Phan Mạnh Quỳnh "lột xác"
Ký ức về Phan Mạnh Quỳnh thời "Vợ người ta" được "tẩy sạch" bằng những ca khúc đầy tự sự ra đời trong sự thừa nhận của giới chuyên môn và đón nhận của công chúng.
"Mẹ ơi con mới xong việc, đã lâu con chưa gọi về/ Nhà ta thế nào, Cha có đỡ đau ốm hơn không? Mùa đông đã sang rồi, mẹ nhóm than ấm cha ngồi để vơi gió rét bên trời/...", từng lời ca trong bài hát "Nước ngoài" của Phan Mạnh Quỳnh qua tiếng hát của ca sĩ Thu Phương khiến tim người nghe như thắt lại. Bài hát "Nước ngoài" không phải mới, thậm chí rất cũ. Nhưng những ngày gần đây, ca khúc này được khán giả chia sẻ với tần suất chóng mặt vì nó lại chạm vào trái tim của người nghe.
Cái tên của "hiện tượng"
Nhạc Phan Mạnh Quỳnh một lần nữa trở thành hiện tượng như thời anh đem đến "Vợ người ta" gần 5 năm trước. Nhưng nếu lần đó, Phan Mạnh Quỳnh gây tranh cãi thì lần này là sự thấu cảm và thừa nhận. Mạnh Quỳnh cho biết: "Chắc mọi người đã có đủ thời gian để "thấm" những gì tôi viết. Có lẽ, tôi và người nghe đã tìm thấy nhau. Có lẽ, ca khúc tôi lại được ưu ái khi lúc này, khán giả đi tìm những ca khúc tự sự. Có lẽ,…. Nhưng với bất cứ lý do gì thì cảm xúc của tôi chỉ có một. Hạnh phúc vì đã có thể thật sự mỉm cười. Con đường tôi đi là hành trình đến sự thừa nhận của khán giả".
Ca sĩ - nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh (ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Tính đến lúc này, hành trình đích đến của anh đang được hiện thực hóa. Bộ phim "Truyện ngắn" do đạo diễn Cao Trung Hiếu thực hiện, hình thành từ những ca khúc của Phan Mạnh Quỳnh. Hà Anh Tuấn thực hiện dự án âm nhạc gồm những ca khúc Phan Mạnh Quỳnh. Nhạc Phan Mạnh Quỳnh ám ảnh khán giả điện ảnh lẫn công chúng âm nhạc khi xuất hiện trong những bộ phim điện ảnh của đạo diễn tên tuổi như Victor Vũ. Tay nghề Phan Mạnh Quỳnh được giới chuyên môn thừa nhận; còn với khán giả, nhạc Phan Mạnh Quỳnh như một trang nhật ký, thành thật nhất những niềm vui, nỗi buồn, những nỗi đau, điều khắc khoải luôn bị dồn nén trong trí nhớ.
Từ ngày đầu, Phan Mạnh Quỳnh hiểu được rằng "Vợ người ta" là thứ để vui chứ không phải là nghề. Vì vậy, anh có một thời gian trở về quê "để tìm lại sự cân bằng cho chính mình". Về với cuộc sống bình dị, đơn giản, dành thời gian ở bên người thân, gia đình và ngắm nhìn cuộc sống xung quanh theo cách chậm rãi nhất. Với Quỳnh, đó là lựa chọn đúng. Ký ức về Phan Mạnh Quỳnh thời "Vợ người ta" thực sự được "tẩy sạch" bằng những ca khúc đầy tự sự ra đời sau đó. "Từ nhỏ đến nay, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện của người dân quê và muốn kể lại cho thế hệ sau bằng âm nhạc. Tôi sống chậm rãi, làm tất cả một cách từ từ, không vội vàng" - anh nói.
Hà Anh Tuấn gọi: "Viên ngọc quý"
Công tâm nhận xét, nhạc của Phan Mạnh Quỳnh không thật đặc sắc nhưng những câu chuyện anh kể trong âm nhạc lại như một tập truyện ngắn. Những câu chuyện thật đến trần trụi. Để có những câu chuyện ấy, anh lắng nghe bản thân và những điều xung quanh mình bằng trái tim chân thành. Như bài "Nước ngoài", ai cũng tưởng anh từng đi nước ngoài rồi nhưng không phải. "Chẳng qua, ở quê tôi, người ta rời Việt Nam đi lao động nhiều lắm. Trong số đó, có ông anh con của bà dì. Tôi đã đặt mình vào vị trí của người ấy, tưởng tượng những thứ mình sẽ phải trải qua nơi đất khách quê người. Ngày ấy, bố anh bệnh nặng nên mới có câu: "Cha có đỡ đau ốm hơn không?". Nhưng như thế thì vẫn chưa đủ nên tôi lại mượn thêm ông anh của người bạn thân, đi nước ngoài và người yêu ở nhà đi lấy chồng. Tôi đã viết bài này trong hai năm, với toàn bộ những chất liệu có thật, được cô đặc lại để nói về thân phận của người nước mình xa xứ đi làm việc" - Phan Mạnh Quỳnh bày tỏ. Anh cho biết khi viết bài "Bước qua thế giới" là "thứ xúc cảm bật lên trong lúc anh về quê chơi đàn trong một lễ an táng, nhìn thấy người ta mang quan tài của người vừa mất vào nhà thờ". Tác phẩm "Hồi ức" hay "Có chàng trai viết lên cây" cũng đều là chuyện của cá nhân Mạnh Quỳnh nhưng chưa đủ để tạo thành câu chuyện trong âm nhạc nên anh phải thêm những chất liệu từ bên ngoài, dựa trên những trải nghiệm của cá nhân.
