NSUT Thái Bảo:" Sinh ra để hát ca khúc Cách mạng"

07/11/2013

NSƯT Thái Bảo vẫn nói về mẹ với tất cả sự biết ơn. Sẽ chẳng bao giờ có Thái Bảo trên đời, nếu mẹ chị đủ can đảm “làm kế hoạch hóa” đứa con thứ 6 đang mang thai. Nhờ tình thương của mẹ, Thái Bảo đã ra đời, và khán giả có thêm một người ca sĩ yêu nghề, sống chết với nghề như Thái Bảo. Thái Bảo sinh ra trong một gia đình trí thức ở thành Vinh (Nghệ An), chị là con út trong nhà có 6 anh chị em, cả 6 anh chị em đều được cha mẹ đặt tên là Bảo, chỉ khác tên đệm.

Lúc còn bé Thái Bảo rất ghét cái tên Bảo này, thỉnh thoảng chị lại phụng phịu hỏi mẹ sao mẹ đặt cho con cái tên Thái Bảo nghe sao sao ấy thì mẹ chị cười. Bà giải thích rằng bà rất thích cái tên đó: Bảo – có nghĩa là bảo bối của cha mẹ. 6 người con đều được bà đặt tên là Bảo vì với bà cả 6 người con ấy đều là những món bảo bối của bà. Bà cũng mong các con cùng tên thì sau này lớn lên, anh chị em sẽ luôn sát cánh bên nhau trong đời. Sự ra đời của Thái Bảo là cả một sự tích của gia đình chị. Kể lại lần sinh chị, mẹ Thái Bảo vẫn nói Thái Bảo là đứa con trời cho. Thái Bảo là người con thứ 6, là người con ngoài kế hoạch sinh đẻ của cha mẹ. Khi phát hiện ra mình bị “vỡ kế hoạch”, lo lắng thời buổi chiến tranh baoo cấp kinh tế khó khăn, không đủ sức nuôi một đàn con đông như thế, ban đầu mẹ Thái Bảo đã quyết định đi bệnh viện để “làm kế hoạch”. Nhưng mẹ chị đã đi qua gần chục bệnh viện, cứ đến cửa lại quay về, vì chẳng đủ can đảm hủy đi giọt máu đào ruột thịt của mình. Bà quyết định sinh người con thứ 6 vì nghĩ đứa trẻ trong bụng chẳng có tội tình gì mà không được hưởng hạnh phúc làm người.

Cha Thái Bảo trước kia là Giám đốc Bảo tàng Kim Liên tại NamĐàn. Gia đình chị là một gia đình trí thức nghèo ở Nghệ An. Nhà đông con, đứa nào cũng đang tuổi ăn tuổi lớn, nên ngày xưa mẹ chị thường phải trồng rau, nuôi gà, tăng gia sản xuất. Thái Bảo kể vườn rau lang của mẹ chị không bao giờ kịp trổ mầm cho mấy chúng tôi hái, đến bữa ăn, đứa này nhìn đứa kia ăn mà thòm thà thòm thèm. Nhà nghèo, đông con, nhưng vì là con út và cũng là đứa con suýt bị bỏ đi, nên khi Thái Bảo ra đời, mẹ chị rất thương con gái út. Bao giờ bà cũng cưng chiều, lo lắng cho cô út của mình. Mẹ Thái Bảo làm nghề thủ thư ở thư viện. Những năm chiến tranh phải đi sơ tán, bà sắm một đôi quanh gánh, một bên gánh sách, một bên gánh con đi chạy giặc. 6 người con cứ thế lớn lên cùng mẹ trong những ngày chiến tranh, lửa đạn ấy. Những ngày thơ ấu ở làng Sen quê Bác Những ngày sơ tán thời thơ ấu của Thái Bảo gắn liền với làng Sen – quê Bác. Khi đó cha chị là Giám đốc Bảo tàng Kim Liên. Khi giặc ném bom miền Bắc, mẹ chị đành phải đưa cả 6 đứa con về nơi chồng đang công tác. Cha Thái Bảo là một người thật thà, nguyên tắc, không tơ hào của chung. Những ngày sơ tán, dù là giám đốc Bảo tàng, nhưng thấy vợ con lên, ông không dám đưa vào phòng riêng của giám đốc để ở vì sợ bị tập thể phê bình.

