"Thoáng quê" trong tiếng đàn Bầu
Buổi tối nghe bản nhạc “Thoáng quê” của NSND Thanh Tâm, đêm ấy tôi đã mơ thấy một giấc mơ kì lạ. Thượng đế nói với tôi rằng, khi Ngài sinh ra trái đất đã ưu ái cho dân tộc Việt những làng quê đẹp đẽ và thanh bình hiếm có! Một ngày kia, công dân của những quốc gia khác đã kiện Thượng đế vì sự bất công. Thượng đế chỉ nhẹ nhàng trả lời: các ngươi cứ đợi đó; nếu những người Việt hôm nay không biết gìn giữ vẻ đẹp mà ta đã ban phát, thì sẽ có ngày cái đẹp chỉ còn hiện diện trong tiềm thức như chính bản nhạc này.
Tác phẩm "Thoáng quê" - Sáng tác NSND Thanh Tâm
“Thoáng quê” đã làm cầu nối đưa tôi đến gặp Thượng đế trong một giấc mơ, Ngài đã giúp tôi kiến giải nhiều điều mà tôi đang băn khoăn về bức tranh quê do NSND Thanh Tâm vẽ nên từ những nốt nhạc. Tác phẩm được hoàn thành cuối năm 1996, viết ở giọng Son thứ, đàn Bầu độc tấu cùng tốp nhạc dân tộc, hình thức ba đoạn đơn với phần tái hiện nguyên xi. Chất liệu Chèo cổ sử dụng xuyên suốt tác phẩm, cùng với việc kết hợp hài hòa âm sắc của các nhạc cụ đã tạo nên một bức tranh tuyệt tác về làng quê Việt Nam, nhưng bức tranh ấy đã biến đổi theo dòng thời gian, để rồi cuối cùng người ta phải hoài niệm, phải ước mong và nuối tiếc.
NSND Thanh Tâm (ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Mở đầu phần một, bức tranh quê hiện lên thật ấn tượng. Đó là tiếng sáo trúc véo von ở âm khu cao giống như bầu trời quê lồng lộng, tiếng Cello giữ bè trầm ở âm khu thấp giống như đất quê thiêng liêng, chủ đề chính xuất hiện ở giữa qua tiếng đàn Bầu giống như đời sống thôn quê ấm áp tình người. Tôi cũng như NSND Thanh Tâm hay đa số người Việt khác đều sinh ra từ làng quê, nên khi xa quê thì nỗi nhớ cứ đeo đẳng, lúc nào cũng đau đáu ngày trở về. Hãy lắng nghe tiếng vê của các bè mới thấy được sự băn khoăn nhung nhớ, nỗi nhớ ấy càng nhân lên khi tiếng mõ trường canh xuất hiện, phảng phất những làn điệu Chèo càng làm cho nỗi nhớ quê trở nên da diết.
Nghệ sĩ Thanh Tâm đã tâm sự với tôi về cảm xúc của bà khi viết đoạn mở đầu này: “Quê hương Việt Nam chưa đi xa đã nhớ. Cho dù cảnh vật giờ đây có đổi thay thế nào thì vẫn còn mãi trong tôi những hình ảnh của một ngôi làng yên ả với cây đa, giếng nước, cổng làng đượm màu thời gian. Tôi yêu lắm những dòng sông hiền hòa, đó là nơi bầy trẻ trâu tắm mát, là nơi mẹ và em tôi ra giặt áo mỗi ngày, nơi mà tôi biết có một chiếc thuyền nan cắm sào đợi tôi thuở ấy. Tất cả bây giờ với tôi đã trở nên rất xa, xa lắm để lúc nào tôi cũng nhớ quê đến se thắt cả cõi lòng”.
Điều gì đã làm cho NSND Thanh Tâm nhớ quê đến thế? Và ngay chính tôi khi lần đầu tiên nghe bản nhạc này cũng phải thổn thức nhớ quê!
Thượng đế đã nói với tôi rằng, Ngài không tiếc sự hào phóng để ban phát cho quê hương Việt Nam những cảnh đẹp và cuộc sống thanh bình mà bất cứ quốc gia nào cũng phải ghen tị. Tôi không hoàn toàn đồng ý, bởi tôi thấy Ngài cũng hào phóng ban phát miễn phí cho quê hương tôi đủ loại thiên tai khủng khiếp, Ngài còn làm ngơ để thiên tai ấy càng ngày càng thỏa sức tàn phá.
