Số phận trớ trêu của Edward Elgar

27/09/2018

Là nhà soạn nhạc đầu thế kỷ 20, Sir Edward Elgar dường như tương đối gần gũi với các nghệ sỹ đương đại hơn là những nhà soạn nhạc thế kỷ 18 hay 19. Tuy nhiên, âm nhạc của ông không hoàn toàn dễ hiểu, thậm chí ẩn chứa nhiều sức mạnh nội tại mà nhiều người thường bỏ qua, khiến ông bị đánh giá một cách thiên lệch.

Edward Elgar trong một chuyến tới Yorkshire năm 1910 để tham gia Festival York và gặp gỡ Tertius Noble và nhà soạn nhạc Bantock (bên phải). Nguồn: The Craven Herald.

Có thể đổ lỗi điều này cho sự trớ trêu của số phận được không? Nếu có thì đúng là nó thật kỳ quặc, ngay cả những người đồng hương cũng từng không coi trọng ông. “Tôi thề rằng chỉ có đế chế Anh mới có thể chịu đựng nổi một tác phẩm buồn chán như thế”, nhà soạn nhạc Benjamin Britten ghi lại cảm xúc của ông trong nhật ký về buổi biểu diễn bản Giao hưởng số 1 của Edward Elgar tại nhà hát London Proms năm 1935. Ngay cả hơn 10 năm sau, quan điểm này chỉ tạm bớt gay gắt hơn với câu phàn nàn của nhạc trưởng Sir Thomas Beecham “công chúng Anh đã đặt Elgar lên vị trí quá cao so với bất kỳ nhà soạn nhạc Anh nào kể từ thời Henry Purcell” (nhà soạn nhạc được coi là vĩ đại bậc nhất Anh thời kỳ Baroque).

Sau này, các nghệ sĩ Anh cũng công nhận tài năng của Elgar, ngay cả Britten cũng đã thay đổi thái độ và trong những năm cuối đời, ông đã thu âm các tác phẩm Introduction and Allegro cho dàn dây và The Dream of Gerontius của Elgar. Nhiều nghệ sỹ quốc tế cũng bắt đầu thay đổi cách nhìn. Nhạc trưởng Hans Richter, người chỉ huy màn ra mắt các vở Siegfried và Götterdämmerung của Wagner, Giao hưởng số 2 của Brahms, đã chỉ huy các buổi công diễn lần đầu Các biến tấu Enigma, Gerontius và Giao hưởng số 1 của Elgar. Cả nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng Mahler và nhạc trưởng huyền thoại Toscanini đều đưa Các biến tấu Enigna vào vốn tiết mục biểu diễn của họ. Năm 1905, nghệ sỹ violin Fritz Kreisler nói với một nhà báo Anh: “Nếu anh muốn biết người mà tôi coi là nhà soạn nhạc vĩ đại nhất còn sống, tôi sẽ nói mà không chút do dự, Elgar... Tôi nói điều này không để lấy lòng ai cả; đó là niềm tin của chính tôi.”

Âm nhạc không đủ “chất Anh”?

Dẫu vậy, ở ngoài Anh, những định kiến về Elgar vẫn tồn tại, và – có lẽ ngoại trừ Đức – âm nhạc Elgar vẫn phải “nhọc nhằn” để đến được với công chúng. Tại sao? Theo nhạc trưởng Daniel Barenboim, người ủng hộ âm nhạc của Elgar trong gần nửa thế kỷ nay, một phần của câu trả lời nằm ở bối cảnh lịch sử. “Hãy nhớ rằng vào đầu thế kỷ 20, Elgar nổi tiếng hơn nhiều ở Đức so với ở Anh. Buổi biểu diễn Gerontius tại Düsseldorf năm 1902 đã đem lại cho ông nhiều người hâm mộ ở Đức”. Tuy nhiên, Elgar phải chấp nhận một sự thật: không có nhà soạn nhạc người Anh nào thực sự nổi bật trên thế giới kể từ Henry Purcell, do đó tính từ “người Anh” luôn gắn liền với tên tuổi ông, ‘nhà soạn nhạc người Anh Elgar’, dù không bao giờ người ta gọi “nhà soạn nhạc người Pháp Debussy”, “nhà soạn nhạc người Đức Brahms” hay “nhà soạn nhạc người Ý Puccini’. Barenboim nhận xét, “âm nhạc của Elgar không gợi liên tưởng đến chất Anh”.
Đồng tình với Barenboim, Julian Rushton - nhà âm nhạc học người Anh và chuyên gia về Elgar, cho rằng Elgar thực ra là “thuộc phần tinh hoa của châu Âu” và “lý do duy nhất âm nhạc của ông nghe có chất Anh là nó nghe giống như... Elgar, người mà chúng ta biết là người Anh”. Nhà văn kiêm nhà soạn nhạc Anh Anthony Burgess thì diễn đạt một cách hài hước hơn: “Tôi biết Elgar không đủ thất thường để là người Nga, không đủ dí dỏm hay chấm phá để là người Pháp, không đủ đơn giản về mặt hòa âm để là người Ý, và không có quá nhiều chi tiết để là người Đức. Chúng ta đến với chất Anh của ông chỉ bằng cách loại trừ thuần túy”.

