Những bản “trường ca”: Mặc đồng phục hành khúc
“Trường ca” ở đây nhằm chỉ những ca khúc học đường phổ biến trong nhiều cơ sở giáo dục nước ta. Khác với “Địa phương ca” có phạm vi phản ánh rộng lớn, bao gồm cả thiên nhiên, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa… mỗi vùng đất, còn “Trường ca” hay “Trường học ca” này giới hạn khuôn khổ ở từng ngôi trường.
Tuy chúng có cơ sở, điều kiện để tạo nên bản sắc riêng biệt trong cách thức thể hiện, song ngược lại, hầu hết những ca khúc trên đều giống nhau bởi ý tưởng tụng ca, cổ động, hô vang những khẩu hiệu tuyên truyền và được chuyển tải bằng điệu nhạc “Hành khúc” (March), như: “Hành khúc trường tiểu học Kim Liên”; “Hành khúc học sinh Hồ Văn Huê”; “Hành khúc trường Nguyễn Thái Sơn”; “Hành khúc trường Nguyễn Trường Tộ”; “Hành khúc trường Lương Thế Vinh”; “Hành khúc trường chuyên Trà Vinh”; “Hành khúc trường Quang Trung”; “Hành khúc học sinh Nguyễn Thái Bình”; “Trường Nguyễn Du thân yêu”; “Hành khúc trường Thái Phiên”, “Hành khúc trường Ngô Quyền”; “Hành khúc trường THCS Phổ Cường”; “Hành khúc học sinh trường THCS Nguyễn Gia Thiều”; “Hành khúc học sinh trường Tân Bình”; “Hành khúc trường THCS Nguyễn Gia Thiều”...
Trên thực tế, Hành khúc chỉ là một trong nhiều thể điệu (style) phổ biến ở lĩnh vực sáng tác ca khúc, cũng giống như pop, R & B hay Disco, Cha cha cha… Ở nước ta, xuất phát từ hệ lụy lịch sử, Hành khúc mang một giá trị hay xứ mệnh đặc biệt. Người ta có thể gắn cho nó cái “mác” truyền thống! Mặt khác, theo cách phân loại trên nhiều trang Web, điển hình như NhacCuaTui.com, những bản “Trường ca” viết theo điệu (style) Hành khúc xếp vào loại “Ca khúc cách mạng”! Xét về nội dung lẫn hình thức, nghĩa đen cũng như nghĩa bóng, các bản “Trường ca” trên vừa không thuộc phạm trù nhạc truyền thống, vừa không phải thể tài nhạc Cách mạng. Chúng là những bản ca khúc học đường có chung âm hưởng hành khúc với lời ca thiên về tính chất cổ động, tô hồng, thổi phồng, thậm chí không phù hợp lứa tuổi ở nhiều trường hợp. Ví dụ ca khúc “Hành khúc học sinh Hồ Văn Huê” có đoạn lời ca viết như sau:
“Chúng ta là học sinh Hồ Văn Huê
Quyết chí hiên ngang đắp xây cuộc đời
Ngọn cờ trao tay cùng nhau phất cao
Noi gương người đi trước, tổ quốc ơi xin sẵn sàng…”
Học sinh trường tiểu học Hồ Văn Huê ở phường 9, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh thường có độ tuổi từ 6 tới 11 tương ứng với lớp 1 đến lớp 5. Các em ngoài tiếp thu các bài học giúp “hình thành những cơ sở ban đầu cho sự phát triển đúng đắn và lâu dài về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản” (theo Mục đích giáo dục Tiểu học) ra, còn được các cô bảo mẫu chăm lo cho từng bữa ăn, hướng dẫn vệ sinh cá nhân, vui chơi và nghỉ ngơi. Như vậy, với tinh thần “Quyết chí hiên ngang” để “đắp xây cuộc đời”, cộng thêm yêu cầu “Noi gương người đi trước, tổ quốc ơi xin sẵn sàng…” quả là những nguyện vọng to tát mà thầy cô giáo nhà trường ký thác lên các em. Món ăn tinh thần này có lẽ “bổ dưỡng” quá, nên “cơ địa” học sinh chưa đủ khả năng hấp thụ. Còn như “Hành khúc trường THPT Trần Hưng Đạo” thì có đoạn (lời ca) viết: “Tay trong tay ta cùng nhau tiến lên anh em ơi! Bao gian nan ta nào có sá chi. Ta thi đua quyết tâm giành chiến thắng. Quyết xứng danh học sinh ngôi trường Trần Hưng Đạo kiên cường” với không khí “Đồng khởi” ngút trời. Nhiều bài hát sản xuất bằng cách nhân bản vô tính những cụm từ sáo rỗng, nội dung mơ hồ, như: “Noi gương nòi giống Tiên - Rồng”, “Tự hào truyền thống bốn nghìn năm”…! Các em thật khó thể hiểu nổi “Tự hào truyền thống bốn nghìn năm” là tự hào về điều gì? “Noi gương nòi giống Tiên - Rồng” thì các em phải làm sao? Những ca khúc loại này có thể thông qua học sinh nhằm chuyển tải bức thông điệp đến Ban lãnh đạo, các sở ban ngành liên quan. Đây là một căn bệnh phổ biến, biểu hiện qua nhiều triệu chứng mà hậu quả để lại trên tình trạng sa sút về đạo đức, suy dinh dưỡng về thẩm mỹ nghệ thuật. Nhiều sản phẩm tạo ra nhằm mục đích tuyên truyền hay cung cấp cho nhà quản lý.