Thượng đế không tranh luận, Ngài bảo tôi nghe lại bản nhạc “Thoáng quê” để tìm thấy một điểm đặc biệt, giống như trong mâm cơm với những món ăn truyền thống của người Việt lại có thêm món pho mát bên cạnh đĩa mắm tôm. Và tôi nhận ra đó là tiếng đàn Cello trong biên chế dàn nhạc gồm đàn Bầu, sáo Trúc, Nhị, Tứ, Tứ trầm, Tam thập lục và bộ gõ dân tộc.
Khi thai nghén tác phẩm, NSND Thanh Tâm đã sử dụng Hồ trầm chạy giai điệu và giữ bè trầm, nhưng âm sắc của Cello dầy và vang, quãng âm rộng hơn; vì thế mà Cello đã được sử dụng thay thế. Cũng giống như làng quê Việt Nam, tự lúc nào mọc lên một ngôi nhà Tây sang trọng giữa những căn nhà truyền thống. Ngay lập tức căn nhà Tây trở nên hấp dẫn, cứ tưởng xa lạ với văn hóa Việt mà chẳng mấy chốc thành gần gũi thân quen. Phần mở đầu của bản nhạc này cũng thế, giai điệu Cello thật đẹp, thật sắc sảo và tình tứ, nó trở nên thật ý nghĩa trong tốp nhạc dân tộc để cùng tấu lên điệu nhạc. Và dường như tiếng Cello đặc biệt khéo léo trong tiết tấu Chèo cổ, từ nhịp nội chuyển sang nhịp ngoại đã tạo nên những trạng thái thăng hoa cảm xúc xen kẽ những khoảng lặng bình yên. Sẽ không quá khi nói rằng Cello khi hòa mình cùng tốp nhạc dân tộc đã tôn thêm vẻ đẹp của tiếng đàn Bầu khi diễn tấu các kĩ thuật vỗ, láy, luyến, giật đặc trưng của nhạc Chèo.
Song, cái gì cũng có giới hạn của nó. Pho mát để cạnh đĩa mắm tôm trên mâm cơm thuần Việt trong chừng mực nào đó sẽ tạo nên nét độc đáo đặc sắc, nhưng nếu không biết điểm dừng thì sự pha trộn, sự du nhập một cách bừa bãi sẽ phá hoại cả bữa tiệc ngon. NSND Thanh Tâm đã khéo léo chuyển tải thông điệp này trong phần thứ hai của bản nhạc. Thấy nàng Cello xinh đẹp, duyên dáng, tài năng, cứ thế cả đàn Bầu cùng dàn nhạc lao theo, bắt chước nàng phá cách, thay đổi, tìm tòi những cái mới bất chấp truyền thống vốn có của cha ông. Bức tranh quê cũng vì thế mà bị phá vỡ so với trước, không còn cái cảnh đẹp êm đềm da diết, thay vào đó là đủ sự đảo lộn, đủ thứ hỗn độn trong một trật tự mới được gắn với biệt danh rất cao cả là “phát triển”. Tiếng đàn Bầu lúc thổn thức, khi vui nhộn, lúc hò hét được thể hiện qua những nét nhạc ngắn, tiết tấu nhanh, dồn dập, kĩ thuật gảy 2 chiều, cùng với giai điệu phát triển theo hướng đi lên với cường độ tăng dần đến cao trào, có những bước nhảy ngược chiều ở hai quãng tám trong cùng một mô hình tiết tấu để tạo nên xung đột cảm xúc. Trong phần này, chỉ những nghệ sĩ đàn Bầu xuất sắc mới có thể trình diễn được tròn bài mà không bị chênh, bị lỗi phách, bị lạc điệu.
