Sự hiện diện của thần linh trong âm nhạc
Lùi sâu vào quá khứ xa xăm, bóng phản của các vị thần bao trùm lĩnh vực sáng tạo âm nhạc, từ cây đàn của Thạch Sanh đến tiếng sáo chàng Trương Chi, từ đàn Đáy đến đàn Bầu… Cây đàn của Thạch Sanh tương truyền do vua Thủy Tề ban tặng. Nó có khả năng hàng phục dã tâm kẻ thù, trị liệu phục hồi năng lực ngôn ngữ của công chúa, tố cáo tội ác mẹ con Lý Thông… Nói chung, đàn thần, nên có công năng diệu dụng, thần thông quảng đại, xâm nhập Tam giới... Còn với tiếng sáo tuyệt vời của chàng Trương Chi đã làm xao động trái tim người đẹp, lẩn vào cỏ cây sau khi trái tim hóa đá. Sự tích chàng Trương Viên đi đánh giặc có vợ ở nhà nuôi mẹ già trong tình trạng đui mù cũng nhờ trợ giúp của thần linh ban tặng cây đàn bầu mà có kế sinh nhau, sau tìm được chồng, gia đình đoàn viên…
Âm nhạc gắn với thần linh, nên có công năng chữa lành các triệu chứng chấn thương tâm lý hay Tiên thiên bất túc, như người câm biết nói, người mù hóa sáng… Âm nhạc có thể cộng thông Ba cõi, trở thành công cụ thực hành nghi lễ trong tất cả các hình thái tôn giáo, tín ngưỡng, từ Nguyên thủy đến Saman, kéo dài đến độc thần giáo hiện đại. Âm nhạc nói chung, nhạc cụ, nhạc khúc, nhạc luật nói riêng vốn không có sẵn trong tự nhiên, vì thế chúng ta có thể đoán chắc rằng, âm nhạc sinh ra bởi chính con người, những con người cụ thể. Có điều, phát minh, sáng tạo âm nhạc thống thuộc vào thân linh còn có nguyên do xuất phát bởi cơ chế hoạt động của nó. Sáng tạo nghệ thuật không giống như hoạt động sản xuất vật chất. Ở địa hạt này đòi hỏi có sự gia nhập của xúc cảm, linh cảm, thần minh... giống như hiện tượng “nhập đồng”, “bị ốp”, “ma đưa lối, quỷ đưa đường”, “thần giáng bút”... Đó chính là tâm điểm khiến cho hoạt động này chất chứa nhiều bí ẩn, kỳ dị. Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ Đông sang Tây, từ Cổ chí Kim, âm nhạc phảng phất uy lực của các vị thần. Ở Trung Quốc, các vị vua đại diện cho thời Tam hoàng, Ngũ đế đều góp công sáng tạo âm nhạc, như Phục Hy làm ra đàn Cầm, Sắt, Hoàng Đế định ra Luật lã, vua Thuấn sáng tác nhạc Thiều… Sách sử chép về mấy ông vua trên mang bản thể của những vị thần bất tử với sự hiện diện trong khoảng thời gian dài hơn một kiếp người. Trên thực tế, có rất nhiều sự kiện do người đời sau ghi chép, bổ sung bằng những giá trị được định dạng theo thời gian. Ranh giới giữa nhân vật lịch sử và huyền thoại chồng chéo, đan cài lên nhau qua lớp sự kiện ngày một dày lên và phủ kín bởi bức màn thần bí nhằm che khuất sự thật. Còn đối với lịch sử âm nhạc cổ đại Ấn Độ, chúng ta hoàn toàn không tìm thấy niên đại gắn kết các sự kiện. Theo truyền thuyết, Phật Thích Ca sáng chế đàn Tỳ bà, Bồ Tát Văn Thù là nhạc thần trên thiên cung… Cây đàn Ấn Độ cổ nhất là Vina do thần Narada phát minh. Nara có nghĩa là “bậc ban cho nước”, một nhạc khí liên quan đến nước có tên khác nữa là Cach Hapi (nghĩa là rùa). Thần ban nước Narada quản lý về mây. Những Thủy tinh phát minh ra nhạc cụ cũng có quan hệ với thần mưa. Âm nhạc từng được lý giải có cội nguồn từ nước biển, đồng thời liên quan tới mây. Vì thế, người Ấn Độ xưa cho rằng âm nhạc đến từ thiên giới. Thần Vishnu giáng sinh Krishna, nhân vật trung tâm của sử thi Mahabharata thường cầm trên tay cây sáo Bansuri. Trên đỉnh Olympus cao ngất dưới quyền quản trị của CEO Jupite (thần Zeus), cùng 11 vị thần điều hành khác trong thần thoại Hy Lạp cũng có thần Apollo cai quản về âm nhạc, sử dụng đàn Lyre... Thần Hermes đã chế tác cây đàn này từ mai rùa. Thần Nereus và các nữ hải thần Nereids của Hy Lạp đều nổi tiếng về âm nhạc vốn có liên quan với Narada. Thần Odin, tác giả những khúc ca ma cổ cai quản vùng biển có tên là Nikarr. Vị thần này cư trú nơi biển sâu cùng các thuộc hạ đều là yêu ma quỷ quái thường tổ chức hòa tấu đàn Harp. Tương truyền thuộc hạ của ngài hay ngoi lên mặt nước dạy con