Quả thực, Elgar tuyên bố hoàn toàn không quan tâm đến chất liệu dân ca hoặc tác phẩm của các bậc thầy người Anh thời Phục hưng như Thomas Tallis và John Dowland. Là người tự học, ông đã học sáng tác qua nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc của các bậc thầy Trung Âu vĩ đại. Tuy chịu ảnh hưởng của họ một cách rõ ràng nhưng Elgar đã tìm ra chất nhạc của riêng mình ngay từ tác phẩm thời kỳ đầu như overture Froissart hay Hành khúc Pomp and Circumstance - một trong những tác phẩm đình đám nhất của ông, phổ biến đến mức mọi người đều biết ngay cả khi không biết là Elgar đã viết nó.

Với những người hướng đến tương lai, Elgar bị coi là không đủ hiện đại còn với những người bảo thủ thì ông không đủ chất quốc tế. Định mệnh này cũng đã cản đường thành công của nhiều nhà soạn nhạc khác, chẳng hạn như Busoni.

Nhạc trưởng kiêm nhà âm nhạc học người Mỹ gốc Thụy Sĩ Leon Botstein có một cách nhìn khác về âm nhạc của Elgar: “Danh tiếng của Elgar bị chôn vùi vì sự sáo rỗng xuất phát từ Hành khúc Pomp and Circumstance. Nó khiến người ta liên tưởng ngay đến chủ nghĩa đế quốc Anh phô trương thời Victoria. Elgar có thể phải chịu đựng thành kiến về tính thẩm mỹ thời Victoria của chúng ta trong suốt thời kỳ sau Thế chiến thứ nhất, khi Art Nouveau, Beardsley1 và toàn bộ thẩm mỹ thị giác thời Victoria đó đã trở nên lỗi thời”. Và đây chính là điều khiến Britten và Lambert khước từ âm nhạc của Elgar.

Những biểu hiện bên ngoài của Elgar cũng đủ gây hiểu lầm. Không xuất thân quý tộc cũng không giàu có nhưng ông đã đạt được một vị trí nhất định trong xã hội bằng âm nhạc. Mong chờ tác phẩm của mình được hiểu và đánh giá cao song ông cũng khao khát được coi như một quý ông. Những ham muốn này gắn kết với nhau và thúc đẩy ông theo đuổi địa vị, tước hiệu như thể nó là bằng chứng đầy tự hào về thiên tài của mình. Điều này làm sao lại không thể phản ánh trong âm nhạc của ông? Nhạc trưởng người Mỹ David Zinman nhận xét: “Âm nhạc của ông chắc chắn là mang tính sô vanh hiếu chiến theo kiểu Victoria. Nhưng đây là bản chất của ông”. Thế nhưng khi nhìn vào bên trong, sau cái bề ngoài đó, âm nhạc của ông ẩn chứa nhiều thứ đáng tìm kiếm. Zinman nhớ lại một buổi tập bản Giao hưởng số 1 với Dàn nhạc Philadelphia vài năm trước. “Khi tôi nói với họ một chút về tướng Gordon và bối cảnh của tác phẩm thì một trong những nhạc công kèn horn hét lên: ‘Ý anh là tướng Boredom 2 phải không?’ Nhưng may thay, tôi thấy rằng thái độ này của các nhạc công giờ đã thay đổi”.

