NSƯT Quốc Hưng và Những bản tình ca đỏ
Giọng bass số một của nghệ thuật opera Việt Nam, NSƯT Quốc Hưng hiện đang là Phó khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc quốc gia vừa ra mắt album Những bản tình ca đỏ. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi cùng anh.
- PV: Album Những bản tình ca đỏ gồm 10 ca khúc chọn lọc về tình yêu người lính, tình yêu Tổ quốc, vì sao anh chọn đề tài và thể loại này?
NSƯT QUỐC HƯNG: Đó chính là sự đúc kết cô đọng nhất những gì tôi muốn nói tới trong album này. Ở đó là tình yêu đôi lứa gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước. Album ghi nhớ những người đã ngã xuống, là mạch nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai mà ở đó hình ảnh con người, tình yêu thương đôi lứa luôn gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước. Đó cũng chính là cuộc đời và tâm hồn của tôi. Tôi hát là để biểu hiện chính con người tôi, và tôi hát để dành tặng cho người cha thân yêu cũng là một bộ đội Cụ Hồ... Cũng vì thế, không ít lần tôi đã rớm nước mắt trong phòng thu để có được những bản thu âm hoàn thiện như trong album này.
- Trong kho tàng ca khúc cách mạng của chúng ta có rất nhiều ca khúc quá hay, lý do anh chọn 10 ca khúc này là gì?
Dự án thực hiện album Những bản tình ca đỏ tôi đã chuẩn bị trong suốt 2 năm. Chọn lọc từ kho tàng những ca khúc cách mạng, trữ tình để lấy được 10 bài đặc sắc, vừa phù hợp với chất giọng lại chứa đựng nhiều màu sắc âm nhạc. Đây là những tác phẩm tôi tâm huyết, bao năm qua vẫn nằm trong giáo án giảng dạy thanh nhạc của tôi. Tôi đã tìm hiểu rất sâu về những tác phẩm này và thể hiện bằng chiều sâu của âm nhạc theo cách mà tôi đã tìm hiểu và cảm nhận được trong từng ca khúc. Đó là: Quê hương anh bộ đội (Xuân Oanh), Hành khúc ngày và đêm (nhạc: Phan Huỳnh Điểu, thơ: Bùi Công Minh), Lá đỏ (nhạc: Hoàng Hiệp, thơ: Nguyễn Đình Thi), Điệp khúc tình yêu (Trần Tiến), Vết chân tròn trên cát (Trần Tiến), Kỷ niệm mối tình đầu (Vũ Hùng), Bài ca không quên (Phạm Minh Tuấn), Sông Lô chiều cuối năm (Minh Quang), Đất nước (nhạc: Phạm Minh Tuấn, ý thơ: Tạ Hữu Yên), Tổ quốc gọi tên mình (nhạc: Đinh Trung Cẩn, thơ: Nguyễn Phan Quế Mai).
- Khán giả yêu âm nhạc nhiều năm qua đã biết tới anh như là một nghệ sĩ cổ điển có giọng bass hàng đầu, một loại giọng rất hiếm ở Việt Nam. Đây có phải là một sự chuyển động trong âm nhạc của anh?
Nhiều người đã nhận định về tôi như vậy. Đây là một sự chuyển động âm nhạc lớn trong phong cách. Sở hữu chất giọng hào sảng, trầm dầy, tình cảm song tôi vẫn không quên sử dụng kỹ thuật thanh nhạc vào những điểm nhấn, khiến tác phẩm thể hiện càng thêm thú vị. Không những thế, với lợi thế đã từng là giọng hát chèo, tôi cố gắng khai thác sao cho uyển chuyển và hợp lý nhằm tạo được hiệu quả cao nhất.
- Những bản tình ca đỏ được đánh giá có sự phối khí theo hướng trữ tình nhạc nhẹ?
Chính vì cách thể hiện nhẹ nhàng ấm cúng và bùng nổ ở những điểm hợp lý, nên ngay từ đầu thực hiện album, tôi đã hướng tới một phong cách phối khí trẻ trung nhưng vẫn sang trọng và đầy chất nghệ thuật. Phần hòa âm pha tính chất hiện đại cho những ca khúc đi cùng năm tháng, làm mới màu sắc âm nhạc, giúp dòng ca khúc cách mạng thêm sức lan tỏa... Chúng tôi đã chọn một đội ngũ những nhạc sĩ phối khí có chuyên môn giỏi hàng đầu hiện nay như Trần Mạnh Hùng, NSƯT Minh Hùng, Lưu Hà An, Hồ Hoài Anh, Sơn Thạch...
- Hiện anh đang là nghiên cứu sinh năm thứ hai của Học viện Âm nhạc quốc gia và có một gia đình cũng theo âm nhạc?
Vợ tôi là nghệ sĩ đàn tỳ bà Thu Quyên của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, hai con gái rất có năng khiếu âm nhạc và có giọng hát hay. Gia đình là điểm tựa giúp tôi trên con đường âm nhạc.
(Nguồn: http://sggp.org.vn)