NSND Đặng Thái Sơn 'biến hình' trong những thể nghiệm mới

02/12/2013

Sau 30 năm gắn liền với cuộc thi Chopin năm 1980, ở độ 'chín’ của nghề - như chính NSND Đặng Thái Sơn đã nhận định về mình – ông đang ngày một đem đến những không gian âm nhạc cổ điển mới trong các chương trình tại quê nhà. Đầu năm 2013 ông đã “chạy marathon” với Beethoven và trong những ngày cuối năm này, ông sẽ “biến hình” trong âm nhạc của các tác giả thế kỉ XX như Poulenc, Đỗ Hồng Quân và Đặng Hữu Phúc.

Đêm nhạc Đặng Thái Sơn trong âm thanh mới thế kỷ 20 sẽ diễn ra vào 20h ngày 4/12 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Trước đó, chương trình được chọn mở màn cho Liên hoan piano quốc tế diễn ra tại TP.HCM vào 2/12. Đặc biệt, NSND Đặng Thái Sơn sẽ cùng xuất hiện với tài năng piano Lưu Hồng Quang.

Cảm giác hồi hộp, tươi mát của “lần đầu”

* NSND Đặng Thái Sơn trong âm thanh thế kỉ 20 sẽ là thế nào, thưa ông?

- Trong Debussy tôi giống người tạo hình: pha màu, ánh sáng, đường nét. Âm nhạc sẽ không chỉ là nghệ thuật của thời gian mà nó sẽ bay vào khoảng không cùng với dòng tưởng tượng vô biên về cõi Trời, Đất. Trong nhạc của Đặng Hữu Phúc, Đỗ Hồng Quân tôi không đàn, tôi tâm tình. Còn trong Poulenc, tôi “chịu chơi”, nghịch ngợm.

* Ông dự cảm thế nào trước khi biểu diễn một số tác phẩm Việt Nam ngay trên quê hương mình?

- Với tất cả cảm giác hồi hộp, tươi mát của “lần đầu”


NSND Đặng Thái Sơn

* Từ trước đến nay tại sao trong các chương trình của mình ông lại không chọn chơi những tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam?

- Xin cải chính: từ nhiều năm, lâu lâu tôi có diễn ở nước ngoài. Còn trong nước, đây là lần đầu vì những tác phẩm Việt Nam này viết cho độc tấu piano trong khi phần lớn những lần ra mắt tại quê hương, tôi trình diễn với dàn nhạc.

* Cho đến thời điểm này, ông đánh giá thế nào về nền khí nhạc Việt Nam? Và cơ hội để những nghệ sĩ đem các tác phẩm của Việt Nam trình diễn trên sân khấu âm nhạc quốc tế?

- Tôi không đủ tư cách để đánh giá về nền sáng tác âm nhạc Việt Nam. Tác phẩm của Việt Nam vẫn thường được biểu diễn ở nước ngoài trong các cuộc Liên hoan âm nhạc quốc tế, hay các đợt diễn của các nghệ sĩ, dàn nhạc Việt Nam.

* Đã từ lâu ông mong có những buổi biểu diễn độc tấu dành cho đối tượng trong nghề tại Việt Nam. Đến nay ông đã thực hiện điều đó đến đâu rồi?

- Lần biểu diễn này mang tính chất như vậy.

* Trong suốt những năm qua sự gắn bó và tâm huyết của ông đối với nền âm nhạc nước nhà (nhất là ngành piano) quả là không nhỏ. Nhưng cho đến nay điều gì khiến ông chưa hài lòng? Điểm gì là nổi bật cần lưu tâm hơn nữa?

- Nói nhiều thì lan man, bằng chứng là có quá ít sản phẩm, chương trình giáo dục ít thay đổi, thiếu cải cách.

Tài năng piano Việt nảy nở nhưng chưa được nuôi nấng

* Ông đặt niềm tin vào những festival piano ở Việt Nam như thế nào về chất lượng tổ chức cũng như chất lượng biểu diễn và lực lượng tham gia?

- Đây là thành công bước đầu của TP.HCM: đã tổ chức được một festival piano, tuy còn rất đơn sơ nhưng đã cố gắng duy trì và phát triển. Vạn sự khởi đầu nan – tôi tin nó sẽ chỉ tốt lên. TP.HCM đã ghi bàn 1 – 0 cho Hà Nội mặc dù tại Thủ đô có nhiều điều kiện, tiềm năng tốt để tổ chức.

* Ông có nhận thấy dường như những ai thành tài đều muốn ra nước ngoài học tập và làm việc không? Với những gì ông đã trải nghiêm trong hơn 30 năm qua của chính cuộc đời mình, ông có điều gì muốn chia sẻ cùng họ?

- Vạn vật luôn thay đổi, những trải nghiệm của cuộc đời tôi không thể áp dụng cho thời nay. Tin mừng: đối với việc học âm nhạc, không bao giờ là muộn cả! Bản thân tôi nếu so với đồng nghiệp quốc tế thì cũng thuộc loại pianist được học và phát triển muộn.

* Để nói về tài năng piano trẻ của Việt Nam, ngoài Lưu Hồng Quang, Nguyễn Việt Trung, Đỗ Hoàng Linh Chi, Hoàng Hồ Thu theo ông còn những tiềm năng nào chưa được biết đến?

- Từ tuổi teen trở xuống, tài năng piano Việt Nam đang nảy nở tưng bừng, đặc biệt ở nước ngoài, khắp bốn châu nhưng ít ai được nuôi nấng, phát triển một cách toàn diện.

* Sau 30 năm, người ta vẫn chờ đợi một "hiện tượng" như điều kỳ diệu mà ông đã làm được vào năm 1980. Nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra …

- Đơn giản là nhìn vào tờ khai sinh của tôi: ngày tháng năm sinh, nơi sinh, bố mẹ... Tôi gặp may lớn!

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...