Thầy tôi - nhạc sĩ Ca Lê Thuần

22/01/2017

Năm 1968 sau khi tốt nghiệp trung cấp chính quy môn đàn piano ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), tôi được cử đi học Lý luận âm nhạc ở Liên Xô (cũ). Do có một vài trục trặc về giấy tờ, thủ tục nên việc du học của tôi bị hoãn lại. Cũng năm đó, mặc dù đang trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ rất khốc liệt, lại ở nơi sơ tán (Xuân Phú - Bắc Giang), Trường Âm nhạc Việt Nam vẫn quyết định mở chuyên ngành Lý luận Âm nhạc ở trình độ đại học. Thế là từ bỏ giấc mơ du học, tôi quyết định quay lại trường và trở thành một trong bốn sinh viên khóa đầu tiên của chuyên ngành này ở Việt Nam. (Khóa này ngoài tôi còn các anh Trịnh Tân, Quang Hải từ Quân nhạc và Nguyễn Hữu Quỳnh từ văn công Tổng cục Chính trị về học).

Thời gian đó mặc dù chưa hiểu rõ lắm về các hướng nghiên cứu của chuyên ngành Lý luận, tôi đã chọn chuyên ngành Hòa thanh - phức điệu và đã trở thành học trò chuyên ngành Lý luận âm nhạc đầu tiên dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Ca Lê Thuần. Cũng từ ngày đó cho đến nay gần năm chục năm qua, tình cảm gần gũi, thân thiết đã gắn bó  thầy trò chúng tôi.

Nhạc sĩ Ca Lê Thuần sinh ngày 1 tháng 4 năm 1938 tại xã Tân Thành, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre trong một gia đình trí thức có truyền thống cách mạng. Cha ông, giáo sư Ca Văn Thỉnh vừa là nhà giáo vừa là người nghiên cứu lịch sử và viết văn. Mẹ ông cũng là một nhà giáo có nhiều tâm huyết với nghề. Trong số các anh chị em của ông, người là họa sĩ, người là nghệ sĩ sân khấu và người có ảnh hưởng nhất đến các tác phẩm âm nhạc của ông đó là nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân (tên thật là Ca Lê Hiến), người đã để lại rất nhiều áng văn thơ có giá trị, trữ tình mà tràn đầy khí phách anh hùng cách mạng. Trong một số tác phẩm, nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã lấy cảm hứng hoặc phổ nhạc những bài thơ của em trai mình.

Từ nhỏ sống ở quê hương Bến Tre, những câu hò trữ tình mênh mang sông nước, những bài dân ca ngọt ngào, đằm thắm đã ăn sâu vào tâm hồn nhạc sĩ và ảnh hưởng rất lớn đến ngôn ngữ âm nhạc của ông sau này. Khi còn học tiểu học ở quê nhà hay khi học trung học kháng chiến ở tỉnh Bạc Liêu, ông đã tập chơi đàn mandoline và đàn guitare để tham gia các buổi sinh hoạt văn nghệ của trường.

Năm 1954  sau Hiệp định Giơnevơ,  mới 16 tuổi nhạc sĩ Ca Lê Thuần tập kết ra miền Bắc. Thời gian này ông là diễn viên ở Đoàn Văn công Quân giới Phân khu miền Tây Nam bộ, sau đó chuyển về Đoàn Văn công Nam bộ rồi Đoàn Văn công Sư đoàn 330. Ngoài nhiệm vụ là diễn viên chơi một số nhạc cụ, thời gian này ông đã bắt đầu mầy mò tập sáng tác một số bài hát hoặc viết phần nhạc cho các tiết mục múa.

Năm 1957, ông quyết định theo học âm nhạc. Khi đó Trường Âm nhạc Việt Nam mới vừa thành lập được một năm và ông đã trở thành học sinh khóa 2 ngành Sáng tác của Trường.

Năm 1959 ông được cử sang học Sáng tác và Lý luận tại Nhạc viện Ôđetxa (Liên Xô cũ).

Trong thời gian học ở Nhạc viện Ôđetxa, ông đã có một số tác phẩm khí nhạc như: Quê hương tôi trong máu lửa cho piano, Những ngày đã qua cho violon và piano, 8 bản Fuga cho piano và tứ tấu đàn dây…

Năm 1964 do yêu cầu của nhà nước, cùng với hầu hết lưu học sinh các ngành Văn hóa - Nghệ thuật đang học ở nước ngoài, nhạc sĩ Ca Lê Thuần về nước và bắt đầu tham gia giảng dạy tại Trường Âm nhạc Việt Nam.

