"Ông Bụt" nhạc trưởng

13/06/2019

"Nhạc trưởng" của Xavier-Laurent Petit xuất bản lần đầu năm 2005 (Thi Hoa dịch, NXB Thế Giới ấn hành 2019) như một bút ký ghi lại những biến động lịch sử diễn ra ở Bolivia trong những năm đầu thế kỷ XXI, bổ sung vào sự nghiệp sáng tác đồ sộ của ông.

Cuốn tiểu thuyết theo gót chân những đứa trẻ đường phố, Saturnino sống cuộc đời lay lắt cùng em gái Luzia và những đứa bạn giữa thế giới của cái đô thị đang lên cơn sốt đòi trở mình thay đổi. Tụi nhỏ như những con chuột của hè phố, mưu sinh bằng đủ loại nghề, từ đánh giày đến bán thuốc lá dạo để đổi lấy từng đồng rẻ mạt. Thậm chí, phẫn uất vì bị đối xử tàn tệ, những đứa trẻ ấy còn sẵn sàng phạm pháp. Cuộc đời chúng tưởng chừng sẽ chìm ngập trong những cống rãnh giữa những người lớn nhẫn tâm cho đến một ngày tình cờ được một nhạc trưởng danh tiếng tập hợp lại và thành lập một dàn nhạc chỉ toàn đám nhóc lang thang cơ nhỡ.

Xavier-Laurent Petit đã kể một câu chuyện cổ tích giữa đời thường, khi lũ trẻ khốn khổ bỗng một ngày được "ông Bụt" nhạc trưởng hiện ra cứu giúp. Lần đầu tiên, những đứa trẻ dại khờ chỉ biết đến bạo lực, mưu sinh, trốn chạy thấy thế nào là âm nhạc. Chúng bỡ ngỡ với những cái tên các nhạc sĩ thiên tài. Lần đầu tiên chúng được chạm vào âm nhạc của Bach, Vivaldi, Strauss. Chúng bước vào âm nhạc như bước vào một vùng đất thần tiên không có những cành cây mọc ra bánh mì hay những cơn mưa kẹo nhưng chắc hẳn không thiếu vắng những phép mầu. Thứ phép mầu biến cải tâm hồn, khiến cuộc sống vô nghĩa ánh lên một niềm hy vọng mong manh như đủ sức mạnh để những đứa trẻ lạc lối neo vào. Chúng dốc sức học chơi nhạc cụ, chúng phát hiện ra ẩn chứa trong cái thân thể thô lậu của đứa bạn chơi chung là giọng hát của một thiên thần, chúng nghe đi nghe lại một bản nhạc. Thậm chí một thằng nhóc mất mẹ từ lúc lọt lòng không biết tên mình đã quyết chọn tên nhạc sĩ lừng danh của thế kỷ XIX Johann Strauss làm tên của bản thân, tự nhiên như thể mới sinh ra nó đã như vậy.

Bìa sách “Nhạc trưởng” xuất bản tại Việt Nam

Trong cuốn tiểu thuyết mỏng manh này, mọi thứ trôi vụt qua, như thể cơn bão của những cuộc loạn ly càn quét qua thành phố, xé nát những giấc mộng tưởng chừng nhỏ nhoi nhất. Ở đó, nghệ thuật đối chọi bạo tàn, sự ngây thơ của trẻ thơ đối chọi với dã tâm của người lớn. Nhạc trưởng trong tiểu thuyết này không chỉ là chỉ huy dàn nhạc mà giữ vai trò người hướng đạo những tâm hồn non nớt thoát ra khỏi vòng xoáy của cơn biến loạn đang diễn ra khắp nơi.

Trên bìa một số ấn bản tác phẩm này, sau từ "Nhạc trưởng" (tựa gốc là "Maestro") có thêm dấu"!". Biến "Nhạc trưởng" trở thành một tiếng gọi bật thốt ra trong lúc nguy khốn, như thể một lời cầu cứu, một tiếng vọng níu kéo lại chút gì tốt đẹp của con người hay một mật khẩu để gọi "ông Bụt" của đám trẻ đường phố. "Nhạc trưởng" có lẽ là một chuyện cổ tích đẹp nhưng không phải cổ tích nào cũng kết thúc có hậu. 

(Nguồn: https://nld.com.vn/)

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.