Âm nhạc thiếu cảm xúc và yếu tố ‘ngoại lai’?

Nhạc trưởng Vasily Petrenko tin rằng, những khác biệt về bản chất văn hóa là một trong những lý do khiến khán giả Nga – và cả một số nghệ sĩ Nga - không thể trải nghiệm đầy đủ tác động cảm xúc của âm nhạc Elgar. “Ví dụ nếu so sánh Elgar và Tchaikovsky, những cảm xúc của Tchaikovsky rất cởi mở. Người ta có thể cảm nhận ngay lập tức là âm nhạc đang diễn tả trạng thái sầu muộn, kịch tính hoặc tràn đầy niềm vui. Tất cả đều rất rõ ràng, đôi khi biểu cảm đến mức cuồng loạn. Tuy nhiên, ở Elgar, nó rất hay bị che giấu hoặc kiềm chế mà không xuất hiện một cách rõ nét. Khi ở Moscow với các nhạc công, tôi thường hỏi họ nghĩ gì về các giao hưởng của Elgar, họ nói rằng âm nhạc không đủ phức tạp về cảm xúc, hoặc ít nhất là không thể thấy ngay được. Do đó, khán giả cũng không ngay lập tức hiểu tác động cảm xúc của nó, đó có lẽ là lý do tại sao âm nhạc của Elgar không được chơi thường xuyên ở Nga đến vậy”.

Petrenko nói thêm, xã hội Nga có ít “vẻ lịch lãm” hơn nhiều so với xã hội Anh. “Mọi người vẫn nghĩ về người Anh như những người cao quý, biết kiềm chế, và cố gắng xếp đặt mọi thứ theo trật tự, nhưng sự thật bên trong vẫn có một ngọn lửa dữ dội và mãnh liệt chỉ bộc lộ ở những phút cuối. Người Nga có thể bộc lộ cảm xúc một cách nhanh chóng nhưng rồi cũng lãng quên chúng rất nhanh. Trong văn hóa Anh, việc kiềm chế cảm xúc rồi sau đó để nó bùng nổ là cách để không lãng quên nó, đó là những gì người ta thấy trong các giao hưởng của Elgar.”

Nghệ sĩ cello Johannes Moser nhìn vấn đề từ một góc độ khác. “Giống như rất nhiều nhà soạn nhạc châu Âu khác, Elgar cho chúng tôi thấy một bức chân dung về thời đại mình. Nhưng ông còn làm nhiều hơn thế bởi ông rất thông minh và đủ khả năng lén bỏ những chi tiết ‘gai góc’ vào tác phẩm mà không bị chú ý ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tôi thích cảm giác hai chiều này - dĩ nhiên các nhà soạn nhạc xuất sắc đều hay làm theo cách đó. Hãy nhìn vào đoạn mở đầu của bản Cello Concerto chẳng hạn: đầu tiên rất mạnh mẽ sau đó chuyển sang mềm mại giống như một khúc sicilienne 3. Hai nét tính chất này hấp dẫn tôi, nó cho thấy cùng một lúc nhưng nhà soạn nhạc có thể diễn tả nhiều ý đồ khác nhau”.

Tượng Edward Elgar dựng tại Worcester, Anh. Nguồn: geograph.org.uk

Lý giải về sự thờ ơ của thính giả với âm nhạc Elgar, Botstein đưa ra cái nhìn của một nhà nghiên cứu: “Elgar thiếu chất ngoại lai. Dvořák đã thành công ở Đức vì âm nhạc của ông được coi là ngoại lai (dù ông nổi đóa về vấn đề này). Sibelius ngoại lai khi nuôi dưỡng tinh thần phương Bắc. Chủ nghĩa ngoại lai cũng có hiệu quả với âm nhạc Tchaikovsky... Nhưng thực tế là Elgar không được ghi nhận như một nhà cải cách trong âm nhạc. Trong khi Sibelius được xem là có ngôn ngữ hòa âm và giai điệu độc đáo thì Elgar được xem là thuộc về thời Victoria”.

