Những cây đàn quý hiếm trên thế giới hội ngộ tại Việt Nam

30/07/2019

Từ 3/8 đến 18/8, khán giả thủ đô sẽ có dịp thưởng thức thanh âm của hàng loạt những cây đàn quý hiếm tại Cuộc thi âm nhạc Quốc tế cho Violon và Hoà tấu thính phòng Việt Nam 2019.

Các cây đàn quý hiếm có giá trị hàng trăm ngàn đô đến hàng triệu đô được mang tới thủ đô Hà Nội lần này bởi chính các giám khảo, nghệ sĩ biểu diễn danh tiếng và những thí sinh dự thi.

Trên thế giới những cây đàn quý thường hay thuộc quyền sở hữu của Chính phủ, ngân hàng hay của các nhà sưu tập. Những nghệ sĩ thành danh, có uy tín lâu năm và đoạt giải thưởng cao nhất tại các cuộc thi lớn quốc tế thường hay được các tổ chức này cho mượn đàn để biểu diễn và điều này thường được ghi rõ trong các ấn phẩm quảng cáo về chương trình biểu diễn của nghệ sĩ. Chỉ một số ít các nghệ sĩ trên thế giới mới có may mắn sở hữu riêng những cây nhạc cụ quý hiếm này.

Các cây đàn cổ luôn được cái nhà sưu tầm săn tìm và được các nghệ sĩ lớn sử dụng. Tuy nhiên, người yêu nhạc Việt Nam sẽ có cơ hội thưởng thức âm thanh từ các cây đàn cổ của Guarnerius, Stradivarius, Guadanini, Gagliano, Storioni, Collin – Mezin... do các thành viên Ban giám khảo và thí sinh mang đến Cuộc thi âm nhạc Quốc tế cho Violon & Hoà tấu thính phòng tại Hà Nội vào tháng 8. Đây là điều khá đặc biệt vì ngay cả trên thế giới cũng không quá nhiều dịp các cây đàn được tập trung để biểu diễn cho mọi người thưởng thức như vậy.

Giám khảo Viktor Tretyakov.

Giám khảo Viktor Tretyakov – Chủ tịch hội đồng giám khảo bảng Violon - đang chơi cây đàn do Nicolo Gagliano chế tác năm 1772. Còn giám khảo Chen Xi - giảng viện Violon tại Nhạc viện Quốc Gia Trung Quốc đang chơi cây đàn Pietro Guarneri của Mantua được làm năm 1690. Nghệ sĩ Violon, giám khảo Kyung Sun Lee đã theo học cùng với Nam Yun Kim, Sylvia Rosenberg, Robert Mann và Dorothy Delay hiện đang biểu diễn trên cây đàn Joseph Guarneris, được làm từ năm 1723.

Giám khảo Vilmos Szabadi - người từng phát hành 59 sản phẩm âm nhạc với rất nhiều công ty thu âm trên toàn thế giới thường xuyên biểu diễn trên cây đàn do nghệ nhân Laurentius Storioni chế tác năm 1778. Nghệ sĩ Stephanie Chase thường biểu diễn với vai trò nghệ sĩ độc tấu violin kiêm chỉ huy dàn nhạc. Cây đàn violin của cô được làm vào năm 1742 bởi Petrus Guarnerius ở Venice và cây archet được thực hiện bởi Dominique Peccatte.

Giám khảo Vilmos Szabadi.

Lâu nay, violon là nhạc cụ phổ biến nhất trong bộ đàn dây và dàn nhạc giao hưởng. Cho dù bây giờ có nhiều nơi sản xuất đàn violon công nghiệp nhưng các nghệ sĩ chuyên nghiệp luôn chọn những cây đàn được làm thủ công, đặc biệt ở vùng Cremona. Đến nay, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu đặc tính của các cây đàn bằng các kỹ thuật hiện đại để tìm hiểu lý do tại sao những cây đàn có giá trị đến cả triệu đô lại phát ra những âm thanh tuyệt vời như vậy.

Guarneri là dòng họ làm đàn vùng Cremona trong thế kỷ 17 và 18. Những nghệ sĩ violin vĩ đại nhất trong lịch sử như N. Paganini, Y. Heifetz, Y. Menuhin hay thích dùng đàn của Guarneri hơn Stradivari. Người nổi tiếng nhất trong dòng họ là Giuseppe Guarneri với các cây đàn del Giesù. Những nghệ sĩ thế kỷ 20 chơi đàn của Guarneri có thể kể đến Y. Heifetz, L. Kogan, Kyung Wha Chung, Isaac Stern, Sarah Chang, Gidon Kremer.....

