Thấm mãi cái duyên Xuân Hồng
Tôi quen thân Xuân Hồng vào khoảng giữa năm 1967, tại Khu Văn công Cầu Giấy Hà Nội – nơi đóng quân của Đoàn Văn công Quân giải phóng sắp lên đường đi biểu diễn ở một số nước Xã hội chủ nghĩa. Tướng tá anh Ba Xuân Hồng coi có vẻ “bặm trợn”, to con, mập mạp, nước da tai tái sẫm màu. Anh luôn mang chiếc xắc cốt bằng da bên hông, giống cán bộ tham mưu tác chiến, chớ không giống tác giả Bài ca may áo và Xuân chiến khu mà bấy lâu tôi hằng tưởng tượng.
Trước đó vài năm, bộ phận công tác B của Ban Thống nhất Trung ương giao cho tôi một số bài hát từ miền Nam gởi ra, trong đó có Bài ca may áo, Xuân chiến khu, Qua sông v.v… Tôi nhận viết phần đệm để thu tiếng cho Đài phát thanh Giải phóng.
Tôi còn nhớ khi tốp ca nữ của Đoàn Ca múa miền Nam dàn dựng Bài ca may áo mà không kiếm được những chiếc khăn rằn chính hiệu của miền Nam cho nên họa sĩ N.A.Đ bèn lấy sơn ta vẽ chằng chịt những đường dọc ngang trên những tấm lụa cho các cô ca sĩ mặc sức thể hiện. Khi choàng ngang vai, khi quấn quanh cổ, rồi lại lau chấm những giọt mồ hôi trên má mà gởi gắm chút tình đến các anh giải phóng quân. Ai dè hôm sau, mấy cô trong tốp ca bị dị ứng sơn ta, mặt mày sưng vù, vừa nóng vừa ngứa! Trên đường xuống nhà ăn tập thể, tôi gặp một cô sao thấy lạ hoắc, đang còn ngỡ ngàng thì cô ta kêu lên: “Em là A.Đ đây mà! Trời đất! Bài ca may áo đó hả!?
Từ chiến trường miền Nam ra Bắc, anh Xuân Hồng dành dụm số tiền nhuận bút và tiền truy lãnh, anh liền tậu chiếc xe máy dầu hơi bị… cũ kỹ! Anh được bố trí ở số 10 Đường Thành. Cứ mỗi đêm anh cùng với Cương (nhạc công kèn từ Văn công Quân giải phóng ra Bắc dưỡng bịnh), hai thầy trò hì hục tập lái xe, xe bình bịch này thường hay dở chứng, làm reo. Nó là “cục nợ” của “Già làng sóc Bom Bo” đó…
Anh Ba Xuân Hồng có cái duyên chơi chữ. Từ năm 1969, anh được cử đi học đại học sáng tác tại trường Âm nhạc Việt Nam, Hà Nội. Trong lớp anh là người lớn tuổi nhất, được các bạn đồng môn gọi là Bác Ba. Vì vậy, anh hay nói đùa, tự xưng là nhà “Bác Học”, tức là đến tuổi “Bác” mà còn đi “Học”!
Đầu năm 1970, tôi chuẩn bị lên đường về chiến trường miền Nam, chúng tôi kéo đến căn phòng của anh Ba làm một bữa tiệc chia tay. Chúng tôi quây quần ngồi lai rai trên nền gạch. Anh Ba cao hứng ôm đàn ghi ta, chúm chím miệng nghêu ngao bài Cây dừa mới ra lò:
- Quê hương ơi! Đẹp lắm những cây dừa. Trái xanh ngoài xanh trong trắng bốn mùa nước ngọt lại trong như tấm lòng người dân Việt Nam thủy chung…
Rồi anh Ba nhìn tôi, nhắn nhủ mấy câu: “Mầy về trỏng nói với anh Tư Siêng và các anh em khác, Xuân Hồng đang “học đại” (đại học), cố gắng lượm được vài hột bỏ bụng để còn trở lại chiến trường có ít vốn liếng mà xài”…
Về cái “Duyên Xuân Hồng”, trong tản văn Giữa trưa, bỗng nhớ Xuân Hồng của L.G có đoạn: “…Tạo hóa thật buồn cười! Tôi bỗng nhớ anh Ba Xuân Hồng, sao ảnh có một chuyện cứ kể hoài, nhất là lúc xe đang chạy ngang qua cánh đồng trưa nắng gắt, nhìn thấy mấy cái chòi chăn vịt xa xa. Ảnh chỉ tụi tôi: Đó, đó… thấy gì không? Tụi tôi nói đâu, có thấy gì đâu, chỉ thấy gió rượt nắng chạy có sao muốn nổ đom đóm. Ảnh nói nhằm nhò gì, có ông Thổ địa dắt ông Thiên Lôi ở trên trời xuống tham quan phàm trần, coi công việc mần ăn, cải thiện đời sống nhân sinh tới đâu! Ông Thiên Lôi chợt nhìn vô chòi chăn vịt, rồi liền hỏi ông Thổ Địa, rằng… thì là, hai người đó đang làm cái gì? Ông Thổ Địa mau mắn kề tai ông Thiên Lôi nói nhỏ, đại ý là dạ dạ… họ đang mần ăn!! Ông trên trời tỏ vẻ vừa ngạc nhiên vừa bức xúc liền hỏi: Thế chừng nào họ thu hoạch? Ông dưới đất đáp: Dạ… khoảng chín tháng mười ngày sau ạ! Ông trên trời tỏ vẻ thông cảm – Thiệt là tội nghiệp! Chuyện đó đâu có gì gấp mà họ mần coi bộ gấp gáp quá há!? Hết chuyện!