Barenboim cũng có cái nhìn tương đồng về bi kịch của Elgar: “Với những người đang hướng đến âm nhạc của tương lai, Elgar bị coi là không đủ hiện đại còn với những người bảo thủ thì ông không đủ chất quốc tế. Định mệnh này cũng đã cản đường thành công của nhiều nhạc soạn nhạc khác, chẳng hạn như Busoni”.

Nhưng thực sự Elgar đã đủ hiện đại, ít nhất cũng tới mức như Botstein đề cập: “Elgar thực ra là một nhà soạn nhạc tiến bộ giàu trí tưởng tượng và thẩm mỹ đặc biệt”. Trước lời phàn nàn thường được lặp lại rằng Elgar đã “độn” các bản nhạc của mình bằng các chuỗi hợp âm lặp lại, Botstein phản ứng: “Ông đã dụng công trong việc lặp lại và tạo thành các chuỗi hợp âm để đạt được mục đích của mình – kỹ thuật theo Schoenberg là “phát triển biến tấu”. Trên cơ sở học hỏi từ Liszt, Wagner cũng áp dụng và đưa nó thành kỹ thuật leitmotif đỉnh cao với hiệu ứng vô cùng rực rỡ về âm thanh và ý tưởng. Elgar đã học được điều này. Do đó, Gerontius và các bản giao hưởng của ông tạo ra một cái nhìn bao quát về âm thanh.

“Nếu trong Giao hưởng số 2, sự hùng vĩ có thể khiến người ta nghĩ đến đế chế Anh đồ sộ nhưng trong bản Cello Concerto, ông đã vượt qua điều đó. Khi nghĩ về chương nhạc thứ ba và cả đoạn kết tác phẩm, tôi tưởng tượng Elgar đang nhìn chằm chằm vào mình trong gương, gần như không thể nói lên lời. Và điều tôi thấy thật ấn tượng, dường như ông đang thổ lộ tâm hồn mình nhưng lại kín đáo giấu nó đi”. (Nghệ sĩ cello Mỹ Alisa Weilerstein)

Những câu chuyện kể bằng âm thanh

 

Nữ nghệ sỹ cello huyền thoại Jacqueline du Pré là một trong những người biểu diễn truyền cảm nhất các tác phẩm viết cho cello của Elgar. Nguồn: Classical FM.   

Một trong những nét độc đáo của Elgar là khả năng kể chuyện. Và để thẩm thấu các tác phẩm của ông, cần “tạo cho khán giả của Elgar khả năng xây dựng một câu chuyện, một cách riêng tư, bằng cách mở rộng khả năng nghe nhạc. Bởi nếu Schoenberg, và ở một mức độ nào đó là Brahms, quan tâm đến sự tiến hóa của tư duy âm nhạc thì Elgar quan tâm hơn một chút đến câu chuyện, ví dụ như Các biến tấu Enigma - sự tổng hợp hoàn hảo của phong cách Liszt và phong cách Brahms, hai xu hướng đối lập trong thẩm mỹ âm nhạc hậu Lãng mạn cuối thế kỉ 19”, Botstein nhận xét, “tác phẩm này thể hiện rõ sự điêu luyện trong cách biến đổi chủ đề, hiểu biết sâu sắc về tính cách con người và câu chuyện được kể.”

Những kỹ thuật sáng tác của Elgar mà nhiều người từng chỉ trích khiến việc biểu diễn tác phẩm của ông gặp nhiều thách thức. Là một nhạc trưởng, Barenboim hiểu hơn ai hết điều đó, “trong các bản giao hưởng có quá nhiều đoạn lặp nhạc tố với cường độ rất lớn. Cần cẩn thận để không dồn hết sức ngay lần thứ nhất vì một vài ô nhịp rồi sẽ trở lại lần thứ hai và rất thường xuyên trở lại lần thứ ba. Vì vậy, việc quan sát cẩn thận các cường độ là rất quan trọng, và Elgar đặc biệt tỉ mỉ trong các dấu hiệu cường độ của mình.” Zinman cũng ghi nhận sự chính xác bất thường ở các hướng dẫn của Elgar: “Tổng phổ ông viết thật sự hoàn hảo, rõ ràng với sự chú ý đến từng chi tiết, tới từng nốt nhạc.

