Sách Âm nhạc dưới mái trường

01/03/2020

Kính thưa Ban Lãnh đạo cơ quan cùng các Thầy Cô

Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật gắn bó mật thiết với cuộc sống mỗi con người. Bản chất âm nhạc mang cái thẩm mỹ, cái đẹp. Nên nếu được tiếp xúc với âm nhạc, tuổi thơ sẽ được sống trong thế giới âm thanh tạo dựng cái đẹp, cái cao cả. Và tình cảm thẩm mỹ, lý tưởng thẩm mỹ được hình thành trong tâm hồn trong sáng của các em. Những bản nhạc,bài ca có giá trị cao, phù hợp với lứa tuối sẽ hình thành ở các em nhu cầu thẩm mỹ đúng đắn. Nó gợi mở, thúc giục các em hành động theo những lý tưởng xã hội cao quý.

Trong tình hình hiện nay, số lượng bài hát các nhạc sĩ mới sáng tác cho các em còn hạn chế. Trong số đó những bài hát đọng lại, được các em yêu thích chưa nhiều nên các em thường hát những bài hát nước ngoài, không phù hợp với lứa tuổi của các em. Vì vậy, với mong muốn đem đến cho các em những bài hát đã được các em yêu thích, và từng là hành trang của nhiều thế hệ thanh – thiếu nhi Việt Nam. Góp phần khơi gợi ở các em những tình cảm và ước mơ cao đẹp, nên tác giả biên soạn sách Âm nhạc dưới mái trường.

Xin kính tặng Quý cơ quan cuốn sách này. Rất mong được sự ủng hộ và cùng chung tay của các thầy cô, chắp cánh cho những bài hát này được tiếp tục phổ biến rộng rãi trong các em.

Biên soạn cuốn sách này, tác giả không thể tránh được nhiều thiếu sót. Rất mong nhận được sự góp ý của thầy cô cùng các bạn và các em.

Nhân dịp đầu xuân Canh Tý, xin trân trọng cảm ơn và chúc các thầy cô cùng Quý cơ quan một năm mới sức khỏe và thành công.

Hà Nội, Xuân Canh Tý 2020

Thạc sĩ – Nhạc sĩ: Trần Quỳnh Mai, nguyên Trưởng Phòng Ca nhạc Thiếu nhi Đài TNVN. email:maitranquynh59@gmail.com. ĐT:0913575035

LỜI GIỚI THIỆU SÁCH CỦA NHẠC SĨ PHẠM TUYÊN

Âm nhạc thiếu nhi luôn luôn là vấn đề quan tâm của cả xã hội. Từ sau Cách mạng Tháng Tám, trải qua nhiều thời kỳ lịch sử của đất nước, chúng ta đã có được một nền âm nhạc dành cho thiếu nhi. Những bài hát thiếu nhi đó đã góp phần tác động tích cực đối với đời sống tinh thần của nhiều thế hệ tuổi thơ Việt Nam.

Từ khi đất nước được hoàn toàn giải phóng, chúng ta sống trong thời kỳ hội nhập với cơ chế thị trường thì ngày càng vắng bóng những bài hát viết cho thiếu nhi. Những bài hát gọi là phong trào thì nhiều, nhưng viết riêng cho thiếu nhi thì rất hiếm. Nhiều nhạc sĩ băn khoăn: trước kia chúng tôi gửi bài tới Đài Tiếng nói Việt Nam, nếu được duyệt thì sẽ được dàn dựng, thu thanh rồi phát trên sóng. Còn bây giờ chúng tôi viết bài hát cho thiếu nhi xong thì không biết gửi đến đâu, và ai dàn dựng, ai thu thanh cho. Vì thế, hiện nay chúng ta đang đứng trước tình hình rất lo, đó là sự thâm nhập của nhạc nước ngoài nhiều và không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi.  Giới âm nhạc cũng đã đặt vấn đề, đây không chỉ là mối quan tâm của các nhạc sĩ sáng tác mà là của cả xã hội. Và vấn đề đóng góp cho việc dạy âm nhạc trong nhà trường chưa được quan tâm đúng mức lắm.

Khi nhạc sĩ An Thuyên còn sống, anh ấy bàn với chúng tôi là: chúng ta đã có một tài sản âm nhạc thiếu nhi rất quý với hàng ngàn bài hát. Vậy mà tại sao hiện nay lại vắng bóng trong đời sống. Còn nhạc ngoại lai, không mang âm hưởng dân tộc lại xuất hiện nhiều ? Và nhạc sĩ An Thuyên đã chủ trương phải in ấn, nhắc nhở lại tài sản quý giá đó. Nhưng đến nay mới xuất bản được 2 tập gọi là Những bài hát thiếu nhi viết trước năm 1975. Còn gợi ý về âm nhạc trong nhà trường thì hiện nay chưa được đặt thành vấn đề.

Sau khi tôi nhận được công trình Âm nhạc dưới mái trường của tác giả Trần Quỳnh Mai thì tôi cho rằng đây là một tư liệu rất quý. Tác giả phải có tâm huyết với âm nhạc thiếu nhi, và có kinh nghiệm trong vấn đề theo dõi đời sống âm nhạc của đất nước thì mới có được công trình này.

Khi nói đến âm nhạc trong nhà trường thì ít người đặt vấn đề thầy giáo – cô giáo hát như thế nào ? Ở đây, cách đặt vấn đề của tác giả tôi cho là rất sát với thực tế. Nhưng quan trọng hơn là tạo điều kiện để các thầy cô giáo không cần phải sưu tầm những bài hát gì xa xôi, mà đây là những bài hát đã được sống trong đời sống. Đặc biệt ở đây không chỉ có những bài hát thiếu nhi cho các em hát, mà đồng thời các em còn được nghe những bài hát của người lớn. Và người truyền đạt những tình cảm chung của nhân dân lại chính là các thầy cô giáo. Có lẽ đây là công trình  đầu tiên nghiên cứu công phu, liệt kê được những bài hát hay, và còn gợi ý cả cách dàn dựng bài hát cho thiếu nhi,bài hát cho thầy cô để phù hợp với không khí xã hội ngày hôm nay. Và thậm chí còn tỉ mỉ chọn bài hát cho từng tháng trong năm. Tôi cho rằng đây là một công trình rất đáng ghi nhận, nó không những đưa âm nhạc đến với nhà trường mà còn đến với cả tuổi trẻ của đất nước trong thời kỳ đổi mới này.

Tôi đánh giá rất cao và rất mong rằng xuất bản phẩm này sẽ đến được với tất cả những người quan tâm đến vấn đề giáo dục âm nhạc trong nhà trường. Và đối với mỗi thầy cô giáo thì đây là một tư liệu quý để mình đến gần hơn với lịch sử âm nhạc của đất nước.

Hà Nội, mùa hè năm 2019

Phạm Tuyên

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.