Tiến sĩ âm nhạc Mỹ lặn lội với bolero Việt
Hơn 20 năm nay, có một gã đàn ông người Mỹ luôn dịch chuyển Mỹ - VN để tìm hiểu tận hương tân nhạc Việt Nam, đặc biệt là dòng nhạc bolero Việt.
Jason Gibbs và cuốn sách Chuyện tình nghệ sĩ do người viết tặng - Ảnh: H.Đ.N
Đi xe buýt tìm hiểu nhạc Việt
Một trưa tháng 8, Jason Gibbs đến tòa soạn Báo Thanh Niên tìm người viết sau khi đã hẹn gặp nhau qua email. Đây là lần thứ ba trong khoảng 10 năm nay (2005 - 2015) chúng tôi gặp nhau. Đề tài trao đổi giữa chúng tôi... vẫn vậy: âm nhạc miền Nam VN trước 1975 (bởi Jason cho rằng người viết có chút hiểu biết về mảng này). Anh nhờ tôi đưa đến gặp gỡ những nhạc sĩ nổi tiếng từ trước 1975 như Hàn Châu, Lê Hoàng Long, Đài Phương Trang... Tôi hỏi anh đi bằng phương tiện gì, xe máy hay taxi, anh lắc đầu: “Toàn xe buýt”.
Thế là tôi đóng vai “xe ôm” đưa anh đến những quán bia, là “điểm hẹn” của các văn nghệ sĩ Sài Gòn. Trên đường đi, tôi “điểm danh” lại những nhạc sĩ xưa... Không ngờ, anh bảo những nhạc sĩ Thanh Sơn, Hoàng Trang, Mặc Thế Nhân, Trương Hoàng Xuân... anh đã từng gặp gỡ, phỏng vấn họ từ mười mấy năm về trước nhờ nhạc sĩ Lê Mộng Bảo giới thiệu.
Khi nghe tôi giới thiệu nhà thơ Thiên Hà, vốn là bạn thân với nhạc sĩ Anh Việt Thu và đã được nhạc sĩ này phổ nhạc thơ anh thành những ca khúc quen thuộc như Nhớ nhau hoài, Gió về miền xuôi, Xa dấu ngựa hồng..., anh đã rất phấn chấn và đề nghị được ngồi chung bàn, phỏng vấn... Tiếp đó, tôi đưa anh gặp nhạc sĩ Hàn Châu. Tất cả dữ liệu về nhạc sĩ Hàn Châu, Jason đã cập nhật vào laptop và anh đã “truy” tới cùng, làm cho rõ ngọn ngành từng ca khúc một.
Duyên nợ với bolero
Chỉ cần lướt qua phần mục lục cuốn sách Rock Hà Nội và Rumba Cửu Long - Câu chuyện âm nhạc của Jason (Nguyễn Trương Quý dịch, NXB Tri Thức 2008), chúng ta cũng thấy Jason say mê và am hiểu tân nhạc VN như thế nào: Khúc dạo đầu và chuyển thể của ca khúc phổ thông Tây phương của VN trước 1940; Khởi đầu của ca khúc phổ thông VN; Cải cách và truyền thống trong ca khúc phổ thông VN thời kỳ đầu; Kịch nói, La Scène Tonkioise (Hội kịch Bắc kỳ), và những bài hát tân nhạc VN đầu tiên; Tình yêu và khát vọng nơi ranh giới: Những ca khúc ở hai bờ vĩ tuyến 17; Bolero - một dạng ca khúc phổ thông VN; Truyền thống và sự tiếp biến trong hình thành âm nhạc xã hội VN; Những biểu tượng của cuộc chiến tranh chống Mỹ trong ca khúc VN sau năm 1975; Hà Nội “rock” như thế nào? Lối vào Rock’n’Roll ở VN; Quốc nhạc VN: Hành trình tìm kiếm bản Quốc ca...
Niềm yêu thích âm nhạc VN đến với Jason bắt đầu từ một vài bài nhạc Việt mà anh được nghe năm 1985 trong một nhà hàng VN ở thành phố Pittburgh. Sau đó, anh chuyên tâm học tiếng Việt và nghiên cứu âm nhạc VN. Năm 1993, Jason sang VN, và trong chuyến đi này anh đã gặp một cô gái quê Vĩnh Phúc - người luôn tích cực trả lời mọi thắc mắc của anh. Sau đó, họ đã nên duyên vợ chồng. Đến nay con gái của họ đã 12 tuổi, và anh đã viết tiếng Việt bằng tay trái còn nhanh hơn nói.
Jason đặc biệt ưa thích các ca khúc thể loại bolero và anh cho rằng những ca khúc này mang tâm cảnh rất riêng của người Việt. Vì thế, sau buổi làm việc của anh với các nhạc sĩ, người viết đã “chiêu đãi” Jason một bữa nhạc bolero. Jason cũng đáp lễ bằng cách hát những ca khúc bolero. Tuy anh hát chưa “tròn vành, rõ chữ” nhưng rất đúng nhịp ai cũng phấn khích, vỗ tay tưng bừng... Jason cũng bảo rằng trong đời anh, mấy khi được các nhạc sĩ dòng nhạc bolero VN “chính hiệu” đệm đàn cho mình hát, nên... hát tới bến!
Hôm sau, Jason trò chuyện với tôi qua Facebook: “Chào anh. Đây là đường link tôi chứa nhạc bolero Việt...”. Tên tài khoản cá nhân trên Facebook của Jason là Tạ Son. Anh giải thích: “Vì bà mẹ vợ phát âm không được tên Jason, nên cứ gọi là... Tạ Son (một tạ son), cho chắc ăn và... dễ hiểu”./.
(Nguồn: http://vov.vn)