NS Hồ Bắc với những kỷ niệm thú vị về "Bên kia sông Đuống"

20/09/2013

Nhạc sĩ Hồ Bắc sống trong căn hộ chung cư ấm cúng ở Mỹ Đình. Năm nay ông đã vào tuổi 84. Ông chia sẻ với chúng tôi nhiều câu chuyện thú vị về "Bên kia sông Đuống".


Nhạc sĩ Hồ Bắc

Năm 1950 Hoàng Cầm là đoàn trưởng đoàn Văn Công quân khu Việt Bắc, anh ấy sáng tác bài "Bên Kia sông Đuống” (tháng 4/1948) rất nổi tiếng. Mỗi lần sinh hoạt văn nghệ, bài thơ được ngâm trong ánh lửa trại để lại ấn tượng rất đậm trong lòng người nghe. Anh Hoàng Cầm có tặng mình bản chép tay. Hồi đó mình làm ở báo Quân khu Việt Bắc (Hồ Bắc hồi đó ở Bộ tư lệnh quân khu Việt Bắc, ở đó cùng các các nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, Văn An…)


Hồ Bắc và phu nhân

Một hôm trên đường đến nhà in báo, đi trong rừng sâu, gặp con suối mát mình ngồi dừng chân lòng nhớ con sông Đuống quê nhà quá, giở tờ giấy của anh Hoàng Cầm chép bài thơ tặng mình. Đọc câu: “Em ơi buồn làm chi / Anh sẽ đưa em về bên kia sông Đuống” tự nhiên cảm xúc dâng lên.

Hồi đó mình lại mới cưới vợ, nỗi nhớ về người vợ hiền khiến mình càng nhớ quê nhà, cảnh dòng sông thân thương như hiện ra trước mắt: cánh đồng quê xanh ngăn ngắt bãi mía bờ dâu, ngô khoai biêng biếc bình yên quá. Những hình ảnh trên đường mình hành quân: mái nhà vừa bị giặc Pháp đốt còn vương khói, những xác người chết vì bom đạn như hiện ra trước mắt. Cảm xúc ùa trong lòng.

Đi vội đến nhà in mình xin tờ giấy in báo ghi lại. Những nốt nhạc cứ ùa ra trên mặt giấy, vừa viết mà nước mắt cứ tràn mi, hai tiếng đồng hồ thì cũng xong nốt nhạc cuối cùng. Nằm vật ra như vừa leo lên đỉnh núi cao. Anh em nhà in mang cho củ khoai lang nướng thơm phức và bát nước chè xanh hái ở rừng. Mình hát cho anh em nghe, những người công nhân bình thường trông lam lũ nghe những giai điệu này họ hoan nghênh nhiệt liệt đòi mình hát lại. Sau đó họ nài dạy họ hát.


Hoàng Cầm và Hồ Bắc gặp nhau ở Sài Gòn năm 1975.

Có gì vui hơn khi sáng tác của người nghệ sĩ được người nghe đồng cảm như viết cho chính họ.

Bài hát được phổ biến rộng rãi, các đoàn văn công yêu cầu in ra để họ biểu diễn phục vụ nhân dân. Tiếc là lúc đó anh Hoàng Cầm đưa đoàn đi phục vụ ở xa, mãi đến 1975 khi đất nước thống nhất vào công tác tại TP.HCM mình lại gặp anh Hoàng Cầm ở nhà người bạn. Lần đầu tiên mình đệm guitar hát bản nhạc này cho nhà thơ nghe. Anh ôm lấy mình, dòng nước mắt của anh Hoàng Cầm lăn trên má.

Các bạn văn nghệ ở Sài Gòn hôm đó cũng đều rất cảm động và tâm sự: “Chúng em cũng vẫn đọc bài thơ bác Hoàng Cầm và hát bài hát này trong lòng chính phủ Nguyễn Văn Thiệu, hiểu được một tương lai tươi sáng về một lời hẹn ước.

“Bao giờ về bên kia sông Đuống

Anh lại tìm em

Em mặc yếm thắm

Em thắt lụa hồng

Em đi trảy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”.

Nói về các ca sĩ hát bài này, ông cười: "Nhiều ca sĩ hát bài này, mỗi người một vẻ thuộc về chất giọng và độ ngấm của ca sĩ với tác phẩm. Nghe Thành Vình hát mình thấy cũng rất truyền cảm.

“Có nhiều nhạc sĩ phổ bài thơ này, năm 2010 nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã phổ bài hát, nhưng “Bên kia Sông Đuống” của Hồ Bắc sáng tác cách đây gần 65 năm có chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc Việt Nam”.


Hồ Bắc và Bùi Công Kỳ đoàn văn công 316

Ông kể “Vừa qua Dương Thụ đưa Tùng Dương đến thăm mình, từ hồi mình về chung cư này phần thì xa, phần thì mình sức yếu nên cũng ngại đi lại nên các bạn nhạc sĩ đến nhà mình rất vui. Cách làm việc rất chuyên nghiệp của Dương Thụ làm mình rất cảm động, Mình tin là Tùng Dương sẽ mang lại cái mới bài hát này. Nhất là nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí thì càng tin thành công của bài hát này cũng như tin vào “Điều còn mãi” với sự kết hợp tài hoa của Dương Thụ, của Lê Phi Phi (Hồ Bắc là bạn thân của Hoàng Vân, thân phụ Lê Phi Phi - PV) và các nghệ sĩ khác.

Tiễn tôi ra về ông châm chãi nói: “Mình đang “củng cố” sức khỏe để dự buổi hòa nhạc đáng xem này"

(Nguồn: http://vietnamnet.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...