Thương tiếc Nhạc sĩ Vi Phong (Nhân 10 năm ngày mất nhạc sĩ Vi Phong - 22/4/2003 - 22/4/2013)

22/04/2013

Giữa khoảng khắc giao mùa, cái tiết cuối Xuân, đầu Hạ 2003, có một người được khá nhiều người biết đến đã lặng lẽ “giã từ cõi tạm để vào chốn vĩnh hằng”. Mọi người quen gọi ông với cái tên trìu mến - nhạc sĩ Vi Phong.

Cỗ xe linh hồn lộng lẫy đón đưa giữa nắng chiều thành phố Vinh nhạt nhòa. Thật nhiều hoa và khói hương tiễn biệt. Ông để lại rất nhiều những gì đã để lại và mang theo rất nhiều những gì đã mang theo… “Người ơi có biết lòng ta đã thắm thiết…” (Cảm xúc Đèo Ngang). Tên thật của ông là Lê Đức Quyền, Vi Phong là bút danh. Có thể do những biến động nào đó trong cuộc đời, nên hồ sơ viên chức của ông ghi ngày 25 tháng 11 năm 1940, tại Sơn Thịnh, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tôi thuộc lớp con cháu, được ông coi là bạn đồng nghiệp thường trao đổi, chuyện trò trong lĩnh vực nghệ thuật cũng như những tâm tư tình cảm đời thường, nên mới hay ông sinh năm Mậu Dần 1938, chứ không phải là Canh Thìn 1940. Lắm lúc ông nói đùa: “Canh cô, Mậu quả, Mậu Dần hay Canh Thìn vẫn thế đấy thôi - Mậu là mẹ, là muộn mằn, là cô quả”. Nói vậy nhưng ông là người có mối quan hệ rộng, rất nhiều bạn bè và đồng nghiệp, ngoài ra một số lượng khá đông khán, thính giả chưa hề gặp mặt mà vẫn tỏ lòng ngưỡng mộ thông qua các tác phẩm mà ông đã gửi gắm cái tình của mình vào trong đó. Là hội viên của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, hội viên Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh khóa 4 - 5. Đã từng là sinh viên Nhạc viện Hà Nội, lại là người trải nghiệm trường đời nên có một vốn kiến thức thật uyên thâm, hiểu biết nhiều thể loại học thuật, chịu khó tìm tòi, sưu tầm, viết nhiều sách nghiên cứu, chuyển thể nhiều kịch bản văn học cho nhiều vở diễn dân ca Nghệ Tĩnh, nhưng với ông niềm đam mê lớn nhất là âm nhạc. Trái tim ông nhiều vui buồn, hờn giận, đau thương, tất cả cũng để dành cho âm nhạc. Ông đã viết một số tác phẩm khí nhạc, nhạc múa, âm nhạc cho các vở kịch hát, đặc biệt là một số lượng ca khúc rất lớn, nhiều ca khúc đã đạt các giải thường tầm cỡ quốc gia. Nhắc đến ông người ta nhớ đến “Hương cau vườn Bác”, nhớ đến “Lời ru trong đêm”, nhớ đến “Cảm xúc Đèo Ngang”… Ông là người con nặng tình, nặng nghĩa với quê hương nên âm nhạc trong các tác phẩm luôn lấy nguồn cảm hứng từ âm hưởng Dân ca Xứ Nghệ, từ các điệu Hò, Vè, Ví, Giặm và lời ca cũng bình dị mà sâu lắng tình người. Một tấm gương biết vươn lên lao động không mệt mỏi đã công hiến cho âm nhạc, văn học nghệ thuật, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trái tim đa cảm giàu sức sáng tạo không một phút giây nghỉ ngơi, luôn cuốn hút, thúc giục ông đi khắp mọi nẻo đường quê để tìm hiểu, để viết và mỗi tác phẩm nghệ thuật, cũng là những trang đời của chính mình.

Ông từng làm nhiều công việc nhưng duyên phận cũng chẳng mỉn cười, để rồi tiếng sáo trúc đã mê hoặc đùn đẩy ông đến với âm nhạc.

Vào Đoàn Văn công Hà Tĩnh năm 1967, là nhạc công, rồi Phó đoàn Dân ca Nghệ Tĩnh, Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Hà Tĩnh và sau này là Trưởng phòng quản lý nghệ thuật Sở Văn hóa, Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh). Suốt trong thời kỳ hoạt động quê hương luôn là mái nhà lớn che chở, nâng đỡ ông, mãi cho tới những ngày tháng về sau này thôi khoác áo công chức trở về với đời thường, ông mới có được mái ấm của riêng mình. Ngôi nhà khiêm tốn giữa thành phố Vinh hoa lệ vừa đủ ấm áp cho đôi vợ chồng khi tuổi về già cùng các con để có dịp chăm sóc nhau, thế mà ông cũng chẳng kịp nghỉ ngơi lấy một chút, đã vội vã lên đường đi về phía thinh không… “Trăng lên rồi trăng tà, thêm xót xa lòng mẹ, cuộc đời còn dâu bể…” (Lời ru trong đêm).

Trái tim ông đã từng đau, nhưng cái đau giờ khắc ấy thật kinh khủng, vào lúc 17 giờ chiều ngày 22 - 4 - 2003 tại Bệnh viện Hữu nghị - Ba Lan, thành phố Vinh, Nghệ An, cơn đau tim dữ dội cuối cùng đã trở thành dấu lặng vĩnh hằng trong chuỗi âm hưởng giai điệu âm nhạc dang dở. Những cung âm nào đã ngân lên giữa trần thế, những cung âm nào lặng lẽ dưới cỏ cây. Vẫn biết cái sự đến sự đi là quy luật của tạo hóa, sao vẫn thấy hẫng hụt, bùi ngùi. Mười năm, thời gian chớp mắt tựa bóng chim qua, ông bỏ lại mẹ già, anh em, vợ con... gia đình từ ấy vắng đi một người thân, bạn bè vắng đi một người bạn tốt, sự phát triển âm nhạc, nghệ thuật nói chung và cả âm nhạc văn học nghệ thuật Hà Tĩnh nói riêng cũng từ ấy vắng đi một tâm hồn đầy sức sáng tạo.

Đạo Phật cho rằng, con người là một tiểu vũ trụ giữa đại vũ trụ đất trời vô tận, con người cũng được cấu thành từ đất, nước, gió, lửa, những yếu tố vật chất đó nói lên sự vay mượn - phần xác, con người chỉ có cái duy nhất ấy là phần hồn, linh hồn - linh hồn mới là đích thực của chính mình. Xin thắp nén tâm hương lắng lại phút giây tưởng nhớ nhạc sĩ Vi Phong, thầm cầu nguyện cho linh hồn ông ở suối vàng được siêu thoát./.

Nghe ca khúc Cảm xúc Đèo Ngang Tại đây.

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...