Đến đây thì Thượng Đế nói cho tôi biết rằng: thiên tai ở Nhật Bản là do Thượng đế tạo ra để thử thách người dân Nhật và họ đã xuất sắc vượt qua; còn ở Việt Nam, những thảm họa thiên nhiên càng ngày càng không kiểm soát nổi lại có không ít nguyên nhân từ chính bàn tay của người Việt. Tôi đồng ý với Thượng đế, nếu chỉ là một vài căn nhà Tây thì làng quê Việt Nam sẽ trở nên đẹp hơn, nhưng người Việt quá mải chạy theo những cái mới mà vội đánh mất mình. Họ thấy nhà Tây đẹp nên sốt ruột đô thị hóa nông thôn, thế là đập bỏ tất cả những căn nhà truyền thống, cây cối chặt hết, có những ngôi làng cổ xưa kia giờ không còn một khóm tre, đường làng ngập ngụa chất thải và xú uế, từ đất vườn đến đất ruộng bị xé nhỏ bán xây nhà, ao hồ cũng bị lấp hết, những cánh đồng màu mỡ bị bỏ hoang hoặc xây khu công nghiệp dở dang, rừng bị tàn phá nên sông ngòi cạn nhăn về mùa khô và lũ quét chết người về mùa mưa, mỗi năm có cả chục cơn bão càn hết vùng này đến vùng khác không sao chống đỡ nổi. Cứ tưởng đi qua mấy cuộc chiến tranh, khi hòa bình trên đất nước thì chẳng mấy chốc Việt Nam sánh vai với năm châu bốn bể, nào ngờ ba chục năm đủ để Hàn Quốc hay Singapore trở thành cường quốc trong khi quê hương Việt Nam vẫn đổ nát hoang tàn.
Thượng đế cũng cảnh báo cho tôi biết: thảm họa do trời giáng còn có thể tránh chứ thảm họa do con người gây nên sẽ phải gánh chịu những hậu quả không lường; văn hóa một dân tộc rồi sẽ đi về đâu khi hôm nay trẻ em rất sành điệu trong Pop – Rock, nhưng lại vô khối những người trẻ có bằng cấp trên đại học mà nhìn cây đàn Bầu như vật thể lạ từ trên trời rơi xuống, nhiều người mang danh trí thức mà nghe tiếng đàn Bầu cốt hồn cốt túy của dân tộc cũng chẳng nhận ra. NSND Thanh Tâm là một trong số những nghệ sĩ đàn Bầu hàng đầu Việt Nam, bà cũng không tránh khỏi những đớn đau trước một sự thật hiển nhiên về sự xuống cấp của giáo dục âm nhạc, đặc biệt là việc bỏ rơi âm nhạc truyền thống trong trường phổ thông. Còn tôi thì nhận thấy một điều cay đắng, âm nhạc truyền thống cũng giống như bức tranh quê được cha ông vun đắp cả ngàn năm, vậy mà đang có nguy cơ bị phá vỡ chỉ trong một thời gian rất ngắn bởi chính chúng ta không có ý thức bảo vệ, xây dựng và phát huy vốn liếng quý báu đó.
Đàn Bầu (ảnh: Trần Văn Phúc)
Sau những phong ba bão táp thì bao giờ trời đất cũng yên dịu trở lại, đó là triết lí muôn đời của quy luật tự nhiên. Phần thứ ba của tác phẩm tái hiện lại bức tranh quê vốn có đã nói nên cái triết lí ấy. Để cây đàn Bầu được nghỉ ngơi thư giãn mà lấy lại được bản sắc xưa, tạm gạt nàng Cello xinh đẹp sang một bên, sáo Trúc và Nhị đã đồng điệu tấu lên câu dẫn chậm rãi, ngọt ngào, đằm thắm, đợi khi đàn Bầu hồi tỉnh cùng hòa vào vẽ lại bức tranh quê như một sự hoài niệm, nhớ tiếc. Ngay sau đó, âm hưởng của những điệu Chèo lại được tiếng đàn Bầu đặc tả nhờ sự trợ giúp của Cello nhưng giờ âm sắc đã khỏe khoắn hơn, sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại đã tạo nên vẻ đẹp mới mà lại rất thân quen cho tác phẩm.
Hàng ngàn năm qua, làng quê Việt Nam cũng như âm nhạc truyền thống của người Việt sống trong niềm tự hào vì vẻ đẹp vốn có của nó. Nhưng chỉ mấy chục năm trở lại đây, những mất mát mà chính bản thân người Việt gây ra cho làng quê và cho âm nhạc của dân tộc mình là không hề nhỏ. Trước khi kết thúc bài viết này, tôi xin dẫn ra đây lời tâm sự của NSND Thanh Tâm về chính đứa con tinh thần của bà: “Bản nhạc được tôi viết với nhiều buồn vui lẫn lộn, chuyển tải những thông điệp của cuộc sống qua những nét chạm khắc tinh xảo, đó là những nét chạm khắc bằng âm thanh vào trái tim con người, để ta biết giữ gìn và thêm yêu quê hương đất nước, cả hôm nay và mãi mãi”.
Ghi chú: NSND Thanh Tâm là mẹ đẻ của nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, bà nguyên là Trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, là nghệ sĩ đàn Bầu nổi tiếng của Việt Nam.