Phó Đức Phương: Từ lãng tử thành 'người đếm tiền hộ' nghệ sĩ
Nhiều người nói Phó Đức Phương "hâm, dở" khi đang ở đỉnh cao của người nghệ sĩ lại bỏ đi làm cái công việc "vác tù và hàng tổng" - đòi tác quyền cho các nhạc sĩ.
Dù đã hơn 10 năm "lạnh nhạt" với công việc sáng tác do quá bận bịu với vai trò giám đốc trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) nhưng người ta vẫn nhắc tới nhạc sĩ Phó Đức Phương với vai trò "con chim đầu đàn" của nền âm nhạc Việt. Những sáng tác nổi tiếng của ông như: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Huyền thoại hồ núi Cốc, Trên đỉnh Phù Vân, Một thoáng Tây Hồ, Chảy đi sông ơi, Về quê... đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng được nhiều lớp ca sĩ thể hiện. Nhiều người nói Phó Đức Phương "hâm, dở" khi đang ở đỉnh cao của người nghệ sĩ lại bỏ đi làm cái công việc "vác tù và hàng tổng" - đòi tác quyền cho các nhạc sĩ. Tuy nhiên, nhìn từ thực trạng vi phạm bản quyền tràn lan và nhức nhối như hiện nay mới thấy rằng, không phải ai cũng có đủ dũng cảm để trở thành, gã Đông Ki Sốt, dám khiêu chiến và chiến đấu với cối xay gió như nhạc sĩ Hồ trên núi.
Từ một nhạc sĩ hiền lành trong âm nhạc, Phó Đức Phương đã trở thành
"ông bản quyền" ghê gớm khi đảm nhận vai trò giám đốc VCPMC.
“Phù thủy” của những giai điệu dân ca
Phó Đức Phương nằm trong bộ tứ nhạc sĩ Hà Nội "quyền lực" của nền âm nhạc Việt Nam đương đại, bên cạnh Trần Tiến, Nguyễn Cường và Dương Thụ. Bốn nhạc sĩ, bốn cá tính và đều đạt được những thành công ở lãnh địa riêng của mình. Riêng đối với Phó Đức Phương, chủ đề xuyên suốt trong sự nghiệp âm nhạc của ông là tình yêu quê hương đất nước với những nỗi nhớ da diết và day dứt. Nhạc Phó Đức Phương "đẹp" - đẹp từ ca từ, giai điệu đến ý nghĩa. Chính vì vậy mà nó cũng hút cả người hát lẫn người nghe. Các ca khúc của Phó Đức Phương đã góp phần làm nên tên tuổi của các ca sĩ hàng đầu Việt Nam hiện nay như Thanh Lam, Mỹ Linh, Trọng Tấn...; khán giả ở mọi thế hệ, mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi cũng rất yêu thích những bài hát mang âm hưởng dân ca vùng miền của ông.
Với những thành công như vậy, nhiều người nghĩ rằng Phó Đức Phương đã có nền tảng hoặc tiếp xúc với âm nhạc từ nhỏ. Tuy nhiên, sự thực thì tác giả Trên đỉnh Phù Vân lại sinh ra trong một gia đình cách mạng nổi tiếng, là cháu của chí sĩ Phó Đức Chính. Bản thân Phó Đức Phương cũng có xuất phát điểm cực kỳ suôn sẻ của một thanh niên Hà Nội với vị trí sinh viên khoa Toán, trường đại học Sư phạm.
Thế nhưng, sự yên bình ấy không đủ làm dịu những khao khát, đam mê trong lòng chàng thanh niên đã có sẵn trong mình "máu" nghệ thuật. Hết năm thứ ba đại học, Phó Đức Phương bỏ dở sự nghiệp "phấn trắng, bảng đen" để dấn thân vào thực tế cuộc sống với mong muốn trở thành một nhạc sĩ nắm bắt được thời cuộc, cảm nhận được hơi thở từng ngày của quê hương, đất nước. Vào năm 1965, chàng trai Hà Nội ấy quyết định rời bỏ phồn hoa đô thị và lên nông trường Cửu Long (Hòa Bình) đảm nhiệm công việc... chăn lợn. Và những va vấp thực tế, những vất vả, khó khăn của người dân lao động ấy chính là nguồn cảm hứng đầu tiên để nhạc sĩ tài hoa viết nên những ca khúc bất hủ sau này.
Sau ca khúc đầu tiên gây tiếng vang Những cô gái quan họ - ca khúc thấm đẫm giai điệu trữ tình dân ca Bắc Bộ; Phó Đức Phương liên tục cho ra đời những tác phẩm khắc họa tinh hoa âm nhạc dân gian của từng vùng miền. Nghe Hồ trên núi, ta thấy những giai điệu da diết mang âm hưởng mạnh mẽ của núi rừng Tây Bắc; nghe Huyền thoại hồ núi Cốc, ta như đi vào một cõi mênh mang của huyền tích xứ chè Thái Nguyên, nghe Trên đỉnh Phù Vân, ta như lạc vào thế giới giữa thực và mơ trên đỉnh cao nhất của ngọn núi Yên Tử (Quảng Ninh); nghe Một thoáng Tây Hồ, ta lại hoàn toàn đắm chìm vào sự lãng mạn, trong sáng của khoảng trời xinh đẹp Thủ đô... Nhìn chung, âm nhạc Phó Đức Phương luôn mang tới cho người nghe những lời mời gọi tha thiết về quê hương xứ sở, về cội nguồn của tâm hồn Việt.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương chủ trì cuộc họp của các nhạc sĩ về những bất cập trong
việc cấp phép biểu diễn sau đêm nhạc Trịnh Công Sơn - "Ru tình" hồi tháng 2/2012.
