Tâm sự buồn của một nghệ sỹ vô danh
Lão không phải một nghệ nhân được nhà nước phong tặng, nhưng lão lại là nghệ nhân của buôn làng, bởi người dân trong làng vẫn gọi lão là “lão nghệ nhân Nglơm Thung” một cách trìu mến và đầy trân trọng. Nhưng lúc nào lão nghệ nhân này cũng mang một nỗi buồn không biết tỏ cùng ai, bởi đến tận bây giờ, lão vẫn chưa tìm được truyền nhân…
Khi cây đàn trên tay lão nghệ sỹ ngân rung
Lũ làng xã Ia Pết, huyện Đak Đoa, Gia Lai tập trung lâu lắm mới thấy lão nghệ nhân bước ra. Vách nứa nhà sàn rung lên ken két dưới mỗi bước chân lão. Mọi người lặng im, nghe rõ cả tiếng thở của nhau, bởi lâu lắm rồi, già Ksor Pơl (61 tuổi) mới cầm đến cây đàn.
Lão nghệ sỹ già Ksor Pơl với nỗi buồn đăm đắm.
Cẩn thận lên dây, chỉnh âm cây đàn bỏ quên từ lâu trong góc nhà, Pơl cất giọng trầm ấm một khúc hát bằng tiếng mẹ đẻ. Hai đứa cháu, một lớp 6, một lớp 7 lạ lùng, tò mò chăm chú ngồi nghe. Có lẽ, lần đầu chúng thấy ông trong hình ảnh một người nghệ sĩ phiêu lãng như thế. Lũ làng ngồi yên lặng nghe như thấm từng chút một lời bài hát, giọng người hát. Lão ngồi hát như thể bên cạnh không có ai nghe, say đắm và mê mẩn. Tiếng đàn goong ngưng lâu rồi, tiếng hát ngưng lâu rồi, nhưng chẳng ai buồn đứng dậy. Một người đàn ông Ba Na cất giọng: “Hát tiếp đi! Hát hết lời trong bụng đi để chúng tôi nghe!” và lão lại hát, say sưa và rưng rưng như lá gió đại ngàn đang réo rắt…
Tôi không hiểu những ngữ nghĩa của bài hát dân ca bằng tiếng Ba Na, một cậu bé thầm thì phiên dịch lại rằng lời bài hát có nội dung gọi dân làng hãy quay về buôn làng, quây quần bên bếp lửa nhà rông nồng ấm, đừng nghe lời kẻ xấu bỏ ruộng rẫy không ai làm, mẹ cha không ai chăm sóc. Tiếng hát của ông già ngoài 60 tuổi không còn khỏe, nhưng thảnh thơi mà da diết kỳ lạ. Lũ làng lắng nghe như rót từng lời vào bụng mình vậy…
Trong suy nghĩ của nghệ nhân già này, không muốn người nối nghề chỉ là một người thợ, chỉ biết làm ra những sản phẩm bình thường, đúng kỹ thuật. Phải có niềm khao khát được sáng tạo, phải là một nghệ sĩ đích thực... Lão nghệ nhân già có lúc đã mơ giấc mơ những mùa lễ hội. Và ông tin rằng, những gì mất đi chỉ là sự quên lãng tạm thời. |
“Bài hát này mình hát nhiều rồi, khi còn trong đội văn nghệ của xã những năm sau giải phóng. Mình có cây đàn goong nhưng đàn hư hồi năm ngoái, chưa làm lại được. Mà làm cũng chẳng còn ai nghe nữa…” Pơl bỏ lửng câu nói, tiếp tục một khúc hát vừa chợt nhớ. Rồi lão kể, những năm sau giải phóng, tiếng hát, tiếng đàn của Pơl, của những nghệ sĩ trong gánh hát rong mà Pơl gom góp lại đã nổi tiếng khắp cả vùng. Họ lang thang hết làng này qua làng khác, “cháy” hết mình trong những đêm nhạc ngẫu hứng, không ánh đèn sân khấu, không trang phục biểu diễn, cũng chẳng cầu bất cứ điều gì. Chỉ cần một đống lửa nhỏ, chỉ cần vài ba người ngồi nghe, chỉ cần được đàn được hát là đã thỏa lòng. Một điều đặc biệt nữa, thời gian ấy, Fulro hoành hành khắp vùng này, nhiều người bị dụ dỗ, bỏ làng ra đi. Gánh hát rong của Pơl đã làm được điều kỳ diệu khi chỉ bằng những lời hát tự đáy lòng, đã gọi những đứa con nhẹ dạ trở về trong vòng tay độ lượng của buôn làng.
Nhưng rồi vì cuộc sống, gánh hát mỗi người một phương. Người nghệ sĩ trở về sống ẩn mình trong ngôi nhà nhỏ giữa làng, như câu chuyện buồn về cồng chiêng bị quên lãng dần. Đôi tay vốn chỉ quen với đàn, với những công việc đòi hỏi sáng tạo của người nghệ sĩ mãi chẳng quen với việc làm nông. Nên lão cũng nghèo khó lắm. Thỉnh thoảng, người ta vẫn nghe tiếng đàn goong vang xa trong chiều gió, vẫn nghe tiếng t’rưng khi rộn rã tươi vui, khi u sầu buồn bã, dưới mái nhà người nghệ sĩ ẩn mình. Tiếng đàn vẫn làm cho bao trái tim thổn thức… nhưng rồi còn có mấy ai nghe!
