Nỗi lòng của nghệ sĩ hơn 30 năm chơi đàn bầu
Lần đầu tiên tham gia vào chương trình "Điều còn mãi" với danh nghĩa solo đàn bầu, lại biểu diễn bài "Chào mừng" - tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Trọng Bằng cùng dàn nhạc, NSƯT Bùi Lệ Chi chia sẻ những cảm xúc của mình.
NSƯT Bùi Lệ Chi là nghệ sĩ đàn bầu được đào tạo từ khi còn rất nhỏ, 8 tuổi chị đã vào Nhạc viện để học nhạc. Đây là lần đầu tiên chị tham gia vào chương trình "Điều còn mãi" với danh nghĩa solo đàn bầu, lại biểu diễn bài "Chào mừng" - tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Trọng Bằng cùng dàn nhạc.
NSƯT Bùi Lệ Chi chia sẻ, với nghệ sĩ, được biểu diễn trên sân khấu, lại được khán giả am hiểu âm nhạc thưởng thức, trong một không gian trang trọng, vào một ngày quá ý nghĩa như là 2/9 thì còn gì bằng. Tác phẩm "Chào mừng" của nhạc sĩ Trọng Bằng viết năm 1986 cho dàn nhạc giao hưởng kết hợp với đàn bầu. Tính chất, tinh thần của tác phẩm rất này rất vui vẻ nó phù hợp với ngày hội chiến thắng của đất nước. Xen kẽ những phần nhạc hào hùng nhanh chậm nhanh chậm thì tác giả đã đưa phần đàn dân tộc vào rất trữ tình mềm mại, đó là cây đàn bầu. NSƯT Bùi Lệ Chi cho rằng, bất cứ ai khi nghe tác phẩm này cũng có thể hiểu được, yêu nó.
NSƯT Bùi Lệ Chi cho biết, thực tế người viết nhạc dân tộc bây giờ không nhiều. Từ khi đàn bầu trở thành một bộ môn, phương pháp giảng dạy và truyền bá đã có nhiều thay đổi. Nếu như ngày xưa, việc dạy nghề của các nghệ nhân trong dân gian thường theo lối truyền nghề thì nay ở trường nhạc, việc giảng dạy đàn bầu đã được thông qua hệ thống giáo trình, có bản phổ chính quy.
Để đàn bầu ngày càng phát triển, theo NSƯT Bùi Lệ Chi những tác phẩm hay cho nhạc cụ dân tộc cũng cần được khích lệ bằng giải thưởng. Nên phát động cuộc thi sáng tác cho nhạc cụ dân tộc nói chung, đàn bầu nói riêng, bổ sung tác phẩm trong giảng dạy và biểu diễn. Chúng tôi cũng đang ngày đêm giữ lại nghệ thuật truyền thống này. Câu lạc bộ "Nghệ thuật đàn bầu Việt Nam” thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam ra đời cũng nhằm mục đích này.
(Nguồn: http://vietnamnet.vn)