Antonio Stradivari khác với Guarneri là dòng họ thì Stradivari là một nghệ nhân làm đàn dây. Tuy ông chế tạo đa số là đàn violin nhưng ông cũng chế tạo một số lượng lớn đàn viola, cello và thậm chí là cả đàn guitar và harp. Chất lượng sản phẩm của Stradivari đạt lên cao nhất vào giai đoạn 1698 – 1725 mà đỉnh cao là năm 1715.

Một số nghệ sĩ nổi tiếng dùng đàn Stradivari có thể kể đến các cellist Yo-yo Ma, M. Rostropovich, Jacqueline Du Pré, các violinist I. Perlman, Gil Shaham, V. Mulova, A.S. Mutter, Joshua Bell, S. Accardo, V. Repin...... Tại Ý, hai trường phái Stradiavri và Guarneri luôn cạnh tranh nhau về chất lượng của các cây đàn. Giá trị của các cây đàn hiện nay lên đến hàng triệu đô. Âm thanh của cây đàn Stradivarius thường sáng, đẹp, đặc biệt ở âm vực cao và gần với giọng con người, còn đàn của Guarneri thường tạo ra âm thanh xé, chắc, khỏe và giàu sức công phá. Rất khó để biết được cây đàn nào hay hơn, nó phụ thuộc vào thẩm mỹ riêng của từng nghệ sĩ.

Nghệ sỹ Stephanie Chase.

Jean-Baptiste Vuillaume là nghệ nhân làm đàn của Pháp, ngoài ra ông còn là một thương gia và nhà phát minh với nhiều giải thưởng. Ông đã làm hơn 3000 các nhạc cụ khác nhau và ông nổi tiếng nhất trong việc làm lại các cây đàn nổi tiếng của Stradivari (đặc biệt là cây Messiah) và các cây del Gesu, đặc biệt là cây Il Canon của N. Paganini. Phiên bản copy này N. Paganini đã trao cho học trò duy nhất của mình là Sivori và hiện nay cây đàn này đang được nghệ sĩ violin xuất chúng Hilary Hahn sử dụng.

Nicolo Amati là cháu của Andrea Amati, người phát minh ra đàn violin. Ông là người duy nhất nhận người ngoài dòng họ về để truyền kỹ thuật làm đàn và chính Andrea Guarneri, người lập nên thương hiệu đàn Guarneri là học trò của ông. Hiện nay các cây đàn của Amati rất hiếm và thường chỉ được trưng bày tại một số bảo tàng nghệ thuật trên thế giới, nghệ sĩ Violon Emmanuel Borok hiện đang sở hữu một trong số cây Amati quý hiếm.

Giovanni Guadagnini là một trong những nhà làm đàn giỏi nhất trong lịch sử đàn dây. Ông được coi là đứng thứ 3 sau Guarneri và Stradivari. Các cây đàn ông làm ra được chia làm 4 giai đoạn và được đặt tên theo các thành phố nơi ông sống và sản xuất ra các cây đàn: Piacenza, Milan, Parma vàTurin.

Một số những nghệ sĩ dùng đàn của ông có violinist Zakhar Bron, Y. Heifetz, J. Joachim, Viktoria Mulova, Eugène Ysaÿe, H. Vieuxtemps,… các cellist Han-na Chang, Sol Gabetta.…. Gagliano là dòng họ làm đàn nổi tiếng xứ Napes. Người lập nên thương hiệu Alesandro vốn làm việc trong xưởng của Amati và Stradivari, sau khi trở về từ Cremona ông tạo ra trường phái làm đàn Neapolitan. Người con trai út Nicolo Gagliano là nghệ nhất nổi tiếng nhất trong dòng họ, đàn của ông thường được copy sao chép và nhiều cây đàn do ông làm ra bị nhầm với đàn của Stradivari.

Nghệ sĩ Violon, giám khảo Kyung Sun Lee

Lorenzo Storioni được coi là người làm đàn cổ cuối cùng vùng Cremona. Ông thuộc thế hệ sau của Stradivari và Guarneri và không có sự liên kết gì trong phong cách làm đàn. Ông có những cải tiến về vị trí của lỗ f trên đàn và hay sử dụng chất liệu khác để tạo nên các đặc tính riêng biệt.

Collin – Mezin là nhà làm đàn người Pháp, ông có một khoảng thời gian làm việc tại Brussels cùng Nicolas-François Vuillaume, em trai của Jean-Baptiste Vuillaume. Giống như những nghệ nhân khác của Pháp, ông sử dụng các kỹ thuật truyền thống của trường phái Ý như Stradivarius, Guarnerius hay Amati, tuy nhiên ông có phát triển riêng kỹ thuật đánh véc-ni cho đàn. Đàn của ông được nhiều violinist sử dụng như J. Joachim, Sivori hay Jules Armigaud, người coi đàn của Collin – Mezin có chất lượng và âm thanh tương đương của Stradivari.

(Nguồn: https://vietnamnet.vn/)

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.