NSƯT Trần Vương Thạch: Âm nhạc cổ điển chủ động tìm khán giả trẻ

26/08/2014

Quan niệm nhạc cổ điển, các loại hình nghệ thuật hàn lâm chỉ dành riêng cho nhóm khán giả lớn tuổi đang dần được thay đổi bởi các nỗ lực của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TPHCM (HBSO). Phóng viên Báo ĐĐK đã phỏng vấn NSƯT Trần Vương Thạch- Giám đốc HBSO về những động thái nhằm tạo sự chuyển biến này.


Một tiết mục nhạc kịch của HBSO

PV: Trong những năm qua HBSO đã có nhiều hoạt động nhằm giới thiệu các loại hình nghệ thuật hàn lâm đến với khán giả trẻ, kết quả có được như ý không, thưa ông?

NSUT TRẦN VƯƠNG THẠCH: Phổ cập nghệ thuật hàn lâm đến khán giả trẻ là điều tâm huyết từ rất lâu của cá nhân tôi cũng như của tập thể nghệ sĩ HBSO. Trước đây HBSO đã mang các chương trình biểu diễn của mình đến các trường đại học Y khoa, Kinh tế, Bách Khoa... Nhưng do đặc thù của các loại hình nghệ thuật biểu diễn này yêu cầu cao về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, không gian thích hợp…, vì thế cũng kén điểm diễn. Do đó, bây giờ các chương trình Giai điệu Trẻ phục vụ miễn phí cho các bạn trẻ được chúng tôi thực hiện ngay tại Nhà hát Thành phố để tạo sự cảm thụ tốt, giúp các bạn trẻ có thể cảm nhận ở mức tốt nhất có thể giá trị các tác phẩm cổ điển. Qua các chương trình Giai điệu Trẻ hàng tháng, nhạc giao hưởng cùng các thể loại ballet, opera không còn xa lạ với các bạn trẻ đó là kết quả đáng mừng nhất. Bên cạnh đó khi đến nhà hát các bạn trẻ xúng xính trong những bộ trang phục đẹp, lịch sự điều đó cũng cho thấy đã tạo thói quen văn hóa trong thưởng lãm nghệ thuật. Quan trọng hơn hết HBSO tạo cơ hội cho các bạn trẻ có thể thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật cổ điển trong một không gian sang trọng thay vì ngồi nhà dán mắt vào màn hình tivi hay xem trên mạng.

Với ballet, opera… để "cảm” được không phải dễ. Gieo niềm yêu thích nhạc cổ điển đối với các em nhỏ để chuẩn bị cho một lớp khán giả tìm đến thưởng thức nhạc cổ điển, HBSO có nghĩ tới, thưa ông?

- Giới thiệu nhạc cổ điển và các loại hình nghệ thuật hàn lâm cho các em học sinh là điều HBSO đã ấp ủ từ lâu và đang từng bước triển khai. Do kinh phí có hạn nên HBSO không thể tổ chức các đêm diễn miễn phí như Giai điệu Trẻ, nhưng HBSO đã liên hệ, làm việc với Sở Giáo dục- Đào tạo và các trường để phối hợp tổ chức đưa các em đến xem ở những buổi tổng duyệt. Một số trường đã liên hệ với chúng tôi và khi có chương trình chúng tôi sẽ thông báo. Thông qua các buổi xem biểu diễn, các em sẽ được biết, hiểu nhiều hơn về các loại hình âm nhạc, nghệ thuật cổ điển. Theo chúng tôi, những buổi xem biểu diễn như thế sẽ là giờ sinh hoạt ngoại khóa bổ ích cho các em.

Trân trọng cảm ơn ông!

Sau 3 năm triển khai, định kỳ mỗi cuối tháng, chương trình Giai điệu Trẻ của HBSO với vé mời miễn phí luôn cháy. Ngoài ra trong các tiết mục biểu diễn do HBSO tổ chức hoặc mời các đoàn nghệ thuật nước ngoài, luôn có vé ưu đãi dành cho các bạn sinh viên với mức giá chỉ bằng 1/4. Mỗi tiết mục biểu diễn khán giả trẻ được giới thiệu về tính năng, tên gọi và vị trí của từng loại nhạc cụ bên cạnh việc giao lưu cùng các nghệ sĩ. Tạo sự tương tác và tiếp cận trực quan sinh động, bằng cách riêng của mình HBSO đang từng bước tiếp cận với giới trẻ.

(Nguồn: http://daidoanket.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...