Tản mạn về người thầy hạnh phúc

03/07/2013

Vào lúc 19h00, ngày 27/6/2013 (nhằm ngày 20/5 âm lịch), nhạc sĩ Hoàng Nguyên (tức Hoàng Công Nghê) - nguyên giảng viên thanh nhạc, nguyên trưởng khoa Giao hưởng - Thanh nhạc - Phím, Học viện Âm nhạc Huế - đã vĩnh viễn ra đi. Lễ Truy điệu vào lúc 15h00, ngày Thứ Ba 02/7/2013 (nhằm ngày 25/5 âm lịch), Lễ Di quan lúc 5h00, ngày Thứ Tư 03/7/2013 (nhằm ngày 26/5 âm lịch). 

Xin trân trọng kính báo và trích đăng bài viết của nhạc sĩ Dương Viết Hòa với những kỷ niệm đẹp về cố nhạc sĩ Hoàng Nguyên.


Ảnh 1: nhạc sĩ Hoàng Nguyên là người ngồi ngoài cùng


Ảnh 2: nhạc sĩ Hoàng Nguyên là người đứng bên phải hàng sau cùng

Bỗng hắt lên một giọng nam cao ngân rền và dịu sáng, rất dài và liền mạch, với một lối ngân rung (vibrato) chẳng thể lẫn vào đâu được. Nếu tiếng (giọng) ngân rung của GS-NSND Trung Kiên là những đợt sóng bạc đầu, thì tiếng (giọng) ngân rung của NSND Quang Thọ là những cơn địa chấn hào sảng. Nếu tiếng (giọng) ngân rung của PGS-NSND Lô Thanh là những cánh diều núi đong đưa trong vút thì tiếng (giọng) ngân rung của NSND Bùi Gia Khánh là những chuỗi thạch ngọc thủy bích hóa hồn…

Còn ông, mỗi lần nghe tiếng hát của ông, nghe rồi thấm, rồi cảm cái tiếng (giọng) ngân rung róng rảy của ông, chẳng hiểu sao từng lúc, tôi lại nghĩ đến một dòng sông nước lợ với những cơn sóng dài, lăn tăn, dập dồn, với những vòng xúc xích của lưỡi liềm trăng bạc, có u minh quang phổ riềm lửa lưỡi đuốc… Từng lúc, lại liên tưởng đến một dây tóc kết đuôi sam, hay một chuỗi dây hoa, khi thì được kết bằng những cánh hoa nàng nàng xinh xinh, khi lại được tết bằng những sợi lá dừa xanh thẫm - sáng mềm, mượt óng, mà dung dị, đầy sự truyền cảm, đam mê…

Rồi lúc ông bỗng hát một bản aria nào đó, cái sáng mềm lại lấp loáng ánh lòe của một vừng vương miện hào nhoáng, cái mượt ấm hòa tan trong một chuỗi chromatique cổ kính của những bậc thềm thời gian khắc nghiệt và cái dung dị Lọ lem nhảy múa trong những âu đài tráng lệ đêm vũ hội hóa trang…

Giọng hát ấy, như một mũi tên, còn ông, một xạ thủ điêu luyện - ông bắn vào tĩnh lặng, ông bắn vào rêu phong, ông bắn bia, ông bắn kẻ thù và bắn vào trái tim người ta bằng mũi tên của thần Ê-rốt…

Sự lạ, có khi ông hát mà nghe như đang trò chuyện, lại có khi ông đang trò chuyện lại cứ ngỡ ông đang recitatif (hát nói) - Người ta thấu hiểu được sự tình, cảm nhận được tâm tình của ông, những gì mà ông muốn nói - Thế là thành công rồi chứ còn gì nữa - Ở đời mấy ai chịu ngồi để hiểu người khác đâu - Ấy là những lúc ông thị phạm một câu nào đó, một quãng nào đó cực khó, một phụ âm tắc luyến vòng, một cái luyến đắp bờ… rất phức tạp gay go, mà ông hát cứ dễ như chơi, cứ như ông chính là một cái luyến vòng, cứ như ông là một khúc xàng xê uy nghi huy hoàng mà êm ái dung dị, đang thủ thỉ tâm tình bỗng òa vui náo nhiệt, đang dày vò kịch tính bỗng bồng lên êm ái du dương - có sự Động, có sự Tĩnh - mà lại liền mạch, mà lại gắn kết -Cái kết giao của Bản ngã, cái Logic biện chứng của Tiềm thức - có sự nền nã vút cao và cái hào khí hùng hồn của những tầng thấp… Đó chính là giọng hát của ông - nghệ sĩ Hoàng Nguyễn (Hoàng Công Nghê) - giảng viên thanh nhạc Học viện Âm nhạc Huế.

