Số đông không phải là tất cả
Nếu bám theo nghĩa từng từ thì “công chúng” được hiểu là số đông chung, nhưng công chúng âm nhạc, theo tôi, không chỉ là số đông mà bao gồm tất cả những ai có nhu cầu thưởng thức âm nhạc. Nói cách khác, trong mỗi chúng ta đều có một thính giả âm nhạc, một hạt nhân làm nên khối hợp chất mang tên “công chúng âm nhạc”.
Người làm nghề nhạc cũng có quyền hưởng thụ âm nhạc như người “ngoại đạo” nên chẳng vì lý gì phải tách họ ra khỏi thành phần công chúng. Tôi thích thưởng thức nhạc bằng cái cảm của người nghe nhiều hơn bằng cái trí của người hành nghề nhạc. Tôi chẳng thoải mái chút nào mỗi khi được mời đi nghe hòa nhạc kèm theo lời đề nghị viết bài bình luận, vì như thế buộc phải canh chừng cho con người lý luận âm nhạc trong tôi luôn tỉnh táo, mà thú thực nhiều khi tôi muốn cái phần lý luận ấy ngủ yên, để được hoàn toàn “tự do” nghe bằng cảm nhận của một thính giả thuần túy trước khi cái lý thức tỉnh và lên tiếng.
Nói đến số đông - số ít dễ liên hệ tới cái chung - cái riêng, cái ta - cái tôi, lại nhớ có một thời đạn bom cả nước một lòng vì sự nghiệp chung, các tác giả âm nhạc tạm gạt bỏ mọi riêng tư để hướng tới mục tiêu chính trị của cả cộng đồng, công chúng xích lại gần nhau, kết thành một khối tình cảm thống nhất. Hôm nay đã khác, công chúng của thời đại toàn cầu hóa là một đối tượng mang nhiều khuôn mặt, nhiều sở thích, nhiều “cái tôi” khác nhau, khác về lứa tuổi, hoàn cảnh, môi trường, trình độ, nghề nghiệp, thẩm mỹ, tâm lý, tính cách... Song vẫn còn đó thói quen của thời “muôn người như một”, số đông nói thay tất cả. Khi so sánh thời bình với thời chiến rồi thất vọng về sự xuống dốc của nghệ thuật âm nhạc và thẩm mỹ công chúng hôm nay, chúng ta chủ yếu vẫn chỉ nhìn vào số đông, vẫn mượn số đông làm đại diện chung cho công chúng nghe nhạc và coi những sáng tác dành cho số đông là đại diện duy nhất cho âm nhạc nước nhà.
Nếu đã coi công chúng là tất cả mọi đối tượng nghe nhạc và mỗi cá thể đều có quyền đứng trong cái tổng thể chung đó, thì rõ ràng âm nhạc của số đông không còn là món ăn chung cho tất cả và công chúng âm nhạc hôm nay không nhất thiết chỉ mang một vẻ mặt đơn điệu. Sự đa diện của đối tượng nghe nhạc đòi hỏi tính đa dạng trong sinh hoạt âm nhạc và thúc đẩy sự phát triển muôn màu muôn vẻ của nền âm nhạc đương đại. Tiếp tục lấy số đông làm mẫu chung để “giảm biên chế” thành phần nghe nhạc là tự làm nghèo đời sống âm nhạc. Sự nhầm lẫn số đông với tất cả thành phần công chúng còn dẫn tới đâu chưa lường hết, bởi thị hiếu công chúng đang ngày càng chứng tỏ uy lực mạnh mẽ trước sự sống còn của nghệ thuật âm nhạc.
Là đối tượng thưởng thức thành phẩm âm nhạc, công chúng không thể thiếu vắng trong ba nhân tố liên hoàn người sáng tác - người biểu diễn - người nghe. Ba nhân vật này đeo dính lấy nhau bởi một chất keo là tác phẩm âm nhạc. Sáng tác âm nhạc mãi mãi chỉ là những ký hiệu chết trên tổng phổ nếu không có người biểu diễn - cầu nối đưa tác phẩm đến với người nghe. Âm nhạc chỉ tồn tại khi nó được vang lên và được thưởng thức. Tác phẩm sinh ra là để cho công chúng dù nó bắt nguồn từ cảm xúc riêng tư và hình thành từ sự sáng tạo cá nhân.
Trong lịch sử nhân loại có những nhà soạn nhạc đi trước thời đại đã viết ra những tác phẩm không được người cùng thời biết đến nhưng lại được hậu thế tôn vinh. Thời nay cũng có những tác giả tự an ủi mình đã sinh nhầm thế kỉ và cứ viết trong hi vọng tác phẩm sẽ gặp tri âm ở đời sau. Nói cho cùng, người viết nào chẳng mong có được sự đồng cảm của người nghe, kể cả những ai can đảm tuyên bố “tôi viết cho tương lai!”. Và tác giả chỉ hạnh phúc trọn vẹn khi thấy đứa con tinh thần của mình được công chúng đón nhận. Vai trò của người nghe không nhỏ chút nào vì sự phản hồi của họ vô tình tạo nên một thứ “đơn đặt hàng” vô hình cho người viết.
