Nỗi lòng gia sư
Theo “Từ điển tiếng Việt”, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Trung tâm Từ điển học xuất bản, gia sư được hiểu là: “Thầy dạy riêng cho trẻ em trong một gia đình”. Ở tiếng Hán hiện đại, gia sư gọi là “Gia giáo” nhằm chỉ những người thầy dạy học tại nhà riêng. Đây là một từ có nguồn gốc xa xưa với nội hàm đề cập tới truyền thống giáo huấn tại gia mà mục đích nhằm hướng tới việc truyền thụ chuẩn mực trong ứng xử (nghi tiết) và đạo đức… Như vậy, gia sư theo cách hiểu hiện nay không hoàn toàn giống như truyền thống, mà đa số chỉ nhóm đối tượng làm công việc truyền thụ tri thức, kỹ năng… nhằm đáp nhu cầu thực tế. Trong địa hạt âm nhạc, lực lượng này chiếm số lượng đông đảo, thỏa mãn phần nào nhu cầu cung cấp dịch vụ giáo dục âm nhạc. Quan hệ giữa bên cung cấp dịch vụ (giáo dục) và thụ hưởng tiện ích góp phần làm nên nội hàm khái niệm thêm đa dạng.
Giới hạn ở lĩnh vực âm nhạc, lực lượng gia sư chiếm số đông trong đội ngũ những người dạy âm nhạc (chủ yếu là nhạc cụ) hiện nay. Họ trở thành lực lượng chủ chốt vì mức độ phổ biến, chứ không phân biệt dựa theo tiêu chí hàn lâm hay dân gian, chuyên nghiệp hay nghiệp dư. Trong xu hướng gia tăng số lượng người học, gia sư trở thành lực lượng đóng vai trò quan trọng nhằm thỏa mãn nhu cầu số đông. Ngoài ra, đào tạo âm nhạc thông qua vai trò gia sư thể hiện nét đặc thù của công việc trên. Trong quá khứ cũng như hiện tại, dạy đàn vốn khác với nhiều bộ môn khác. Dù có nhiều cơ sở tiến hành công việc này với quy mô đại trà, nhưng, theo mô hình truyền thống, loại hình dạy đàn với cơ cấu một thầy một trò vẫn khá phổ biến. Bởi thế, chỉ có sự tham gia, đóng góp tích cực của lực lượng gia sư mới có khả năng thỏa mãn nhu cầu muôn vẻ của người học và tính đơn nhất của việc học. Gia sư có thể là sinh viên, giảng viên trường nhạc hoặc người thuần túy nắm vững kỹ năng chơi đàn. Nói chung họ coi việc dạy đàn giống như một phương thức mưu sinh (công việc) hơn là cách thức thể hiện mình (sự nghiệp).
Thời xưa, học trò chập chững bước chân vào bộ môn nghệ thuật hầu như đều phải trải qua Cửa ải đầu tiên là thử năng khiếu. Ngày nay, nhiều thầy cô giáo thấm nhuần tư tưởng Khổng Tử: Trò có quyền lựa thầy, chứ thầy không có quyền lựa trò! Nói cách khác, làm gia sư không được quyền từ chối học trò! Thế nên, trong đám học trò không có quyền từ chối đó có rất nhiều chủng loại đa dạng, có loại năng khiếu bình thường hoặc không năng khiếu già cả, đặc biệt hơn là loại thiểu năng, mắc bệnh trầm cảm, thậm chí cả căn bệnh nhìn không ra bệnh, như trở ngại ngôn ngữ, suy nhược thần kinh, nghiện game, mê xem TV hoặc Nhàn cư vi bất thiện… Thầy cô biết đặc điểm từng học trò. Tất cả đều phải làm việc một cách âm thầm bằng thái độ kiên trì tối thiểu. Vì, những người đã trót đóng vai trò “đưa khách sang sông” chí ít cần có đức tính nhẫn nại để không bỏ sót bất kỳ hạt giống tâm hồn nào. Có phụ huynh đưa con đi học giống như gửi trẻ. Gia sư kiêm thêm chức năng “bảo mẫu”, tạo sân chơi lành mạnh cho những giờ “thoát đàn”. Thầy cô lắm khi cũng thông cảm cho học trò, vì nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự, phải làm cái điều mình không thích chắc cũng như các em. Có loại học trò giỏi toán, học đàn mà cứ mải miết tính toán sao cho nốt nhạc này khớp với nốt kia. Muốn nhấn móc đơn, chùm 3 hay móc kép mồm phải nhẩm tính, đếm số lượng nốt nhấn đến mức đầu nghiêng, vai ngả, vô cùng nhọc nhằn. Thầy hỏi: “Sao con đánh đàn như đánh trận vậy?”. Trò thở hổn hển, không nói năng gì.
