Plaisir D'Amour: Cuộc chơi mới của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng

19/09/2016

Ngày 5/10 tới đây, tại Nhà hát TP.HCM sẽ diễn ra chương trình âm nhạc thính phòng có tên gọi Plaisir D'Amour - Tình yêu và Đam mê. Đây là lần đầu tiên một chương trình thính phòng giao thoa giữa những tác phẩm dân ca Việt Nam được phối cho dàn nhạc thính phòng và giọng hát, kết hợp biểu diễn cùng các bài hát kinh điển và cổ điển phương Tây.

Người tạo nên ý tưởng chương trình kiêm luôn sản xuất, dàn dựng, hòa âm phối khí chính là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng. Đây không phải là lần đầu tiên anh có những sự kết hợp táo bạo theo kiểu “mix” giữa nhiều không gian âm nhạc vào nhau. Điều đặc biệt, những sự kết hợp ấy chưa bao giờ mang tính lặp lại.  

3 thế hệ thầy trò trên cùng một sân khấu     

Chương trình có tên Plaisir D'Amour, tên tiếng Việt là Tình yêu và Đam mê với ý tưởng rằng các bài hát đều xoay quanh chủ đề về “tình yêu”, còn “đam mê” là tượng trưng cho cho những nỗ lực không mệt mỏi của một nhóm các nghệ sĩ nhạc thính phòng và cổ điển muốn được làm những chương trình có chất lượng để thỏa mãn đam mê của mình và cả khán giả.

Có 4 ca sĩ tham gia chương trình lần này, gồm: Hồng Vy, Duyên Huyền, NSƯT Đăng Dương và Đào Mác, khách mời đặc biệt là NSND Quang Thọ. Đây sẽ là 3 thế hệ thầy trò sẽ biểu diễn cùng nhau lần đầu tiên trên sân khấu TP.HCM. NSND Quang Thọ là thầy của Đăng Dương, Đăng Dương là thầy của Đào Mác. 


Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng (trái)​

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết, phần đầu của chương trình là những bài dân ca nổi tiếng như: Gió đánh đò đưa (Dân ca Bắc bộ), Bèo dạt mây trôi (dân ca quan họ), Người yêu hỡi (dân ca Chăm) và một số bài dân ca các dân tộc thiểu số miền núi.  

Trước đây nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã có một tác phẩm được biểu diễn và gây ấn tượng rất mạnh là tác phẩm Dòng chảy. Đây là một tổ khúc gồm các bài dân ca được soạn cho giọng hát và kết hợp với dàn nhạc giao hưởng. 

Lần này, tinh thần cũng giống như Dòng chảy gồm những bài dân ca được soạn lại nhưng lại mang đậm tinh thần thính phòng nhiều hơn. Các ca sĩ sẽ luân phiên hát đơn ca và tốp ca cùng dàn nhạc thính phòng.

Ở phần 2 sẽ là những ca khúc nhạc trữ tình quốc tế như Besame Mucho, Speak softly love, Summertime… hay những bài hát được trích từ những vở opera nổi tiếng.

Trần Mạnh Hùng cho biết, sự kết hợp lần này sẽ đem đến nhiều yếu tố mới lạ hơn cho người nghe bởi cách tổ chức của âm nhạc thính phòng dựa trên một không gian đủ lớn để chuyển tải độ tinh tế trong phối âm và từ đó mang tính tôn vinh nhạc dân ca Việt Nam. 

Không gian của thính phòng sẽ giống như một phòng triển lãm, phần âm nhạc sẽ giống như những khung tranh và họa tiết được thêu trên ấy chính là nhạc dân tộc Việt Nam.  

Kéo xa lại gần   

Nhưng có một câu hỏi vẫn thường được đặt ra, rằng, TP.HCM luôn là một thị trường kén công chúng cổ điển và thính phòng, liệu điều này có phải cú chơi “liều” của nhà tổ chức? 

“Đúng là TP.HCM là một thị trường hơi khắc nghiệt với cổ điển nhưng đây vẫn luôn là một thị trường biểu diễn lớn và thực sự thì số lượng công chúng yêu thích nhạc thính phòng không phải là hiếm, chỉ chăng là họ không có nhiều cơ hội để thưởng thức”, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết.

Qua một số chương trình đã từng được Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TP.HCM (HBSO) tổ chức thì những nhà sản xuất thấy rằng nếu chương trình được dàn dựng công phu, tử tế, có nội dung tốt thì khán giả vẫn đón nhận khá nồng nhiệt. 

Ngay như chương trình Opera Gala gần đây hay là vở Cây sáo thần là những vở khán giả đã mua vé đi xem và tán thưởng rất nhiệt thành. Năm ngoái, vở Cây sáo thần của Mozart biểu diễn tại TP.HCM thậm chí còn cháy vé.

Dần dà thì công chúng ngày càng tin tưởng hơn vào chất lượng biểu diễn của các nghệ sĩ cổ điển Việt Nam và đáng chú ý hơn là ngày đang càng có nhiều hơn tầng lớp công chúng mới trưởng thành, có thẩm mỹ âm nhạc tốt do được đào tạo từ các trường quốc tế hay học ở nước ngoài về. Đó là một tầng lớp có nhu cầu thưởng thức văn hóa khác với số đông.  

“Chúng tôi đặt niềm tin vào những lớp khán giả trung thành của cổ điển cũng như tầng lớp công chúng mới và cũng rất mong muốn mở rộng biên độ khán giả vốn đang rất quen với âm nhạc đại chúng”, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ.  

Cũng cần nhớ lại rằng, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã từng làm những thể nghiệm gây bất ngờ với nhiều người chẳng hạn như album Yếm đào xuống phố là sự kết hợp giữa Jazz và Chèo, chương trình Khúc giao hòa ngày Xuân là “pha” giữa nhạc cổ truyền với giao hưởng thính phòng. Cho dù nhận được rất nhiều lời khen ngợi nhưng không phải là không có những cái cau mày của những công chúng thích nghe theo kiểu truyền thống.

Trần Mạnh Hùng cho biết “Âm nhạc không thể chiều lòng tất cả. Chúng ta không thể vừa phát triển vừa giữ nguyên trạng. Tôi chỉ tin chắc rằng đây là một trong nhiều cách để phát huy và bảo tồn âm nhạc dân tộc. 

Chúng tôi không nói rằng “Hãy làm như thế!” bởi có rất nhiều cách để làm điều này và cách nào cũng có cái hay riêng của nó. Thời đại nào cũng có những làn gió mới. Trong sự chuyển động của bánh xe thời gian thì cái gì cũng có thể được làm lại trong một không gian mới, luôn luôn là như vậy”.

(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...