Khi về giảng dạy ở Trường, nhạc sĩ Ca Lê Thuần cũng như một số nhạc sĩ khác như Tú Ngọc, Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Xinh… đều đang học dở dang, mới hết năm thứ 3 ở các Nhạc viện nước ngoài. Mặc dù vậy, ông cùng các giảng viên khác đã bắt tay vào biên soạn các chương trình, giáo trình cho các môn kiến thức âm nhạc, cho chuyên ngành Lý luận âm nhạc một cách bài bản, chính quy, cập nhật với các kiến thức âm nhạc ở các Nhạc viện nước ngoài. 

Là người được đào tạo chuyên sâu về chuyên ngành Hòa thanh - Phức điệu, nhạc sĩ Ca Lê Thuần đã có công rất lớn trong việc xây dựng chương trình và viết giáo trình hai môn học này ở Việt Nam. Ngoài ra ông còn trực tiếp đào tạo sinh viên thuộc hai chuyên ngành này, góp phần bổ sung đội ngũ giảng dạy cho các cơ sở đào tạo âm nhạc trong cả nước.

Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn nơi sơ tán, nhạc sĩ vừa làm công tác giảng dạy vừa tiếp tục công việc sáng tác. Tác phẩm thành công ở giai đoạn này là 12 bản prélude cho đàn piano. Các prélude của ông không có tiêu đề nhưng  được hình thành trên cảm hứng từ những vần thơ. Ví dụ Prélude số 1 là một bản nhạc trữ tình, diễn đạt tình cảm tha thiết của tác giả đối với Hồ Chủ Tịch, được mở đầu bằng hai câu thơ của Bảo Định Giang:

Tháp Mười đẹp nhất bông sen,

Nước Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

Hay Prélude số 4 được mở đầu bằng hai câu thơ của Xuân Diệu:

 Đất nước ta như một con tàu,

 Mũi thuyền xé sóng mũi Cà Mau.

Năm 1972, ông trở lại Nhạc viện Ôđetxa tiếp tục chương trình học còn dang dở. Trong thời gian này ông hoàn thành một số tác phẩm như: Chủ đề và biến tấu cho đàn piano, Sonate ba chương cho violon và piano và bức tranh giao hưởng Dáng đứng Việt Nam.

Dáng đứng Việt Nam là tác phẩm được nhạc sĩ sáng tác với tình cảm đặc biệt. Cùng với cảm xúc đau thương, phẫn nộ vì quê hương đang chìm trong máu lửa chiến tranh còn là nỗi đau xé lòng khi ông nhận được tin em trai mình - nhà thơ Lê Anh Xuân đã hy sinh anh dũng trên chiến trường Nam bộ. Những dòng thơ đầy cảm xúc, thể hiện khí phách anh hùng, cách mạng của những người chiến sĩ trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 ở Sài Gòn trong bài thơ Dáng đứng Việt Nam của nhà thơ Lê Anh Xuân đã tạo cảm hứng cho ông viết tác phẩm này.

 Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất,

 Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân…

Cũng thời gian này ông hoàn thành luận văn tốt nghiệp Đại học Lý luận âm nhạc với đề tài: Lý thuyết âm nhạc. Đây là một đề tài đi vào nghiên cứu phương pháp giảng dạy âm nhạc nhằm tạo nên sự hấp dẫn, thích thú trong việc học âm nhạc của học sinh.

Sau khi tốt nghiệp, tháng 9 năm 1974 ông trở về nước làm công tác giảng dạy tại Nhạc viện Hà Nội với tư cách là Phó chủ nghiệm khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy.

Năm 1975, sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về miền Nam công tác tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Thời kỳ đầu ông làm trưởng khoa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy, sau đó là Phó giám đốc. Năm 1984 ông được nhà nước phong học hàm Phó giáo sư. Đến năm 1997 ông được đề bạt là Giám đốc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã có rất nhiều đóng góp trong việc phát triển Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh từ một cơ sở đào tạo âm nhạc của chế độ cũ vừa không chuyên, vừa không toàn diện trở thành một trung tâm đào tạo âm nhạc có uy tín trong cả nước.

Trong giai đoạn này, ngoài công việc ở Nhạc viện ông còn đảm nhiệm rất nhiều công tác Đảng, công tác xã hội khác như: đại biểu Quốc hội khóa VII, khóa VIII và khóa IX; Phó trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ Trung ương; Thành ủy viên, Trưởng ban Văn hóa- Văn nghệ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội…

Mặc dù rất bận nhưng ông vẫn không quên công việc sáng tác. Rất nhiều các tác phẩm hợp xướng và khí nhạc đã ra đời trong thời gian này: nhạc cho các vở kịch múa Người con gái đất đỏ (1978), Miền đất mới, Dưới cờ Đảng quang vinh, Bình minh trên bến cảng, Ánh sáng và bóng tối (1980). Hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng: Việt Nam - tiếng hát trái tim ta (1979), Thành phố lên đường (1985), tứ tấu đàn dây Âm thanh đồng bằng (1987)…

Năm 1989 ông đã được giới nhạc sĩ bầu làm Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV (1989-1995). Với phong cách bình dị, trầm tĩnh cùng với tinh thần trách nhiệm cao nên mặc dù cùng một lúc phái đảm nhiệm nhiều công tác quan trọng, nhưng ông đã không phụ lòng tin của những người đã bỏ phiếu tín nhiệm mình.

