Tân nhạc Việt Nam dưới mắt Jason Gibbs

10/01/2020

Sau nhiều năm bỏ công sức nghiên cứu âm nhạc Việt Nam (từ năm 1993), Jason Gibbs (hiện đang làm việc ở Thư viện Công cộng San Francisco, Mỹ) đã cho ra đời nhiều bài tiểu luận về tân nhạc Việt Nam, cũng như phân tích ảnh hưởng của phương Tây đối với âm nhạc Việt Nam.

Các bài viết này được tập hợp và in thành sách "Rock Hà Nội, Bolero Sài Gòn - Câu chuyện tân nhạc Việt Nam" (Nguyễn Trương Quý dịch, Phanbook và NXB Đà Nẵng ấn hành 2019), một công trình công phu mà nếu không dành tình yêu đối với âm nhạc Việt, tác giả khó có thể làm được.

Cũng như nhiều nhà nghiên cứu đi trước, Jason Gibbs bị hấp dẫn bởi tân nhạc Việt Nam từ thuở khởi phát những "bài ta theo điệu Tây" đến những bản nhạc trẻ. Dưới mắt người khách lạ, bức tranh tân nhạc Việt hiện lên từng khung hình một, xâu chuỗi nhau thành một bức tranh tổng thể giúp người đọc hình dung được tiến trình lịch sử của tân nhạc.

Là một người phương Tây, tác giả Jason Gibbs hiểu câu chuyện âm nhạc từ buổi bắt đầu. Ở đó, ông biết những tác động của âm nhạc phương Tây đến âm nhạc Việt Nam, đã làm thay đổi diện mạo của một loại hình nghệ thuật, đồng thời đánh dấu sự thay đổi của giới sáng tác, khán giả về cách tiếp nhận một nhân sinh quan mới.

Câu chuyện tân nhạc Việt Nam là câu chuyện dài, nhiều thăng trầm và đầy biến động, mà không phải ai cũng kiên nhẫn lắng nghe huống chi tìm hiểu, nghiên cứu. Đọc danh mục tài liệu tham khảo của Jason Gibbs mới thấy hết sự tận tâm của ông, khi không ngại đào xới lịch sử để có cái nhìn chân thật về một thời kỳ đã thành quá vãng. Các tiểu luận của ông, một cách gián tiếp, là chỉ dấu để người đọc tìm kiếm thêm những tài liệu bên ngoài cuốn sách. Trong hình thức những bài rời, các tiểu luận cho thấy sự tiếp cận của ông ở mức cố khái quát hóa và truy ngược về nguồn. Thông qua những bài báo viết trong thời điểm đó, Jason Gibbs không chỉ tái dựng không khí xã hội, nơi mà những thanh âm của nhạc ngũ cung nhường chỗ dần cho âm nhạc Tây phương. Nơi mà cùng với thời gian là sự hưng thịnh rồi thoái trào của những loại hình trình diễn sân khấu như "hát ả đào".

Viết về những sự kiện này, trong giọng của Jason Gibbs ta thấy rõ có nhiều tiếc nuối. Dù khước từ đi sâu vào phân tích cảm tính chất lãng mạn, đôi khi sướt mướt vốn thường gặp đối với đại bộ phận công chúng yêu nhạc Việt Nam khi nhắc về nhạc tiền chiến hay bolero, ông cũng không giấu được sự lay động trước thứ tình cảm phương Đông, tiếng nói từ phương xa của ông đánh thức con người bản xứ trong ta một thứ tình luyến lưu với chính nền âm nhạc của mình. Cứ như nghe lại một câu chuyện cổ tích và nhận ra ẩn sau cái vỏ giản dị của nó là cả một bài học.

Là một người chơi nhạc, bản thân ông đã có mối gắn kết sâu xa với tâm hồn những nhạc sĩ. Là một nhà nghiên cứu, ông chú trọng vào nhạc thuật, những đặc điểm ngôn ngữ, từ đó mới nhận ra mối tương giao giữa đời sống với âm nhạc. Quá trình xây dựng tác phẩm này, ông cũng tự hoàn thành danh mục hàng ngàn bài hát cho chính mình. Biết tiếng Việt, ông có thể phân tích ca từ để từ đó phát ra được một thứ cảm thức chung tác động đến các nhạc sĩ đương thời. 

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.