Thầy NTK có kinh nghiệm hơn 15 năm làm gia sư, học trò đủ mọi thành phần, trong đó có nhiều đối tượng xuất phát từ bị ép học. Những giờ học ấy chất chứa nhiều ẩn ức, giống như bị tra tấn, hành hạ… Có trường hợp cá biệt thuộc loại “Trứng rùa”, phản ứng siêu chậm. Thầy làm hiệu lệnh, nhưng thường phải chờ đợi vài phút sau, tiếng đàn mới được cất lên với đặc trưng lúc nhanh, lúc chậm, lúc đàn, lúc nghỉ tùy hứng. Tác phẩm âm nhạc nhòe nhoẹt, vỡ vụn, xuất hiện dưới dạng trích đoạn để ông thầy tự chắp lại các mảnh rời rạc nhằm tạo nên chỉnh thể.
Vào thời kỳ bao cấp, đàn piano là thứ quý hiếm, không có trên thị trường trong nước. Nhiều người dù thích đàn, vẫn không thể thực hiện được ước mơ. Trong số đó, không hiếm người sau này trở thành phụ huynh. Và họ mong muốn con cái theo học bộ môn nghệ thuật nhằm nối lại giấc mơ bị đứt gãy thời niên thiếu. Con không thích họ mà bố mẹ muốn, nên giấc mộng đẹp trở thành cơn ác mộng ký thác lên học trò thông qua vai trò gia sư.
Dạy đàn cũng có nhiều niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Cô giáo NTC bồi hồi nhớ lại những năm tháng mới đi làm gia sư, có lần học trò bạo dạn hỏi: “Cô ơi, sao cô khỏe thế nhỉ?” Cô ngạc nhiên đáp: “Cô đâu có khỏe!” Trò tiếp lời: “Vì, con chẳng thấy cô ốm bao giờ”! Có loại trò vừa đàn vừa nhìn đồng hồ, liên tục hỏi: “Thầy ơi, con bắt đầu học lúc mấy giờ?”. Thầy trả lời: “Con yên tâm sẽ được nghỉ đúng giờ, nhưng, con đàn như vậy là sỉ nhục nhạc sĩ đấy! Học đàn chứ có phải chạy 100m đâu mà cứ như bị ma đuổi”.
Mối quan hệ giữa phụ huynh và gia sư đôi lúc khỏa lấp được nỗi niềm chất chứa giữa thầy và trò. Có những cô cậu ham chơi game, phụ huynh ép học để bớt thời gian rảnh rỗi. Thầy LĐK nhớ lại, có lần trò phân vân, hỏi: “Thầy ơi, con thấy thầy rảnh nhỉ?”. “Sao?”, thầy vặn hỏi. “Thầy rảnh mới tập đàn, chứ con rảnh con chơi game”, trò đáp. Thầy lại đùa: “Chắc con muốn ba mẹ thay đổi kiểu kính chứ gì? Nhớ ngày phải chơi game ít nhất 4 tiếng. Như vậy, sau vài tuần nữa ba mẹ sẽ đổi kiểu kính mới đẹp hơn, đặc biệt có độ nặng hơn cho con”.
Nhiều phụ huynh muốn gia sư cung cấp thêm những kiến thức tổng hợp về âm nhạc, ngoài dạy kỹ năng chơi đàn. Cô NTL dạy cho học trò cả những khái niệm cơ bản về âm nhạc, như: “Âm nhạc là một môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt…” Đến ngày trả bài, học trò thuộc loại “tăng động”, vừa trả bài, vừa tung tẩy trên nền nhà, đáp: “Âm nhạc là một môn thể thao…” - may mà phụ huynh chưa nghe thấy!
Trong quá khứ, âm nhạc đích thực là bộ môn năng khiếu. Ngay tại những Cung thiếu nhi, học sinh đều thường xuyên đối diện với trắc nghiệm, kiểm tra. Sau mỗi khóa học kéo dài ba tháng lại tiếp tục trải qua kỳ thi sát hạch, sàng lọc một cách nghiệt ngã. Năng khiếu có rồi vẫn chưa chắc theo tiếp con đường thiên lý, diệu vợi này, học sinh còn phải không ngừng đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe ở những khóa học cao hơn. Ngày ấy, trò cần tới thầy hơn thầy cần đến học phí của trò.
