Thấy gì trong vai trò âm nhạc cổ truyền nơi học đường?
Những người làm âm nhạc chuyên nghiệp rất dị ứng với việc nghe đàn chênh hát “phô”, hoặc cảm thấy như bị tra tấn khi phải sử dụng một cây đàn sai dây. Cái tai của “dân” nhạc chuyên nghiệp nhận thấy ngay sự thiếu chính xác nếu có của người thợ lên dây đàn piano, dù ngày nay họ làm công việc này bằng máy đo điện tử hẳn hoi.
Những nốt nhạc phô chênh, những độ cao không chuẩn xác có thể làm ta bực bội đến “khó ở”. Những quãng nghịch làm ta cảm thấy bất an. Nhớ lại ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng tôi - những mầm non âm nhạc khi ấy rất ngưỡng mộ và thán phục trước một giai thoại đề cao khả năng cảm âm của một nhà soạn nhạc châu Âu, ông ta đã không thể chịu nổi khi ai đó đánh trên đàn một hợp âm nghịch rồi bỏ đi, khiến ông phải nhào tới bên đàn để làm cái việc mà thính giác đòi hỏi: giải quyết về hợp âm chủ.
Âm chuẩn - âm “phô”, âm thuận - âm nghịch..., tất cả những cặp khái niệm nói trên đều được đo đạc theo tiêu chuẩn của lí thuyết âm nhạc phương Tây. Chúng “ăn sâu” vào thính giác cũng như khả năng cảm âm của những người làm âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam thông qua chương trình đào tạo tại các nhạc viện. Rất ít học viên Nhạc viện được trời phú cho đôi tai tuyệt đối, nghĩa là sinh ra đã có khả năng nghe absolute, đa số còn lại có được “thính giác chuyên nghiệp” đều là kết quả của hàng loạt phản xạ có điều kiện trải dài theo nhiều tháng năm học hành. Đương nhiên, dài lâu nhất, in sâu nhất là chương trình đào tạo chính quy 16 năm.
Chỉ tới lúc tiếp xúc nhiều hơn với việc nghiên cứu âm nhạc truyền thống, tôi mới nhận ra sự thiệt thòi của chính mình và của rất nhiều đồng nghiệp khác: “lỗ tai” một khi đã được “Tây hóa” trong suốt quá trình đào tạo lâu dài, đã bị đóng đinh vào các âm chuẩn “đồ - rê - mí” rồi, thì không còn quen thuộc với các bậc “non - già” ngàn đời của tổ tiên nữa. Từ chỗ không quen thuộc dễ đi đến khó tiếp nhận. Hậu quả của sự khó tiếp nhận đó chẳng được lường trước và cũng chưa được thấu hết.
“Thính giác chuyên nghiệp” đã khiến ta chẳng mấy dễ chịu khi nghe những giai điệu viết trên năm dòng kẻ vang lên một cách “lơ lớ” trên nhạc cụ cổ truyền, và độ chênh vênh càng gia tăng nếu giai điệu đó được chơi đồng âm bằng nhiều nhạc cụ cùng loại như thường thấy trong các dàn nhạc dân tộc kiểu mới. Hàng chục (thậm chí hàng trăm) cây đàn violon cùng tấu lên mà nghe vẫn “như một”. Nhưng không thể đòi hỏi như vậy với một tốp chục cây nhị, bởi nhạc cụ ta được chế bằng tay, chứ không theo công nghệ sản xuất hàng loạt.
Có lẽ cũng xuất phát từ “thính giác chuyên nghiệp” theo tiêu chuẩn phương Tây mà trước đây khá nhiều người đã hăng hái lao vào con đường “cải tiến” nhạc cụ cổ truyền, và cố dựng nên dàn nhạc dân tộc tổng hợp với quy mô lớn, với đủ “tổ bộ” như mô hình dàn nhạc giao hưởng phương Tây. Cho đến nay, mô hình này vẫn tiếp tục tồn tại trong khoa nhạc cụ truyền thống tại Nhạc viện, tiếp tục thay thế cho hình thức hòa tấu cổ truyền ngẫu hứng đang có nguy cơ “diệt vong”. Không “diệt vong” sao được nếu như nó không có mặt tại học đường, bởi đào tạo chính là cách bảo tồn thực chất nhất.
Lại trở về với những kỉ niệm thời sinh viên, khi được yêu cầu giới thiệu về nhạc cổ truyền Việt Nam cho thầy giáo và các bạn ngoại quốc, tôi đã nhận thấy mình thật không may, thật đáng trách, vì hơn chục năm học nhạc trong nước - học nhạc cùng lúc với bắt đầu học chữ mà chẳng biết sử dụng một cây đàn cổ truyền nào, còn vốn hiểu biết về âm nhạc dân tộc thì quá nghèo nàn, chỉ thuộc lõm bõm dăm bài dân ca, thứ dân ca vẫn được châm biếm gọi là “dân ca đài, quan họ đài”, trong đó giai điệu cũng như lời ca đã được “đương đại hóa” và “hương đồng gió nội” tất phải ít nhiều bay đi.
Bao nhiêu thế hệ sinh viên lí luận âm nhạc ở Việt Nam chỉ học đánh piano, trong đó không ít người được đào tạo như pianist, chứ không bắt buộc phải học một nhạc cụ cổ truyền nào cả. Ngay tiêu chuẩn tuyển vào cao học và tiến sĩ lí luận ở Nhạc viện hiện nay vẫn chỉ cho phép thi một nhạc cụ là piano. “Đầu vào” và đào tạo như vậy, ai dám chắc “đầu ra” đáp ứng được yêu cầu thực tế nghiên cứu âm nhạc cổ truyền?
