Những kỷ niệm với Ca Lê Thuần
Thời thanh xuân của tôi lớn lên giữa tâm trạng luôn luôn “kính nhi viễn chi” các bậc tiền bối, các bậc đàn anh. Giữa nhiều người ấy, tôi rất ngưỡng mộ anh Ca Lê Thuần. Ngưỡng mộ đầu tiên vì anh là con trai cụ Ca Văn Thỉnh - một tri thức Nam Bộ, bậc đàn anh của cha tôi, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm trước cha tôi nhiều năm. Ngưỡng mộ tiếp theo vì anh là anh trai của nhà thơ Ca Lê Hiến - người làm tôi mê mẩn khi đọc “Nhớ mưa quê hương”. Bài thơ được giải thưởng báo Văn Nghệ đầu thập niên 1960: “Quê nội ơi! Mấy năm trời xa cách/ Hôm nay ta lại nghe mưa rơi/ Nghe tiếng trời gầm xa lắc/ Cớ sao lòng thấy nhớ thương…”.
Ngưỡng mộ càng cao hơn khi biết người em trai tài hoa của anh đã vào chiến trường với bút danh Lê Anh Xuân và hy sinh trong Tổng tấn công Mậu Thân 1968 để lại cho đời bài thơ bất tử “Dáng đứng Việt Nam”. Ngưỡng mộ vì chính anh với những bài nói chuyện về âm nhạc thế giới trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghe dân làng nhạc nói anh làm “trùm sò” dạy hòa thanh và phức điệu. Rất ngưỡng mộ nhưng duyên chưa tới thì chưa có gì để chia sẻ được.
Mãi tới mùa thu năm 1990, khi ấy anh Ca Lê Thuần đã là Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, tôi mới có duyên gặp anh và trò chuyện. Đó là vì lúc này, tôi được anh Hồng Đăng đưa về làm “Tạp chí âm nhạc”. Anh Thuần tuy là Tổng Thư ký nhưng còn làm giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh nên mọi việc ở Hà Nội, anh đều giao cho anh Hồng Đăng - Phó Tổng Thư ký thường trực đảm đương. Chỉ khi nào anh ra họp Quốc hội thì anh với anh Hồng Đăng mới tranh thủ gặp nhau để bàn về công việc của Hội. Những lần ấy, anh Đăng thường đưa tôi đi cùng gặp. Anh Thuần là một nghệ sĩ bình dị, ít lời nhưng khi đã nói thì dường như đã nghĩ rất chín. Công việc xong, mấy anh em lại nhâm nhi vài ly. Tôi nhắc lại với anh kỷ niệm khi nghe tranh giao hưởng “Dáng đứng Việt Nam” anh viết từ cảm hứng bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” khi được tin Lê Anh Xuân hy sinh. Anh nói nhỏ nhẹ: “Mình viết bằng cả niềm thương tiếc em trai. Nhưng ngặt vì thể loại kén người nghe nên ít ai biết tới. May mà Nguyễn Chí Vũ phổ bài thơ thành ca khúc nên nhiều người biết đến hơn. Kha nghe mà thích tác phẩm của mình là mình thấy vui rồi”.
Sang năm 1991, anh Hồng Đăng quyết định cùng anh Thuần liên kết xuất bản “Tạp chí Âm nhạc” với nhóm nhà báo của anh Vũ Hạnh. Anh Vũ Hạnh là phóng viên văn hóa - văn nghệ báo Nhân Dân, xong do trùng tên với nhà văn Vũ Hạnh nên anh toàn tự gọi mình là Vũ Hạnh Hiên. Anh nói cả đời mình uống rượu ngoài vỉa hè dưới mái hiên nên gọi quách mình là Vũ Hạnh Hiên cho xong. Khi liên kết nhóm làm báo đề nghị đổi tên tạp chí là “Ca nhạc” cho dễ phát hành rộng rãi hơn. Anh Thuần và anh Hồng Đăng đồng ý rồi cử tôi vào Sài Gòn cùng nhóm làm báo của anh Vũ Hạnh làm tạp chí “Ca nhạc” này. Một năm ấy, tạp chí “Ca nhạc” ra được 12 số. Số 12 đã ấn hành đến một vạn bản. Trong năm đó, anh Thuần cũng tham gia viết bài cho tạp chí. Tôi nể nhất là bài anh viết so sánh phong cách sáng tạo âm nhạc của hai nhà soạn nhạc nổi tiếng sử dụng hệ thống “Dodecaphone” là A.Schoenberg và I.Stravilsky. Một so sánh sâu sắc. Sau này, khi viết cuốn “Nguyễn Thiên Đạo - nhạc sĩ bị giời đày”, tôi có đưa cả bảng so sánh này vào cuốn sách. Anh Đạo đọc xong và biết đấy là của anh Thuần thì rất nể anh Thuần. Thời gian ở Sài Gòn, lúc nào anh Thuần rảnh là anh lại gọi tôi đi lai rai. Vui thiệt là vui. Nhất là khi anh Hồng Đăng vào thì càng vui hơn. Khi tôi ra lại Hà Nội, thì lại như trước, gặp anh vào những dịp anh ra họp Quốc Hội.
