Những làn điệu dân ca ưa dùng trong tác phẩm Piano Việt Nam
Vai trò của nghệ thuật dân gian trong quá trình hình thành phát triển âm nhạc chuyên nghiệp có sự công nhận rộng rãi suốt quá trình tiến hóa của lịch sử âm nhạc các dân tộc trên thế giới. Các nhà sáng tác vĩ đại từ xa xưa đến hiện tại trong tác phẩm của mình dù ít, nhiều đều liên quan đến nghệ thuật dân gian ở khía cạnh này hay khía cạnh khác.
Tìm hiểu sáng tác cho piano của nhạc sĩ Việt Nam, các nhà sư phạm piano nên quan tâm tới các quy luật của âm nhạc dân gian. Bởi, âm nhạc dân gian trong sáng tác piano của các nhạc sĩ Việt Nam là một trong những nguyên tắc thẩm mỹ quan trọng của sự nghiệp sáng tác hiện đại. Các nhà soạn nhạc Việt Nam coi đó là ngọn nguồn, là điểm tựa chính cho nội dung, là linh hồn, là hình tượng tác phẩm để thể hiện hơi thở cuộc sống của con người Việt Nam, mặc dầu trong tác phẩm của họ đã vận dụng các kỹ thuật biểu hiện, các hình thức, thể loại âm nhạc châu Âu.
Qua hai Tuyển tập piano của Nhà xuất bản Văn hoá Hà Nội xuất bản năm 1975 và 1979 và Nhà xuất bản Âm nhạc Hà Nội năm 1986, ba Tuyển tập piano của Nhạc viện Hà Nội do PGS-NSƯT Nguyễn Hữu Tuấn biên soạn năm 1996, 1998 và GS-TS Trần Thu Hà biên soạn năm 2005, Tuyển tập piano Những bài ca và điệu múa của Nguyễn Văn Thương xuất bản năm 1972 tai Laipxich Cộng hoà dân chủ Đức và Tuyển tập piano Con cò trắng của Nguyễn Văn Nam do Nhà xuất bản Hội Nhạc sĩ Liên Xô ấn hành năm 1984, cùng một số các bản chép tay, vi tính của một số tác giả, chúng tôi thấy có một số làn điệu dân ca ưa dùng trong tác phẩm của các nhà soạn nhạc Việt Nam như: Tứ quý, Con gà rừng (Chèo), Trống cơm (Quan họ), Lý ngựa ô (dân ca Nam bộ).
1/ Làn điệu Tứ quý (Mừng hội cướp bông1) trong Chèo được thể hiện trong ba tác phẩm piano: Vui xuân của Nguyễn Văn Thương, Vui mừng thắng lợi của Vân Đông, Múa nàng trúc xinh của Hoàng Cương.
Vui xuân là bài số 6 trong Tuyển tập Những bài ca và điệu múa Nguyễn Văn Thương viết trên làn điệu Tứ quý (Chèo). Ở tác phẩm, lần thứ nhất chủ đề thể hiện giữa hai tay theo thủ pháp canon (đuổi). Lần nhắc lại chủ đề đưa lên cao quãng tám, tay trái tấu một âm hình tiết tấu không đổi trong hai nhịp một: rồi chuyển thành:
Toàn bài số 6 Vui xuân biểu hiện không khí hội làng trong ngày xuân đầu năm vui vẻ, nhộn nhịp.
VD 1a:
VD1b:
Vui mừng thắng lợi của nhạc sĩ Vân Đông là tác phẩm viết ở hình thức rondo, trong đó chủ đề âm nhạc được hình thành từ bài Tứ quý.
Chủ đề gồm hai câu, câu một được tác giả viết theo kiểu chủ điệu, có hai nhịp mở đầu. Tay trái được hình thành gồm các quãng 5 mô phỏng tiết tấu của tiếng trống rộn ràng.
Câu hai viết có tính phức điệu ở tay phải, tay trái tấu âm hình móc kép trên trục âm e-a-h-d và fis-a-h-d-e miêu tả tính chất vui mừng, rộn rã trong ngày vui chiến thắng.
