Thi sĩ dương cầm

28/04/2020

 

Những người chơi piano hiếm có ai không biết đến Chopin. Ông như biểu trưng của cây đàn và được mệnh danh là nhà thơ của đàn piano.

Frédéric Chopin sinh ngày 1/3/1810 tại Zelazowa Wola, cách Thủ đô Warszawa 46km về phía tây. Cha Nicolas Chopin người Pháp, mẹ Justyna Krzyzanowska người Balan. Thân thế, sự nghiệp của Chopin dường như gắn liền với cây đàn piano như một định mệnh, bắt đầu từ rất sớm. Lúc 6 tuổi, vào một đêm thanh vắng, khi chị em đã lên giường đi ngủ, Chopin lén ra ngoài phòng khách, kê mấy cuốn sách lên ghế để ngồi vào đàn chơi bản nhạc nghe thấy trong mơ. Nghe tiếng đàn văng vẳng phát ra từ phòng khách, bà Justyna thức dậy thắp nến và đã chứng kiến cảnh tượng khiến bà ái ngại hơn là vui mừng. Cậu con trai chưa từng học nhạc đang chơi piano một cách mạch lạc. Bà kể câu chuyện cho chồng nghe. Ông Nicolas Chopin không dấu nổi niềm vui thốt lên rằng: “Đó là chỉ dẫn của định mệnh”.

Chopin từng mệnh danh là “Morzart” (thần đồng âm nhạc), 8 tuổi đã có buổi biển diễn trước công chúng, 12 tuổi bắt đầu sáng tác, tác phẩm đầu tay là một bản Rondo. Năm 1826, Chopin chính thức vào học Nhạc viện Warsaw. Tại ngôi trường này, cậu càng có biểu hiện phi phàm. Thầy Jozef Elsner, lãnh đạo nhà trường từng nhận xét về bản Nocture và Rondo của Chopin rằng: “Nghệ sĩ xem thường các quy tắc do hai nguyên nhân: hoặc là anh ta hoàn toàn không biết quy tắc, hoặc là anh ta biết rất rõ những quy tắc ấy. Anh thuộc loại biết các quy tắc đấy!” Sau đó là hàng loạt sáng tác đưa thầy đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt.

Chopin là nhà soạn nhạc đầu tiên dành cả cuộc đời phụng sự cây đàn piano. Mặc dù, vào khoảng thời gian theo học thầy Jozef Elsner tại Nhạc viện Wasaw, Chopin từng lên kế hoạch sáng tác nhạc kịch. Bấy giờ, nhạc kịch là thể loại thời thượng, được nhiều nhà soạn nhạc thử sức. Mùa thu năm 1828, Chopin lên đường sang Đức. Chuyến đi này để lại nhiều ấn tượng cho cậu, đặc biệt chứng kiến sự thành công của Mendelssohn (1809 - 1847) qua vở nhạc kịch Giấc mộng đêm hè. Chopin mua hai bản tổng phổ nhạc kịch Giấc mộng đêm hè ở hiệu sách tại Đức, một bản tặng thầy Elsner, một bản dùng làm tài liệu nghiên cứu.

Trở về từ Berlin, thầy Elsner tỏ vẻ nghiêm khắc hơn với Chopin. Năm thứ nhất, thầy đánh giá trò “rất có năng lực”, lên năm thứ hai thì ghi: “Có năng khiếu hiếm có”, bước sang năm cuối, trong cuộc tranh luận với người thầy cùng khoa, Elsner khẳng định “Chopin là một thiên tài âm nhạc”. Ông nói với trò: “Con đã trưởng thành đến mức có thể bắt tay vào công việc thực sự”. Chopin chưa hiểu ý thầy lắm và Elsner nhấn mạnh: “Piano dĩ nhiên là một nhạc cụ tuyệt diệu và hơn nữa là một nhạc cụ cần thiết cho chúng ta. Nhưng, không nên sáng tác suốt đời chỉ cho một nhạc cụ. Hãy nhường việc đó cho những nhạc sĩ tầm thường mà tư tưởng của họ không vượt xa quá dãy phím đàn”.

