Thanh Lam, 'người đàn bà hát' sinh ra để yêu và được yêu

15/07/2020

Tôi gặp Thanh Lam ở cuộc họp báo show diễn Khúc hát phiêu ly vào 10/7 để gây quỹ ủng hộ chữa bệnh hiểm nghèo cho nhạc sĩ Phó Đức Phương, người mà chúng tôi đều rất yêu quý. Như nhiều lần gặp khác, tôi vẫn luôn ngỡ ngàng vì nhan sắc của Lam. Lam đẹp thật! Nhìn Lam ở khoảng cách gần tôi cứ muốn so sánh với nàng Venus de Milo của Alechxandros tại Paris. Thậm chí tôi nghĩ nhan sắc của Lam còn sinh động và hoàn hảo hơn nhiều. Lam không chỉ đẹp vào những ngày này, trong "cơn say nắng” với người yêu mới mà Lam lúc nào cũng đẹp. "Giời cho Lam nhiều quá", nhiều người nói thế, nghĩ thế và họ chờ "Giời sẽ làm gì (hành hạ ra sao) với những đứa con mà Giời ưu ái?".

Giời cho bao nhiêu, từ khi nào? Giời cho Lam được làm con nhạc sĩ Thuận Yến và NSƯT Thanh Hương nên 3 tuổi Lam đã biết hát rồi vừa học hát với cha vừa học đàn với mẹ. Lên 9 tuổi, Lam vào Nhạc viện (NV) học đàn tỳ bà hệ 11 năm. Tuổi niên thiếu của Lam đã luôn bận bịu vì phải vừa học phổ thông, học nghệ thuật vừa đi biểu diễn với các đội “Chim sơn ca” và “Họa Mi” hay nhà văn hóa quận huyện... 

Song tôi nghĩ, Giời có cho là chỉ cho cái niềm say mê cháy bỏng trong hình hài một đứa trẻ xinh đẹp. Và chính cái niềm say mê cháy bỏng ấy đã thôi thúc Lam buộc Lam phải chịu khó, phải kiên trì, phải luyện rèn để vượt qua trăm ngàn cái khó mới có thể tới đích. Ai đã từng học, nhất là các môn nghệ thuật sẽ thấy để đặt được một dấu ấn, để có được một chỗ đứng, để cái tên được vang lên sẽ thấy cái khó chả phải chỉ có trăm có ngàn mà phải là tỷ tỷ…

Lam kể, hồi nhỏ được cha mẹ yêu chiều lắm nhưng mỗi khi xao nhãng học hành, mỗi khi phá cách một cái gì đó đều bị cha nhắc nhở. Nhưng nhắc thì nghe, Lam vẫn làm theo những gì Lam muốn và Lam thích với một ý nghĩ: "Phải thế mới hay" (điều mà các nhà sư phạm đều ngầm công nhận nó tạo ra sự khác biệt). Ngay cả đến nhạc sĩ Thuận Yến cũng bất ngờ, khi 12 tuổi, một mình đi thi Festival âm nhạc thiếu nhi tại Đức, Thanh Lam đã vừa hát vừa tự đệm đàn guitar (mà guitar không phải là môn học bắt buộc tại trường, Lam tự học).

Cứ như thế, hầu như Lam luôn một mình xử lý “mọi chuyện” của mình trên sân khấu. Từ 1984 cho đến 2000, năm nào Thanh Lam cũng ra nước ngoài biểu diễn. Có lần Lam nhận Giải nhất tại Đức, bài hát được ghi âm và phát hành ngay tại Liên hoan đó (1986). Khi thì Lam được bình chọn là ca sĩ được yêu thích nhất (tại Cu Ba -1989) và nhiều giải khác… Nhiều lắm, nếu kể hết có lẽ phải làm một bản thống kê, nhưng thôi chỉ kể thêm giải Giọng hát vàng Asean với bài Không thể và có thể (Phó Đức Phương) và Khát vọng của Thuận Yến để rồi chúng ta nói sang việc Thanh Lam đã sống như thế nào với giọng hát và nhan sắc của mình.

Người ta vẫn nói đàn bà chỉ cần sở hữu một trong hai “vũ khí” lợi hại là giọng hát và nhan sắc rất dễ bị sát thương, Thanh Lam có cả hai. Làm chủ một chất giọng nữ trung - mezzo alto vô cùng hiếm đầy nội lực, có mẫn cảm đặc biệt về âm thanh, Thanh Lam lại còn có kỹ thuật thanh nhạc cực tốt, có thể hát C3-F5 (2 quãng tám cộng 3 note) lên được nốt cao nhất, xuống được nốt thấp nhất, lại còn trầm và sâu, thể hiện tốt cả những nốt phụ (cực khó) tạo ra một sự cổ quái, huyền bí.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương dù khó tính đến mấy cũng vẫn luôn tỏ ra hài lòng khi nghe Thanh Lam hát Không thể và có thể, Một thoáng Tây hồ… Ông bảo Thanh Lam là "hiện tượng của một năng lượng lớn, một cá tính mạnh, một của hiếm và một 'ca' không thể… kiểm soát nhưng lại tạo ra điều khác biệt và khiến cho tác phẩm của ông đạt đến độ mỹ mãn".