VD 2a:
VD 2b:
Múa nàng trúc xinh2 của Hoàng Cương lại sử dụng chất liệu từ hai bài dân ca để làm chủ đề cho từng phần của tác phẩm. Múa nàng trúc xinh có cấu trúc ở hình thức ba đoạn phức. Phần A trình bày và A tái hiện có chủ đề âm nhạc từ giai điệu bài dân ca Quan họ Cây trúc xinh. Chủ đề của đoạn b phần B được sáng tác trên giai điệu bài Tứ quý.
VD 3:
2/ Làn điệu Con gà rừng (Chèo) cũng được các nhạc sĩ ưa dùng làm chất liệu chủ đề cho tác phẩm như Con gà rừng viết cho hai đàn piano hòa tấu của Trần Ngọc Xương, hay trong tác phẩm Capriccio cho piano của Vĩnh Bảo, chương III trong bản sonate Piano của Nguyễn Văn Nam.
Tác phẩm Con gà rừng3 của Trần Ngọc Xương viết ở thể loại scherzo, cấu trúc ở hình thức ba đoạn phức. Ở tác phẩm này nhạc sĩ Trần Ngọc Xương đã hình thành chủ đề cho tác phẩm của mình từ âm điệu và tiết tấu đặc trưng của làn điệu Con gà rừng. Ở phần trình bày và phần tái hiện của tác phẩm là những biến khúc trên chủ đề từ âm điệu bài Con gà rừng. Âm nhạc có tính chất vui, hài hước ở nhịp độ nhanh (Allegro). Phần giữa của tác phẩm xuất hiện chủ đề mới, tương phản, chuyển sang nhịp 6/8 và viết theo thủ pháp phức điệu.
VD 4:
Capriccio của Vĩnh Bảo được xây dựng trên ba chất liệu âm nhạc khác nhau, cấu trúc có tính tự do, mỗi chất liệu được biểu hiện trên một kỹ thuật riêng của cây đàn Piano.
Phần thứ nhất có nhịp độ chậm (Adagio) 3/4. Giai điệu ở phần này vang lên cách nhau một quãng 8 thể hiện tính trang trọng, hào hùng ở bè giữa. Còn bè cao và bè trầm là những âm hình đệm trên những hợp âm nốt móc kép với kỹ thuật nảy ngón (staccato), xen kẽ với chùm ba ở bè cao. Âm nhạc của phần này như những nét âm hưởng từ dân ca, dân vũ vùng Tây Nguyên.
Phần thứ hai chuyển sang 4/4, nhịp độ nhanh (Allegro) xuất hiện hai chủ đề mới. Chủ đề 1 sáng sủa, vui hoạt được hình thành từ âm điệu đặc trưng của làn điệu Con gà rừng, nhạc Chèo, chủ đề 2 có tính trữ tình ở giọng pha thăng thứ.
Phần thứ ba, trở lại tốc độ chậm (Andante) nhịp 4/4 là tái hiện có thay đổi từ phần thứ nhất, với tính chất hùng mạnh.
VD5:
Sonata cho piano của Nguyễn Văn Nam là một liên khúc gồm ba chương, mỗi chương là một hình thức riêng biệt.
Chương I: hình thức sonate, chương II: hình thức ba phần, chương III viết ở hình thức rondo.
Ở chương III, nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam đã xây dựng chủ đề từ nhân tố chính của bài Con gà rừng. Tính chất vui hoạt được biểu hiện trong giai điệu với các nốt biến âm, các nốt tô điểm, các bước nhẩy quãng tám. Cũng như ở chương I và chương II tác giả không dùng hợp âm ba mà chỉ là các quãng 2, quãng 5 hoặc toàn quãng 2 chồng lên nhau trong lối tiến hành hòa âm.
VD 6:
3/ Bài dân ca Quan họ Trống cơm trong tác phẩm Trống cơm của Thái Thị Liên và Sonatine cho piano của Nguyễn Thị Nhung.
