Phan Anh Dũng - trọn một kiếp đam mê
Vẫn biết, thánh đường Nhà hát Lớn đêm 6/6/2019, là liveshow cuối trong cuộc đời sự nghiệp của nghệ sĩ saxophone Phan Anh Dũng, bởi chuyến đi dài này đã được dự báo trước, song người thân, bạn bè, đồng nghiệp của anh vẫn không khỏi bàng hoàng, khi mà những thanh âm từ đêm liveshow kỷ niệm 45 năm Hành trình âm nhạc của Phan Anh Dũng còn chưa lắng lại...
Duyên, nghiệp với cây Saxophone
Biết nghệ sĩ Phan Anh Dũng từ khi tôi chập chững bước vào nghề báo, công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng từ năm 1995, anh em chơi thân với nhau không chỉ bởi mối quan hệ giữa một nhà báo với một nghệ sĩ, mà còn là tình anh em, đồng nghiệp “dân nhạc” với nhau. Vậy mà cũng đã hơn hai thập kỷ, đủ để chúng tôi hiểu và trân quý nhau bởi tình nghệ sĩ, tình anh em. Mỗi lần có dịp gặp nhau trực tiếp thì chuyện trên trời, dưới bể đủ cả, nhưng rồi cũng lại quay về với những đam mê âm nhạc, những dự án sách với những phương pháp giảng dạy, học tập cây kèn saxophone mà anh dày công nghiên cứu và tâm huyết gom lại chỉ để mong chia sẻ được nhiều hơn với các thế hệ học trò. Khi không có thời gian rảnh rỗi gặp nhau, có việc thì anh lại nhắn tin điện thoại hoặc facebook để chia sẻ.
Sinh năm 1967 tại Hà Nội, từ năm 1977 đến năm 1983, Phan Anh Dũng theo học violin và kèn clarinet tại Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Năm 1984, khi đang thử việc ở Đoàn Nghệ thuật Công an Hà Nội, anh chuyển sang chơi saxophone. Nghệ sĩ Phan Anh Dũng là cử nhân đầu tiên và duy nhất của khóa I, chuyên ngành saxophone và cái tên Phan Anh Dũng được đồng nghiệp và công chúng biết tới là người có khá nhiều sáng tạo trong nghệ thuật.
Năm 1995, anh được nhạc sĩ Đoàn Phi Liệt - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội lúc bấy giờ mời về giảng dạy tại Trường cho tới trước khi anh rời cõi tạm.
Năm 1999, anh là người đầu tiên dựng big-band, với 14 nhạc công - 9 kèn, trong liveshow của riêng của mình tại Hà nội. Lần đầu tiên, một phần bản Concerto cho violon của Vivaldi, được Phan Anh Dũng chuyển soạn cho saxophone soprano ra mắt công chúng.
Năm 2002, Phan Anh Dũng cũng là người đầu tiên trình làng tác phẩm Giai điệu vùng cao được anh sáng tác trên chất liệu âm nhạc miền núi phía Bắc với những sáng tạo trong việc chuyển âm thanh của saxophone thành khèn bè, sáo mèo. Ngày ấy, nghệ sĩ Phan Anh Dũng chia sẻ: “Ngay từ năm 1997-1998 tôi đã chọn cho mình một hướng đi riêng, đấy là chơi những bản nhạc Pop pha chút phong cách Jazz trên cây kèn saxophone. Lần đầu tiên tôi đã diễn Đêm Đông của Nguyễn Văn Thương và Suối mơ của Văn Cao trong đêm nhạc của riêng mình và được công chúng tán thưởng. Từ đó, đã thúc đẩy tôi chơi những tác phẩm quen thuộc nhưng pha một chút cái tôi ở trong đó từ những đoạn ngẫu hứng”.
Tháng 9/2009, Phan Anh Dũng hợp tác với Hồ Gươm audio phát hành CD “Tình yêu Hà Nội”, làm quà tặng chào mừng 1.000 năm Thăng Long. Tiếp đó là DVD “Làm quen” với 8 bản nhạc của nhạc sĩ Lê Quân. Cũng trong năm 2009, CD “Gửi người em gái miền Nam” gồm 9 bản nhạc của cố nhạc sỹ Đoàn Chuẩn, được Phan Anh Dũng thực hiện và ra mắt đúng ngày 15/6/2009 - sinh nhật cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.
“Jazz Việt 2010” là show diễn mà nghệ sĩ Phan Anh Dũng lần đầu kết hợp saxophone cùng với nhóm Xẩm Hà Thành. Tiếp đó, Phan Anh Dũng ra mắt cuốn giáo trình dạy saxophone bằng tiếng Việt đầu tiên, do Nhà Xuất bản âm nhạc ấn hành. Năm đó, Nhà Xuất bản Âm nhạc phát hành tập 1 với số lượng 1.000 cuốn, nhưng chỉ sau 18 tháng, cuốn sách đã được tái bản.
