Tài tử Ngọc Bảo

16/11/2020

Con phố nhỏ nằm giữa trung tâm Hà Nội, nối từ Hàng Bông đến Tràng Thi là phố Phủ Doãn. Đời nhà Lê, Nha Phủ Doãn nằm trên đất này. Hồi đó Phủ Doãn là nơi làm việc của quan cai quản kinh thành Thăng Long xưa (gồm hai huyện Vĩnh Xương và Quảng Đức, sau đổi là phủ Hoài Đức). Hồi thuộc Pháp phố mang tên Tây là Julien Blanc, có nhà thương Phủ Doãn (nay là bệnh viện Việt Đức).

Đối diện với nhà thương Phủ Doãn là ngôi nhà của Tài tử Ngọc Bảo và bà Đặng Thị Khểnh, Hoa khôi Hà Nội, con nhà giàu trên phố Hàng Gai.

Ông tên đầy đủ là Bùi Ngọc Bảo, sinh năm 1925 tại Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Chịu ảnh hưởng từ người mẹ vốn là một ca nương Ả đào lừng danh đất Bắc nên mới 6 tuổi, ông đã lên sân khấu hát được ca trù và chèo.

Nhà chuyển về Phủ Doãn, ông theo học ở trường Madelon trên phố Hàng Đẫy, nhưng hễ rỗi rãi ông lại ra phòng trà Thiên Phúc ở phố Hàng Gai để nghe đi nghe lại không biết chán những giai điệu do danh ca Tino Rossi được phát lên từ những đĩa nhạc than của quán.

Ông nhớ nhập tâm cách nhả câu ngắt chữ, cách luyến láy của Tino Rossi nên có thể nói Tino Rossi là người thày đầu tiên và cũng là người thày duy nhất của ông khi quyết định bước vào con đường ca hát.

Những ca khúc tiền chiến của Văn Cao, Đặng Thế Phong, Doãn Mẫn, Tô Vũ, Đoàn Chuẩn-Từ Linh được ông biểu diễn với chất giọng teno theo phong cách opera đã khiến Hãng đĩa Pathé Marconi yêu thích và mời ông sang Pháp thu thanh 20 bài hát cùng ban nhạc nổi tiếng Guythevel. Vẻ lãng tử hào hoa của chàng trai Hà thành đã khiến phát thanh viên nổi tiếng Subrie của Đài phát thanh Pháp phải gọi ông là tài tử. Từ những ngày đáng nhớ năm ấy (1951), cái tên Tài tử Ngọc Bảo đã gắn liền với ông và trở thành nghệ danh sân khấu của ông.

Thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, ông tham gia Đoàn kịch Sao vàng do nhạc sĩ Đỗ Nhuận làm chủ nhiệm. Khi giới thiệu ông lên hát phục vụ bộ đội, bao giờ khi giới thiệu về ông, người giới thiệu vẫn luôn trân trọng gọi ông là Tài tử Ngọc Bảo. Trong gian khó thời kháng chiến, khi ông xuất hiện, những người lính phải tạm biệt Thủ đô, ai cũng đều yêu cầu ông hát những ca khúc Chiều vàng, Ai đến thăm anh một chiều mưa, Lời du tử, Mơ hoa, Ngày về, Suối mơ, Thu quyến rũ, Cô lái đò… Những ca khúc tiền chiến qua chất giọng teno của Tài tử Ngọc Bảo đã giúp các chàng lính trẻ nguôi ngoai nỗi nhớ Hà thành.

Nghệ danh Tài tử gắn với ông như định mệnh.

Sống lãng tử, thích tự do. Ông chỉ hát khi ông thích và ông hát không theo trường phái học viện nào. Giọng ca thiên phú, đặc biệt cùng với phong cách tài tử cả trong xướng âm khiến những ca từ trong những bài ông hát trở nên sang trọng, khác lạ và bay bổng hơn. Phong cách ấy, chất giọng ấy của ông vẫn làm đắm say lòng người cả khi ông đã ngoại bát tuần. Các chương trình âm nhạc có ông tham gia đều trở thành kinh điển hoặc khuôn mẫu về biểu diễn nhạc tiền chiến.

Ngẫu nhiên, tôi vinh dự được nhiều lần đến thăm ông tại nhà vào cuối những năm 70 thế kỷ trước. Hà Nội cùng cả nước đang trải qua những khó khăn thời hậu chiến và bao cấp. Việc lo toan về kinh tế gia đình một tay vợ ông lo liệu. Bà Bảo (gọi theo tên chồng), tiểu thư phố Hàng Gai xưa nay trở thành tổ trưởng tổ dệt len gia công. Ngoại trừ căn phòng dành riêng cho ông, còn lại những chỗ trống trong nhà đều xếp máy dệt len và các bao tải đựng len và các thành phẩm. Thu nhập từ sự tần tảo của bà đủ để ông hễ bước ra đường là quần chùng áo dài, luôn là thẳng nếp. Thời gian đó ông đã tạm nghỉ hát nhưng lúc nào cũng thấy ông ung dung tiếp đãi bạn văn chương bên ly cà phê phố cổ.

Năm 1979 tôi lấy vợ, được hai vợ chồng Tài tử Ngọc Bảo đến dự và tặng chiếc máy dệt len. Thời bao cấp được như vậy là an tâm về việc làm thêm cho đôi vợ chồng trẻ. Suốt những năm dài bao cấp, bà Bảo luôn chu đáo để ông sống đẹp với bạn bè, cả với những người bạn vong niên.

Ông tâm sự: Với ông, bà vừa là người vợ, người bạn lại như một người chị chăm lo cho đứa em tài tử luôn sống trên mây như mình.

Cách sống của bà làm ông kính nể.

Đời nghệ sỹ hay có những lúc yếu lòng, nhất là với người mang tính cách tài tử như ông.

Đã từng có lần khi ông khoác tay bà dạo trên phố hồi mới cưới, mấy cô đầm ở phố Tây thấy ông liền chen bật bà ra rồi sỗ sàng nói: “Tài tử của chúng tôi là hoa thì phải để chơi chung, ngửi chung chứ đừng lúc nào cũng giữ khư khư cho riêng mình”.

Bản lĩnh tiểu thư Hàng Gai làm bà cười nhạt rồi đi tiếp như không có gì xảy ra khiến ông cuống cuồng gỡ vội tay mấy cô đầm để chạy theo bà.

Lại có lần ông bị “say nắng”, hẹn hò tâm sự với người đẹp ở vườn hoa. Bà tìm đến nơi, đưa cô gái chiếc khăn rồi nhẹ nhàng bảo: “Lần sau nếu rủ anh đi chơi, nhớ nhắc anh giữ ấm cổ. Anh làm nghề hát, bị khản giọng không hát được”. Chỉ nói thế rồi bà quay về luôn khiến ông dù muốn cũng không có dịp thanh minh hoặc xin lỗi.

Cái cách “Lạt mềm buộc chặt” của bà khiến ông nhận ra bà mới là tình yêu đích thực, tình yêu vĩnh cửu của đời ông.

Những khi ông đi diễn bà luôn có mặt với bông hoa dành tặng cho ông. Những năm ông nghỉ hát, lại một tay bà cáng đáng việc kinh tế gia đình, không để ông vướng bận chuyện “cơm áo gạo tiền”.

Bà bị tai biến phải đi trước ông. Đám nhà báo tọc mạch cố tình gặng hỏi ông về những chuyện “ngoài luồng” nhưng ngoài lần “cảm nắng” duy nhất như đã kể, đời Tài tử của ông vẫn một lòng chỉ nghĩ về bà với tấm chân tình bà dành cho ông đến tận cuối đời.

Ngày 4/5/2006, Tài tử Ngọc Bảo qua đời vì bệnh ung thư phổi. Ông thọ 82 tuổi.

Dưới suối vàng, bà đang đợi và lại sẵn sàng chăm chút ông như những ngày còn trên dương thế!

(Nguồn: https://bcdcnt.net/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...