Mẹ con chị vào ở trong một cái đình làng, bên cạnh là kho chứa thuốc sâu. Ngày ngày Thái Bảo đi học về thì đi nhặt lá đa khô cho mẹ nhóm lửa nấu cơm. Nhưng giữa những ngày sơ tán gian khổ đó, Thái Bảo vẫn có những kỷ niệm ngọt ngào ở làng Sen, quê Bác. Sáng sáng sau khi ngủ dậy, Thái Bảo thường được theo ba lên Bảo tàng để tiếp khách. Khách đến là các phái đoàn nước ngoài, hoặc các nguyên thủ quốc gia, khách Chính phủ về thăm quê Bác. Thỉnh thoảng Thái Bảo lại chen lẫn vào các đoàn tham quan, chăm chú theo dõi các cô thuyết minh về cuộc đời hoạt động của Bác mà đến giờ chị vẫn thuộc lòng. Chiều chiều đi học về, vứt cặp vào nhà là Thái Bảo chạy nhanh lên nhà Nội của Bác để trèo lên cây ổi trước nhà, ngồi cả lên võng của Bác. Nếu các cô nhìn thấy sẽ bị mắng, nhưng Thái Bảo vẫn lén ngồi lên vì cảm giác như hơi ấm của Bác vẫn còn đó. Đêm về, lúc công việc đã thưa, cha chị thường vẫn hay kể những mẩu chuyện nhỏ của Bác cho mấy đứa con nghe. Mặc dù còn quá bé nhưng Thái Bảo vẫn có thể hình dung được Bác Hồ đang hiện hữu trước mặt và vẫn sống mãi trong lòng nhân dân ViệtNam. Thái Bảo luôn tự hào về những ngày tháng thơ ấu sống trên quê hương Bác. Có lẽ vì có tình cảm đặc biệt với vùng đất nơi Bác đã sinh ra và được nghe những câu chuyện về Bác từ thuở bé nên Thái Bảo hát rất thành công các ca khúc về Bác, mà đặc biệt là ca khúc “Thăm bến Nhà Rồng”.

Lần đầu tiên Thái Bảo hát “Thăm bến Nhà Rồng”, có không ít người đã nhìn chị với con mắt hoài nghi. Thái Bảo có chất giọng không hợp với dân ca vùng miền, tuổi đời lại còn quá trẻ, trong khi bài hát đó đòi hỏi những người có sự trải nghiệm và hiểu biết để thả hồn vào từng giai điệu. Khi Thái Bảo đến gặp nhạc sĩ Trần Hoàn, ông đã thẳng thắn cho rằng, Thái Bảo hát bài này sẽ như Tây hát chèo. Nhưng Thái Bảo đã có những tìm tòi, khám phá của riêng mình, chị xử lý theo cách riêng của mình, khiến cho nhạc sĩ Trần Hoàn lặng đi. Ông đồng ý để chị đi thi với ca khúc đó. Và đến giờ Thái Bảo vẫn là một trong những người hát thành công ca khúc đó nhất. Chị vẫn cho rằng, ngoài giọng hát và sự lao động nghệ thuật nghiêm túc thì tình cảm với vùng quê nơi Bác đã sinh ra mà chị từng được sống những ngày sơ tán là một phần quan trọng khiến chị thành công khi hát những ca khúc về Bác. Người đàn bà tỉnh táo Thái Bảo thừa hưởng tình yêu ca hát từ cha mình, một người đàn ông lịch thiệp, hào hoa và rất yêu ca hát. Bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh nào, ông cũng có thể cất tiếng hát. Rất nhiều người phụ nữ gặp ông ngay từ lần đầu tiên đã đem lòng yêu thầm nhớ trộm. Cha Thái Bảo đặc biệt thích những bài hát lãng mạn xưa. Tính cách và tố chất nghệ sĩ của cha đã được truyền sang cho cô con út Thái Bảo. Năm Thái Bảo 10 tuổi, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia) về Nghệ Tĩnh tổ chức tuyển sinh.