Làm Tạp chí “Ca nhạc” được một năm thì anh Hồng Đăng và anh Thuần nghiêng theo ý kiến của số đông nhạc sĩ, đã lấy lại tên “Tạp chí Âm nhạc” và làm tại trụ sở Hội ở 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Cứ một quý ra một số. Lúc ấy, tôi bắt đầu được thử thách bằng việc làm một tờ tạp chí chuyên sâu về âm nhạc với sự cộng tác nhiệt tình của các nhạc sĩ Lê Yên, Tô Ngọc Thanh, Tô Vũ, chị Thụy Loan… Bộ tạp chí như vậy ra được 3 năm (từ 1992 - 1995). Anh Thuần đọc rất kỹ và có nhiều ý kiến đóng góp rất sâu sắc. Ngay cả đến nhiệm kỳ sau, tuy không còn làm Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ nữa, khi nào gặp anh, đều được nghe anh góp ý rất chân thành.
Trong nhiệm kỳ anh Ca Lê Thuần làm Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, bên cạnh việc xin kinh phí làm băng ca nhạc, in tệp nhạc cho nhiều nhạc sĩ thì có một cuộc tổng biểu diễn khá hoành tráng là cuộc biểu diễn 4 đêm liền tại Nhà hát Lớn Hà Nội mang tên “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” do hãng Coca Cola tài trợ, sau đó là “Liên hoan kèn Toàn quốc lần thứ nhất”. Cuộc trình diễn vấp phải nhiều ý kiến của các nhạc sĩ phía Nam. Do dư luận rất ồn ào nên Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương yêu cầu họp với giới nhạc sĩ để rút kinh nghiệm. Với tính cách thẳng thắn, anh Ca Lê Thuần đã không né tránh, đưa ra ý kiến của mình bên cạnh ý kiến ủng hộ của nhiều nhạc sĩ. Nhờ sự vững vàng của anh, sóng gió đã qua. Hội vẫn giữ vững đoàn kết qua những khoảnh khắc hiểu lầm. Tuy đảm đương khá nhiều trọng trách, Ca Lê Thuần vẫn dành thời gian cho việc sáng tác âm nhạc ở nhiều thể loại. Đấy là “Thành phố lên đường” (Hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng), “Người con gái đất đỏ” (Kịch múa), “Việt Nam tiếng hát trái tim ta” (Hợp xướng), “Ánh sáng và bóng tối” (Âm nhạc cho múa), “Âm thanh đồng bằng” (Tứ tấu đàn dây), Giao hưởng thơ cung Rê thứ, “Ngọc trai đỏ” (Tổ khúc giao hưởng, kịch múa), “Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga” (Kịch múa), Ballade Symphonique “Thành phố quê hương” (Dàn nhạc thính phòng), “Bài ca Việt Nam” (Hợp xướng)… “Ngọc trai đỏ” đã gây ấn tượng lớn khi trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Dịp 30.4.2010, nghe tin anh sẽ công diễn Opera “Người giữ cồn” tại Nhà hát Tây Đô (thành phố Cần Thơ), tôi nghĩ rất khó có khả năng vở Opera thứ năm của Việt Nam (sau “Cô sao” của Đỗ Nhuận, “Bên bờ Krôngpa” của Nhật Lai, “Người tạc tượng” của Đỗ Nhuận, “Thạch Sanh” của Đức Minh) được trình diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nên tôi đã vào tận Cần Thơ để thưởng thức tác phẩm của anh. Buổi trình diễn thật cảm động. Ngay từ khi hợp xướng nữ Vocalise rồi đến Aria vai ông già cất tiếng, cả nhà hát đã vỗ tay vang động: “Ôi đất cồn quê hương/ Bao đời ta yêu thương/ Thuở sinh ra đã lìa đất mẹ/ Sóng đuổi nhau bốn bề vắng vẻ/ Xa đất liền cây cỏ cũng đơn côi…”.
Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện tác phẩm của bậc thầy bằng sự nỗ lực thành kính. Các đoạn hát xen kẽ giữa các nhân vật và hợp xướng nối tiếp nhau trong diễn xuất càng lúc càng đem tới những ấn tượng đầy xúc động. Nhất là hợp xướng kết. Lúc ấy, tôi đã bắt đầu viết được mấy hợp xướng sau 20 năm tập trung làm lý luận, nghiên cứu âm nhạc theo lời dạy của “Cụ quốc ca”, nên tôi rất tập trung nghe hợp xướng của anh: “Ôi cầu Cần Thơ lớn cao dài rộng/ Trụ cầu thong dong đứng trên cồn/ Hai mố cầu bình minh và hoàng hôn/ Thu gọn sớm chiều nối liền sau trước/ Như sum họp bên cầu nối liền ba miền đất nước”.
Một tầm nhìn cao rộng thông qua giai điệu và lời ca khiến ta thấy ngỡ ngàng, ngạc nhiên bởi những phát hiện và đúc kết của tác giả chỉ từ cái cồn nhỏ bé giữa sông Hậu, đoạn cầu Cần Thơ đi qua. Âm nhạc tiếp nối bằng lĩnh xướng giọng nam trung trên nền hò dô của hợp xướng với giai điệu mô phỏng từ chủ đề: “Ôi cầu Cần Thơ lớn cao dài rộng/ Trụ cầu thong dong đứng trên cồn/ Nhắn những ai đi trên cây cầu này/ Hãy nhớ dưới chân cầu bao người con trung kiên đã ngã xuống”.
Hợp xướng ùa vào như khơi cháy cảm xúc trong lòng người nghe: “Nhắn những ai đi trên cây cầu này/ Hãy nhớ dưới chân cầu bao người con trung kiên đã ngã xuống/ Bạn và ta sẽ cùng qua cầu/ Bằng những đôi chân để nghe thấy niềm vui/ Ôi dáng cầu rạng rỡ/ Những trụ cầu nhờ đất đỡ đất nuôi/ Cầu vút qua sông như có cánh/ Bóng cầu trải mặt sông yên tĩnh/ Tha hồ sóng giỡn quanh năm/ Cầu Cần Thơ mang sức sống thanh xuân”.
Được chia sẻ và học hỏi với các bậc đàn anh, trong đó có anh là một hạnh ngộ của tôi. Thật vinh dự khi dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên 2014, trong chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh do Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, có hợp xướng “Điện Biên” của tôi được chọn tham gia chương trình do anh - vị chủ tịch đáng trân trọng của Liên hiệp - quyết định. Ngẫm ra từ ngày được làm việc dưới sự lãnh đạo của anh, đến khi có được một tác phẩm được biểu diễn chung trong chương trình có tác phẩm của anh, tôi đã phải mất 24 năm âm thầm tự tu nghiệp theo những gì anh từng nói với tôi.
Nhưng “Nghệ thuật dài lâu, đời người có hạn”. Không chỉ riêng tôi mà rất đông bạn bè anh, các học trò của anh đều muốn chia sẻ và học hỏi anh nhiều hơn nữa bởi vốn học vấn âm nhạc thâm hậu của anh, bởi đức tính dễ gần gũi của anh và nhân cách trung chính của anh. Sự ra đi khỏi cõi đời của anh trong một ngày cuối đông sắp sang xuân đã buốt vào lòng tôi một tiếc thương vô hạn. Viết lại những kỷ niệm về anh là để nguôi ngoai một chút trong lòng, cũng là để thắp một nén nhang tưởng biệt trước một người anh đáng kính.
(Nguồn: http://laodong.com.vn)