Ngô Thế Vương; và các nghệ sĩ biểu diễn như Lương Thị Đua, Nguyễn Ngọc Nguyện, Xin Trọng Tuyên… đã tham gia biểu diễn, chỉ đạo nghệ thuật và dàn dựng một số chương trình đạt giải thưởng và bằng khen toàn quốc…
Chi hội còn vinh dự được Ủy ban Nhân dân tỉnh và Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Giang đã tổ chức đêm nhạc và giao lưu khán giả cho 2 nhạc sĩ Nguyễn Trùng Thương và nhạc sĩ Đinh Tiến Bình năm 2016; Đài Truyền hình Hà Giang đã xây dựng chương trình và phát sóng giới thiệu các nhạc sĩ tiêu biểu: Nguyễn Trùng Thương và Ngô Sỹ Tùng để quảng bá và giới thiệu các tác phẩm âm nhạc đến với công chúng và phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tại Đại hội, nhạc sĩ Ngô Sỹ Tùng - Chi hội trưởng, được sự ủy nhiệm của lãnh đạo Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đã trình bày dự thảo Báo cáo tổng kết công tác khóa IX và phương hướng nhiệm vụ khóa X của Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam; phổ biến các quy chế bầu Đại biểu, bỏ phiếu tín nhiệm nhân sự; nhạc sĩ Nguyễn Bá Trịnh đã trình bày dự thảo Báo cáo về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa X (2020- 2025).
Các đại biểu đã tiến hành bỏ phiếu bầu đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020- 2025 và bỏ phiếu giới thiệu nhân sự chủ chốt Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020-2025. Thảo luận, bổ sung vào Báo cáo chính trị và Điều lệ sửa đổi. 100% hội viên Chi hội hoàn toàn nhất trí với Dự thảo báo cáo chính trị khóa IX, và phương hướng nhiệm vụ khóa X (Nhiệm kỳ 2020-2025) và Điều lệ sửa đổi của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Đại hội đã thành công và bầu được 04 nhạc sĩ đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Khóa X (nhiệm kỳ 2020 – 2025) tại Thủ đô Hà Nội năm 2020 là nhạc sĩ Ngô Sỹ Tùng; NSƯT Đinh Tiến Bình; nhạc sĩ Nguyễn Bá Trịnh; nhạc sĩ Ngô Thế Vương; và 1 đại biểu dự bị là nhạc sĩ Bùi Trường Giang.
Trong nhiệm kỳ tới, Chi Hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Hà Giang sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được:
Đoàn kết phát triển Chi hội vững mạnh; nâng cao tính sáng tạo, tính chuyên nghiệp trong sáng tác để đóng góp nhiều hơn nữa các tác phẩm âm nhạc có giá trị cho Hà Giang và cho đất nước; tăng cường các hoạt động chuyên môn, tập trung sáng tác các ca khúc, tổ khúc, khí nhạc, hợp xướng mang âm hưởng quê hương; đầu tư nghiên cứu đi sâu vào khai thác các chất liệu riêng có của đồng bào các dân tộc tỉnh nhà, phát triển dân ca truyền thống hơn nữa để có thêm các tác phẩm âm nhạc dân gian của đồng bào các dân tộc vùng cao; đồng thời mở các lớp tập huấn, trại sáng tác để nâng cao chất lượng các tác phẩm, khuyến khích hội viên sáng tác những tác phẩm cho thiếu nhi; làm tốt hơn nữa công tác tập hợp, phát triển đội ngũ những người hoạt động sáng tác âm nhạc, chú ý phát triển hội viên là người dân tộc thiểu số, các tài năng trẻ, giới thiệu và kết nạp thêm hội viên mới chuyên ngành đào tạo.
Kiến nghị, đề xuất trung ương Hội Nhạc sĩ Việt Nam tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo sát sao hơn nữa đối với Chi hội; ưu tiên tập huấn, bồi dưỡng về công tác nghiệp vụ chuyên môn cho các nhạc sĩ trẻ.