Thái Bảo mới 10 tuổi, cũng lẽo đẽo theo người lớn đến xem các anh chị lớn thi. Các thầy cô tổ chức tuyển sinh đã chú ý đến Thái Bảo, cô bé có gương mặt dễ thương và đôi bàn tay búp măng thon dài. Ngay lập tức, Thái Bảo trúng tuyển. Chị về nhà xin phép cha mẹ thu xếp quần áo ra Hà Nội học. Cha mẹ vẫn mong con gái sẽ thành một công chức, nhưng khi thấy Thái Bảo đi theo con đường nghệ thuật, ông bà vẫn vui vẻ ủng hộ con. Thái Bảo xa gia đình từ năm 10 tuổi. 16 năm sau đó, chị theo học đàn bầu tại trường. Thời bao cấp, một cô bé 10 tuổi xa cha mẹ đi học, tự lập toàn bộ chẳng là điều dễ dàng. Món quà sáng xa xỉ nhất của Thái Bảo là một nửa cái bánh mì. Lo con gái mình đi học xa nhà, không có cha mẹ quản thúc, giáo dục sẽ dễ hư, nên mẹ chị rất nghiêm khắc. Bà luôn viết thư nhắc nhở, dặn dò con gái không được có những hành động nông nổi. Hồi ở trường Âm nhạc ViệtNam, Thái Bảo cũng là một cô bé có duyên, được nhiều người để ý. Nhưng Thái Bảo sống rất ý tứ. Lớp học sinh Nhạc viện khi đó thích nhất là tụ tập, cùng nhau nhảy múa, hát hò, nhưng Thái Bảo thì không. Những lúc bạn bè đi chơi, Thái Bảo về phòng, trải hết thư mẹ gửi ra khắp giường và chăm chăm nhìn vào câu dặn dò cuối cùng dưới mỗi thư:


Nghệ sĩ Ưu Tú Thái Bảo

“Mẹ mà nghe được tin con yêu đương hay làm điều gì không tốt thì mẹ sẽ lập tức ra đón con về quê”. Thái Bảo đi qua mười mấy năm ở trường Nhạc viện mà không bao giờ làm điều gì để mẹ phàn nàn về lối sống. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương – người thầy của Thái Bảo là người phát hiện ra chất giọng đặc biệt của chị: rất khàn, nhưng rất khỏe và nồng nàn, ấm áp. Ông là người đã khuyên Thái Bảo theo con đường ca hát. Lần Thái Bảo tham dự Liên hoan sinh viên ba nước Đông Dương tại Viêng Chăn, Thái Bảo đã ngẫu hứng ôm guitar hát một ca khuc Lào. Giọng hát của chị đã khiến tất cả mọi người sửng sốt bởi âm thanh khàn khàn lạ tai đầy chất trữ tình quyến rũ. Được đào tạo âm nhạc từ nhỏ nên sau này chuyển sang hát Thái Bảo thấy rất thuận lợi, bởi chị đã có một kiến thức âm nhạc cơ bản rất tốt. Bỏ đàn bầu để trở thành ca sĩ, nhưng đàn bầu và đàn guitar luôn là hai nhạc cụ song hành với những bài hát của chị trong suốt 30 năm qua. Hình ảnh Thái Bảo ngồi hát với cây đàn Guitar hay bên cạnh là cây đàn bầu, đều là những hình ảnh Thái Bảo mà khán thính giả hâm mộ chị yêu mến. Thái Bảo là người nghệ sĩ đứng giữa hai thế hệ. Chị đi hát từ những năm bao cấp khó khăn, nếm trải đủ những khó khăn của người nghệ sĩ nghèo. Đến thời sôi động của âm nhạc thị trường, chị cũng không xa lạ, chị vẫn giữ cho mình một phong thái riêng, không bị trộn lẫn vào bất cứ ca sĩ nào. Những năm 1980, Thái Bảo là một hiện tượng trong đời sống âm nhạc. Hình ảnh cô ca sĩ trẻ trung, trong sáng ôm đàn guitar ngồi hát có một sức hấp dẫn đặc biệt với khán giả. Chị nhớ lại khi đi diễn ở Hải Phòng, khán giả vỗ tay không ngớt khi nghe Thái Bảo hát.

