Thời xuân sắc của 'Nhạn trắng Gò Công' Phương Dung
Phương Dung ở tuổi đôi mươi với kiểu tóc pin-up (tóc sấy phồng, búi cao) đặc trưng vào đầu thập niên 1960. Giai đoạn này, Phương Dung bắt đầu gây tiếng vang trong làng nhạc với ca khúc "Nỗi buồn gác trọ" (ra mắt năm 1962, Mạnh Phát - Hoài Linh sáng tác). Dù nhan sắc không quá nổi bật, nét ngây thơ, mộc mạc với nụ cười duyên của bà gây thiện cảm với đông đảo khán giả, báo giới thuở đó.
Nhân dịp sinh nhật lần thứ 78 (9/8/1942) của danh ca Phương Dung, người mộ điệu ôn lại thời kỳ đỉnh cao của bà trên nhiều diễn đàn nhạc xưa. Sinh ra ở Gò Công (nay là Tiền Giang), bà lên Sài Gòn khi mới 13 tuổi, tham gia cuộc thi văn nghệ ở đài phát thanh. Được nhạc sĩ Mạnh Phát trau dồi, bà từng bước học luyện thanh và theo con đường ca hát chuyên nghiệp.
Phương Dung trở thành nàng thơ của nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng đương thời, trong đó có Đinh Tiến Mậu - chủ tiệm ảnh Viễn Kính nổi tiếng Sài Gòn trước năm 1975.
Phương Dung hát "Nỗi buồn gác trọ" (Mạnh Phát sáng tác) - bản thu trước năm 1975. Video: Youtube.
Phương Dung hát bolero trong tà áo dài trắng trở thành hình ảnh quen thuộc ở nhiều phòng trà bấy giờ. Sau thành công với ca khúc "Sương lạnh chiều đông" (Mạnh Phát sáng tác), danh ca được nhà thơ - soạn giả Kiên Giang đặt biệt hiệu "Nhạn trắng Gò Công" vì thường thấy bà mặc áo dài đi hát. Suốt nhiều thập niên sau, danh xưng này gắn liền với tên tuổi Phương Dung. Bà từng nói đây là một trong những vinh hạnh lớn nhất nghề hát mang lại, khi có biệt danh gắn liền với quê hương.
Phương Dung đứng chung bìa đĩa với danh ca Bạch Yến. Thời điểm này, nếu Bạch Yến nổi tiếng với ca khúc "Đêm đông" (Nguyễn Văn Thương sáng tác), Phương Dung được hâm mộ không kém với nhạc phẩm "Tím cả rừng chiều" (Thu Hồ sáng tác).
Cuối thập niên 1960, Phương Dung là một trong những giọng ca đắt sô nhất của Sài Gòn. Bà kể, có những đêm bà hát ở bảy tụ điểm, phòng trà. Chỉ trong vài năm, bà thu âm hơn 300 ca khúc, trong đó nhiều nhạc sĩ chọn bà là người hát đầu tiên. Ca khúc "Những đồi hoa sim" (thơ: Hữu Loan, nhạc: Dzũng Chinh) do bà thu với một trung tâm băng đĩa là một trong những đĩa nhạc bán chạy nhất trước năm 1975.
Gần tuổi 30, Phương Dung vẫn giữ được nét mặn mà, khả ái so với thời con gái. Năm 1968, bà kết hôn, ngưng sự nghiệp ca hát, lui về giúp chồng kinh doanh.
Nhan sắc Phương Dung ở tuổi tứ tuần. Cuối thập niên 1970, gia đình bà sang Australia sống, rồi qua Mỹ định cư. Ở xứ người, danh ca vẫn thường xuyên đi diễn, cộng tác với nhiều trung tâm ca nhạc hải ngoại.
Phương Dung vẫn cần mẫn đi hát, ghi hình game show ở tuổi 78. Từ năm 2010, bà thường xuyên về nước, là giám khảo của nhiều chương trình nhạc xưa như "Tình khúc vượt thời gian", "Người kể chuyện tình"... Sau khi chồng qua đời năm 2017, bà càng dồn tâm huyết cho công việc thiện nguyện, giúp đỡ những bệnh nhân và người nghèo tại Việt Nam mổ mắt.
(Nguồn: https://vnexpress.net/)