Ngoài ra, có thể hiểu những bản “Trường ca” mặc đồng phục “Hành khúc” dưới góc độ tái hiện không khí hào hùng, tinh thần cách mạng một thời. Chúng ta biết, ở mỗi lĩnh vực đều có truyền thống riêng, ở nước ta, dường như có một truyền thống chung cho mọi lĩnh vực. Nên nhạc “Hành khúc” ngẫu nhiên trở thành nhạc “Truyền thống”, nhạc “Cách mạng” vì thế!
Nhạc Hành khúc không phải sản phẩm độc quyền thuộc bất cứ môi trường nào. Trong quá trình phát triển, nhạc hành khúc được phổ biến ở môi trường quân đội, từ đó bước sang các tổ chức cơ sở, như Đoàn thanh niên, Đội thiếu niên… Những tổ chức này tiếp tục làm nhiệm vụ tuyên truyền, trở thành nơi phát đi tín hiệu, hướng dẫn, chỉ đạo hoạt động phong trào. Hai môi trường quân đội và giáo dục vốn dĩ khác nhau. Nếu phải so sánh một cách miễn cưỡng, khập khiễng, học tập là “cuộc chiến” thầm lặng, không có tiếng súng, không có kẻ thù và chủ yếu dựa vào bản thân (cá nhân). Nó khác với môi trường tập thể, nên cao tinh thần cảnh giác cao độ, khắc nghiệt trong quân đội. Người chiến sĩ phải giả thiết về sự hiện hữu của kẻ thù ngay trong điều kiện bình thường, còn cơ sở giáo dục là kinh đô của tinh thần tự do, sáng tạo, lấy “kẻ thù” là chính mình.
Xuất phát từ mục đích tuyên truyền thông qua công cụ âm nhạc, nhiều người làm giáo dục đã không vượt qua được “rào cản” của lĩnh vực thẩm mỹ, vô hình trung biến nhạc Hành khúc - một trong nhiều thể điệu - thành dòng chủ lưu, chính thức, thậm chí chính thống trong dòng ca khúc học đường. Từ đó, ca khúc mang âm hưởng hành khúc đóng “đại bản doanh” tại các “kinh đô” giáo dục, hễ cứ sáng tác về nhạc học đường, người viết liên hệ ngay đến Hành khúc. Âm hưởng Hành khúc ám vào người sáng tác như hình với bóng. Nhiều bản “Trường học ca” không thấy hình ảnh nhảy múa, chữ nghĩa bay bổng, thăng hoa, thay vào đó là tinh thần chiến đấu, khí thế hừng hực như Tổng khởi nghĩa, Giành chính quyền… Mỗi buổi sáng thứ hai sinh hoạt dưới cờ đầu tuần lại trở thành dịp cho những bản “trường ca” trên bước lên sân khấu với những câu khẩu hiệu ráp nhạc thành bài ca lan tỏa khắp sân trường. Cả thầy cô lẫn học trò đều bị hội chứng “vô thức tập thể” xâm lấn khiến cho dây thần kinh cảm giác bị “tê liệt”.
“Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt tư tưởng, tình cảm của con người”. Cách diễn đạt của âm nhạc không thông qua ngôn ngữ thông thường, mà được “mỹ hóa” theo chủ thể sáng tạo. Nói cách khác, người sáng tạo “khách thể hóa” ý tưởng của mình, đồng thời “chủ thể hóa” thông qua sản phẩm. Ca khúc xét đến cùng vẫn thuộc loại hình thẩm mỹ (âm nhạc) in đậm dấu ấn cá nhân.