Họ chờ đợi để được nhìn thấy Thái Bảo ở ngoài đời ra sao. Đó là một cảm giác hạnh phúc thật sự với một người nghệ sĩ như chị. Dù ca sĩ lúc đó nghèo lắm. Nghèo đến mức áo quần đi diễn phải đi mượn, chứ không có tiền để may. Hồi chiến tranh biên giới, chị theo đoàn đi diễn phục vụ bộ đội khắp các vùng biên giới và hải đảo. Có lúc chân phải lội bùn đứng hát cho bộ đội nghe. Hát xong bài hát thì chân đã lún sâu xuống bùn, không bước ra được. Lại có lúc vừa hát vừa phải đứng lấp ló trên sân khấu thôi, vì sợ đạn bắn tỉa của kẻ thù có thể tới bất cứ lúc nào. Có những kỷ niệm xúc động đến nỗi chỉ nhớ lại đã ứa nước mắt. Khi chị hát ca khúc "Vết chân tròn trên cát" của nhạc sĩ Trần Tiến cho bộ đội nghe, các anh thích quá, lặn lội 15 cây số đường rừng trong đêm mưa tầm tã đến lán trại của Đoàn chỉ để được Thái Bảo chép cho phần lời của bài hát. Không có bàn ghế, chị lấy lưng chiến sĩ làm bàn để chép nhạc. Nhìn bóng các anh đi khuất vào cơn mưa, âm thầm khóc vì thương các anh quá. Các ca sĩ trẻ ngày hôm nay đầy đủ vật chất hơn, nhưng họ không có được những trải nghiệm ấy.

Những chuyến đi phục vụ khán giả như vậy sẽ làm giàu có đời sống tâm hồn của người nghệ sĩ, giúp họ hiểu sâu sắc hơn về sứ mệnh của mình. Đó là điều chị đã hiểu ra trong cuộc đời nghệ thuật của mình. Thái Bảo là một ca sĩ rất đam mê với nghề và nỗ lực phấn đấu không ngừng; luôn tìm tòi, sáng tạo và làm mới mình để không nhàm chán! Chị luôn tạo dựng cho mình một lối hát riêng, một phong cách riêng và một hình ảnh riêng để không trộn lẫn với ai khác. Vì vậy mà có rất nhiều “bài tủ” của chị đã đi vào lòng công chúng như “Vết chân tròn trên cát”, “Quê nhà” của nhạc sĩ Trần Tiến; “Tâm hồn” của nhạc sĩ Huy Tiến; “Mùa xuân bên cửa sổ” của nhạc sĩ Xuân Hồng; “Mùa hoa cải” của nhạc sĩ Lê Vinh; “Thăm Bến Nhà Rồng”, “Mưa rơi” của nhạc sĩ Trần Hoàn và nhiều năm gần đây là “Thời hoa đỏ” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng; “Lời ru cỏ non” của Trung tướng, nhà văn Hữu Ước… Nhắc đến tên Thái Bảo, thế hệ những người như cha mẹ tôi không ai không biết và đặc biệt yêu mến. Đó cũng là một niềm hạnh phúc lớn với người nghệ sĩ như chị. Chị kể: “Có khi 12h đêm vẫn có khán giả gọi điện tới nói muốn nghe Thái Bảo hát, thế là tôi có thể ngồi gật gù hát qua điện thoại cho họ nghe. Mùng 1 Tết có khán giả ở tận Sài Gòn muốn tôi mừng tuổi một bài hát, tôi sẵn lòng vừa nhặt rau vừa áp điện thoại vào tai hát "mừng tuổi” họ. Tôi đối với khán giả như thế thì tôi tin, những người yêu quý giọng hát Thái Bảo sẽ không bao giờ quay lưng lại với mình.

Khi đi hát ở nhà hàng tôi không sợ bị coi thường như nhiều ca sĩ khác. Quan niệm của tôi, ở đâu có khán giả của mình thì mình phục vụ họ. Hơn nữa, mình lao động chân chính bằng công sức của mình, có điều gì phải ngại? Nếu mình hát hay khán giả thưởng cho mình thì có sao nhỉ?

