Shostakovich, Prokofiev, Britten và tôi
Nghệ sỹ cello vĩ đại Mstislav Rostropovich không đơn thuần là một nghệ sỹ, ông còn là cây cầu nối chúng ta với thế giới của những người khổng lồ, những nhà soạn nhạc hàng đầu thế kỷ 20. Dù năm 2007 ông đã mãi mãi ra đi nhưng những ký ức về ông cùng quan điểm về âm nhạc, về con người và cả cuộc sống của ông vẫn còn ở lại thế giới này với chúng ta. Nhà báo Jeremy Eichler của New York Times đã ghi lại những ấn tượng trong cuộc gặp gỡ với Mstislav Rostropovich vài tuần trước khi ông qua đời.
Tôi là người đàn ông hạnh phúc nhất trên thế giới”, Mstislav Rostropovich đã nói với tôi như vậy. Và người ta hoàn toàn có thể tin ông ấy.
Trên đỉnh cao của sự nghiệp, Rostropovich, 79 tuổi, là người khổng lồ của cây đàn cello, một trong số những nghệ sỹ vĩ đại nhất trong thời đại mình. Buổi biểu diễn đầu tiên ở phương Tây vào cuối những năm 1950, ông đã gây kinh ngạc cho khán giả bởi tiếng đàn vừa hết sức tinh tế, vừa đầy sinh lực của ông. Vào những năm 1970, việc ông che chở và bảo vệ Aleksandr Solzhenitsyn đã khiến ông phải đau đớn rời khỏi đất nước. Với danh tiếng của mình, ông đã có những cuộc gặp gỡ các Tổng thống và Giáo hoàng, đã kết bạn thân thiết với Picasso và Chagall. Ông có nhà ở London, Paris, Moscow, St. Petersburg và Lausanne, Thụy Sỹ, và cũng xây dựng những bộ sưu tập nghệ thuật quý giá. Ông sở hữu cây cello Duport Stradivarius tuyệt diệu. Truyền thuyết kể lại rằng một vết xước trên cây đàn là do đinh thúc ngựa trên chiếc ủng của Napoleon để lại. Nhưng danh tiếng đích thực của cây đàn lại không chỉ đến từ truyền thuyết đó. Vinh quang của cây đàn đến từ Rostropovich cũng như những tác phẩm ông chơi trên chính nhạc cụ này. Trong những năm cuối đời, Rostropovich còn xuất hiện với tư cách là một nhạc trưởng, khắc hoạ sâu sắc hơn tình bạn thân thiết của ông với nhiều nhà soạn nhạc, bao gồm ba trong số những nhà soạn nhạc hàng đầu của thế kỷ 20: Shostakovich, Prokofiev và Britten. Nghệ thuật biểu diễn của Rostropovich đã truyền cảm hứng cho họ sáng tác nên những tác phẩm xuất sắc và sau đó không lâu trở thành những tác phẩm nền tảng trong danh mục biểu diễn của cây đàn cello. Và Rostropovich đã không chỉ nói về những nhà soạn nhạc này như nói về những thành viên thân thiết của gia đình mà còn là một trong số những người trình diễn nồng nhiệt nhất âm nhạc của họ. Ông thực sự là một cây cầu nối giữa các nhạc sĩ với nhau trong môi trường văn hóa, nơi âm nhạc được sinh ra.
Rostropovich luôn luôn bị ám ảnh bởi cảm giác rằng ông không còn đủ thời gian để trình diễn tác phẩm của các nhà soạn nhạc thân thiết. Ông linh cảm được cái chết đã đến gần, rất gần. Vì vậy, Rostropovich đã dành nhiều tâm huyết, sức lực tham gia những festival. Rostropovich, hay Slava như ông vẫn thường được gọi một cách trìu mến, đã dẫn đầu dàn nhạc New York Philharmonic trình diễn bản giao hưởng số 10 của Shostakovich và bản Violin Concerto số 1cũng của ông với sự độc tấu của Maxim Vengerov. Sau đó, ông đã trở lại với dàn nhạc giao hưởng Mỹ ở Washington tham dự fesvial Shostakovich rồi tới Seattle và San Francisco, nơi ông trả lời phỏng vấn trước khi qua đời không lâu ở khách sạn Ritz Carlton.