Từ năm 1991 đến 1996 ông còn đảm nhận nhiệm vụ là Giám đốc Sở  Văn hóa - Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh.

Những tác phẩm tiêu biểu của nhạc sĩ đã sáng tác ở giai đoạn này là: Giao hưởng thơ d-moll (1994), tổ khúc giao hưởng - kịch múa Ngọc trai đỏ (1997), Fantaisie cho haubois và piano (1998), âm nhạc cho kịch múa Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga (1999),  Ballade Symphonique (1999)…

Năm 2000, mặc dù đã nghỉ hưu nhưng ông vấn tiếp tục công việc giảng dạy và cũng từ đó ông đã có nhiều thời gian đề dành cho công việc sáng tác, một công việc quan trong bậc nhất của một nhà soạn nhạc.

Từ năm 2001, ông là tổng thư ký Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh.

Cũng vào năm 2001, ông được vinh dự nhận Giải thưởng nhà nước cho các tác phẩm âm nhạc của mình, một phần thưởng xứng đáng với những đóng góp của ông cho nền âm nhạc nước nhà.

Các tác phẩm trong giai đoạn này ngoài nhiều ca khúc, ca khúc hợp xướng, hợp xướng với dàn nhạc giao hưởng, ông còn viết nhạc cho các vở kịch, vở cải lương hay viết nhạc cho điện ảnh. Có thể kể một vài tác phẩm tiêu biểu như: tác phẩm cho dàn nhạc thính phòng Thành phố quê hương (2000), hợp xướng - giao hưởng Bài ca Việt Nam (2001), Âm vang Bình Dương (2002), giao hưởng một chương Mặt trời và niềm tin (2001)… Đặc biệt ông có hai tác phẩm thành công, được biểu diễn nhiều ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khác, đó là Concerto cho piano và dàn nhạc gồm 3 chương, giọng Es-dur (2006) và opera Người giữ cồn hoàn thành năm 2009. Tác phẩm này được công diễn lần đầu tiên ở nhà hát Tây Đô - Thành phố Cần Thơ trong hai đêm 22 và 23 tháng 4 năm 2010.

Nói đến nhạc sĩ Ca Lê Thuần,  không thể không nhắc đến những đóng góp của ông trong lĩnh vực đào tạo. Ông là một trong những giảng viên đầu tiên xây dựng và giảng dạy chuyên ngành Lý luận âm nhạc ở Trường Âm nhạc Việt Nam nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Những giáo trình của ông biên soạn lúc bấy giờ cho đến nay vẫn được các thế hệ học trò của ông ứng dụng và tiếp tục bổ sung những kiến thức mới để giảng dạy ở các cơ sở đào tạo âm nhạc lớn trong cả nước.

Khi chúng tôi chuyện trò với nhạc sĩ Ca Lê Thuần, ông thường nói, ông luôn coi nghiệp nhà giáo của mình là quan trọng nhất. Ông rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục âm nhạc và hết lòng dạy bảo, giúp đỡ, động viên những nhạc sĩ trẻ, lớp học trò của mình.

Với phong cách thoải mái, giản dị và phương pháp truyền đạt dễ hiểu, hấp dẫn cùng trình độ chuyên môn vững vàng, sâu sắc, nhạc sĩ Ca Lê Thuần là một nhà sư phạm uyên bác, mẫu mực. Với học sinh ông luôn có lòng khoan dung, kiên nhẫn và tận tâm nên đã dành được nhiều tình cảm quý mến, chân thành của các thế hệ học trò. Cho đến nay, rất nhiều học sinh của ông đã trưởng thành. Họ mặc dù đã là những giảng viên trong các nhạc viện, là những nhà nghiên cứu âm nhạc hay các nhạc sĩ sáng tác… Nhưng họ vẫn luôn luôn nhớ đến thầy Thuần với tình cảm quý mến và lòng biết ơn sâu sắc.     

Nhạc sĩ Ca Lê Thuần mất khoảng 9h30 sáng 20/1/2017 ở Bệnh viện Thống Nhất, TP HCM sau bốn tháng điều trị tai biến.Tang lễ PGS nhạc sĩ Ca Lê Thuần diễn ra từ 17h ngày 21/1 đến hết ngày 23/1 tại nhà tang lễ TPHCM. Lễ động quan diễn ra vào lúc 8h ngày 24/1, linh cữu của ông được đưa đi an táng tại nghĩa trang TPHCM.

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...