Nỗi buồn hoang hoải miền gió núi
Hát hay nhất làng, Pơl còn thạo chơi nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Khi có dịp, Pơl trổ tài đẽo tượng nhà mồ cho những làng chuẩn bị bỏ mả. Pơl làm cây nêu, giúp làng chuẩn bị các nghi lễ để tổ chức hội làng. Khi rảnh rỗi, Pơl lên rừng tìm vật liệu về làm lại những chiếc đàn đứt dây, làm ra nhiều vật dụng để dùng, để con cháu chơi. Đôi tay tài hoa của Pơl, dù làm chơi, nhưng tạo ra những sản phẩm hút hồn người khác. Ngẫu nhiên, người ta tìm đến xem ngày một đông. Bị mê hoặc bởi những món đồ truyền thống lão làm, người ta bắt đầu nhờ Pơl làm giúp. Có khi sửa lại chiếc nỏ bị hư, khi nhờ làm một chiếc nỏ mới hay một chiếc tẩu thuốc. Lại có người mang sừng trâu đến hỏi “Có làm được tù và không?” nhưng Pơl chỉ im lặng. Sau một ngày, Pơl làm khách ngỡ ngàng vì chiếc tù và tuyệt đẹp. Trước khi đưa cho khách, Pơl đưa lên rúc một hồi dài như trút cả những ưu tư vào đó. Khách nghe mà mê mẩn.
Mai này Pơl không còn, ai sẽ thay Pơl ở xã Ia Pết?
Bây giờ, lão nghệ nhân ấy có hẳn “xưởng” chế tác các vật dụng truyền thống. Đó là một cái chòi lợp tôn, lọt thỏm dưới những tán cây xanh, bốn bề gió lộng. Pơl hầu như chẳng đi được đến đâu vì công việc. Nhưng đó là công việc mà lão thích làm, thỏa mãn đam mê sáng tạo. Nhìn khắp xưởng của Pơl, nhiều nhất là những chiếc nỏ với đủ kích cỡ, có cái đã hoàn thiện chờ khách đến lấy, cái đang làm dở. Chỉ vào chiếc nỏ lớn nhất có màu nâu vàng, Pơl giải thích: “Chiếc nỏ này làm bằng gỗ hương. Những chiếc lớn như thế này dùng để săn bắn con mang, con nai ngoài rừng. Người dùng nỏ này cũng phải thật khỏe mới đủ sức mạnh giương dây. Những cái nỏ nhỏ chỉ để treo tường ngắm chơi thôi. Hồi xưa, hễ là đàn ông thì phải biết tự làm nỏ để đi săn. Còn bây giờ, ít người nắm rõ cách làm, mà làm rồi đi săn ở đâu nữa!”. Ông thích nhất làm nỏ từ các loại gỗ quý. Những loại gỗ không cho phép sự dễ dãi, cẩu thả. Phải cẩn trọng, tốn sức thì những vân gỗ tuyệt đẹp mới hiện ra đúng chỗ. Đó không đơn thuần là một chiếc nỏ dùng đi săn, đó còn là tác phẩm nghệ thuật dưới đôi tay tài hoa của nghệ nhân. Chỉ vào những hoa văn khắc chìm trên thân nỏ, Pơl cho hay: “Đây là một sự đánh dấu, chỉ ra nguồn gốc và người làm ra chiếc nỏ này. Dù đi bất cứ vùng nào, nhìn vào hoa văn trên nỏ, người ta sẽ biết do một người ở làng Nglơm Thung chế tác!”. Dù khách đặt nỏ để treo chơi hay đi săn, bao giờ Pơl cũng tặng kèm “hộp” mũi tên được vót tỉa cẩn thận, xếp ngay ngắn trong ruột của thân lồ ô.
Chẳng biết từ khi nào, mọi người đều yêu mến gọi Pơl là nghệ nhân. Bởi lão nghệ nhân ấy nắm giữ cả kho tàng kiến thức lẫn kỹ thuật về nghề thủ công truyền thống. Nhưng lão chưa từng có một học trò “vì không ai muốn học thì làm sao mình truyền dạy”. Trong suy nghĩ của nghệ nhân già này, không muốn người nối nghề chỉ là một người thợ, chỉ biết làm ra những sản phẩm bình thường, đúng kỹ thuật. Phải có niềm khao khát được sáng tạo, phải là một nghệ sĩ đích thực. Vì thế, trong số 6 đứa con, có một đứa biết bập bõm vài thứ đơn giản như đan gùi, làm những chiếc nỏ nhỏ, là niềm an ủi, để ông chăm bẵm, vun xới từ từ vì “nó yêu thích nghề truyền thống của ông bà”. Lão nghệ nhân già có lúc đã mơ giấc mơ những mùa lễ hội. Và ông tin rằng, những gì mất đi chỉ là sự quên lãng tạm thời.
Chiều đại ngàn buồn mênh mang, tôi bảo lão hát tiếp đi, cho cái bụng bớt buồn. Nhưng lão chỉ nơi lồng ngực và nói đau đúng chỗ này. Rồi vì chiều lòng khách, Pơl vẫn hát. Chẳng hiểu sao tôi nghe tiếng hát của ông già ngoài 60 tuổi không còn khỏe, nhưng thảnh thơi, da diết đến thế. Ánh mắt lão nhìn xa đăm đắm nơi phía bầu trời xanh, mơ về nhưng ngày xa xưa lăng lắc…
(Nguồn: http://baotintuc.vn)