Mặc dù sức khỏe đã giảm sút, nhưng ông vẫn trò chuyện với tôi bằng một thứ tiếng Anh “bồi” đầy lôi cuốn với những cử chỉ hết sức sinh động (trong một lúc, ông đã hát một phóng tác bài hát dân ca yêu thích của Stalin, từng được Shostakovich bí mật đưa vào một bản cello concerto). Khi tiếng chuông điện thoại vang lên, ông bật dậy khỏi chiếc ghế của mình để trả lời điện thoại (đó là cú điện thoại của Mikhail Baryshnikov, nhà biên đạo múa người Mỹ gốc Nga Xô Viết, được đánh giá là nghệ sỹ ballet vĩ đại nhất thế kỷ 20 cùng với Vaslav Nijinsky và Rudolf Nureyev). Nhưng trong suốt cuộc trò chuyện, Shostakovich vẫn đóng vai trò là leitmotif, chủ đề được nhắc đi nhắc lại.
“Ông ấy là người đóng vai trò quan trọng nhất trong cuộc đời tôi, sau người cha của tôi, Rostropovich nói: “Nhiều lúc khi tôi đang chỉ huy, tôi bỗng nhìn thấy gương mặt của ông hiện ra trước mắt tôi. Thi thoảng đó là một khuôn mặt buồn rầu – tôi đã chỉ huy tác phẩm của ông ấy với một tốc độ quá chậm, vì thế tôi đã đẩy tốc độ nhanh lên, và gương mặt ấy lại biến mất một cách bí ẩn.”
Hai người gặp nhau vào năm 1943, không lâu sau khi Rostropovich phải hứng chịu nỗi đau mất cha. Họ trở nên thân thiết hơn khi Rostropovich theo học tại lớp học hòa âm của Shostakovich tại nhạc viện Moscow. Họ bắt đầu biểu diễn cùng nhau, và Shostakovich cuối cùng đã đề tặng nhiều tác phẩm cho Rostropovich, đầu tiên là bản Cello Concerto số 1 vào năm 1959. Khi Rostropovich hồi tưởng lại câu chuyện này, gương mặt của ông sáng bừng lên trong hạnh phúc: “Khi ông ấy chơi bản concerto cho tôi nghe ở St. Petersburg, tôi đã hết sức ấn tượng, rồi ông ấy nói với tôi: “Slava, cậu có thích tác phẩm này không, hay không thích nhiều lắm? Bởi vì nếu cậu nói với tôi là cậu yêu thích nó, tôi sẽ đề tặng tác phẩm này cho cậu”. Tôi đã thấy choáng váng đến mức không thể tin nổi. Vì tôi quá ngưỡng mộ ông ấy, tôi đã chơi bằng trí nhớ bản cello concerto trong bốn ngày liền. Sau đó, tôi tới nhà Shostakovich và đề nghị: “Tôi rất muốn chơi bản concerto của anh cho riêng anh nghe. Shostakovich mỉm cười: Ôi Slava, chỉ một giây thôi, tôi sẽ đưa cho cậu cái giá nhạc của tôi. Và tôi liền trả lời: Ồ không cần đâu, bạn của tôi. Đó chính là những khoảnh khắc kỳ diệu nhất trong cuộc đời của tôi”.
Mặc dù có mối quan hệ thân thiết, nhưng giữa ông và Shostakovich thường có những cuộc tranh cãi đầy chua cay. Ông cho rằng nhà soạn nhạc có phần nào đồng cảm với chế độ Xô Viết. “Shostakovich là một cá nhân hết sức phức tạp, Rostropovich kể, ông ấy có khả năng nói dối để không làm người dân thất vọng. Tôi nghĩ rằng chỉ có trong âm nhạc ông ấy mới hoàn toàn chân thật. Trong âm nhạc, ông ấy tâm sự những điều mình cảm nhận được về âm nhạc, về cuộc đời”. “Âm nhạc trong thời kỳ Xô Viết hết sức quan trọng với nhân dân, Rostropovich nói, đó là một liều thuốc tinh thần”. Vào lúc đó, bà Larisa Gesin, vợ của người phiên dịch, đã tới im lặng ngồi bên cạnh và nêu lên ý kiến của mình: “Shostakovich là cuộc sống của chúng tôi, ông ấy là tất cả. Cuộc sống đã trở nên dễ dàng bởi vì ông ấy đã tuyên bố quan điểm, ý tưởng của mình về cuộc sống trong khi chính bản thân bạn lại không thể làm được điều đó”.
