Phát huy hiệu quả xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật
Ngày 19/12, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động VHNT ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Thanh Tùng.
Dự Hội thảo có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học - Nghệ thuật Trung ương, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ; đại diện bộ, ban, ngành Trung ương và Hà Nội; đại diện 10 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và những nhà khoa học thuộc lĩnh vực lý luận, phê bình VHNT.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Thế Kỷ khẳng định, xã hội hóa các hoạt động VHNT là một chủ trương lớn, đúng đắn và cần thiết được khẳng định trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là các nghị quyết về văn hóa, văn nghệ thời kỳ đổi mới. Thực hiện chủ trương đó, Chính phủ đã thể chế hóa bằng các nghị quyết, chỉ thị, nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này được thuận lợi và đúng đắn.
Ông Nguyễn Thế Kỷ cho rằng: Việc ban hành chủ trương lớn này của Đảng đã đáp ứng được đòi hỏi khách quan của thực tiễn, từng bước lan tỏa trong đời sống và tạo được sự tham gia rộng rãi của các lực lượng trong xã hội. Huy động được các nguồn lực to lớn, tạo thêm điều kiện để phát triển văn học nghệ thuật ở nước nhà. Đến nay, sau thời gian thực hiện chủ trương xã hội hóa, thực tiễn đã và đang đặt ra yêu cầu phải tổng kết, đánh giá toàn diện sâu sắc có tính hệ thống chủ trương , trên cơ sở đó tiếp tục nghiên cứu, ban hành những quyết sách đúng đắn, kịp thời về vấn đề này.
Tại Hội thảo, với 70 tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các chuyên gia khoa học, nhà báo và văn nghệ sĩ đã tập đề xuất ý kiến về 3 vấn đề chính: Hiểu đúng việc xã hội hóa; Phân tích thực tiễn, chỉ ra những thành công và hạn chế, tổng kết và đúc rút các bài học kinh nghiệm; Đề xuất các kiến nghị, giải pháp tiếp tục hoàn thiện chủ trương, cơ chế chính sách xã hội hóa và dự báo xu hướng, vận động, phát triển VHNT trong thời kỳ tiếp theo.
Theo nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Xã hội hóa với văn nghệ sĩ là tài năng được thừa nhận, tác phẩm được thừa nhận, tạo được tiếng vang với công chúng và có sức sống lâu dài. Xã hội hóa làm ra cả nghìn CLB thơ, nhưng tôi đọc thì không có bài thơ nào hay, có sức sống lâu dài. NXB Hội nhà văn có 1.125 đầu sách được phát hành trong 1 năm nhưng chất lượng thì như thế nào? Chúng ta có cả một vườn sản phẩm được gọi là văn hóa nhưng thực chất văn hóa được bao nhiêu? Tôi hoan nghênh xã hội hóa nhưng không thể vì vài đồng tiền mà quên đi giá trị tác phẩm. Tác phẩm phải đi vào lòng người, đấy mới là xã hội hóa cao nhất.
Đồng quan điểm, theo NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng cho rằng việc thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực sân khấu chưa hiệu quả. Tư duy bao cấp còn nặng nề, nhất là trong các đơn vị nghệ thuật công lập.
TS Ngô Phương Lan- Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng: Xã hội hóa các hoạt động điện ảnh là phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Tuy nhiên, nó cũng đem đến nhiều hệ lụy. Các nhà sản xuất tư nhân khi đầu tư hoặc huy động vốn làm phim thường nhằm mục đích thu lãi, vì vậy, hầu hết phim đều thuộc dòng giải trí, thương mại. Xã hội hóa sản xuất phim cũng kéo theo sự lệch chuẩn đánh giá tác phẩm trên báo và các trang mạng, nhất là khi nhà sản xuất và nhà làm phim dùng mọi hình thức để PR phim đến mức lố bịch, hoặc cạnh tranh đến mức tiêu diệt nhau. Đây có thể xem như một “vấn nạn” mà truyền thông thời “xã hội hóa” đóng vai trò dẫn dắt.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc xã hội hóa không phải Nhà nước buông lơi về lãnh đạo và đầu tư mà là nhằm huy động nguồn vốn của xã hội, tăng mức hưởng thụ của người dân. Chúng ta đều nhận thấy, văn hóa là nền tảng tinh thần, nhưng có nhiều nơi, nhiều lúc bị sức ép kinh tế lấn át. Xã hội hóa văn hóa ngắn hạn không làm ra tiền nhưng về lâu dài mới tạo ra được nền tảng văn hóa, tránh suy thoái đạo đức.
Cũng theo Phó Thủ tướng khi thực hiện xã hội hóa vẫn còn có nhiều bất cập như: Các chính sách về ưu đãi đầu tư không được như mong muốn, sử dụng ngân sách nhà nước khó khăn; khi làm Nghị định, Thông tư thì không chú ý đến tầm quan trọng của văn hóa tinh thần nên việc thực hiện vướng mắc…
“Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trong quá trình cổ phần hóa mà Hãng phim truyện Việt Nam là một ví dụ cho thấy việc chúng ta không chú ý đúng mức đến tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa. Cho đến bây giờ, khi đã có chuyện mà đến 1 năm rồi vẫn còn chưa giải quyết được” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam băn khoăn.
(Nguồn: http://daidoanket.vn/)