Lâu lắm rồi, hình như hồi ông mới tu nghiệp ở Nhạc viện Sofia (Bun ga ri) mới về, tôi và ông có nói chuyện về quả cầu Hem bôn - về sự kỳ diệu của cộng minh làm nên sự cộng minh kỳ diệu, về những sự tác động kỳ lạ của những dải âm thanh với các điểm nút trùng, những sóng ngang, sóng đứng và định luật thứ hai của Tô mơc Iâng phát triển trong lý thuyết Điện - Sinh lý thanh nhạc do Raun Huy xông (Pháp) khởi xướng. Tôi nói chuyện với ông về Thời trị, về các hệ số Vay xa của Sơvacxơ và cái máy phân tích giọng hát…

Ông nói:

-Việc xác định, phân loại giọng hát ai cũng hiểu đấy là công việc đầu tiên và quan trọng bậc nhất đối với học sinh khi mới bắt đầu học hát - một trong những điều gây tác hại lớn (ông dùng chữ “tác hại chết người”…) là xác định nhầm loại giọng. Cũng như ông xây dựng đọc nhầm bản vẽ thiết kế, hay ông bác sĩ điều trị đọc nhầm bệnh án ấy mà… Nhưng ở ta, công việc quan trọng ấy xưa nay vẫn chỉ dựa vào chủ quan của ông thầy là chính, tức là chỉ dừa vào tai nghe, trình độ và kinh nghiệm của ông thầy, chẳng có máy móc nào hỗ trợ cả. Người thầy thông qua những đặc tính về âm sắc, thông qua tầm cữ âm vực từng giọng và thông qua vị trí các nốt chuyển giọng (một cách tương đối) để xác đinh, phân loại từng giọng hát. Học sinh mới bước vào trường, hầu hết cac em đều chưa thể có được một âm vực rõ ràng, đầy đủ, ổn định, đặc biệt ở âm khu cao. Bởi vậy phải tốn rất nhiều thời gian và công phu để theo dõi, phân tích, so sánh, kết luận, thậm chí cũng phải vận dụng cả những kinh nghiệm chủ quan, cảm tính, cả những linh cảm đầy tính tâm linh, cả nhân tướng học nữa… Chẳng hạn, những người nhỏ bé, thanh thoát, nhanh nhảu thì thường có giọng hát cao, những người to lớn, chậm chạp thường có giọng hát trầm… Nghĩa là như ông bác sĩ vừa phải vận dụng những phương pháp kỹ thuật tiên tiến, vừa phải vận dụng cả kinh nghiệm và phương pháp cổ truyền của thầy lang nữa… Tuy nhiên, khi gặp những giọng có âm sắc và âm vực tương đối giống nhau, như giọng nam trung trữ tình (Baryton) với giọng nam cao kịch tính (Tenor) chẳng hạn, chúng đều vang, khỏe, âm thanh tròn, đầy đặn và có âm sắc ấm áp, mềm mại… hay như giọng nữ trung (Mezo Soprano) với giọng nữ cao kịch tính (Soprano), cũng đều vang khỏe, âm sắc ấm áp, êm dịu… thì chỉ còn có cách duy nhất là phải chú ý đến vị trí nốt chuyển giọng, tức là điểm phân chia giữa các khu vực của các âm thanh mở và đóng - mà học sinh mới vào nghề chưa có một chất giọng, một âm sắc, một âm vực rõ ràng, đầy đủ, ổn định. Làm sao các em hiểu được thế nào là nốt chuyển giọng, vị trí nốt chuyển giọng nằm ở đâu. Qua giảng dạy mấy chục năm nay cho thấy, phần lớn những người mới vào nghề đều chỉ hát một cách tự nhiên, với một tầm cữ âm vực rất hạn chế, hát ở âm khu ngực với toàn bộ âm thanh mở, giọng hát có nhiều tạp âm, không ổn định, không bền. Trong thực tế lại có những giọng nam cao mà toàn bộ âm vực chỉ có một âm khu, hầu như không có chỗ chuyển giọng, giọng này được gọi là giọng hỗn hợp tự nhiên, chỉ thấy ở một số ca sĩ hát giọng nam cao trữ tình - những trường hợp này rất dễ nhầm lẫn khi xác định.