Năm 2012, tập 2 cũng phát hành 1.000 cuốn và tiếp tục được tái bản ngay khi phát hành tiếp Tập 3. Không chỉ phát hành trong nước, những cuốn sách của nghệ sĩ Phan Anh Dũng được nhiều người chơi kèn là Việt kiều tại Đức, Mỹ, Úc... sử dụng. Ngoài đam mê với cây kèn, Phan Anh Dũng còn đam mê với việc viết sách, bởi anh cho rằng, do bộ môn saxophone ít có tài liệu đào tạo bài bản nên mỗi giảng viên có một cách giảng dạy riêng. Mỗi người tập kèn lại có những mục đích khác nhau - đó là lý do anh say sưa với việc nghiên cứu, tập hợp và biên soạn một bộ giáo trình hoàn chỉnh giúp học viên tiếp cận một cách dễ dàng, bởi học saxophone thì dễ nhưng chơi được saxophone hay mới khó. Nhưng một khi đã bén duyên với saxophone thì khó bỏ vô cùng.
Mặc dù những năm cuối đời, sức khỏe sút kém do căn bệnh ung thư hiểm nghèo nhưng anh vẫn gắng hoàn thành thêm hai cuốn giáo trình saxophone. Miệt mài, lặng lẽ sáng tạo, thể nghiệm, đều đặn 2 năm một lần nghệ sĩ Phan Anh Dũng cho ra mắt công chúng một ấn phẩm, dành cho công chúng yêu thích cây kèn saxophon cũng như tri ân tình cảm công chúng dành cho chính tiếng kèn của mình. Với nghệ sĩ Phan Anh Dũng thì: “Âm nhạc là để nghe là chính nên tôi rất chú trọng đến hiệu quả âm thanh, còn hình thức hay bất cứ một thứ gì khác chỉ là cái vẻ bề ngoài và là bước đầu đưa đến công chúng, nhưng kết quả cuối cùng và sự phản hồi của công chúng vẫn là nội dung và chất lượng của sản phẩm.”.
Những thanh âm còn vọng lại
45 năm, hành trình lao động, học tập, trong đó có 20 năm làm công tác giảng dạy âm nhạc chuyên nghiệp, Phan Anh Dũng đã truyền dạy saxophone cho khoảng hơn 800 học viên (30 học viên là người nước ngoài). Là người chơi thành thạo 7 loại nhạc cụ, đến nay, Nghệ sĩ Phan Anh Dũng đã phát hành 9 CD và 3 DVD, anh cũng là người thầy duy nhất tại Việt Nam biên soạn 3 cuốn sách dạy kèn Saxophone bằng tiếng Việt, trong đó có 2 cuốn được nhận Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam; và Bộ 3 tập sách "Những tác phẩm quốc tế dành cho Saxophone". Quả thực, nhìn vào sự nghiệp của nghệ sĩ Phan Anh Dũng thật đáng trân trọng.
Tôi và nhiều khan giả có mặt trong liveshow kỷ niệm 45 năm hành trình lao động, học tập và giảng dạy âm nhạc chuyên nghiệp của Phan Anh Dũng vào đêm 6/6/2019 tại Nhà hát Lớn Hà Nội không khỏi bùi ngùi xúc động. Lần đầu tiên, nghệ sĩ Phan Anh Dũng cùng dàn kèn gần 40 nhạc công là các học sinh - sinh viên của nghệ sĩ Phan Anh Dũng ở trong và người nước ngoài tham dự.
Nhìn dáng vẻ gày gò, xanh bủng của anh khi bước ra sân khấu khiến bản thân tôi cảm thấy ái ngại. Nhưng chỉ sau một câu giai điệu được tấu lên, có lẽ tình yêu âm nhạc trong anh trỗi dạy, mãnh liệt hơn bao giờ hết. Khán giả có mặt ở Nhà hát Lớn cũng như tôi, không còn cảm giác đang nghe tiếng kèn của một bệnh nhân nặng mà ở sau sân khấu, nghe tiếng nói, tiếng thở của anh cũng cảm thấy khó nhọc.
1h30 phút trên sân khấu, Phan Anh Dũng đã trút trọn đam mê, khiến cho tiếng kèn trở nên tròn đầy, da diết, khắc khoải nhưu ru, như nức nở, như hoài vọng, tiếc nuối rút ra từ trong từng hơi thở. Đêm ấy, lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Phan Anh sử dụng cây kèn Sopranino Sax độc nhất vô nhị tại Việt Nam, trình bày các tác phẩm: Đêm đông, Một mình, St.thomas... do anh chuyển soạn và biểu diễn cùng một học sinh khiếm thị và một học sinh bị chứng bệnh tự kỷ đang theo học tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Và cũng lần đầu tiên khán thính giả được thưởng thức âm nhạc qua các hình thức biểu diễu: ngũ tấu, thất tấu và hợp tấu kèn Saxophone.
Phan Anh Dũng rời cõi tạm ở tuổi 52 khi những dư âm về một hành trình 45 năm dành trọn cho âm nhạc của anh còn vang vọng. Công chúng sẽ nhớ về anh qua những ấm phẩm được lưu giữ, bạn bè đồng nghiệp sẽ nhớ về anh - người nghệ sĩ khiêm nhường, trọn một kiếp đam mê hiến dâng cho âm nhạc... Sẽ là một hành trình mới ở cõi Về anh nhé!