Thị phi và những việc cần làm
Sau những hoạt động tích cực ở phương diện sáng tác; những năm gần đây, người ta nhắc nhiều đến Phó Đức Phương ở vai trò "đứng mũi chịu sào" của VCPMC. Thậm chí, có người còn gọi nhạc sĩ Về quê là "ông bản quyền" bởi ông là người tiên phong trong việc đấu tranh cho quyền lợi của giới nhạc sĩ cùng với sự ra đời của trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. Vấn đề vi phạm bản quyền tác giả ở Việt Nam đã tồn tại từ lâu và rất khó giải quyết bởi nó xảy ra thường như cơm bữa, chẳng ai còn lạ. Tình trạng các ca khúc bị sử dụng bừa bãi, không xin phép, không trả tiền tác quyền... đã khiến những người sáng tác vô cùng bức xúc và giảm đi nhiệt huyết sáng tạo. Các nhạc sĩ bắt đầu có tinh thần đấu tranh để đòi lại quyền sở hữu trí tuệ nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu, thông qua cơ quan nào.
Trước tình hình đó, năm 2000, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã chấp bút viết bản kiến nghị về vấn đề quyền tác giả và xuôi ngược lấy chữ ký của 200 nhạc sĩ từ Bắc tới Nam, gửi lên Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, những người bạn âm nhạc đồng ý ký vào bản kiến nghị khi ấy cũng chỉ nghĩ là làm cho Phó Đức Phương vui lòng chứ chẳng ai tin là có thể làm nên trò trống gì; chưa kể người khởi xướng và "đứng mũi chịu sào" công việc tày trời này lại là người "hiền như cục đất" mà nhạc sĩ Nguyễn Cường vẫn gọi đùa là "ú ớ". Ngoài dự đoán của người thân, bạn bè; với sự kiên quyết và bức xúc từ bản thân, Phó Đức Phương đã làm nên chuyện.
Từ một bản kiến nghị với 200 chữ ký, tháng 4/2002, trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ra đời với mục đích bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả và chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc. Có được cơ sở pháp lý đó, Phó Đức Phương với vai trò Giám đốc trung tâm và các đồng nghiệp của mình đã tích cực trong công tác bảo vệ quyền lợi cho các thành viên. Theo báo cáo hoạt động của VCPMC, năm 2002, Trung tâm thu về 78 triệu đồng tiền bản quyền âm nhạc thì đến năm 2012 số tiền này đã lên tới 48 tỷ đồng.
Nhìn bề ngoài, dáng vẻ hiền lành, mộc mạc của Phó Đức Phương khiến người ta nghĩ rằng ông vẫn hợp nhất trong vai trò một người nghệ sĩ, đứng sau những bản nhạc bay bổng, du dương. Thế nhưng, thật ngạc nhiên, khi khoác áo người quản lý, làm công tác liên quan đến pháp luật, ông cũng khiến nhiều người phải "ngả mũ" nể phục. Làng văn nghệ vẫn còn truyền nhau những câu chuyện "ghê gớm" của "ông bản quyền" khi ông sửng cồ suýt nữa thì "xuất chiêu" với một bầu sô khét tiếng trong làng showbiz phía Bắc, lên tận sân khấu Nhà hát Lớn (Hà Nội) trước giờ biểu diễn để đòi tiền tác quyền hay cả gan "đấu" cả với lãnh đạo cấp cao của cơ quan quản lý Nhà nước...
Sau hơn 10 năm "vác tù và hàng tổng", trải qua không ít những mệt mỏi, thị phi, người ta thấy Phó Đức Phương ngày càng mạnh mẽ và cứng rắn. Ông thẳng thắn đối mặt với áp lực từ nhiều phía, điềm nhiên vượt qua những cáo buộc mập mờ chuyện tiền nong của Trung tâm bằng chính hiệu quả công việc của mình. Đến nay, VCPMC đã trở thành nơi giao phó "đứa con tinh thần" an toàn của giới sáng tác. Và dù không ai nói ra nhưng tất cả đều đã coi Phó Đức Phương như "người hùng thời đại", một gã Đông Ki Sốt dám đương đầu với Cối xay gió.
Người đại diện cho quyền lợi tác giả
Về lý thuyết, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có thể liên hệ trực tiếp với các cá nhân, đơn vị sử dụng tác phẩm của mình để đàm phán, xem xét cho phép sử dụng và thu tiền bản quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, cá nhân các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm không thể nào kiểm soát được hết việc các tác phẩm của mình được sử dụng tại những đâu, vào thời điểm nào, phục vụ cho những mục đích gì, đặc biệt khi tác phẩm được sử dụng ở nước ngoài. Điều này dẫn tới hệ quả tất yếu là quyền lợi chính đáng của các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm thường bị những người sử dụng thiếu ý thức cố tình xâm phạm hoặc có thực hiện nhưng không nghiêm túc. Khi trở thành thành viên của VCPMC, các tác giả có thể yên tâm dành thời gian và tâm huyết vào công việc sáng tác bởi VCPMC sẽ là người đại diện cho các tác giả làm việc với đơn vị sử dụng tác phẩm, từ khâu đàm phán, ký kết hợp đồng cấp phép cho tới khâu theo dõi việc thực hiện hợp đồng, thu tiền bản quyền và sau đó phân phối tới tận tay các thành viên. |
(Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn)