Thái Thị Liên - Người gánh sứ mệnh "Xây dựng và đưa nghệ thuật piano Việt Nam sánh ngang tầm quốc tế” (Phần 1)

19/11/2019

1. Gia đình và chặng đầu gian truân

Từ giữa thế kỷ XIX, Việt Nam bước vào thời kỳ tăm tối với cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Lục tỉnh Nam Bộ là nơi đầu tiên rơi vào tay kẻ ngoại xâm, trở thành “Nam kỳ thuộc Pháp”. Trong bối cảnh ấy, đã có những gia đình thượng lưu trí thức giàu có tại đây vào “làng Tây”, trở thành “dân Tây”. Mang quốc tịch Pháp, nhưng nhiều người trong số họ vẫn luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Gia đình cụ Thái Văn Lân là một trong những trường hợp như thế.

Người con thứ hai của cụ - bà Thái Thị Lang, học piano và sáng tác tại Nhạc viện Cao đẳng Quốc gia Paris, nhưng vẫn luôn tâm niệm: "Là người An - nam, tôi ưa thích những xúc động cảm nhận được khi nghe những giai điệu dân gian. Nguồn dân ca vô tận đó là một kho báu đối với người sáng tác". Tương tự bao nhạc sĩ khác của thời tiền khởi nghĩa đã đưa âm điệu dân tộc vào sáng tác ca khúc, Thái Thị Lang là người Việt Nam đầu tiên chuyển soạn những bài dân ca nhạc cổ của quê hương thành những tiểu phẩm cho piano - một cây đàn phương Tây du nhập nước ta chưa lâu. Người con thứ ba - ông Thái Văn Lung, tuy mang quốc tịch Pháp, nhưng chỉ 3 tháng sau khi trở về nước, đã tham gia sáng lập tổ chức Thanh niên Tiền phong, rồi chỉ huy lực lượng vũ trang cách mạng tại Thủ Đức, khiến quân đội viễn chinh phải kiềng nể khi nghe danh “bộ đội Thái Văn Lung”. Bị địch bắt, dụ dỗ và tra tấn vô cùng dã man, ông vẫn kiên trung không hé nửa lời. Ước nguyện trước khi trút hơi thở cuối cùng trong tù là: “Tôi chết không có gì ân hận. Tôi sung sướng đã làm tròn nghĩa vụ. Nếu em còn sống và được tha, em nhắn lại các chiến hữu của chúng ta lời nói sau cùng của tôi ″Hãy cố gắng đạt tới mục đích chung sau ngày thắng lợi”. Người con gái kế sau sinh ngày 4/8/1918 lại có một số phận riêng đặc biệt. Định mệnh dường như đã chọn cô để trở thành người gánh vác một công việc cho đất nước sau này, khi Nhà nước Cách mạng non trẻ giành lại Độc lập, Tự do cho đất nước từ ách đô hộ của ngoại bang. Cô gái ấy là Thái Thị Liên, người hội tụ được tinh anh của cả chị và anh liền kề.

Trên bước đường của cuộc đời, cô gái trẻ đã xe duyên cùng ông Trần Ngọc Danh, Trưởng Phái đoàn Đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris - nơi cô đang du học piano. Vào năm 1946. Ba năm sau, theo chồng sang công du tại Tiệp Khắc, cô có cơ hội hoàn thành chương trình đại học và trở thành người Việt Nam đầu tiên có trình độ piano ở bậc đại học. Con đường của cô như đã an bài: theo nghiệp piano và phục vụ cho Nhà nước Cách mạng.

Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Praha (Tiệp Khắc), năm 1951 Thái Thị Liên đưa con gái 22 tháng tuổi trở về nước đúng vào lúc cuộc Kháng chiến của dân tộc bước vào giai đoạn cao trào. Cuộc đời của người phụ nữ trẻ đột ngột chuyển sang một bước ngoặt mới đầy gian truân. Được sinh ra từ nhung lụa và sống sung sướng tại “Hòn ngọc Viễn Đông”- thủ đô Paris của nước Pháp - Trung tâm Văn hóa lớn của châu Âu trong nhiều thế kỷ, người phụ nữ ấy phải trải qua những thử thách hết sức lớn lao mà ngay cả những đấng mày râu không phải ai cùng hoàn cảnh xuất thân cũng vượt lên nổi. Cuộc sống đạm bạc tại vùng núi hẻo lánh nơi nhà tranh, vách đất ở chiến khu Việt Bắc - quá khác xa cuộc sống nơi phồn hoa đô hội, lại phải vừa chăm sóc con nhỏ, vừa ngược xuôi lo thuốc thang chữa chạy căn bệnh hiểm nghèo cho chồng, rồi vò võ một mình sinh thêm cậu con trai chưa kịp thấy mặt cha …, nhưng Thái Thị Liên không suy sụp. Người góa phụ xuất thân “cành vàng lá ngọc” ấy vẫn không rời bỏ vị trí, tiếp tục dấn thân trong những hoạt động âm nhạc phục vụ kháng chiến. Không rõ số mệnh đã ban cho, hay tấm gương kiên trung bất khuất của người anh  - Thái Văn Lung, đã truyền cho người phụ nữ trẻ ấy sức mạnh và một nghị lực phi thường để vượt lên tất cả, tiếp tục một mình nuôi dạy các con và kiên trì theo cách mạng đến cùng với trọng trách lịch sử mà định mệnh đã dành cho cô?

2. Nỗ lực và những thành tựu ban đầu

Quả thực, khi kết duyên cùng nhà hoạt động cách mạng, cô gái trẻ chẳng hề hay biết rằng mình là người đã được chọn để sau này giữ vai trò trụ cột trong việc xây dựng Khoa Piano của Trường Âm nhạc Việt Nam, trở thành nòng cốt cho chuyên ngành nghệ thuật mới mẻ mà Nhà nước Cách mạng đã quyết định tiếp thu của phương Tây và vươn lên sánh vai cùng bốn biển năm châu. Thời khắc mà lịch sử chính thức đặt trọng trách lên vai người phụ nữ này đã đến khi Trường Âm nhạc Việt Nam - cơ sở đào tạo âm nhạc chính quy đầu tiên trong hệ thống đào tạo quốc gia ở nước ta, được thành lập vào năm 1956. Từ đó, suốt hơn 20 năm, Thái Thị Liên liên tục đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Khoa Piano của Trường và dồn hầu hết tâm lực vào việc thực hiện công việc đó.

Những tưởng trở về sống trong thời bình giữa thủ đô với gia đình ấm cúng cùng nhà thơ Đặng Đình Hưng, cuộc sống sẽ bớt vất vả hơn. Thế nhưng, số phận vấn tiếp tục thử thách. Va vấp với những gian truân mới, người phụ nữ nhỏ bé lại một lần nữa gồng mình nén nỗi đau, chịu đựng cuộc sống “thắt lưng buộc bụng” trong suốt những năm tháng miền Bắc phải chống trả các cuộc không kích ác liệt của Mỹ. Ngày ngày bà vẫn tận tụy chăm sóc dạy dỗ cả bốn đứa con chồng, con mình, vừa truyền nghề cho các học trò, vừa tập luyện, biểu diễn.

Từ lâu, Thái Thị Liên đã xác định mục tiêu lớn của cuộc đời mình: hết lòng vì sự nghiệp đào tạo những thế hệ nghệ sĩ piano trẻ cho đất nước sao cho nghệ thuật piano nước nhà tiến kịp và sánh vai với các nước phương Tây. Mục tiêu ấy chính là động lực thúc đẩy người giảng viên - nghệ sĩ dồn tâm sức vào công việc đào tạo với tất cả tâm huyết của mình. Vừa đòi hỏi khắt khe - có khi đến “khốc liệt”, sự lao động nghệ thuật nghiêm túc để đạt tới những kỹ năng và sự toàn bích của loại hình nghệ thuật cao siêu này, vừa dành tình yêu thương trìu mến cho các trò, hoài bão cống hiến của bà dần trở thành hiện thực. Từ sự miệt mài lao động của cả thầy và trò, một đội ngũ giảng viên và nghệ sĩ piano trẻ do bà đào tạo đã lần lượt “ra lò”, trở thành nòng cốt cho việc kế tục sự nghiệp mà bà cùng các giảng viên đầu tiên của Khoa gây dựng từ những ngày đầu thành lập Trường. 

Được sự hỗ trợ của các chuyên gia Ba Lan, Triều Tiên và các bậc thầy piano Liên Xô… Khoa Piano lớn mạnh dần. Những thành tựu đầu tiên của hai nghệ sĩ piano trẻ Việt Nam được cử đi học ở nước ngoài đã đến - với những giải thưởng trong hai cuộc thi piano quốc tế, vào năm 1980. Chẳng những làm nức lòng những người yêu nghệ thuật trong nước, đó còn là cột mốc đánh dấu bước khởi đầu của người Việt Nam trên con đường vươn lên tầm cao quốc tế trong một loại hình nghệ thuật của phương Tây...