Chương trình đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp của chúng ta trên đà hướng tới “khoa học tiên tiến”, luôn đặt mục tiêu so sánh để phấn đấu là những “tiêu chuẩn quốc tế”, “tầm cỡ thế giới”, nên đã bỏ qua và gần như quên lãng những kinh nghiệm ngàn đời tích lũy trong lối dạy truyền khẩu truyền ngón của tổ tiên. Tại sao truyền thống ứng tác ứng tấu của ông cha không được kế thừa một cách xứng đáng? Tại sao khả năng “biết nghe nhau” trong hòa tấu cổ truyền lại không nổi trội ở nhạc công đương đại? Tại sao việc rèn luyện trí nhớ âm nhạc không thể là thế mạnh trong đào tạo nhạc mới? Bao nhiêu cái không có được ấy đều đã từng hiện hữu, từng là nguyên tắc thiết yếu trong âm nhạc cổ truyền!
Học sinh ngày nay học đàn qua mắt nhiều hơn qua tai, vì chẳng mấy giảng viên có “máu biểu diễn” và thường xuyên tập tành để đủ tự tin thị phạm trước học trò. Trò hầu như không được nghe thầy diễn tấu để bắt chước, để cảm nhận bài học bằng thính giác âm nhạc. Quen bám sát những nốt nhạc, vốn liếng thuộc lòng không được là bao ngoài vài bài quy định theo chương trình, rời bản nhạc ra nhiều khi “nhạc công tương lai” chẳng còn biết “đánh” cái gì nữa. Cứ tiếc, cùng với môn “thị tấu” học được của Tây - nghĩa là nhìn nốt đánh ngay, giá như học sinh nhạc viện được rèn luyện nhiều hơn, hữu hiệu hơn bằng “thính tấu”, là tôi cứ tạm gọi vậy, để chỉ cái việc nghe rồi nhắc lại trên đàn - một phương pháp thực ra không mới và chẳng xa lạ gì, các cụ kị ta vẫn làm để truyền nghề suốt bao đời đó thôi.
Vai trò của âm nhạc truyền thống chưa được nhìn nhận và phát huy đúng mức ngay trong đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp, thì trong các học đường không chuyên, trong giáo dục âm nhạc đại chúng nói chung khó mà hi vọng sự thể lại tươi sáng hơn. Cựu sinh viên nhạc viện còn chưa phân biệt được ca trù với chầu văn, thì hiện tượng các trí thức khoa học tự nhiên coi chèo với dân ca là một, lẫn lộn giữa làn điệu chèo với quan họ... đâu phải chuyện bịa đặt. Không thiếu những “chuyện thật như đùa” kiểu này: người mẹ trí thức ru con bằng bài hát của ban nhạc thần tượng Beatles, hết “bài tủ” rồi mà con chẳng ngủ, mẹ liền chuyển sang hát hành khúc cách mạng(!).
Sẽ là lạc quan tếu nếu ta cố tin rằng nhạc cổ truyền vẫn giữ vị trí xứng đáng trong đời sống âm nhạc của con người thời điện tử. Ngày càng nhiều em bé được ru ngủ bằng nhạc pop-rock qua cassette, CD. Em chẳng biết đến những điệu hát “à ơi”, “ầu ơ” của mẹ về những thân cò lặn lội, về những nhớ thương ngọt ngào đã từng là bài học âm nhạc đầu tiên của rất nhiều nhạc sĩ Việt Nam. Em lớn lên, không phải giữa các câu vè, điệu hát đồng dao của những trò chơi dân gian cùng chúng bạn, mà đơn độc trong thứ âm thanh máy móc vô hồn vô cảm của các trò game điện tử. Không biết đến những cuộc hát giao duyên giữa đất trời thiên nhiên, những cuộc tao ngộ giữa nghệ nhân đàn hát với khách thơ, hay những cuộc hòa tấu tài tử đầy ngẫu hứng... Tuổi mới lớn, tuổi trưởng thành và cả tuổi sồn sồn thời đại chúng ta đều đang tìm thấy thú vui âm nhạc trong một phát minh của thế kỉ XX: karaoké!
Giờ thì chắc ai cũng thấy cần đưa âm nhạc cổ truyền vào học đường - học đường chuyên nghiệp cũng như không chuyên ngành âm nhạc. Chỉ có điều làm sao cho việc này huy động được không những chất xám của các nhà nghiên cứu âm nhạc, dân tộc nhạc học và giáo dục âm nhạc, mà cả công sức của các ngành biểu diễn, xuất bản, tin học, các tổ chức truyền thông đại chúng...
Để nhạc truyền thống trở thành chương trình sống động hấp dẫn trên học đường, trước hết phải đưa âm nhạc cổ truyền trở về với không gian sinh hoạt vốn có của nó, phải tìm ra hình thức phù hợp vừa học vừa chơi cho tuổi nhỏ, vừa học vừa thưởng thức cho tuổi lớn hơn, và nhất thiết phải trả lại cho con người đương đại tiếng nói âm nhạc đích thực của tổ tiên, kể từ tiếng mẹ ru, bài học âm nhạc đầu đời cho mỗi công dân tương lai của đất nước.
3-5-2003