Các biến tấu Enigma của Elgar chịu chung số phận với Các biến tấu trên chủ đề Haydn của Brahms bởi một nghịch lý: với mô hình chương trình hòa nhạc hiện tại, cả hai đều không đủ dài để đưa vào phần kết thúc nhưng lại không đủ ngắn như một bản overture để mở đầu một buổi hòa nhạc.

Nhưng điểm tinh tế hơn trong việc hiểu âm nhạc của Elgar là “cần chú ý các chi tiết và cấu trúc. Nếu tập trung quá nhiều vào các câu nhạc nhỏ sẽ có nguy cơ mất hình dạng kiến ​​trúc tổng thể của chương nhạc, nhất là trong các bản giao hưởng nhưng nếu chỉ cần dẫn dắt dàn nhạc đi từ đầu đến cuối tác phẩm mà không chủ ý đủ đến các chi tiết, âm nhạc nghe cũng không chính xác”, nhạc trưởng Petrenko lưu ý.

Những bản thu âm của Elgar là một tài liệu vô giá không phải là điều đáng bàn cãi nhưng Petrenko hơi hoài nghi về việc đặt quá nhiều niềm tin vào các bản thu âm “người ta luôn có thể có được những ý tưởng thú vị từ các nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng” và nói thêm là ông không chắc Elgar là một nhạc trưởng giỏi: “Trong các bản thu âm, có những khoảnh khắc dàn nhạc dường như ‘buông xuôi’ vì không thể hiểu được những cử chỉ khoa chân múa tay của ông. Vì vậy, tôi chỉ ‘lấy lại’ một số tempo, một số trong cách nhấn và khớp nối âm nhạc của ông”.

Nhưng không phải không học được gì nhiều từ những bản thu âm của Elgar, đó là quan điểm của Barenboim. “Những bản thu âm này tạo ra cảm giác chuyển động về phía trước, không ai có thể sánh kịp. Elgar hoàn toàn làm chủ dàn nhạc và tạo được sự khúc chiết trong cách biểu diễn.” Dù Elgar tự mô tả mình như một người Anh cứng cỏi thì âm nhạc của ông bộc lộ một thực tế phức tạp hơn. Sự xung đột này không phải là một phần thiết yếu của những gì Petrenko mô tả rất ngắn gọn là “sức mạnh nội tại” âm nhạc của Elgar ư?
***

Cuốn Ex Libris: Confessions of a Common Reader của tác giả Mỹ Anne Fadiman về lịch sử thám hiểm địa cực và thuyền trưởng huyền thoại Robert Falcon Scott có nêu một luận điểm: “Những người Mỹ ngưỡng mộ thành công. Những người Anh ngưỡng mộ sự thất bại anh hùng.” Trong các tác phẩm âm nhạc xuất sắc như Giao hưởng số 2 – được soạn cùng thời gian Scott dấn thân vào cuộc thám hiểm Terra Nova bi thảm, Elgar đã truyền đi một cảm xúc sâu sắc về cuộc đấu tranh và sự ngoan cường của người anh hùng. Điều đó tương đồng với suy nghĩ của Scott trong một trong những trang nhật ký cuối cùng của mình: “Tôi không nuối tiếc về hành trình này, người Anh không chỉ biết giúp đỡ lẫn nhau mà còn có thể chịu đựng gian khổ và dám đối mặt với cái chết bằng sự dũng cảm lớn lao như trong quá khứ. Chúng tôi chấp nhận rủi ro, chúng tôi biết mọi thứ diễn ra đều chống lại mình, và do đó chúng tôi không có lý do gì để phàn nàn, cúi đầu trước ý chí của Chúa, chúng tôi quyết tâm vẫn cố gắng đến cùng”.

Nguồn: http://www.tiasang.com.vn

1. Aubrey Vincent Beardsley (1872-1898): tác giả và họa sĩ minh họa người Anh có đóng góp quan trọng cho phong cách Art Nouveau.
2. Charles George Gordon (1833-1885): viên tổng tư lệnh người Anh là nguồn cảm hứng để Elgar viết Giao hưởng số 1.  Boredom: từ tiếng Anh nghĩa là “điều khó chịu” , “nỗi buồn chán”...
 3. Sicilienne (các tên khác: Siciliana / siciliano): một phong cách hay thể loại âm nhạc bắt nguồn từ thời Baroque

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...