Rõ ràng, Chopin chịu sức ép từ thầy để chuẩn bị cho việc sáng tác Opera. Mùa đông năm đó, Niccoli Paganini (1982 - 1840), nghệ sĩ violin người Ý tới Warsaw biểu diễn. Sự kiện này gây ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp Chopin. Buổi biểu diễn của Paganini diễn ra trong một khán phòng chật kín khán thính giả. Nó gây ấn tượng mạnh mẽ cho người đương thời. Tiếng đàn ma quái, “xuất quỷ nhập thần” của Paganini thu phục hoàn toàn khán thính giả thành phố, trong đó có Chopin. Nơi nào Paganini đi qua dường như đều để lại những lời bình phẩm nhuốm màu sắc huyền thoại, thậm chí bị coi dính dáng với ma quỷ! Từ đó cho thấy, Paganini đã ảnh hưởng như thế nào đối với nhiều nhà soạn nhạc, từ Chopin đến Liszt, từ Schumann (1810 - 1856) đến Glinka (1804 - 1857)… Bỏ qua lời lẽ mang tính chất thêu dệt, Paganini đã mở ra một thời đại, một cuộc cách mạng trong kỹ thuật, nghệ thuật diễn tấu. Chopin nhận thấy khả năng biểu cảm vô cùng phong phú của violon. Trong tay Paganini, nó tựa như một dàn nhạc và Chopin cũng muốn làm điều đó đối với đàn piano. Ấn tượng về Paganini khiến cho Chopin càng thêm kiên định, theo đuổi mục tiêu gắn bó thủy chung với đàn piano suốt một cuộc đời. Cậu bắt tay thực hiện chuỗi tác phẩm mang tính hệ thống. Trước tiên, Chopin gửi đến người thầy đáng kính của mình bản Etude. Theo thông lệ, Etude là một hình thức để luyện tập kỹ thuật, mà người học trò yêu của Beetthoven (1770 - 1827) là Czerny đã đặt nền móng. Đến Chopin, Etude hoàn toàn thoát khỏi bộ khung cứng nhắc của kỹ thuật thuần túy để vươn tới chân trời nghệ thuật vô biên.

Mùa thu năm 1829, Chopin đến Vienna, biểu diễn và đã dành được sự mến mộ của khán thính giả qua biến tấu Laci darem la mano. Ngày 1/11/1830, Chopin chính thức rời Balan bước vào chuỗi ngày tha hương.

Chopin trở lại Vienna, nơi từng chứng kiến sự thành công của mình. Nhưng “Kinh đô Âm nhạc” của châu Âu một thời đã mất đi vẻ huy hoàng. Trong lúc đó, Thủ đô Warszawa lại rơi vào tay Sa hoàng. Tháng 9/1831, Chopin tới Paris, Thủ đô của nước Pháp, và bản Etude Cách mạng đã ra đời trên cuộc hành trình này.

Paris là một sân khấu lớn của châu Âu, nơi thường xuyên nổ ra các cuộc cách mạng về tư tưởng, đề cao quyền tự do. Tại đây, Chopin tham gia nhóm nghệ sĩ tiến bộ, gồm có Franz Liszt (1811 - 1886), một pianist kiêm nhà soạn nhạc người Hungary; Helarich Heine (1797 - 1856), nhà thơ Đức; Honoré de Balzac (1799 - 1850), George Sand (1804 - 1876), nhà văn Pháp… Bầu không khí tự do sáng tạo và ngập tràn khuynh hướng nghệ thuật của “Kinh đô Ánh sáng” tiếp thêm sức mạnh cho Chopin hoàn thành nhiều tác phẩm quan trọng. Có thể nói, đa số sáng tác của ông  ra đời trong những năm tháng sống tại Paris. Ngoại trừ mấy chục ca khúc phổ thơ thuở niên thiếu và giai đoạn cuối đời lấy chất liệu dân ca Balan, còn lại đều viết cho đàn piano, đáng kể như: 2 Concerto, 2 Sonate, 18 Polonaise, 56 Mazurka, 19 Valtz, 19 Nocturne, 4 Impromptu, 5 Rondo, 6 khúc Biến tấu, 4 Ballade, 4 Scherzo, 19 ca khúc, hai tuyển tập “Etude và Prelude”…