Vậy để tránh khỏi bị nhầm lẫn, ta phải làm thế nào?

Ông tự đặt câu hỏi rồi vừa cười vừa tự trả lời:

- Cứ phải cho tập luyện một thời gian đã, mới đủ điều kiện để xác định chứ biết làm sao nữa… nhưng cái tréo ngoe ở chỗ là khi chưa xác định được loại giọng thì tập luện cái gì. Ông bác sĩ chưa xác định được bệnh, thì có dám nói cách điều trị không? Nhà nghiên cứu thanh nhạc nổi tiếng người Pháp R.Uyn Xơn đã thể nghiệm bằng phương pháp chụp quang tuyến, tìm ra những hoạt động đặc biệt khác nhau của cơ quan phát âm. Ở ta, việc chụp quang tuyến đo thanh đới cho học sinh là một ước mơ xa vời. Ta cứ giảng cho học sinh những kỹ thuật tiên tiến nhất, nhưng không được thấy, thì cũng như học Giáo dục Quốc phòng bắn bằng súng gỗ ấy mà - ông cười khậc khậc…

Tôi nói chuyện về lý thuyết Điện - Sinh lý thanh nhạc của Raun Huy Xông được đặt làm cơ sở của lý thuyết thanh nhạc hiện đại, ông tỏ vẻ chưa thật hiểu rõ lắm về lý thuyết hiện đại này và nói rằng hầu như các giáo sư thanh nhạc ở ta đều thế cả.

Người ta biết rằng sự rung động của dây thanh đới chịu ảnh hưởng bởi các xung xuất phát từ bộ não, từ đó nảy sinh thuyết Thời trị và người ta đã chế tạo ra máy Thời trị - máy này dùng để dải phẫu âm thanh, phân loại giọng hát - nó phân tích và cho các giải đồ thị về họa âm, lấy phổ của từng giọng hát (như lấy phổ của ánh sáng vậy!) - Sơvacsơ dùng máy này và đề ra hệ số Vay-xa giọng hát, thí dụ: hệ số Vay-Xa đã xác định các trị số của giọng nữ cao là 0,08, của giọng nữ trung là 0,1… Với bảng hệ số này, người ta xác định cả âm sắc và chia ra từng loại nhóm giọng: nữ cao trữ tình, nữ cao kịch tính, nữ cao màu sắc… thậm chí còn xác định được cả độ bám của từng giọng - như trong dải tần số khoảng 50 Hez đến khoảng tần số từ 2500 - 3500 Hez do có đọ bám cao và tai người nghe rõ, với độ rung thanh (vibrato) chuẩn là 6,7 Hez, được gọi là giọng tiêu chuẩn - giọng hát hay, bởi các tần số trong dải đó cho ta một làn sóng đồ thị hình Sin rất ổn định. Các điểm nút và điểm nút trùng trong phạm vi dải này dễ khắc phục (bằng các bài tập luyện thanh), ít gây tạp âm và nếu tập luyện đúng phương pháp, các sóng đứng tại các điểm nút trùng sẽ không triệt tiêu các sóng ngang theo nguyên tắc vật lý thông thường, mà còn tạo thế, bổ sung, kết hợp thành một khối thống nhất, tinh xảo mà người ta hay gọi là những âm thanh đẹp.