Bài Trống cơm của Thái Thị Liên là nguyên dạng bài Trống cơm dân ca Quan họ chuyển biên cho piano độc tấu. Trong tác phẩm, bà Thái Thị Liên đã sử dụng âm hình tiết tấu của chính bài dân ca tạo thành 4 nhịp mở đầu do tay trái tấu staccato như mô tả tiếng trống cơm vang lên nhộn nhịp. Âm hình tiết tấu ấy đã quán xuyến toàn bài. Nhịp 4/8 cũng tạo nên tính linh hoạt cho tác phẩm.
VD 7:
Bản Sonatine cho piano4 của Nguyễn Thị Nhung là một liên khúc gồm ba chương nhạc. Mỗi chương là một cấu trúc âm nhạc với tính chất âm nhạc khác nhau nhưng có sự liên kết về một chất liệu trong cả ba chương từ âm hình tiết tấu trong câu hát đầu của bài Trống cơm.
Chương I: viết ở hình thức sonate với hai chủ đề âm nhạc khác nhau về điệu tính nhưng có chất liệu cùng nguồn. Chủ đề 1 của chương được hình thành từ tiết tấu trong câu đầu của bài Trống cơm: trên một nét giai điệu nhấn mạnh các quãng 4. Nhân tố này xuất hiện ở cả chương II, chương III và coda.
VD 8:
Chương II: chương trữ tình viết ở nhịp độ chậm (Andante Cantabile) có cấu trúc ở hình thức ba đoạn. Phần thứ nhất - trình bày và phần thứ ba - tái hiện: âm nhạc có tính dàn trải, giai điệu mượt mà. Tay trái của piano là những âm hình tiết tấu trên các nốt móc kép vang đều đặn ở các trục âm của điệu thức năm âm. Chủ đề của các phần này có mối liên quan về âm hình tiết tấu với chủ đề 1 của chương I.
VD 9:
Chương III: chương nhanh (Allegro ma non troppo). Âm nhạc như gợi lại hình ảnh hội làng, vui vẻ, nhộn nhịp và cấu trúc ở hình thức rondo: A, B, A1, C, A, coda. Nét giai điệu ở phần C có mối liên quan về âm hình tiết tấu với chủ đề 1 của chương I.
VD10:
Coda là nhắc lại chất liệu của chủ đề 1 chương I nhưng lúc đầu về G-dur sau chuyển dần về D-dur.
VD 11:
4/ Bài Lý ngựa ô dân ca Nam bộ được sử dụng làm chất liệu chính trong ba tác tác phẩm viết cho piano đó là: Con ngựa ô của Thái Thị Lang5 (với bút danh Louis Nguyễn Văn Tỵ), Lý ngựa ô của Hoàng My và Lý ngựa ô của Nguyễn Hữu Tuấn.
Điều thú vị là cả ba tác giả đều là những nghệ sĩ piano, riêng bà Thái Thị Lang còn là nhà soạn nhạc thuộc thế hệ lớp nhạc sĩ đầu của ngành âm nhạc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Tác phẩm của bà Thái Thị Lang ra đời cách xa hai tác phẩm của hai nghệ sĩ Hoàng My và Nguyễn Hữu Tuấn ba - bốn chục năm, nhưng ở họ đều có những mong muốn giống nhau. Đó là học tập những thủ pháp sáng tác của châu Âu, những hình thức thể loại vốn có của nền âm nhạc ấy để viết nên những tác phẩm cho cây đàn piano sao cho đậm chất dân tộc. Không hẹn mà nên, cả ba nhạc sĩ đều tìm đến âm nhạc dân gian, đều sử dụng chất liệu cùng một bài Lý để hình thành tác phẩm của mình. Các tác phẩm đã đem đến cho thính giả một cảm giác vui vẻ, rộn ràng, hóm hỉnh, một tính chất hội hè như tính chất vốn có của bài dân ca, tuy ở mỗi tác phẩm họ đã thực hiện bằng những thủ pháp sáng tác và kỹ xảo biểu hiện của cây đàn piano khác nhau.
Trong tác phẩm của mình, cả ba nhạc sĩ đều dùng câu hát của bài Lý để hình thành nhân tố chính cho chủ đề âm nhạc những đã được nhạc khí hóa để thể hiện tính chất vui hoạt, rộn ràng, dí dỏm.