 Cả EtudePrelude của Chopin không còn mang dáng dấp của khúc luyện tập hay nhạc dạo thuần túy. Chúng trở thành tác phẩm đong đầy giá trị nghệ thuật, hội tụ cả kỹ xảo lẫn vẻ đẹp về giai điệu, hòa thanh... Bằng “Tuyển tập Etude”, Chopin thực sự tạo nên cuộc cách mạng về kỹ thuật diễn tấu. Khác với kỹ thuật nền tảng mà Czerny đặt nền móng, Etude Chopin vươn tới khả năng biểu cảm phong phú, thể hiện tính đa dạng, kết hợp việc chạy lướt và các quãng... Tác phẩm ẩn chứa nhiều dư địa cho sự sáng tạo, mang hình tượng nghệ thuật rõ ràng. Ngoài Etude đánh số thứ tự theo truyền thống, còn có nhiều tác phẩm gắn với tiêu đề, như Op 10 có:  Waterfall số 1; Chromatique số 2; Tristesse số 3; Torrent số 4; Black Keys số 5; Lament số 6; Toccata số 7;  Sunshine số 8; Arpeggio số 11; Revolutionary số 12… Chúng là bằng chứng cho những ý tưởng ẩn chứa đằng sau tác phẩm. Nếu như Etude của Czerny dành cho những người chập chững mới bước chân vào ngôi đền âm nhạc thì Etude Chopin chính là sách gối đầu giường của các nghệ sĩ. Từ lâu, Etude Chopin đã đưa vào giảng dạy ở khoa Piano tại các Học viện Âm nhạc, đồng thời trở thành tác phẩm độc lập trong chương trình biểu diễn. Có thể nói, Chopin đã mở ra “Etude cách mạng” để dẫn tới Johannes Brahms (1833 - 1897), Camille Saint Saena (1835 - 1921) và đặc biệt là Alexander Nikolayevich Scriabin (1871 - 1915). Scriabin giống như hình ảnh tái sinh của Chopin phỏng chiếu qua chuỗi tác phẩm Etude, Prelude. Mặc dù ngôn ngữ của hai người rất khác nhau, nhưng tinh thần dường như có sự tiếp nối kỳ diệu.

Khác với thời kỳ Baroque, trên bầu trời âm nhạc nổi lên hai vì tinh tú sáng chói là Bach và Handel, đến thời kỳ Cổ điển, ba ngôi sao lớn Haydn, Mozart và Beetheven tụ hội về thành Vienna. Những tên tuổi này đã che khuất nhiều nhân vật khác. Còn tới thời kỳ Lãng mãn, khắp đất trời châu Âu xuất hiện nhiều ngôi sao lớn. Mỗi người đều kiến tạo cho mình một thành tựu mang phong cách riêng. Chopin đã đưa âm nhạc Balan ra thế giới, từ Polonez đến Mazurka, từ Nocture đến Ballad... Tất cả đều mang đậm dấu ấn, phong cách đặc trưng của âm nhạc Ba Lan, bổ sung và làm phong phú thêm cho kho tàng âm nhạc kinh điển thế giới.

Đối với các nhà soạn nhạc vĩ đại, họ đều giống nhau ở một điểm: xuống trần gian thực hiện sứ mệnh lịch sử. Trái tim Chopin đã ngừng đập rạng sáng ngày 17/10/1839. Trái tim ấy được đưa về quê hương Balan để tưởng nhớ một nhà soạn nhạc đã dành cả cuộc đời cống hiến cho cây đàn piano.

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...