Như Hoa, Tiến Thành - hai giọng ca còn mãi của VOV

17/12/2014

Thấm thoát đã 30 năm, hình ảnh vụ tai nạn và đám tang NSƯT Như Hoa và NSƯT Tiến Thành vẫn còn trong ký ức của nhiều khán thính giả.

Đầu tháng 8/1969, theo hướng dẫn của đồng chí Ngô Hoàng Hương - Trưởng Phòng Tuyên Huấn Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc, chúng tôi đến thăm một số đơn vị bộ đội thông tin khu vực Hà Nội. Đoàn gồm có vợ chồng Như Hoa – Hoàng Điền, Hồ Tăng Ấn và tôi.

Đây là đợt đi thực tế để sáng tác, chuẩn bị cho ngày truyền thống của bộ đội Thông tin (9/9). Chúng tôi phân công nhau: Hoàng Điền viết Cải lương, Hồ Tăng Ấn viết Ca Huế, tôi viết Chèo. Như Hoa đề nghị tôi tìm một điệu hay mà chưa ai hát, hoặc ít người hát. Tôi chọn điệu “Nón thúng quai thao”, viết bài “Hoa Thông tin”. Từ đó, đi biểu diễn ở các đơn vị bộ đội Thông tin, Như Hoa coi đây là “bài tủ”. Sau này, tôi không ngờ rằng, hai chữ “Thông tin” lại là “định mệnh” cuối cùng của Như Hoa.


NSƯT Như Hoa

Nghệ sĩ ưu tú Như Hoa (họ Hoàng) sinh năm 1942 tại Bắc Ninh, trong một gia đình yêu nghệ thuật. Ngay từ nhỏ, Như Hoa đã thuộc nhiều làn điệu dân ca và chèo của quê hương. Lớn lên, chị tham gia đội chèo Đông Đào, sinh hoạt tại khu Đồng Xuân (Hà Nội). Năm 1955, đội chèo Đông Đào có quyết định trở thành nòng cốt của đội chèo Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó, tiếng hát của nghệ sĩ Như Hoa (cùng với Kim Đức, Minh Tâm…) bắt đầu gắn liền với tiếng hát chèo trên làn sóng phát thanh. Như Hoa trở thành một trong những giọng hát được yêu thích nhất.

Người nghe rất khó quên những buổi hướng dẫn học hát chèo, nhớ mãi câu “tình tình, tình chát…” mà chị dùng lời thay cho tiếng trống trong điệu Lới lơ – “Em đẹp em xinh”. Có thể nói, trong suốt những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX, giọng hát chèo của nghệ sĩ Như Hoa được đánh giá rất cao và được coi như mẫu mực của một giọng hát chèo hay. Bên cạnh thể hiện thành công các bài hát chèo trên làn sóng Đài TNVN, nghệ sĩ Như Hoa cũng trực tiếp tham gia biểu diễn phục vụ đồng bào và chiến sĩ.


Nghe hát chèo "Tiếng hát đưa nôi" - Thể hiện: Như Hoa và tốp ca Đài TNVN

Năm 1981, khi biết tôi vừa sáng tác xong ca khúc “Anh sẽ đưa em bay vào vũ trụ”, nhân chuyến bay thành công của anh hùng Phạm Tuân, Tiến Thành sang nhà tôi (cùng khu tập thể của Đài) tập hát. Sau đó, anh mời chị Bích Diệp cùng song ca. Hai giọng hát này đã “chắp cánh” cho ca khúc “thời sự” của tôi mau chóng đến với thính giả thân mến và còn biểu diễn trước khán giả Hà Nội.

Sinh năm 1950 tại Nam Định, Nghệ sỹ ưu tú Tiến Thành (họ Trần) cùng thời với các nghệ sỹ Lê Dung, Thu Hiền, Thanh Hoa, Ngọc Tân, Huy Hùng, Hữu Nội… Là ca sỹ của Đài TNVN, trong những năm đầu 1976 – 1978, Tiến Thành hầu như chỉ được đứng trong dàn đồng ca, hợp xướng. Phải từ năm 1979 – 1980, khán giả mới thấy Tiến Thành hát lĩnh xướng và song ca, rồi mới đến đơn ca. Đặc biệt, những năm đầu 80, bạn nhỏ cả nước không thể quên giọng nói và tiếng hát của thầy giáo Tiến Thành trong các chương trình dạy nhạc, dạy hát cho thiếu nhi trên làn sóng phát thanh quốc gia.


NSƯT Tiến Thành

Một giọng hát rất chỉn chu, chuẩn mực, có nền tảng thanh nhạc vững chắc, Tiến Thành có làn hơi khỏe, đầy đặn, âm vực rộng. Anh hát cũng hết sức kinh viện, nhưng cũng có thể thiết tha, nồng nàn, trải rộng cảm xúc đến độ mênh mang trong nhiều ca khúc quen thuộc. Anh có thể hát bằng cả giọng tenor (nam cao) rất khoáng đạt hoặc baritone (nam trung) rất đằm thắm, êm ái. Ở cả hai giọng, Tiến Thành đều mang đến cho người nghe cảm giác về một giọng hát hết sức vừa vặn với từng ca khúc. Tiến Thành còn hát nhiều điệu dân ca khá hay, trong đó có bài Quan họ “Thỏa nỗi nhớ mong” song ca cùng liền chị Thanh Hiếu.


Nghe bài hát "Nơi đảo xa" - Thể hiện: Tiến Thành

Sáng ngày 21/11/1984, Như Hoa, Tiến Thành cùng các bạn khác như Thúy Lan, Đỗ Xuân, Trang Nhung, Hồng Liên, Duy Thường… lên xe của bộ đội Thông tin đi Bắc Giang biểu diễn. Đêm hôm đó biểu diễn xong, xe về đến Yên Viên thì gặp tai nạn, nhiều người văng ra khỏi xe, Như Hoa bất tỉnh. Tiến Thành còn đưa được Như Hoa và các bạn bị thương đến bệnh viện. Cả Hà Nội rúng động trước tin chẳng lành này. Sáng hôm sau, đến bệnh viện Việt Đức, Tiến Thành còn dẫn chúng tôi đi thăm từng bạn diễn, đến buổi chiều thì hay tin Tiến Thành cũng đã bất tỉnh và mãi mãi anh không thể trở về với cuộc sống được nữa.

Sáng ngày 24/11, đám tang hai nghệ sĩ Như Hoa và Tiến Thành nặng trĩu nỗi buồn dưới khung trời Hà Nội. Cả phố Phủ Doãn và phố Tràng Thi rất đông người đưa tiễn hai nghệ sĩ mà họ yêu mến.

Bộ tư lệnh Thông tin Liên lạc đã tổ chức đám tang theo nghi thức của quân đội: Có xe rước di ảnh hai nghệ sĩ đi đầu, tiếp đến là xe chở các chiến sĩ tiêu binh nghiêm trang đưa tiễn. Đoàn xe đi rất chậm, đến trước cổng Đài TNVN thì dừng lại chào vĩnh biệt. Dọc hai bên phố Quán Sứ cũng đông nghịt người đưa tiễn.

Thấm thoát đã 30 năm, hình ảnh đám tang ấy vẫn còn trong mỗi chúng tôi – những người bạn, những đồng nghiệp của hai nghệ sĩ ưu tú Như Hoa và Tiến Thành. Hai giọng hát ấy vẫn sống mãi cùng thời gian và những người hâm mộ trên làn sóng phát thanh quốc gia cũng như trong đời sống âm nhạc của cả nước./.

(Nguồn: http://vov.vn)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...