Ra mắt dàn nhạc Hà Nội Chamber Orchestra: Cuộc chơi mới của những người trẻ

12/01/2015

Một dàn nhạc cổ điển tại Hà Nội vừa mới ra đời: Hà Nội Chamber Orchestra với người dẫn đầu là chỉ huy, violon Nguyễn Khắc Thành. Ở tuổi 40, chưa phải già nhưng cũng không còn trẻ để mạo hiểm. Vậy, khi quyết định thành lập một dàn nhạc cổ điển vào thời điểm khó khăn chung của kinh tế xã hội, Nguyễn Khắc Thành muốn "chèo lái" như thế nào với dàn nhạc của mình?

1. Trong danh sách biểu diễn ra mắt tối 6/1 với các tác phẩm Sonata No.3 cho dàn dây (Gioacchino Rossini), Concerto cho clarinet và dàn nhạc (W.A.Mozart) hay tổ khúc Holberg (Edvard Grieg) có mặt các nghệ sĩ như Trịnh Minh Hiền, Nguyễn Vi Cầm, Đỗ Hương Trà My, Nguyễn Quỳnh Trang nằm trong "biên chế" của Hà Nội Chamber Orchestra đã từng được biết đến là những tên tuổi có khả năng đứng độc lập trong nghề với vị trí solo. Và dường như đó cũng là "tiêu chí" hàng đầu của chỉ huy Khắc Thành khi anh lựa chọn các thành viên trong dàn nhạc: những nghệ sĩ trẻ, tài năng, năng động, có phong cách và tất nhiên không thể thiếu sự đam mê.

Với lần đầu ra mắt, nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm văn hóa Pháp về địa điểm, của nhãn hiệu Luala về truyền thông nhưng Hà Nội Chamber Orchestra đã bán được 100 vé (200 ngàn/ vé đồng hạng). Một con số khiêm tốn trong khán phòng 250 người. Nhưng chưa hết, đằng sau đó còn rất nhiều những khó khăn khi dàn nhạc phải tận dụng mọi điều kiện vật chất mà mình có để tiết kiệm mọi chi phí phát sinh trong khâu tổ chức như: ghế trình diễn, giá nhạc các nghệ sĩ tự mang theo, chỉ sử dụng duy nhất một người trong hậu đài lo chỉnh sửa âm thanh, ánh sáng...


Chỉ huy Khắc Thành và dàn nhạc Hà Nội Chamber Orchestra

2. Khó khăn là vậy, và tưởng như sẽ còn khó khăn hơn khi là "kẻ sinh sau đẻ muộn" phải cạnh tranh với những dàn nhạc đi trước. Nhưng chỉ huy Khắc Thành cho biết anh không có ý định cạnh tranh với bất kỳ dàn nhạc nào, vì Hà Nội Chamber Orchestra sẽ là cuộc chơi thể hiện mình của các nghệ sĩ. Thậm chí, với cách tổ chức rất thoáng: biên chế không giới hạn cho nghệ sĩ (số lượng nghệ sĩ trình diễn phụ thuộc vào tác phẩm), thời gian luyện tập linh động, thực hiện chương trình theo mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông, 3 tháng/lần) chỉ huy Nguyễn Khắc Thành lại thấy đây là hướng đi an toàn nhiều mặt: không phải áp lực kinh tế cho nghệ sĩ, thay vào đó là sự chuyên tâm luyện tập; mỗi đêm diễn không chỉ là sự cống hiến cho khán giả mà còn là cơ hội nâng cao chất lượng biểu diễn cho từng nghệ sĩ.

Ở Việt Nam, hầu hết các nghệ sĩ chỉ có thể chơi nhạc cổ điển chính thống trong các dàn nhạc như Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội hay Dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM... Tuy nhiên, "cơ chế" đặc thù tại các đơn vị nhà nước khó có thể thỏa mãn đam mê làm nghề của nhiều nghệ sĩ.

Vì thế, khát khao có một "sân chơi" đúng nghĩa dành cho những nghệ sĩ cổ điển, đặc biệt lại là những người được xem là trẻ (dưới 40 tuổi) có tài và có tâm là điều mà chỉ huy Khắc Thành "nuôi mộng" từ lâu.

Tuy nhiên, đến nay anh mới thực hiện được, bởi thời điểm này đã hội tụ được những nghệ sĩ trẻ cùng chí hướng và đam mê. Cuộc chơi mới bắt đầu nhưng với tôn chỉ “liệu cơm gắp mắm, làm đến đâu, hưởng đến đó”, các thành viên của Hà Nội Chamber Orchestra tin rằng mình sẽ theo đuổi lâu dài con đường này.

Trước Hà Nội Chamber Orchestra, cũng đã có dàn nhạc Hà Nội Ensemble của nghệ sĩ violin Bùi Công Duy. Tuy mỗi dàn nhạc có hướng đi khác nhau nhưng dường như trong tình hình như hiện nay, việc xây dựng các dàn nhạc có quy mô nhỏ là vừa sức và thuận lợi cho các nghệ sĩ cổ điển để thực hiện đam mê với âm nhạc hàn lâm?

(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...