Trong những sáng tác viết về môi trường học đường, nổi lên trên muôn vàn tên gọi và phạm vi tác động khác nhau, chúng đã mang một bản thể tương đồng. Tư duy của người sáng tác đều khuôn vào một cơ tầng chung, điều khiển bởi hệ ý thức thống nhất và phổ biến bằng con đường phi nghệ thuật. Bất kỳ hiện tượng nghệ thuật nào có khả năng kết nối được với lĩnh vực khác, chúng phải men theo con đường vòng quanh co, gấp khúc, trước tiên gia nhập hệ thống của mình (cơ sở giáo dục), tác động tới học sinh, sau đó hòa nhập mạng lưới văn hóa, xã hội. Khi ấy, đến lượt sản phẩm của nền giáo dục là các em học sinh sẽ tiếp tục tác động âm thầm đến việc hình thành cơ tầng thẩm mỹ văn hóa đại chúng. Và với những bản “Trường ca” mặc đồng phục hành khúc, học sinh đã bị “trúng thực” bởi “món ăn tinh thần” tưởng an toàn, nhưng dễ dàng ngộ độc thẩm mỹ.
Trong dòng ca khúc học đường nói chung không thiếu những tác phẩm giàu tính nhân văn, giá trị nghệ thuật, vấn đề nằm ở chỗ, tác phẩm hay thì không phổ biến, bài phổ biến lại không hay. Từ đó, môi trường học đường trở thành nơi lý tưởng để thể hiện ý nguyện của một số người. Họ cho các em mặc bộ đồng phục giống nhau trong các bản “Trường ca” gắn huy hiệu “Hành khúc”. Xét về mức độ phổ biến, hiện tượng này đã trở thành bản chất. Trên lộ trình tiến tới “thay đổi căn bản, toàn diện nền giáo dục” nước nhà, chúng ta còn phải làm rất nhiều việc, đặc biệt giải quyết di chứng của quá khứ và hiện tại để lại trước khi tiến xa tới tương lai xán lạn. Thời đại huy hoàng tràn ngập khí thế cách mạng của nước Nga còn phải đổi thay bằng việc tiếp nhận nhạc Hip Hop, Rap vào trong ca khúc quân đội nhằm lôi kéo thanh niên lên đường nhập ngũ. Thẩm mỹ là một trong những thuộc tính mang giá trị bản chất của nghệ thuật. Ở nước ta, nó đã bị biến thành chức năng và đặt sau cả hai giá trị Chân và Thiện. Hậu quả ấy đã để lại trên thẩm mỹ đại chúng bằng tình trạng suy dinh dưỡng về cái đẹp. Nghệ thuật trước hết và sau cùng vẫn là cái đẹp, tác động vào người nghe bằng khả năng cảm hóa, chứ không cưỡng chế, áp bức thô bạo. Giáo dục thẩm mỹ cần có phương thức khác biệt, không thể nhồi nhét, ép buộc… Các bản “Trường học ca” cho dù không phải công cụ giáo dục thẩm mỹ, thì xét ở mức độ, phạm vi tác động đã ảnh hưởng nhất định đến trình độ thẩm mỹ. Ca khúc trước khi gồng gánh trên vai nhiều chức năng, nhiệm vụ, ngay từ thuở sơ khai đã không tách rời thuộc tính thẩm mỹ. Không nên duy trì tư duy ngắn hạn, coi âm nhạc như một công cụ tuyên truyền theo quan niệm “Văn dĩ tải đạo” hay “Hình thái ý thức” biến tác phẩm âm nhạc thành cỗ “xe thồ” hay nơi “đăng ký lập trường”. Có những giai đoạn, vì mục đích ngắn hạn phải hy sinh cái đẹp, giá trị thẩm mỹ tự hạ mình để tồn tại trong nghịch cảnh, nhưng vào lúc thuận cảnh, nghệ thuật phải trở về với thuộc tính cố hữu, không chỉ đáp ứng nhu cầu tồn tại hay không, mà hướng tới giải quyết vấn đề tồn tại như thế nào? Cái đẹp tồn tại như một thực thể không hàm chứa mục đích vụ lợi, nhờ thuộc tính ấy mà nghệ thuật có khả năng vượt qua rào cản ngăn cách về không gian, văn hóa, nhân chủng… Ai cũng có quyền thụ hưởng, thưởng thức cái đẹp. Việc nhồi nhét nhiều mục tiêu, nhiệm vụ cao cả vào ca khúc học đường đã khiến cho chúng bị quá tải nội dung, nghèo nàn hình thức và sa sút về thẩm mỹ.