Những người thầy của tôi trong nghề phê bình âm nhạc

16/02/2021
Tác giả: Nguyễn Thị Minh Châu

Họ hoàn toàn không cố ý, song đều ít nhiều đã dẫn dắt tôi đến gần hơn với lĩnh vực phê bình âm nhạc. Khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này chỉ cho phép tôi kể về hai người thầy từ thời tôi còn là sinh viên Trường Âm nhạc Việt Nam.

Chú Nguyễn Hữu Tuấn

Chú là thầy giáo piano của tôi và đã dạy tôi trong thời gian dài nhất - bốn năm trung cấp, cộng với hai năm đại học trước khi tôi sang Nga.

Nghệ sĩ piano Nguyễn Hữu Tuấn

Tôi không gọi chú là “thầy”. Với tôi, chú giống một ông chú trong gia đình hơn là thầy giáo. Tôi biết chú từ nhỏ, khi theo ba mẹ tôi vào Trường Nhạc (Ô Chợ Dừa) nghe các chương trình biểu diễn có chú đệm piano cho cô Mỹ Bình hát. Trường Âm nhạc Việt Nam bắt đầu sơ tán ở Xuân Phú (Hà Bắc) từ năm 1965 cũng là lúc tôi chính thức vào học sơ cấp 1 piano. Ba mẹ gửi tôi cho cô Bình trông nom. Hồi ấy, cô Bình chú Tuấn được giao phụ trách đội nhi đồng và trở thành hình tượng “công chúa - hoàng tử” trong mắt chúng tôi, lũ trẻ 7-8 tuổi vẫn mê mẩn chuyện cổ tích. Đời thật vẫn có những câu chuyện happy end đẹp như cổ tích: hoàng tử và công chúa của chúng tôi đã tìm thấy nhau, đã vượt qua bao năm sóng gió để trở thành một nửa của nhau, một cặp đôi hoàn hảo vừa sắc vừa tài.

Dù chú không liên quan trực tiếp đến nghề viết lách sau này của tôi, nhưng nói đến cái nghiệp lý luận nghiên cứu phê bình âm nhạc, tôi nhất định phải nhắc đến ông chú của tôi, NSƯT Nguyễn Hữu Tuấn.

Đẹp trai, cao lớn, nhưng rất nhỏ nhẹ, dịu dàng, chú Tuấn là thần tượng của chúng tôi không chỉ vì vẻ hào hoa nho nhã mà còn hơn thế, chú là một tay piano cự phách. Đầu thập niên 70 rất hiếm đĩa nhạc cổ điển, được nghe thầy đàn thị phạm là điều hết sức may mắn.

Một trong những may mắn của tôi là được hưởng những buổi học khác thường: trò chuyện nhiều hơn đàn, và người đàn là thầy nhiều hơn trò. Đó là những buổi trả bài mà chưa kịp “vỡ” bài, tôi láu cá trốn tội bằng cách năn nỉ “chú ơi, cháu muốn nghe chú đánh bài này lắm, cả bài này nữa...”. Nghệ-sĩ-thầy mê mải vừa đàn vừa giảng giải cho thính-giả-trò hết bài này tới bài khác, cứ thế chẳng mấy hết giờ học.

Theo sự dẫn giải của chú Tuấn, tôi đã từ đứa trẻ có nhạc cảm bản năng dần dần đi đến chỗ học đánh đàn “bằng đầu”. “Đầu” đây chính là đầu óc phê bình, không những phân tích tác phẩm, từ cấu trúc tổng thể đến câu cú, hòa thanh, sắc thái…, mà còn cố thể hiện sao cho hợp lý theo cách của riêng mình. Chú khuyến khích tôi tập nhìn bao quát trong xử lý tác phẩm, học thoát khỏi cố tật chung của học trò ở ta thời đó là quá sa đà tiểu tiết mà quên tổng thể, quá chú trọng kỹ thuật (chỉ cố chạy cho nhanh đánh cho sạch) và ít quan tâm tìm hiểu những gì liên quan đến tác phẩm - tác giả.