Con ngựa ô của Thái Thị Lang: câu hát của bài Lý được rút gọn tiết tấu thành motif có tính khí nhạc gồm hai nhịp một, viết ở nhịp 2/4 với nhịp độ nhanh vừa (Allegretto) tấu ở bè giai điệu, sau đó motif ấy nhắc lại một lần nữa với đồng âm quãng tám. Ở ba nhịp cuối của chủ đề giai điệu được thể hiện dưới dạng chồng âm đầy đặn. Bè tay trái ở các phần mạnh của phách là những quãng 5 trì tục, còn phần yếu của phách là chồng âm gồm ba âm xen kẽ với chồng âm gồm toàn bộ các âm của điệu năm âm (xon giáng cung); hoặc chồng âm gồm ba âm kết hợp với nốt hoa mỹ ở móc kép vang lên đều đặn cách hai nhịp một ở phần yếu của phách thứ nhất của nhịp. Cách xử lý kỹ thuật piano như mô phỏng tiếng vó ngựa.
VD 12: Chủ đề CON NGỰA Ô Thái Thị Lang
Con ngựa ô của Thái Thị Lang viết ở hình thức rondo với chủ đề được nhắc lại hai lần nữa, xen kẽ có hai đoạn nhạc tương phản và coda. Coda là nhắc lại hai lần motif chính của chủ đề. Tác phẩm có sơ đồ cấu trúc: A-B-A-C-A-coda.
Chủ đề A mỗi lần nhắc lại là nguyên dạng, còn đoạn chen B và C là những đoạn nhạc có tính tương phản với chủ đề khiến việc trình bày lại chủ đề là sự đòi hỏi tất yếu làm cho cấu trúc tác phẩm chặt chẽ. Đoạn chen B và C chuyển sang các điệu tính mới và thay đổi nhịp điệu. Đoạn chen C là trung tâm tương phản của tác phẩm.
Ở đây phần đệm có âm hình mới, nét giai điệu là những quãng nhảy xa kết hợp với nốt hoa mỹ đã tăng cường tính chất hài hước dí dỏm cho hình tượng âm nhạc. Ở đoạn chen C đã chuyển nhịp liên tục phá vỡ tính chu kỳ của nhịp điệu góp thêm cho tính tương phản (2/4; 3/4; 6/8; 2/4; 3/4).
Lý ngựa ô của Hoàng My có cấu trúc ở hình thức ba đoạn phức với phần tái hiện rút gọn với sơ đồ A-B-A’-coda. Ở tác phẩm này phần giữa B có tính tương phản với phần trình bày và phần tái hiện bằng cách chuyển điệu tính tạo cho âm nhạc xáo động và có màu sắc mới.
Nhạc sĩ Hoàng My cũng dùng câu hát đầu của bài Lý để hình thành chủ đề âm nhạc cho tác phẩm viết ở nhịp 4/4 với nhịp độ nhanh, vui (Allegro giocoso) ở điệu thức năm âm pha thăng cung có một nhịp mở đầu vang lên ở bè tay trái. Âm hình ở bè tay trái ấy là bốn âm trục của điệu thức năm âm (fis-gis-as-cis-dis) với kỹ thuật nảy ngón trên âm hình tiết tấu móc đơn như mô tả tiếng vó ngựa rộn ràng, thể hiện không khí hội hè, vui vẻ.
Âm hình tiết tấu ấy của bè tay trái gần như quán xuyến toàn bộ tác phẩm khi là những nốt trục của điệu năm âm này, khi lại là những nốt trục của điệu năm âm khác, trừ những câu nhạc giữ chức năng nối được thay đổi âm hình.
VD 13:
Lý ngựa ô của Nguyễn Hữu Tuấn khác với hai tác phẩm trên, Nguyễn Hữu Tuấn sử dụng một nét giai điệu đầu của câu hát để xây dựng thành phần mở đầu cho tác phẩm dài 16 nhịp. Sau đó chủ đề của tác phẩm là toàn bộ bài Lý ngựa ô nhưng được thay đổi tiết tấu đôi chút cũng như thay đổi âm vực để có tính khí nhạc. Tác phẩm viết ở nhịp 2/4, nhịp độ nhanh (Allegro).