Vai trò vốn có của công chúng nay còn được nhìn nhận ở một vị thế đặc biệt hơn. Kinh tế thị trường xâm nhập vào nhạc trường, kéo vào cuộc cả loạt công nghệ quảng cáo, tổ chức biểu diễn và sản xuất ca nhạc. Người nghe trở thành người tiêu thụ sản phẩm, thành khách hàng, thành “thượng đế”. Thượng đế thích gì có đó, tất nhiên các nhà đầu tư sản xuất thành phẩm âm nhạc chỉ nhằm vào nhạc giải trí cho những thượng đế thuộc số đông thì mới đắt hàng và có lãi. Thế là ca khúc đại chúng vẫn được gọi là “nhạc trẻ” lấn át các loại nhạc khác để đáp ứng thị hiếu của giới trẻ - thành phần đa số trong công chúng nghe nhạc trẻ. Thưởng thức loại nhạc này không chỉ nghe bằng tai mà cần xem bằng mắt, yếu tố nhìn mạnh hơn chất lượng nghe, hình thức bên ngoài còn gây ấn tượng hơn nội dung âm nhạc. Những từ “người nghe, thính giả” ở đây chẳng còn hợp lý nữa và dần dần bị bỏ quên để còn lại một từ chung chung hơn, khái quát hơn mà ta đang nói đến lúc này: công chúng âm nhạc.
Trong thời buổi mục đích lợi nhuận đứng trên giá trị nghệ thuật và nhu cầu số đông thay thế tất cả, bạn có thể bị loại khỏi thành phần công chúng âm nhạc, hoặc bị bỏ đói nếu bạn không ưa xài loại nhạc của số đông và chẳng may lại nghiện thứ cao cấp hơn, những thứ đòi hỏi một vốn hiểu biết và khả năng thẩm thấu nhất định. Nếu mong muốn tìm hiểu các thể loại nhạc dân tộc cổ truyền, nhất là các thể loại có nguy cơ thất truyền, chắc gì kiếm ra được những địa chỉ tin cậy không “chơi” nhạc giả cổ. Nếu thực sự mê nhạc giao hưởng thính phòng, dễ gì len vào nổi những buổi hòa nhạc “xịn” mà phần lớn là vé mời dành cho những người không phải đối tượng của loại nhạc kén khách đó. Chỉ trông chờ vào kinh phí bao cấp quá ít ỏi và nguồn tài trợ thất thường, âm nhạc không thuộc loại “nhạc thị trường” chưa có chỗ đứng xứng đáng trong đời sống âm nhạc, thiếu những chương trình hấp dẫn cũng như sự tuyên truyền dẫn giải cần thiết cho công chúng. Trong điều kiện tiếp xúc chưa đủ để cảm nhận được cái tinh túy, thành phần nghe loại nhạc “có hiểu biết” cứ thế teo đi.
Ít không có nghĩa là không tồn tại. Mỗi thành phần công chúng dù ít hay nhiều vẫn có tiếng nói riêng. Âm nhạc nào có công chúng đó. Món ăn khoái khẩu của bạn có thể tôi nuốt không trôi, âm nhạc khoái lỗ tai tôi có thể bạn chịu không nổi. Một hiện tượng, một sản phẩm âm nhạc có thể nhận được những phản ứng trái ngược nhau là chuyện hiển nhiên.
Riêng trong làng giải trí thôi cũng đã khó tìm thấy tiếng nói chung giữa các thế hệ công chúng bởi loại nhạc này giống như thời trang biến động theo mode, theo mùa. Bố mẹ chỉ trích con cái mê rap, hip-hop, mà không nhận thấy “lịch sử lặp lại” - trước đây họ cũng từng bị các bậc phụ huynh ngăn cản nghe jazz, rock như thế. Có khác chăng là bố mẹ thời nay không thể đem biện pháp mang “tính quân sự” cũ kỹ ra dọa con cái được nữa, vì con trẻ thế hệ @ biết lấy luật nhân quyền ra “cãi” lại roi vọt, biết lướt như gió trên các xa lộ thông tin để mở rộng và cập nhật cho nhu cầu thưởng thức âm nhạc của riêng mình.
Thay vì đứng từ phía này để xem xét chê bôi sở thích của phía khác, sự thể hẳn sẽ dễ chịu hơn cho tất cả thành phần công chúng nếu chúng ta có cái nhìn thoáng hơn, luôn tìm cách mở rộng thực đơn cho các khẩu vị khác nhau tùy ý lựa chọn. Một mặt chủ động đầu tư phi lợi nhuận và có quy mô vào những thể loại âm nhạc không thuộc diện ăn khách để không bỏ rơi số ít, bởi cái gọi là người nghe đích thực, là văn hóa cấp cao thật đáng tiếc lại vẫn thuộc về số ít. Mặt khác, cũng không thể nhân danh đẳng cấp của số ít để miệt thị hay phủ nhận vai trò và ý nghĩa của âm nhạc đại chúng.
Quan tâm và tôn trọng đúng mức các thành phần công chúng khác nhau quả là một thử thách lớn cho các nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn và các tổ chức quản lý nghệ thuật. Tôn trọng công chúng không có nghĩa là nhắm mắt chiều theo mọi nhu cầu kể cả thị hiếu thấp kém, mà cần tôn trọng đúng cách, đó là nâng cao giá trị nghệ thuật của các loại nhạc khác nhau, nhạc cho số đông cũng như nhạc kén khách.
20-11-2005