…Tụi tôi cười rộ như mọi khi, tưởng chuyện cũ mèm khó bán vé, nhưng chúng tôi vẫn cười vì anh Ba Xuân Hồng có tài kể chuyện, ảnh kể có duyên, còn chép chép cái miệng thêm thắt tình tiết tục mà thanh”.
*
* *
Trong lời giới thiệu tập Tuyển chọn ca khúc Xuân Hồng, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước nhận xét: “Trong ca khúc Xuân Hồng, thật khó phân biệt được chỗ nào tác giả đã xây dựng câu nhạc dựa theo cốt cách lời ca là văn vần, và chỗ nào đã phổ lời ca theo nhạc điệu, vì nhạc và lời gắn bó mật thiết với nhau. (…) Với Xuân Hồng một thủ pháp nổi bật, mà có lẽ chưa nhạc sĩ nào đạt tới, là chăm sóc “cước vận” – vần câu cuối – đồng thời tận dụng với hiệu quả lấp lánh của “yêu vận” – vần giữa câu”.
• Như trong Bài ca may áo:
- Máy may nhanh rừng xanh vọng tiếng. Chí căm thù ta biến thành tơ…
- Áo may xong mùa đông đã đến. Gởi chút tình thương mến về anh. Áo xếp nhanh chờ anh giải phóng
• Trong Xuân chiến khu:
- Mai này xuân về hoa nở khắp nhà, tìm anh bộ đội em tặng món quà, cùng anh kể chuyện đã qua những ngày chiến chinh đời anh xông pha…
• Trong Tiếng chày trên sóc Bom Bo:
- Có ai đi về phía hàng cây, mời vô đây cùng nghe khúc nhạc hay, khúc nhạc đêm nay dùng nhịp đệm bằng chày…
- Nay dẫu còn gian khổ, mồ hôi ta đã đổ, làm nương phá rẫy giữ lấy quê hương. Người hậu phương tiếp lương gùi đạn, ta bên bạn là bạn bên mình, cùng đồng tình là giặc thua ta…
• Trong Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh:
- Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh quang vinh. Ôi đẹp biết bao, biết mấy tự hào. Sài Gòn ơi, cả nước vẫy chào. Cờ sao đang tung bay cao, qua hết rồi những năm thương đau. Xa ba mươi năm nay đã gặp nhau, vui sao nước mắt lại trào…
• Trong Người mẹ của tôi:
- Khi con đi qua khắp nẻo đường nghe đau thương chìm trong khói hương. Mong sao cơn mưa gió vô thường, không lung lay làm rớt hạt sương…
Tài điêu luyện đó của anh Ba Xuân Hồng là sự kế thừa và phát huy từ trong vốn liếng thơ ca dân gian và âm nhạc truyền thống do ông bà ta để lại, đem lại những “khoái cảm thẩm mỹ hồn nhiên cho công chúng; dù hát bằng miệng hay nghe bằng tai, lời ca và nhạc điệu thấm “ngọt” vào tận ruột gan”.