Nhân tố chính của phần mở đầu dài 4 nhịp vang lên đồng âm ở hai tay cách nhau hai quãng 8 với hai nốt lấy đà, sau đó là tấu kỹ thuật nẩy ngón trong hai nhịp đầu; còn hai nhịp tiếp theo, tay phải tấu chồng âm ở phần yếu của mỗi phách ở âm vực cao. Bốn nhịp ấy được nhắc lại nguyên dạng một lần nữa. Tám nhịp sau của phần mở đầu được tiếp tục phát triển từ ba âm hai nhịp nhưng luôn có nghịch phách ở nhịp đầu, tạo sự hẫng hụt để diễn tả tính chất dí dỏm, hài hước.
VD14:
Chủ đề của tác phẩm là nguyên dạng bài dân ca vang lên ở bè tay trái, nhưng ở âm vực trầm tạo tính tương phản với phần mở đầu của tác phẩm. Xen kẽ nét giai điệu là những chồng âm màu sắc ở phần yếu của phách tô đậm sắc thái vui vẻ của chủ đề. Hai nhịp cuối của chủ đề là câu cuối của bài dân ca được trình bày hai lần vang lên ở bè tay trái ở âm vực trầm trong khi tay phải là các chồng âm màu sắc điểm xuyết khi là phần yếu của phách đầu, khi là đầu phách thứ hai của nhịp, là những nhân tố đã xuất hiện ở phần mở đầu.
Lý ngựa ô của Nguyễn Hữu Tuấn là thể loại thơ cho đàn piano (poeme). Tác phẩm có độ dài khá lớn, trình bày có tính phóng tác nhưng vẫn có dáng dấp của hình thức biến tấu tự do gồm chủ đề và 6 biến khúc, trình bày liên tục. Tác phẩm có sơ đồ cấu trúc: Mở đầu - Biến khúc I - Biến khúc II - Biến khúc III - Biến khúc IV - Biến khúc V - Biến khúc VI và coda. Mỗi một biến khúc thể hiện một kỹ thuật diễn tấu của cây đàn piano.
Trong bài viết này chúng tôi hy vọng giới thiệu đến độc giả đôi nét sự đa dạng trong phương pháp chuyển soạn một số giai điệu quen thuộc của âm nhạc dân gian Việt Nam trong các tác phẩm viết cho piano của các nhạc sĩ Việt Nam. Trong tác phẩm của họ, mối quan hệ với âm nhạc dân gian thường được thể hiện bằng ba cách thức như sau:
Một là từ nguyên dạng bài dân ca, dân vũ được chuyển soạn thành tiểu phẩm cho piano (như Trống cơm, Cò lả, Múa quạt của Thái Thị Liên; Lý cây bông Việt Kim; Tuyển tập 16 bài dân ca, dân vũ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương…). Ở phương thức này công việc của nhà soạn nhạc là tìm những facture thích hợp với tính chất và hình tượng của từng bài là bài mang tính ca xướng hay vũ khúc, hài hước hay trữ tình, nhịp điệu lao động hay ngâm ngợi, đồng thời tiến hành hòa âm, phức điệu sao cho phù hợp với giai điệu, tiết tấu và khai thác được các kỹ thuật biểu hiện khác nhau của đàn piano. Để phù hợp với tính khí nhạc hoặc thuận lợi cho kỹ thuật diễn tấu, nhà soạn nhạc có thể tước bỏ bớt hoặc thêm một số nốt hoa mỹ, thay đổi đôi chút về tiết tấu, nhịp điệu, âm vực v.v… Việc thay đổi đó không ảnh hưởng đến cấu trúc, không phá vỡ các yếu tố hình thành của nguyên bản. Tuy nhiên cũng có bài được mở rộng khuôn khổ bằng cách nhắc lại giai điệu nguyên bản một hay vài ba lần nữa bằng cách thay đổi âm vực lên cao hay xuống thấp hơn giai điệu nguyên bản một quãng 8, thay đổi bè đệm bằng âm hình mới.
