Nữ nghệ sĩ viola Nguyệt Thu thăng hoa trên dòng sông âm nhạc

27/12/2020

Dự kiến Nguyệt Thu sẽ cùng “Pneuma - Hơi thở cuộc sống” diễn dài hơi tại các Nhà hát ở cả 3 miền. Ảnh: C.M

Nữ nghệ sĩ viola Nguyệt Thu vừa có series đêm diễn trong show “Thế giới nước” tại Nhà hát TPHCM. Dự án “Pneuma - Hơi thở cuộc sống” của chị sẽ diễn ra đều đặn tại các Nhà hát lớn trên toàn quốc.

Tự nhận là “nàng tiên cá ngốc nghếch” không phải đánh đổi giọng hát để có được hoàng tử nhưng lại dùng tiếng đàn để đặt cược đam mê, nữ nghệ sĩ Nguyệt Thu đã có những phút giây thực sự thăng hoa trên dòng sông âm nhạc mang tên "Thế giới nước".

Nữ nghệ sĩ viola Nguyệt Thu. Ảnh: C.M

Đây là show diễn thuộc chuỗi dự án gây quỹ thiện nguyện của tổ chức Thiên Sứ. “Nước” được chọn làm chủ đề cho đêm diễn, lấy cảm hứng từ đau thương của lũ lụt miền Trung. Tiếng đàn viola dìu dặt của nghệ sĩ Nguyệt Thu như dòng nước, lúc êm đềm, bình yên, lúc dữ dội, mãnh liệt, lúc dâng trào … qua các nhạc phẩm nổi tiếng trong nước và quốc tế như “Ave Maria”, “Secret Garden”, “Chiếc khăn Piêu”… Trên nền con sông - nhạc đó là các tiết mục múa, nhào lộn đỉnh cao kết hợp hiệu ứng hình ảnh - ánh sáng - chuyển cảnh sử dụng công nghệ 3D qua 2 lớp màn sân khấu để chuyển tải câu chuyện về biến đổi khí hậu và sự nhỏ bé, bất lực của con người trước sự giận dữ của thiên nhiên.

Trên một sân khấu rộng lớn, lúc độc tấu, khi lúc hòa tấu, nữ nghệ sĩ viola quốc tế Nguyệt Thu nhỏ bé như nàng tiên cá, trôi bồng bềnh trên dòng chảy âm nhạc và ru khán giả vào thiên anh hùng ca đầy lãng mạn về sự hòa trộn giữa con người và thiên nhiên. Khao khát mãnh liệt được đưa tới người nghe vẻ đẹp của Mẹ thiên nhiên và cách con người đối xử với thiên nhiên đó, nữ nghệ sĩ Nguyệt Thu đã dốc cạn vốn liếng của mình theo cả nghĩa bóng và nghĩa đen để làm nên các đêm diễn thăng hoa. 

Có thể chị sẽ “trắng tay” sau các đêm diễn nhưng chị giàu có hơn rất nhiều khi nhận được sự đồng cảm, rung cảm của hàng ngàn khán giả cùng chung tay chia sẻ với miền Trung lũ lụt. Và cùng hướng tới nghệ thuật chân chính để thanh lọc tâm hồn.

Nữ nghệ sĩ Nguyệt Thu quay trở lại sân khấu tại Việt Nam bằng dự án dài hơi của chị. Ảnh: C.M

“Đã lâu rồi tôi mới quay lại sân khấu tại Việt Nam. Nhưng khi đã quay lại, ngoài đam mê của bản thân còn là trách nhiệm của người nghệ sĩ với khán giả, với đồng bào mình. Đó là lý do tôi dốc cạn vốn liếng để thực hiện dự án này. Bao nhiêu tâm tư, khát vọng đối với bản thân, đối với cộng đồng tôi dành để sống trọn khi lên sân khấu "Thế giới nước". Tôi tin mình không đơn độc, dù trong bất cứ cuộc chơi nào, bạn đều nhận được những cánh tay hoặc ôm lấy mình hoặc những cái quay lưng không lời từ biệt, giải thích. Nhưng đó chính là đời sống. Tôi vui vì được vui - buồn - hạnh phúc cùng đời sống này” - Nữ nghệ sĩ viola quốc tế chia sẻ.

Đam mê và tinh thần làm việc, lao động nghệ thuật của Nguyệt Thu truyền cảm hứng cho rất nhiều nghệ sĩ trẻ. "Trải qua quá trình tập luyện và biểu diễn, tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi được là một phần ở đó và tất cả các nghệ sĩ tham gia đều có tâm hồn thật đẹp”, nữ diễn viên múa Hoàng Yến, người vào vai thiên nga đen đã cho biết cảm xúc của mình.

Nữ nghệ sĩ thăng hoa trên sân khấu. Ảnh: C.M

Nghệ sĩ viola Nguyệt Thu còn tiếp tục làm “nàng tiên cá” không cô đơn trên sân khấu “Thế Giới Nước” trong nhiều đêm diễn tiếp theo của dự án “Pneuma - Hơi thở cuộc sống”. Chương trình dự kiến diễn ra đều đặn theo tuần tại các Nhà hát lớn trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, hứa hẹn trở thành 1 trong những điểm thưởng lãm nghệ thuật cho khán giả mộ điệu trong nước và du khách quốc tế.

Ekip thực hiện "Thế giới nước" cùng “Pneuma - Hơi thở cuộc sống" là các tên tuổi tầm quốc tế: đạo diễn Tuấn Lê - Quang Tú - Lê Anh Dũng, hiệu ứng hình ảnh 3D Fernando Toma...

Nghệ sĩ viola Nguyệt Thu sinh năm 1973 trong 1 gia đình có truyền thống âm nhạc. Chị đến với cây đàn viola từ khi còn rất nhỏ, lại có thời gian theo học tại ngôi trường danh giá, Học viện Âm nhạc Quốc gia Nga và Nhạc viện Tchaikovsky và từng làm bè trưởng Viola của 8 dàn nhạc trên thế giới. 

Sau này, nghệ sĩ viola Nguyệt Thu quyết định trở về Việt Nam hoạt động nghệ thuật. Chị thành lập tứ tấu đàn dây Apaixonado và lần lượt mở 5 ngôi trường dùng âm nhạc để dạy trẻ mắc hội chứng tự kỷ.

(Nguồn: https://phunuvietnam.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...