Ngày nay, quan hệ đã thay đổi, đồng thời âm nhạc đã bước từ ngôi đền linh thiêng của nghệ thuật xuống đường, ra chợ để trở thành bộ môn giải trí thuần túy. Để sả Stress, xa lánh thói hư tật xấu, không thiếu học viên (vì đã lớn tuổi, không phù hợp với danh xưng học trò) học với niềm đam mê, say xưa bị bỏ quên khoảng thời gian dài phía trước hoặc đơn giản hơn tránh nhậu, khám phá vùng tối trong thế giới mênh mông của tâm hồn… Nhờ vậy, âm nhạc từng bước được đại chúng hóa, phổ biến theo kiểu mới. Nó cho thấy sự tiến bộ trong nhận thức, đồng thời mở ra nhiều tác dụng, công năng cho nghệ thuật âm nhạc. Mỗi người tiếp xúc bằng nhiều mục đích khác nhau. Chẳng phải ai đến với âm nhạc cũng vì mục tiêu nghệ thuật cao cả. Phương pháp giáo dục vì thế mà thay đổi linh hoạt, thích ứng với từng trường hợp cụ thể. Giáo dục âm nhạc cũng giống như truyền giáo, phải: “Tùy duyên hóa độ”. Chúng sinh có nhiều loại, mỗi người được áp dụng những phương pháp khác nhau. Học đàn vốn đã là “chơi”, nay càng phải vận dụng triệt để quan niệm tương ứng. Theo đó, chúng ta có thể sử dụng một phương pháp nhằm giải quyết nhiều vấn đề, đồng thời có thể sử dụng nhiều phương pháp để giải quyết một vấn đề. Vì, có quá nhiều vấn đề đòi hỏi giải quyết, nên tiếng dương cầm trong nhiêu ngôi nhà trở nên “đổ đốn”. Có những học trò thuộc loại “xiếc sĩ” nhào lộn trên khung thời gian khiến cho ông thầy chóng mặt, mất dạy lúc nào không hay.
Mối quan hệ nào cũng dựa trên sự tương tác. Trò đàn say sưa, thầy càng thích thú và cảm thấy thời gian qua mau. Thành quả của học trò có lúc còn hơn cả kết quả của thầy. Vì, đó chính là thành quả của thầy. Có phụ huynh nhắn tin: “Thầy ơi, bây giờ H đã thích đàn rồi”. Thầy vui mừng hết biết. Sự nghiệp của thầy coi như thành “chánh quả”.
Có học trò, ngày đầu tiên thầy tới dạy bèn chui ngay vào gầm ghế để trốn học. Mẹ mang roi ra chuẩn bị quýnh, thầy lại phải xoa dịu, chị làm thế, về sau cháu thù em. Đến ngày đi học nước ngoài, trò trích một khoản tiền mẹ cho để mua cây đàn về nhà tập, rồi thu hình post lên You tube khoe thầy. Có lẽ đối với những người thầy, cô giáo, thành quả đáng vui nhất đó là dạy được những học trò từ không thích trở thành thích đàn.
Nghệ thuật, thẩm mỹ vốn là những bộ môn khó dạy. Vì, nó đi đến tận cùng của tinh thần chủ quan. Cả thầy, cô giáo đều phải đối diện với mệnh đề khó khăn ấy, đặc biệt trước những học trò “hoang dại”, bất chấp cả hành vi nhập môn là nghe lời. Khi đó, người thầy phải ứng xử tinh ý, không chỉ có dạy, mà còn phải dỗ, thậm chí dọa nữa. Điều đó chỉ ra công năng phong phú của nghệ thuật âm nhạc. Âm nhạc được dùng như một phương tiện chứ không phải mục đích. Đó là những nẻo đường lắt léo mà những người làm âm nhạc đi qua.
Xưa kia, trò tới nhà thầy, một hình thức “Tầm sư học đạo” đã loại trừ khả năng chuyển hóa nhóm đối tượng trên ra khỏi quan niệm đương đại. Ngày nay, thầy tới nhà trò, trừ những trường hợp cá biệt mang tính chất phụ trợ, phụ đạo, học nhóm hay dựa trên mối quan hệ thân tình… còn đại đa số có thể quy về nội hàm gia sư.
Nói tóm lại, gia sư mang tính chất của hoạt động dịch vụ (giáo dục), hình thành từ quá khứ, phát triển ở thời điểm hiện tại với sự nở rộ khuynh hướng lựa chọn đưa đến giá trị tiện ích cho người thụ hưởng. Ở đây không cố đi sâu cắt nghĩa khái niệm để đưa đến một nội hàm thật đầy đủ mà sự khiếm khuyết đã thể hiện ngay ở cấp độ chuẩn mực của từ điển. Nhóm xã hội này đang góp phần làm nên nội dung văn hóa trong bối cảnh đương đại. Để vươn tới những đỉnh cao của một nền văn hóa cần suy xét phẩm chất của nó. Gia sư vốn hình thành tự phát tự giác đã đóng góp đáng kể vào phong trào học tập, rèn luyện kỹ năng, tố chất âm nhạc cho đại bộ phận công chúng. Họ lặng lẽ, âm thầm gieo những hạt giống âm nhạc trong tâm hồn học trò mong chờ một ngày rợp bóng.