Anh bảo mình may mắn vì được trời cho sự nhạy cảm để có thể rung động và cảm xúc trước câu chuyện của người khác. Khi hòa cảm xúc ấy với trải nghiệm của cá nhân, những câu chuyện được viết lên sẽ đầy tràn xúc cảm. Trong ca khúc "Huyền thoại" (giúp Mạnh Quỳnh đoạt giải Âm nhạc Cống hiến, hạng mục "Bài hát của năm"), hình ảnh đặc trưng của làng quê Việt Nam hiện lên qua lối kể chuyện hồi tưởng, đan xen chút ma mị. Giới chuyên môn đánh giá đây là nhạc phẩm mang giai điệu cá tính, da diết, khắc khoải; tác giả có bút pháp cao tay khi chắt lọc ý thơ của Hàn Mặc Tử để diễn tả nhiều hình ảnh, trạng thái tình cảm một cách hiệu quả.
Hà Anh Tuấn thừa nhận ban đầu anh "không mê nổi" nhạc Phan Mạnh Quỳnh nhưng sau đó "càng nghe càng ngấm". Ca sĩ này ưu ái gọi đàn em là "viên ngọc quý". Mỹ Tâm nói cô trân trọng tài năng, cá tính âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh. Còn Quỳnh trải lòng: "Hồi mới vào nghề, tôi viết nhạc thị trường rất nhiều, kiếm được tiền, nổi tiếng nhưng không thấy hạnh phúc vì có nhiều luồng ý kiến trái chiều. Mọi người không công nhận khả năng của tôi. Mục tiêu tôi đặt ra trong năm 2018 đã đạt được. Đó là được anh em trong giới đánh giá cao, khán giả yêu thích".
Phan Mạnh Quỳnh thừa nhận anh chẳng phải là người quá nghệ sĩ. Vì mỗi dự án của anh đều có những tính toán nhất định. Như sắp tới đây, anh sẽ thực hiện 3 dự án âm nhạc; trong đó, anh mong chờ nhất là dự án âm nhạc cộng đồng, trước khi chuyển hẳn sang một công việc khác. Vốn xuất thân từ Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật nên ít ai biết rằng Phan Mạnh Quỳnh từng ấp ủ giấc mơ khác: điện ảnh - nơi đó sở thích và giấc mơ tìm "thơ, nhạc trong hình" của anh được thực hiện một cách trọn vẹn. Anh đã chuẩn bị biến giấc mơ của mình thành hiện thực.
Chịu ảnh hưởng nhiều từ âm nhạc của Trúc Phương Phan Mạnh Quỳnh kể mình thần tượng nhạc Trịnh Công Sơn như rất nhiều người viết khác vì ông là một nhạc sĩ vì hòa bình, luôn nói lên khát vọng được sống an lành, vui vẻ của mọi người Việt Nam. Ông là người đã mang được âm nhạc Việt Nam ra thế giới với cách viết dù mộc mạc nhưng đã vận dụng tối đa vốn từ ngữ của dân tộc, mang trọn vẹn hồn người Việt Nam trong đó. Nhưng Phan Mạnh Quỳnh chịu ảnh hưởng nhiều từ âm nhạc Trúc Phương, một nhạc sĩ nói lên tiếng nói của dân lao động, của những con người mà ta có thể gặp bất kỳ nơi đâu. Cách viết nhạc của ông không khó hiểu nhưng vừa đẹp lại vừa khắc họa rất rõ thân phận của người Việt Nam. "Đoạn đường xa ta đã đi qua, ngày vui tới ta vẫn chờ". Anh cũng thích nhạc của nhạc sĩ Trần Tiến. "Những ca khúc là một câu chuyện được đào xới rất kỹ, đào đến tận cùng của một thân phận. Lời hát của bác bình dị nhưng rất đẹp và rất khó bắt lỗi" - anh nói. |
(Nguồn: https://nld.com.vn/)