người biết đàn. Trong thi ca cổ đại Phần Lan xuất hiện nhạc cụ Wainamoinen của Kantele. Nhạc cụ này làm bằng xương cá, khung đàn, khóa đàn đều làm bằng xương cá. Sự tích Thụy Điển, Scotland kể rằng, ngày xưa có người con gái bị ác nữ dìm xuống nước chết có tên là Harp. Người con gái này bị lấy xương làm nhạc cụ, tay làm khóa đàn, mái tóc vàng làm dây. Khi nhạc sĩ tấu cây đàn đó ác nữ nghe thấy thì tan thây. Câu chuyện trên cũng xuất hiện trong dân gian Island. Xứ Faroe ngày nay thuộc vùng đông nam Island, Đan Mạch và Na Uy cũng lưu truyền những sự tích tương tự... Qua đó có thể thấy rằng, tính cộng thông của âm nhạc phổ biến, phủ dày trên nhiều nền văn hóa. Âm nhạc xuất hiện từ thiên giới xuống địa giới, từ mây, mưa đến nước biển, trên đỉnh núi Olimpus cao vời xuống cõi A Tì sâu thẳm, tăm tối…
Nhìn vào lịch sử xa xưa qua các lớp trầm tích văn hóa phủ dày theo thời gian, bóng mờ ký ức phôi phai xót lại trên nhiều sinh hoạt âm nhạc đều có sự hiện diện của thần linh. Bản chất của thần linh là bất diệt, nên âm nhạc của các vị thần cũng có chung đặc điểm xê dịch về thời gian. Sự phổ biến của âm nhạc dân gian có lẽ là một bước đệm quan trọng trong việc ghi nhận sở hữu trí tuệ âm nhạc thuộc về con người. Quá trình đó đã đi từ sự vô danh hóa quyền năng các vị thần, ngấm ngầm bày tỏ sự phản đối hành vi tước đoạt quyền phát minh âm nhạc thông qua tình trạng mông lung, mơ hồ, rồi từng bước thiết lập tư duy sở hữu bằng việc định danh. Tất cả các phát minh thời cổ đều bị độc chiếm bởi thần linh. Quá trình nhân thần hóa nhiên thần thêm một chiều kích cho thấy khả năng chuyển biến tài sản âm nhạc này từ tay các vị thần. Mặt khác, mức độ ỷ lại sự ban ơn của thần linh trong mọi hoạt động thể hiện một cách phổ biến giai đoạn văn hóa Nguyên thủy. Qua dấu tích Cổ ca, ta có thể thấy mối liên hệ ấy - tất thẩy hoạt động sáng tạo đều thuộc về thần linh. Cổ ca, đặc biệt là loại Sáng thế liệt kê quá trình sáng tạo Vũ trụ, Con người, Muông thú và Nghề nghiệp của các vị thần. Căn cứ có nguồn gốc lâu đời trong âm nhạc dân gian này đã chỉ ra tính chất vô phương khi truy cứu nguồn gốc! Và không gì khác và dễ dàng hơn việc trao quyền phát minh cho đấng sáng tạo, thần linh vô hình. Khi chứng minh về sự tồn tại của Thượng đế, nhà triết học Cổ điển Đức Imamuel Kant cũng nêu rõ đặc trưng cơ bản là không hiện hữu. Âm nhạc vốn vô hình, vô ảnh, đồng nhất với cõi thiêng. Điểm mơ hồ, tập kết, tích tụ xúc cảm thẩm mỹ viễn tưởng nhất loạt nằm ở tư duy sáng thế tập trung nơi các vị thần. Dựa trên những căn cứ tối cổ để trở về quá khứ xa xôi có sự liên hệ mật thiết với các vị thần. Qua đó thấy rõ động cơ quy thuộc về một cội nguồn có liên quan, đồng thời công khai thừa nhận bản sơ yếu lý lịch về sáng tạo nghệ thuật. Bản thể của mọi hoạt động sáng tạo đều sinh ra từ Không. Nó dễ dàng đồng nhất với cõi thiêng. Những gì sinh ra từ Không đều thống thuộc vào thế giới thần linh. Sáng tạo dựa trên nền tảng của cái không có trước và sinh ra trong trạng thái mơ hồ! Lão Tử từng dành tâm huyết cả đời để viết bản sáng thế theo tư duy duy biện chứng hồn nhiên trong Đạo đức kinh. Nơi đó tuy đã vắng bóng hình ảnh các vị thần, song chí ít cũng hiển lộ những điều không thể nhìn thấy từ âm thanh vô hình, vô ảnh cho đến Đạo chi phối mọi sự vật, hiện tượng. Âm nhạc có khả năng xuyên thủng màn không gian hư vô xâm nhập các cõi. Trở lại tư duy khởi thủy về nguồn gốc, âm nhạc sinh ra từ thiên giới, biển, mây trời, gió, nước… những cội nguồn vô hình. Tư duy sáng tạo thiên biến vạn hóa, từ ý tưởng khởi phát cho đến sự hình thành kết quả, song chẳng phơi bày, hiển lộ quy trình. Trong không gian chứa đầy bí ẩn, sáng tạo hiện lên như một hoạt động thần bí, linh thiêng, cho dù ngày nay con người đang tiến gần tới đỉnh cao chon von của văn minh, tiến bộ, song còn đó khoảng trống hư vô cho tư tưởng thiên thần chao liệng.