Nhiều bản thu âm nổi tiếng của Rostropovich có vào cuối những năm 1950 và 1960, khi ông có chuyến lưu diễn tại phương Tây, nhờ vào sự tan băng văn hóa do Khrushchev khởi xướng sau cái chết của Stalin. Nhưng kỷ nguyên Brezhnev đã gây tai họa cho nhiều nghệ sỹ, trong đó có cả nhà văn Solzhenitsyn. Bị khai trừ khỏi Hội nhà văn, Solzhenitsyn cần có một sự che chở và nơi trú ngụ để sáng tác, vì thế Rostropovich và vợ của ông, nữ nghệ sỹ soprano Galina Vishnevskaya, đã mở rộng vòng tay che chở Solzhenitsyn trong căn nhà nghỉ bên ngoài Moscow của họ.
Khi sự tố cáo Solzhenitsyn vẫn tiếp tục diễn ra, Rostropovich đã viết một bức thư bảo vệ Solzhenitsyn và chất vấn các nhà phê bình nghệ thuật của Nhà nước. Ông đã sao bức thư thành nhiều bản gửi cho 4 tờ báo Nga rồi gửi chúng vào hộp thư ở sân bay khi rời nước theo một chuyến lưu diễn vào năm 1970.
Bức thư khiến cho Rostropovich và Vishnevskaya, phải hứng chịu một hậu quả lớn: sự nghiệp biểu diễn phải tạm ngừng, họ không xuất hiện trước công chúng trong vòng 4 năm và bị từ chối tham dự các buổi hòa nhạc ở nước ngoài bởi các cơ quan quản lý thông báo rằng họ bị ốm hoặc không sẵn sàng trình diễn.
Đó là quãng thời gian hủy hoại họ. Nhưng sau những nỗ lực không mệt mỏi của nhạc trưởng Leonard Bernstein, hai nghệ sỹ đã được cấp visa ra nước ngoài. Vào năm 1974, Rostropovich và Vishnevskaya đã có giấy phép trong vòng hai năm và sau đó trở thành chuyến lưu vong kéo dài đến tận năm 1990 (Chính quyền Xô Viết tước quyền công dân của họ vào năm 1978). Rostropovich nhớ mãi nỗi đau chia cắt với Shostakovich, người ông không thể gặp lại nữa; nhà soạn nhạc đã qua đời vào năm sau đó.
Trong suốt hai giờ trò chuyện, Rostropovich không ngừng nhắc đến những người bạn thân thiết trong quá khứ của mình, đặc biệt là sự kết nối giữa ông với Shostakovich và Britten, người ông vẫn gọi một cách thân mật là Ben. Ông đã hát một đoạn nhạc mà ông nói rằng Shostakovich yêu thích nhất từ một tenor solo trong “War Requiem” của Britten nhưng rồi ngưng ở giữa câu. Đôi mắt của ông ngấn lệ “Xin lỗi”, ông nói rồi bỏ đôi kính của mình ra, “Những người như thế đã không còn có mặt trên thế giới này nữa…”
Nghệ sỹ Brey hồi tưởng lại khoảnh khắc tương tự vào năm 2006, khi Rostropovich đứng bên ngoài trụ sở New York Philharmonic, tranh luận về Prokofiev và Shostakovich. “Rõ ràng là ông ấy cảm thấy rằng mình là người cuối cùng của thế hệ ấy và có một chút gì đó của trẻ thơ trong cách nói của ông: “Tôi nhớ họ, tôi nhớ những người bạn của tôi”.