Bài nói vè Bậu lỡ thời, gồm 26 câu, vốn phổ biến khắp Nam Bộ. Điệu nói vè này trêu ghẹo những cô gái (con nhà giàu) đến tuổi cập kê mà cứ kén chọn, cho đến lúc phải chịu cảnh ế chồng. Là một bài vè được diễn xướng khá độc đáo: hai người thay nhau đối đáp, người này xướng câu trước, người nọ đế câu sau như lối đối đáp:
Gốc tre khô người ta còn chuộng
Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang
Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy
Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
Giấy trôi sông người ta còn vớt
Bậu lỡ thời như ớt chín cây
Ớt chín cây người ta còn hái
Bậu lỡ thời như nhái lột da
Nhái lột da người ta còn xáo…
Nhạc sĩ chọn bài vè bình dân (vốn nghèo giai điệu), bắt đầu từ câu thứ bảy (Ớt chín cây…) “xào nấu” thành Bài ca may áo một cách tài tình.
Bài bản Bình bán vắn vốn được lưu truyền từ lâu, tựa hồ như đã hóa thành một câu ca cửa miệng từ tuổi ấu thơ:
Trăng kìa trăng lú lên
Hai đứa mình xúm xít ngồi chơi.
Xuân Hồng khai thác bằng cách biến tấu (kết hợp với bài Liễu Thuận Nương) để làm ra ca khúc Xuân chiến khu mang nhịp đập hơi thở thời đại trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Sử dụng giai điệu dân gian như là yếu tố âm nhạc đầu tiên của bài hát, sau đó nhạc sĩ có thể tự do phát triển, vừa bám lấy cốt cách của dân ca, vừa làm giàu hình tượng âm nhạc mà tác phẩm muốn thể hiện.
Ví dụ, dựa vào môtip của điệu Lý bình vôi:
Lỡ bằng tay/ rớt bằng bể/ ông bằng bình/ vôi bằng vôi
Chủ bằng gia/ bắt bằng được/ đọa bằng đày/ xứ bằng xa…
Xuân Hồng mở đầu Tiếng chày trên sóc Bom Bo mô phỏng nhịp chày giã gạo. Còn Huỳnh Thơ cũng bắt đầu bài Những cô gái đồng bằng sông Cửu Long bằng nét nhạc lấy từ điệu lý trên. Chính nét nhạc (âm điệu và tiết điệu) dân ca đã trở thành cái đà đẩy đến sự sáng tạo tiếp theo của hai ca khúc.
*
* *
Anh Ba Xuân Hồng sinh ngày 12 tháng Hai năm 1928 tại xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Cùng tuổi Mậu Thìn trong giới nhạc sĩ sáng tác Việt Nam có trên mười “con rồng”, như Hoàng Việt, Trần Hoàn, Văn Lưu, Văn Cận, Văn Ký, Lương Ngọc Trác, Trần Chung, Ngô Sĩ Hiển, Nguyễn Mạnh Thường, Huy Sô, Quốc Anh. Thật xứng đáng là những “Rồng Vàng” trong âm nhạc.
Nếu tính bài hát đầu tay là Chiến khu Trà Vông viết năm 1950 đến ngày anh qua đời (14-5-1996) thì anh có hơn 45 năm hoạt động sáng tác, và để lại cho đời trên dưới 100 ca khúc. Có lẽ anh thường bị chi phối bởi những công việc quản lý ngành nên ít quỹ thời gian tập trung vào việc sáng tác.
Anh viết nhạc không hề chạy theo số lượng mà đề cao đến chất lượng. Anh chịu khó tìm tòi sáng tạo, ủng hộ cái mới nhưng vẫn phê phán những thứ lai căng, đua đòi. Từ Bài ca may áo (1961), Xuân chiến khu (1963), Tiếng chày trên sóc Bom Bo (1966) đến Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (1975) rồi Người mẹ của tôi (1989) với Gương mặt mùa xuân (1996) ta nhận thấy phong cách mang “nhãn hiệu Xuân Hồng” ngày càng định hình và phát triển một cách sáng giá.
Anh Bảy Hoàng Việt đã từng thề thốt: “Cho đến chết mới hết sáng tác cho đời”. Còn anh Ba Xuân Hồng thì “sắp chết vẫn chưa hết sáng tác cho đời”. Dường như anh đã linh cảm sắp lìa khỏi cõi đời này, cho nên trong 4 tháng đầu năm 1996, anh vừa chống chọi lại bịnh tật, vừa hối hả hoàn thành 7 ca khúc cuối cùng. Đó là Gương mặt mùa xuân, Đà Lạt cuối thu (thơ: Phan Ngọc Thường Đoan), Biết nói cùng ai (thơ: Hồ Thụy Mỹ), Khi người lính trở về (thơ: thượng tướng Trần Văn Trà), Người đẹp phố tôi (thơ: Vân An), Hồn hoa (thơ: Lê Minh Quốc) và Đứng giữa đồng không (thơ: Vũ Hữu Định).
TP HCM 4-2007