Lam có bản lĩnh trong nghề nghiệp, tác phẩm khó đến mấy Thanh Lam cũng hát được. Còn nhớ báo chí hồi năm 1999 có đưa tin Thanh Lam thu âm 2 bài hát (Một thoáng Tây Hồ, Biển cười) tại Pháp, trong album Asian Sessions của Niels Lan Doky – một nhạc sĩ Jazz nổi tiếng của Đan Mạch. Sau đó, cô cùng với Doky biểu diễn tại 30 thành phố ở nước này để quảng bá cho CD Asean Sessions. Tờ Berkingske Tidende đã tường thuật về chuyến lưu diễn Âu châu của 2 người, trong đó có đoạn: "... trong Night Song của Niels, Thanh Lam đã phối hợp những yếu tố của nhạc Folk và Pop và nâng chúng lên trình độ cao hơn trong một phong cách đầy duyên dáng bằng giọng hát cực kỳ quyến rũ... Cô hát lời Việt, diễn đạt một cách nồng ấm, rõ ràng và đầy thi vị... Đó là một buổi diễn với toàn bộ xúc cảm được khơi động, từ sự tĩnh lặng sâu xa của bản độc tấu dương cầm của Doky, cho tới sự đam mê mãnh liệt qua những bài hát do Thanh Lam, một ca sĩ tuyệt đẹp trình bày...".

Nhạc cảm tốt, dĩ nhiên rồi! Ca sĩ nào chả phải có nhưng để hát được tất cả những note khó không chỉ cần nhạc cảm. Tôi nghĩ Thanh Lam hoặc có từ trong máu hoặc ảnh hưởng 11 năm học đàn tỳ bà, nghe mãi, nghe nhiều, học nhiều tiếp thu tốt lối hát của dân gian từ cách nhả chữ, đổ hột, nảy âm của chầu văn, ca trù kết hợp một cách sáng tạo với bản sắc riêng của mình Thanh Lam nghiễm nhiên được công nhận là người đứng đầu bảng xếp hạng. Thậm chí có người còn cho rằng Lam mở đường và định hướng cho nhạc nhẹ Việt Nam ở sự kết hợp Đông - Tây.

Ai cũng công nhận Thanh Lam là người đi tiên phong trong việc kết hợp này. Hát khép chữ (lấy độ vang ở sau chữ) như hát ru, hát dân ca, ca trù, quan họ được hay đã khó, kết hợp với lối hát mở, mở rộng âm thanh tạo ra những quãng vang, rộng nhưng vẫn tròn vành rõ chữ, hát có kịch tính Thanh Lam là số 1, là trong số ít các ca sĩ Việt hội nhập được với ca sĩ quốc tế.

Người sành nhạc không chỉ thích nghe Thanh Lam với những tác phẩm của các nhạc sĩ nhiều chất “dị” như Phó Đức Phương (khó về nhịp, về note, phải trường sức thì mới không hết hơi, nói chính xác là Việt “khẳn” hoàn toàn), hay Thanh Tùng (lãng mạn, pop kinh điển, nhạc nhẹ… ) Lam còn hát những bài hát của cha mình - nhạc sĩ Thuận Yến, hay của các nhạc sĩ khác như: Trịnh Công Sơn, Lê Minh Sơn, Quốc Trung… Lam đặt dấu ấn của mình vào từng bài hát và có thể gây ra hiệu ứng “nghiện” cho người thưởng thức. 

Đàn bà đã tài lại đẹp, đã nồng nàn tự khi còn trong nôi lại còn quá quyến rũ từ ánh mắt nụ cười và thời trang tránh đâu cho thoát lưới tình? Có khi cũng tự mình quăng lưới. Có gì xấu? Chả có gì xấu cả. Giời cho nhiều thì bắt tội nhiều, Giời cho đi bao nhiêu quãng đường gập ghềnh phải đi ngần ấy. Có người mới đi một quãng là ngã không dậy được, là mất hút như “mẹ hàng lươn” vào trong đống đổ nát, hoặc vào trong nhung lụa để rồi như một con rối. Nhưng Thanh Lam, cuộc tình nào cũng vậy, dư âm của nó rồi cũng thoảng qua, rồi cũng như là, phải thế, con đường số phận của Lam phải có... Lam nhận ra điều đó, nhận ra bước đi của số phận hay nói cách khác, Lam hiểu mỗi người là mỗi tự gánh số phận của mình qua việc tự đọc để biết: “Ta là ai, từ đâu đến và sẽ đi về đâu”.

Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là đây. Là một Thanh Lam từ bản năng, xốc nổi đến một người có những câu nói như triết gia. Tôi từng thích ca sĩ Mỹ Linh vì điều này, tôi hay trao đổi với Linh về sách, nhiều cuốn rất khó đọc, Linh cũng không ngán. Nay tôi lại thấy Lam. Lam bảo, bắt đầu “giác ngộ” từ một chuyến đi Tây Tạng. Tôi thì cho rằng Tây Tạng hay Đức Đà lai Đạt Ma hay những cuốn sách về Đức Phật là điều đã có sẵn trên con đường Lam đi nhưng phải đến đúng cái lúc Lam được gặp và ngay lập tức cô nhận ra. Bây giờ, trò chuyện với Thanh Lam thật thú vị, chẳng những theo kịp những triết lý cuộc sống mà tôi nói đến, Lam còn am hiểu và dùng những chữ rất thú vị để làm vấn đề đang nói sáng tỏ hơn. Vẫn là người có trực giác tốt, vẫn dựa vào sự chân thành, mạnh mẽ của bản năng nhưng biết kiểm soát.

Trong Lam bây giờ không chỉ là người đàn bà hát, mà là một “tổng hòa của các mặt đối lập”, mạnh mẽ mà dịu dàng, lãng mạn phóng túng mà cũng giữ nguyên tắc, thăng hoa bao nhiêu trên sân khấu thì đảm đang và khéo léo bấy nhiêu trong căn bếp nhà mình với những bữa ăn tự nấu và tự “sắp đặt” có thẩm mỹ.

Lam đã từng viết nhạc, viết lời một số bài hát trong album Tự sự. Mới đây, trên trang cá nhân một số bài viết ngắn, cho thấy Lam ưa triết lý, ngược hẳn với trước đây thường bột phát. Ví dụ: “Chỉ tình yêu mới nảy sinh tình yêu. Ta yêu người, được người yêu và từ đó sản sinh ra năng lượng. Tình yêu và sự thiện là 2 loại cảm xúc có trường năng lượng lớn mạnh nhất trong vũ trụ…”, hay “ tác phẩm không được viết ra từ trái tim, từ cái thật thì sâu sắc làm sao được… Chỉ người có tri thức thật mới dám đưa ra sự thật và chỉ có sự thật mới chạm tới trái tim…". 

Tôi hỏi Lam cách gìn giữ nhan sắc, sức khỏe, nếu đơn giản như trước, Lam sẽ nói: "Cháu tập Yoga, đi bộ". Nhưng Lam không chỉ nói thế, Lam bảo không chỉ luyện mà còn phải tu. Luyện chỉ mới tốt cho thân, còn tu thì tốt cho tâm, thân tâm phải hài hòa. Dĩ nhiên, chúng ta đều hiểu chữ tu không đơn nghĩa. Khi tu luyện thân tâm con người tiến dần đến bờ giác, tự hiểu về mình, biết về đời và sáng tạo ra cách ứng xử nhân văn nhất, hài hòa nhất mà con người mong muốn. Lam đã qua rồi thời trực tính, thời giông bão, chỉ giữ nó khi đứng trên sân khấu hát cho cuộc đời. Lam bảo, giờ Lam biết chọn điểm rơi cho chính xác. Sống đời thường cũng cần kinh nghiệm, cũng phải chuyên nghiệp (có nguyên tắc), cũng dựa trên triết lý và có một tư tưởng chứ không hồn nhiên thế nào xong việc thì thôi.

Vậy thì, Lam xứng đáng để có một tình yêu mới, có bạn đời mới mà không sợ một lần nữa bấp bênh, mà nếu có bấp bênh chắc cô cũng biết cách xử lý sao cho không đổ. Lam hiện đang yêu một người và được yêu lại. Họ nồng nàn cùng nhau, say mê nhau, khám phá ở nhau những năng lượng tích cực và biết bỏ qua cho nhau những điều vụn vặt. Anh là bác sĩ nhãn khoa, cũng đã trải qua một lần hôn nhân, vợ mất. Anh bảo gặp Lam là tình cờ nhưng tôi nghĩ, đó là số phận xui khiến, đó là cái duyên đến giờ thì hiện.

Những người tài hoa có được nhau không dễ, giữ được nhau càng khó, tôi thầm mong Lam và vị bác sĩ sẽ hạnh phúc bên nhau tới cuối con đường.

(Nguồn: https://vietnamnet.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...