Nhưng mình dứt khoát không phải kiểu ca sĩ đánh rơi nhân cách xuống đất để kiếm tiền. Trong đời ca sĩ, không ít lần tôi thấy buồn vì những khán giả kém hiểu biết. Họ nghĩ họ có thể lợi dụng được ở mình điều gì đó ngoài giọng hát. Nhưng lại cũng có nhiều khán giả làm tôi “chạnh lòng” khi nhớ đến. Vì tôi luôn chịu ơn họ và không biết cách nào có thể trả ơn họ..”. Cuộc đời nghệ thuật của Thái Bảo không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Năm 1997, tự nhiên chị nói cũng thấy khó khăn, đi khám mới biết bị u dây thanh quản. Đất như sụt dưới chân chị. Với người nghệ sĩ thì chẳng còn điều gì tồi tệ hơn thế. Một người bạn bác sĩ khuyên chị nên sangSingaporephẫu thuật, hy vọng có thể hát lại. Một mình chị sangSingaporechữa bệnh 4 ngày, sang một ngày, mổ một ngày, nghỉ một ngày và ngày cuối cùng lên đường về nước. Ca phẫu thuật thành công, 1 năm sau khám lại thì được thông báo chính thức: u thường. Chị bắt đầu tập hát lại với sự giúp đỡ của cố NSND Lê Dung. Ba tháng đầu rất khó khăn. Hát quá thì sợ đau, hát non lại không đạt. Rồi thì ngưỡng ấy qua đi, Thái Bảo tiếp tục hát. Chị lại hạnh phúc như bông hoa mới nở khi nhìn thấy ánh mặt trời. Thái Bảo là một người làm nghệ thuật tỉnh táo. Xuất hiện trên sân khấu, bao giờ chị cũng chỉn chu đến từng chi tiết. Ở cuộc sống đời thường, chị luôn sợ làm tổn thương ai đó hay khiên họ không hài lòng về chị. Vì thế khán giả và người thân yêu của chị cũng rất khó “bắt lỗi” chị, bởi ở chị luôn tồn tại một sự cố gắng tuyệt đối để làm những người xung quanh mình hạnh phúc. Chị cũng thừa nhận, có rất ít những "cơn điên" nghệ sĩ tồn tại trong con người mình, như chị đã nói: "Có lẽ tôi không phải con nhà nòi làm nghệ thuật. Tôi được cha mẹ giáo dục từ nhỏ để lớn lên trở thành một cán bộ, một trí thức. Tôi rất rộng lượng với người khác nhưng tôi lại khắt khe với mình". Thái Bảo có rất nhiều cơ hội để nổi tiếng, nhưng chị giữ mình ở một mức an toàn vì hiểu rằng nổi tiếng của một người nghệ sĩ khó đi cùng với sự bình yên trong cuộc đời riêng. Chị bằng lòng với tình yêu của khán giả đang dành cho chị, mà vẫn có thể trọn vẹn với vai trò một người phụ nữ của gia đình.


Gia đình NSUT Thái Bảo

Thái Bảo là người sôi nổi, vui tính; ở bên cạnh chị, nghệ sĩ trống Anh Tuấn – chồng chị trở nên trầm lặng, hiền hòa. Nhưng Anh chị vẫn sống với nhau hạnh phúc hơn 20 năm qua. Cả hai quen nhau thời bao cấp, cưới nhau thời bao cấp, lúc biểu diễn nghệ thuật bằng nhiệt huyết chứ không phải mưu sinh như bây giờ. Sau đám cưới, tài sản của hai vợ chồng chỉ có mỗi một cái giường và một chiếc tủ của nhạc sĩ Quang Vinh (sau này là Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam) tặng, nhưng không mở được tủ. Mỗi lần cất hay lấy quần áo là hai vợ chồng phải hì hục bê ra. Khó khăn bộn bề nhưng vẫn rất hạnh phúc. Nhà có hai nghệ sĩ, nhưng vợ chồng Thái Bảo luôn biết cách vun vén để gia đình hạnh phúc. Cả hai anh chị ra ngoài đều có những người khác phái mến mộ, nhưng họ luôn dành cho nhau sự tin tưởng tuyệt đối. Ra ngoài là nghệ sĩ, nhưng về nhà Thái Bảo là một người vợ, người mẹ chu toàn, biết dẹp bớt cái tôi của mình để lo cho gia đình yên ấm. Vì sự “tỉnh táo” rất hiếm thấy ở nghệ sĩ đó, mà Thái Bảo giữ cho mái ấm nhỏ của mình luôn ngập tràn hạnh phúc.

(Nguồn: http://baicadicungnamthang.net)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...