Thế nhưng, với bản tính luôn luôn tiến tới, lại là nhà sư phạm, trái tim, khối óc của người giảng viên ấy không chịu dừng lại ở việc tận tụy truyền dạy kỹ năng, tri thức về nghệ thuật biểu diễn piano cùng những tác phẩm kinh điển thế giới. Cùng chí hướng với Hiệu trưởng Tạ Phước trong công cuộc dân tộc hóa các giáo trình dạy và học các nhạc cụ của phương Tây và “dựa trên nhu cầu thực tế của nước nhà, dựa theo đường lối (dân tộc, hiện đại) của Đảng (…) trong ngành Nghệ thuật nói chung và ngành Âm nhạc nói riêng” - như bà từng thổ lộ, Thái Thị Liên nhận thức rõ sự cần thiết của việc soạn những giáo trình piano ở Việt Nam. Giáo trình ấy phải có những bài Việt Nam - dân ca cũng như tác phẩm soạn cho piano do nhạc sĩ Việt Nam sáng tác. Chị gái bà - Thái Thị Lang, đã đi đầu trong việc chuyển soạn một số bài dân ca, nhạc cổ của đất nước, nhưng cần có các bài dễ hơn để ngay từ những ngày đầu chập chững, các trò nhỏ đã có thể làm quen với âm điệu của nước nhà bên cạnh những tác phẩm của thế giới. Hơn nữa, bà cũng biết rất rõ: thiếu những bài luyện tay, học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn khi tập những làn điệu dân ca và những tác phẩm xây dựng trên các thang năm âm rất phổ biến trong nhạc cổ truyền Việt Nam. Cặm cụi suy nghĩ, thể nghiệm, bà lại cho ra đời bản thảo những bài luyện ngũ cung trên đàn piano. Với những bài luyện ấy, Thái Thị Liên là người đầu tiên ở Việt Nam đã đặt những viên gạch đầu tiên, cho công cuộc ngũ cung hóa phương pháp học đàn piano - một cây đàn trong suốt quá trình từ khi ra đời và phát triển hàng mấy trăm năm vốn chỉ được định hình để chơi hệ thống nhạc với hàng âm diatonic 7 bậc và 12 bán âm chromatic.

Là Chủ nhiệm Khoa, Thái Thị Liên lôi cuốn, động viên các đồng nghiệp, nhạc sĩ và giảng viên trẻ cùng tham gia xây dựng một giáo trình piano mang bản sắc Việt Nam. Ước mơ về bộ giáo trình ấy dần trở nên hiện thực. Hai tập giáo khoa đầu tiên cho piano “Phương pháp học đàn piano”, do người Việt Nam xây dựng đã thành hình với những bài chọn lọc từ các giáo trình nước ngoài cùng những bài luyện, tiểu phẩm, dân ca, dân nhạc Việt Nam do bà và một số nhạc sĩ, đồng nghiệp trong Khoa biên soạn. Vậy mà, khát khao xây dựng “bộ giáo trình piano chính quy mang bản sắc riêng của Việt Nam” vẫn không ngừng cháy bỏng trong bà. Nỗi khát khao ấy tuôn trào khẩn thiết trong “Lời nói đầu” của bộ giáo trình dẫn: “Đây là một công trình bước đầu trong ngành sư phạm về Piano của nước ta, được soạn bằng tiếng Việt, với tỷ lệ bài Việt Nam tương đối khá (60%). Tuy vậy chúng tôi chưa được thỏa mãn với bước đầu này.

Kết thúc “Lời nói đầu”, bà viết: “Chúng tôi kêu gọi các bạn sáng tác âm nhạc, các bạn hiểu kỹ thuật piano hãy viết nhiều hơn nữa cho con em chúng ta để giúp cho chúng tôi có đủ giáo tài mà đào tạo nên những mầm non nghệ thuật của đất nước”. Đó là những đóng góp, nhiệt huyết và ước vọng đầy ý nghĩa mà người phụ nữ mảnh dẻ tràn trề nghị lực và hoài bão cống hiến cho dân tộc - bất chấp số phận trĩu nặng những gian truân, đau đớn trong cuộc đời riêng tư.

(Còn nữa)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...