Có lần một ca sĩ hỏi về độ bám, về đồ thị của những giọng hát chuẩn, ông bảo:

- Cậu đã nghe rađiô chưa? Này nhé, rađiô đang phát một bản tin, một bản nhạc hay vở kịch nào đó, rất ồn ào, nhưng tiếng “tút, tút”… báo giờ vang lên ai cũng nghe rõ. Lại nữa, khi cậu đang ở trong phòng gần với cái rađiô, cậu có thể nghe rõ bản tin, nhưng nếu cậu đi ra ngoài, xa đến một khoảng cách nào đó, cậu sẽ không còn nghe được bản tin đang phát nữa, nhưng cậu vẫn nghe rõ được tiếng “tút, tút” báo giờ. Ấy đấy, chính là độ bám đấy.

Tôi nói thêm:

- Âm thanh trong khoảng dải tần số 2500 - 3500 Hez có độ bám cao nhất, bởi vậy rõ ràng có nhiều giọng nữ hát hay hơn nam, vì khoảng tần số đó thuộc về giọng nữ.

Ông đế thêm:

- Cũng phải, mà cậu thấy có nhiều ông ngồi gần, hét to một tiếng làm người ta giật nẩy mình, nhưng ở cách xa vài chục mét chẳng ai nghe thấy gì cả, còn các bà, cười nói lảnh lót, ở gần nghe nhẹ nhàng êm ái du dương, nhưng cách xa hàng chục mét vẫn nghe được rõ ràng tiếng du dương lảnh lót, đó là do độ bám. Nhưng mà này, cậu chớ nghĩ dùng các loại máy cậu nói đó là cách duy nhất, tuyệt đối đúng đấy nhé. Có trường hợp hi hữu như Ca-ru-dô (danh ca vĩ đại người Ý) chẳng hạn, khi chụp quang tuyến, soi và đo thanh đới người ta đã rất kinh ngạc khi thấy thanh đới của ca sĩ giọng nam cao lừng danh này lại dài và dày như thanh đới của một ca sĩ giọng nam trầm thực sự… hay như trường hợp nữ ca sĩ người Pêru Imaxumăc, với tầm cữ âm vực rộng đến 4 quãng tám, lại còn hát được cả âm kép - người nghe cứ tưởng như bà đang cùng hát bè với ai đó… tuy nhiên dây thanh đới của bà cũng bình thường như mọi người khác thôi. Đấy là những trường hợp hi hữu, cá biệt, mà nếu chỉ dùng máy không, cũng rất dễ bị nhầm lẫn.

Từ khi có máy Thời trị, người ta đã có các trị số chính xác hơn, việc xác định, phân loại giọng hát cũng chính xác và dễ dàng hơn nhiều. Tuy vậy, vẫn phải cần đến kinh nghiêm của ông thầy, tức là phương pháp cổ điển - chúng phải được sử dụng cùng một lúc, song song - vừa là khoa học tiên tiến, vừa là kinh nghiệm cổ truyền - vừa là vật lý, vừa là cảm giác - đặc tính cơ bản của âm thanh đó mà. Nhưng nếu chúng ta có được các thiết bị tiên tiến thì không những đỡ tốn biết bao thời gian và công sức, vừa chính xác hơn, đặc biệt là có thể thường xuyên theo dõi, phát hiện các dị bệnh, các thương tổn phát sinh trong quá trình tập luyện của các bộ phận thuộc cơ quan phát âm cho học sinh mà chữa trị kịp thời, cũng như giúp cho học sinh có được một cơ sở khoa học vững chắc để tập luyện đúng phương pháp.

Tôi biết ông đang ấp ủ một hoài niệm, cũng như một ước mong cháy bỏng. Ông muốn có một cái nền vững chãi và một thiết kế tinh xảo, khoa học cho thanh nhạc Việt Nam. Là người thầy dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực thanh nhạc và cũng là một trong những người thầy đầu tiên của Trường Âm nhạc Huế trong những ngày sau giải phóng (nay là Học viện Âm nhạc Huế), ông đã phát hiện, đào tạo nên nhiều thế hệ ca sĩ, nhiều ca sĩ thành danh như Nhất Sinh, Ánh Tuyết, Vân Khánh, Hoàng Đức, Minh Huệ…

Có thể nói ông là một ông thầy hạnh phúc.

Và bây giờ, ông vẫn còn đang hát, đấy thôi…

Tháng 9/2007

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...