Vì cố học đánh đàn bằng đầu mà tôi đã không thể từ bỏ âm nhạc. Chả là đã có vài phen tôi cứ khăng khăng đòi bỏ Trường Nhạc ra ngoài thi tốt nghiệp phổ thông để rồi chuyển sang thi đại học ngành nghề khác. Khi ấy tôi thích nhiều thứ, đặc biệt các môn khoa học tự nhiên. Mẹ tôi nháo nhào đến gặp chú Tuấn. Ông thầy tôi cũng khăng khăng không kém, rằng chị đừng cho nó thôi nhạc, cứ để tôi dạy cháu, nó là đứa biết “đánh đàn bằng đầu” đấy.

Sau này, một trong những lần hiếm hoi gặp lại thầy, tôi đã than thở: “Cháu đang kiếm sống bằng những gì chú dạy cháu. Còn những thứ học ở Nga cháu chẳng biết dùng làm gì cả”. Thật thế, vào nửa đầu thập niên 90, đất Sài Gòn cần người chơi đàn ở nhà hàng hơn là nhà nghiên cứu âm nhạc. Suốt 10 năm sống ở Sài Gòn, tôi đã nuôi con bằng cây đàn, hết “cày kéo” ở nhà hàng, lại dạy piano tại gia…

Gặp lại chú Tuấn khi tôi quay về sống ở Hà Nội, tôi nói muốn viết chân dung chú, không chỉ ở lĩnh vực biểu diễn mà cả sáng tác. Biết tôi đang thực hiện cuốn sách chân dung 12 nhạc sĩ thuộc công trình Âm nhạc Việt Nam: tác giả - tác phẩm, chú cười hiền và cúi xuống thì thầm: “Chú rất thích Châu ơi, nhưng chú không muốn là ông thứ 13 đâu”. Tôi cũng thì thầm: “Vậy chú chờ cháu viết xong chân dung ông nào đó ở vị trí 13 nhé”.

Đời thật ác với chú cháu tôi. Thầy tôi đã không chờ được.

Lần cuối chú gọi điện cho tôi: “Chú đang chuẩn bị đêm diễn recital, nhất định Châu viết cho chú nhé”. Tôi mừng lắm, nhắc chú báo cho tôi biết lúc nào chạy chương trình, vì tôi muốn nghe cả những buổi tập và duyệt của chú.

Đêm diễn chưa kịp ra mắt thì chú đổ bệnh.

Đi dọc hành lang bệnh viện 108, tôi đã lướt qua một cửa phòng bệnh rồi chợt sững người và vội quay lại, linh tính mách bảo tôi rằng bệnh nhân trong đó chính là thầy tôi.

Chú gầy đi, khác đi nhiều quá...

Không một lời về bệnh tật, chú cháu tôi chỉ bàn về kế hoạch sắp tới. Chú hứa sẽ đưa tôi bản photocopy những tác phẩm viết cho piano và băng biểu diễn của chú. Sau khi tôi có đủ thời gian nghiền ngẫm rồi thì hai chú cháu sẽ gặp nhau trò chuyện về ngôn ngữ sáng tác, về phong cách biểu diễn, về phương pháp giảng dạy, về cuộc đời gắn liền với cây đàn piano của chú. Tất cả chỉ nhìn về phía trước, về phía trước…

Tôi cúi xuống ôm chú và nói thầm bên tai chú: “Cháu thương chú lắm!”, rồi quay đi thật nhanh ra cửa để chú không nhận thấy tôi sắp òa khóc.

Đó là lần cuối cùng tôi ở bên thầy tôi.

Cô Nguyễn Thị Nhung

Ở tuổi choai choai tôi nhận thấy mình không đủ dũng khí đeo đuổi nghề biểu diễn nên vẫn ngấm ngầm chờ cơ hội nói lời từ biệt với nó. Người giúp tôi thực hiện cuộc dứt áo ra đi là PGS-TS Nguyễn Thị Nhung.