Hai là sử dụng một số nét tiết tấu, câu nhạc của một bài dân ca, dân vũ để hình thành chủ đề cho tác phẩm sau đó phát triển bằng nhiều thủ pháp sáng tạo khác nhau để tác phẩm hoàn chỉnh ở các hình thức các đoạn đơn, đoạn phức, rondo, biến tấu, sonate (Con ngựa ô của Thái Thị Lang, Lý ngựa ô của Hoàng My, Lý ngựa ô của Hữu Tuấn, Múa nàng trúc xinh của Hoàng Cương…). Cách thức được các nhạc sĩ Việt Nam sử dụng khá phổ biến vì trong họ không bị bó buộc hoàn toàn vào khuôn khổ của giai điệu hay tiết tấu nguyên bản của bài dân ca hay vũ khúc và có đủ không gian cho sự sáng tạo của mình. Tuy nhiên, để thực hiện tốt cách thức này đòi hỏi khả năng sáng tạo lớn hơn đối với nhà sáng tác, cần vượt xa hơn nhưng vẫn phù hợp với chủ đề đã chọn.
Ba là sử dụng âm điệu, tiết tấu điển hình hoặc các điệu thức năm âm trong âm nhạc cổ truyền (Prelude số 1,2 của Nguyễn Đình Lượng; 12 Preludes của Ca Lê Thuần, 9 Preludes của Minh Khang, Pòeme cho piano, Hòa tấu 95 của Đỗ Hồng Quân, Chương I, III Sonate piano của Nguyễn Văn Nam, Sonatine của Nguyễn Thị Nhung…). Ở phương thức này các nhà sáng tác đã sử dụng chất liệu âm nhạc dân gian, cổ truyền mang tính tổng hợp cùng lúc nhiều nhân tố: âm điệu, thang âm điệu thức, tiết tấu, lối tiến hành giai điệu, sự kết hợp các bè, các chồng âm v.v… cấu trúc nên những hình thái âm hưởng khác nhau, tăng cường tính tương phản, kịch tính. Ở cách làm này biểu hiện sự kết hợp cao hơn giữa truyền thống và các phương pháp kỹ thuật sáng tác của châu Âu. Những sáng tác viết theo phương thức này là nhiều và đa dạng về hình thức, thể loại: bài ca không lời, hát ru, prelude, chủ đề biến tấu, tổ khúc, liên khúc sonate, concerto v.v…
Thông qua những tác phẩm viết cho piano của nhạc sĩ Việt Nam những nét đẹp của âm nhạc dân gian được gìn giữ và giới thiệu rộng rãi đến thính giả trong và ngoài nước bằng âm hưởng của cây đàn piano là nhạc cụ vốn có xuất xứ từ châu Âu. Những nét đẹp của văn hoá âm nhạc dân gian Việt Nam sẽ được thổi nguồn sống mới trong các các tác phẩm chuyển soạn không chỉ cho đàn piano và nhiều loại nhạc cụ khác. Hy vọng rằng các nhà soạn nhạc Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển thể được nhiều giai điệu đẹp của âm nhạc dân gian Việt Nam để thính giả được thưởng thức những âm thanh kỳ diệu mang hơi thở cuộc sống của nhân dân Việt Nam.
_________________________________________________________
1 Mừng hội cướp bông là do nhạc sĩ Hoàng Kiều sáng tác dựa theo làn điệu Tứ quý (Chèo), khoảng năm1960. Từ lâu được mọi người coi như làn điệu Chèo và sử dụng trong tác phẩm.
2 Nguyễn Hữu Tuấn biên soạn (1998), Tuyển tập tác phẩm Việt Nam cho piano, Tập I, Nhạc viện Hà Nội, trang 82.
3 Trần Thu Hà biên soạn (2005), Tuyển tập tác phẩm Việt Nam cho piano. Giáo trình đại học Tập I, Nhạc viện Hà Nội, trang 82.
4 Nguyễn Hữu Tuấn biên soạn (1998), Tuyển tập tác phẩm Việt Nam cho piano, Tập II, Nhạc viện Hà Nội, trang 77.
5 Nguyễn Hữu Tuấn biên soạn (1998), Tuyển tập tác phẩm Việt Nam cho piano, Tập I, Nhạc viện Hà Nội, trang 91.