Quanh việc tài trợ các hoạt động văn hóa nghệ thuật: Khi nghệ sĩ phải gạt sĩ để… sống
Nghệ sĩ cần tranh thủ sự tài trợ để hoàn thiện các dự án nghệ thuật của mình. Ngược lại, các chủ thương hiệu cũng cần đến tên tuổi nghệ sĩ để làm sang thương hiệu của mình. Vì vậy, năm 2013 vẫn tiếp tục chứng kiến sự đồng hành khăng khít giữa các “đại gia” và những nghệ sĩ tên tuổi.
“Quý ông” Quốc Trung trong cuộc đồng hành với “hương vị tuyệt hảo”
Khi Quốc Trung làm “quý ông”
Chuyến lưu diễn âm nhạc “RockStorm” vừa kết thúc hành trình gây bão của mình tại 7 thành phố lớn. Mùa rock thứ 5 và cũng là mùa thứ 3 đánh dấu cuộc đồng hành của nhạc sĩ Quốc Trung trong vai trò tổng đạo diễn cùng nhà tổ chức MobiFone.
Kể từ khi ngồi ghế nóng truyền hình thực tế, Quốc Trung đã thành một từ khóa được tìm kiếm hơn cả những cống hiến trước đó của anh trong nghệ thuật - như chính anh từng tự trào: “Lên nói lăng nhăng mà nổi tiếng nhanh như gió”. Lượng truy cập vào facebook của anh vì thế cũng tăng vọt. Một “mỏ vàng” khó mà thoát ra khỏi con mắt xanh của các chuyên gia PR.
Ba mùa rock diễn ra trôi chảy trước sức nóng của nó hẳn nhiên là một phép toán cần đến cái đầu điềm tĩnh và “đầy sỏi” về kinh nghiệm tổ chức biểu diễn của Quốc Trung. Một chiến dịch PR không thể hoàn hảo hơn khi đã biết “chộp lấy” cái gạch nối giữa world music - thể loại âm nhạc mà Quốc Trung bấy lâu nặng lòng theo đuổi và... “những phức hợp hương đa dạng, kết hợp hài hòa” của thứ thức uống cần quảng bá.
Cũng vì cái gọi là “hương vị tuyệt hảo” mà vừa xong, người ta bỗng thấy Quốc Trung tự dưng đi làm một việc trái ngược hoàn toàn với tính cách của anh: Tổ chức tiệc cuối năm mừng một năm nhiều gặt hái mà xem xong thì sẽ hiểu... “còn ai vào đây”. Tương tự, cũng Quốc Trung trong một shoot hình khác (quyết không là tính cách của anh), dĩ nhiên là được xử lý rất cao trình, dưới một cái tít đến là hút chuột: “Quốc Trung... giành miếng ngon với Mỹ Linh, Hồng Ánh”.
Càng khó khăn, càng phải …tỉnh
Nếu như MobiFone chọn Quốc Trung thì Viettel chọn Lê Minh Sơn cho loạt chương trình ca nhạc vì cộng đồng được tổ chức với mật độ dày lên hẳn trong năm qua, cũng ở vị trí tổng đạo diễn. Cuộc đồng hành dĩ nhiên mang lại cho Sơn nhiều thứ: Thù lao, nguyện vọng đến gần với công chúng - cả bình dân lẫn cao cấp, sự cọ xát..., nhưng cũng đã kịp lấy đi của anh một thứ: Live show riêng thường niên theo dự định diễn ra cuối năm đành lỗi hẹn.
Dù lúc này, ra đĩa hay làm show làm gì mơ có lãi. Không lỗ là may. Thế nhưng, cũng vẫn phải làm. Lửa nghề là một nhẽ. Quan trọng không kém, còn là giữ sức nóng cho cái tên của mình, vì từ đó, còn ra bao việc khác.
“Cầm tay mùa hè” - series ca nhạc được đảm bảo bằng thương hiệu Quốc Trung theo anh sẽ... lỗ. “In the Spotlight” năm rồi đành ngậm ngùi chia tay khán giả sau hơn 2 năm cố gắng cầm cự, hay trước đó nữa là “Không gian âm nhạc” đáng yêu là thế, trăm sự cũng chỉ vì không có được sự đồng hành của nhà tài trợ. Cái câu “cơm áo không đùa” đã đúng, câu “buôn có bạn, bán có phường” lại càng đúng hơn với chuyện làm nghệ thuật lúc này.
Nên đôi lúc, người ta phải chấp nhận những “lý do tầm thường” (từ Quốc Trung tự trào) - một cách “lấy mỡ nó rán nó” để ra được sản phẩm và nuôi giữ lửa nghề. Như Quốc Trung từng chia sẻ với Lao Động: “Dĩ nhiên tôi biết phần nào đó mình may mắn, so với hoàn cảnh chung của xã hội, khi ít nhiều có được tín nhiệm, có khá nhiều đầu việc để làm với mức thù lao khá cao...
Nhưng nói chung là “vất”: Làm việc khoảng 10 tiếng/ngày, kể cả ngày nghỉ. Vất vả vậy, nhưng để đủ trang trải mọi thứ hằng tháng cũng đã là một thách thức. Nói gì đến chuyện lo cho con du học, và là học nhạc...”. Hơn thế, còn là thách thức “đường xa vạn dặm” trên con đường mà anh trót phải lòng: World music. Muốn nên chuyện thì phải mời được cộng sự giỏi, đầu tư mạnh cho phòng thu..., mà vé thì khó bán, không đau đầu mới lạ!
Cũng may, càng là lúc khó khăn, người ta càng phải tỉnh. “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”! 2014 của Quốc Trung vì vậy được hứa sẽ là một năm anh “dành cho mình”, và như thế có nghĩa là dành cho nghệ thuật, với dự định bấy lâu ấp ủ và nay đang dần thành hình: Festival âm nhạc 2014 với sự trở lại của Nguyên Lê - điều Trung nói anh nhất quyết phải làm, trước một nền âm nhạc mà “game show ăn không hết, festival lần không ra” này.
Ăn thua là ở điểm dừng: Nhà tài trợ, tổ chức đủ khôn để làm một “chủ chi” có văn hóa; nghệ sỹ đủ tỉnh để không biến tên mình, hình ảnh của mình thành một “mặt hàng quá đỗi bình dân” và từ đó, đâm ra suồng sã với nghề lúc nào không biết. |
(Nguồn: http://laodong.com.vn)