Nhà soạn nhạc, nhà lý luận Nguyễn Thị Nhung và học trò Nguyễn Thị Minh Châu

Khi ấy cô Nhung còn chưa là hiệu phó Trường Âm nhạc Việt Nam, cũng chưa là chủ nhiệm khoa Lý - sáng - chỉ, nhưng từ tầm nhìn của người tận tâm với sự phát triển của khoa, cô đã đi một nước cờ tính xa, đó là “dụ” các cháu khoa Piano có khả năng “lý sự” sang học lý luận. Là một trong những đối tượng được chọn mặt gửi vàng, tôi đã giẫy nẩy lên vì không bao giờ nghĩ mình có thể nhảy sang học ở một bộ môn toàn “người già”, phần lớn là cán bộ đi học.

Chiến dịch trẻ hóa sinh viên lý luận diễn ra từ từ. Trước tiên cô Nhung sắp xếp cho chúng tôi học song song hai khoa, vẫn thuộc quân số của khoa Piano, nhưng tất cả các môn lý thuyết đều học chương trình dành cho sinh viên lý luận. Các môn hòa thanh và phức điệu thì học với chuyên gia Nga - cô Svelana Selova.

Cứ tưởng tốt nghiệp phổ thông rồi không còn lo tập làm văn nữa, ai ngờ lại vẫn phải cắm cúi viết tiểu luận. Vì nể lòng nhiệt tình của cô Nhung là người trực tiếp hướng dẫn làm tiểu luận, tôi đã cố trau chuốt cho “tác phẩm đầu tay” phân tích 10 préludes của Chopin.

- Kiến thức không hơn gì đứa khác, vì cô dạy học trò đều như nhau, tiểu luận của cháu chỉ nhỉnh hơn ở lời lẽ bay bướm thôi.

Nhận xét của cô giúp tôi nhận thấy đôi điều. Cùng một nội dung, nhưng hiệu quả có thể khác nhau nhờ cách biểu hiện qua câu chữ. Rõ ràng vai trò quyết định sự “nhỉnh hơn” ở đây thuộc về ngôn ngữ, văn phong. Cái biển văn chương quá mênh mông, nhưng tôi biết mình có thể học bơi. Tôi nói với mẹ tôi rằng nếu sau này tôi bơi được trong lĩnh vực lý luận âm nhạc, thì công phát hiện tiềm năng này thuộc về cô Nhung - thầy giáo lý luận đầu tiên của tôi.

Thật buồn cười, nhiều tiền bối không dạy tôi nhưng hay vui miệng nhận “nó là học trò tôi”. Còn cô tôi - người thầy lý luận đầu tiên của tôi lại cứ phải vội vàng giải thích minh bạch mỗi khi tôi tự giới thiệu mình là học trò của cô: “Nó không phải học trò tôi đâu, nó là học trò của mấy ông Tây bà Tây đấy!”.

Cách đây hai chục năm cô lại là người động viên tôi tiếp tục con đường học vấn: “Chọn một trong mấy công trình đã làm của cháu là thành luận văn tiến sĩ rồi”. Khổ nỗi, trò của cô lại là một người làm chuyên môn thuần túy, không hợp với vai trò quản lý thì cần gì phí thời gian vào chuyện học hàm học vị.

Cô không trách một lời, khi tôi muốn chọn cho mình cách học phù hợp hơn, ấy là học ở trường đời. Cô cũng không trách một lời kể cả khi hai cô cháu có ý kiến khác nhau.

Trường đời đã cho tôi thấy một người thầy được trò kính trọng hơn gấp nhiều lần, khi cho phép trò không phải bản sao của thầy, không nhất nhất phải nghĩ giống thầy và không được quyền nói khác làm khác thầy. Trường đời cũng nhắc tôi rằng một tiền bối được hậu bối quý trọng hơn gấp nhiều lần khi tôn trọng sự khác biệt giữa đồng nghiệp, không khẳng định mình luôn đúng (mà chắc gì mình đã đúng!) để áp đặt hoặc kết tội người khác.

Lược trích từ bản thảo chưa xuất bản Phê bình âm nhạc - đạo và đời (2011)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...