Như anh, người nghệ sỹ - chiến sỹ ấy
Hà Nội thời mở cửa.
Có mấy ai trong dòng người tất bật, hối hả lại để mắt đến căn phòng nhỏ gần chợ Hàng Da, nơi có thời là quán rượu dân dã của một người già trước tuổi, hát hay và hay hát cho mọi người nghe, bất kể người nghe là ai, thuộc cung bậc xã hội nào. Ông hát say sưa, quên hết mọi thực tại gai góc, đắng cay, quên cả chính ông trong đời thường, chẳng hề vương vấn một sự đền bù nhỏ nhoi nào. Từ quán rượu bình dân ấy, nghệ sỹ ưu tú Trần Khánh đã về cõi vĩnh hằng…
Chúng ta, những người vẫn nghe ông hát, trân trọng tài năng của ông bao nhiêu thì lại càng thương cảm với quãng đời gần 3 thập niên cơ cực, oan nghiệt của ông bấy nhiêu. Lẽ nào người nghệ sỹ tài hoa, một đời tận tâm với sự nghiệp ấy đã ra đi mãi mãi khi tiếng hát từ con tim ông vẫn khát khao, vẫn ước mơ những “mùa xuân – bóng dáng tương lai”!
Tôi là người thợ lò - (Hoàng Vân) - Trần Khánh
Trần Hữu Khánh (họ tên đầy đủ của ông) sinh trưởng trong một gia đình trí thức trung lưu ở Hải Phòng. Thân phụ ông cùng bốn người con sớm giác ngộ cách mạng, tình nguyện tham gia công tác trong các tổ chức bí mật của Đảng. Năm 13 tuổi, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Khánh đã làm liên lạc cho một tổ chức cách mạng ở Hải Phòng. Bao phen cậu đã dũng cảm, lanh lợi, tháo vát vượt qua hệ thống cảnh sát, an ninh, mật vụ dày đặc của chính quyền thực dân, phát xít, phong kiến để mang tài liệu bí mật, sách báo, truyền đơn đến cho các cơ sở Đảng, cơ sở cách mạng. Ít lâu sau Khánh thoát ly gia đình, chuyển về hoạt động ở đệ tứ chiến khu Trần Hưng Đạo (chiến khu Đông Triều). Ngày nay sử liệu của Đảng bộ thành phố Hải phòng còn ghi lại những chiến công huyền thoại của đội danh dự tiễu trừ Việt gian. Năm 1945, Trần Khánh cùng nhạc sỹ Văn Cao, người lãnh đạo đội, nhận nhiệm vụ thi hành bản án tử hình đối với tên Việt gian Đỗ Đức Phin, một tên tay sai của phát xít Nhật và khét tiếng gian ác ở Hải Phòng.
Người chiến sĩ ấy - (Hoàng Vân) - Trần Khánh
Sự gặp gỡ, gần gũi với nhạc sỹ Văn Cao chẳng những làm cho ý thức và lập trường cách mạng của Khánh càng thêm vững vàng mà còn khơi dậy tài năng âm nhạc tiềm ẩn trong cậu bé đất Cảng. Chính Văn Cao đã dạy cho Khánh những bài học âm nhạc cơ bản đầu tiên, tổ chức cho Khánh tham gia những buổi biểu diễn trong phong trào Hướng đạo sinh, phong trào truyền bá quốc ngữ hay quyên tiền giúp đồng bào bị đói. Vậy là ngay từ thuở thiếu thời, ở nơi ông đã sớm hội tụ hai con người : người chiến sỹ và người nghệ sỹ.
Mùa thu năm 1945, Khánh cùng đồng đội trong đó có thiếu tướng Bắc Việt, Cục trưởng Cục Dân quân nhà trường tham gia cướp chính quyền ở thành phố Cảng quê hương. Khi chưa đầy 15 tuổi, người chiến sỹ Việt Minh nhỏ tuổi ấy lại tình nguyện lên đường chiến đấu trong đoàn quân Nam tiến. Có nhiều kỷ niệm không quên đối với Khánh trong những ngày ở chiến trường Liên khu 5. Trong trận đánh ở vùng đèo Cả, quân ta bị bao vây. Những chiến sỹ vệ quốc quân trong đó có “vệ út” Trần Hữu Khánh phải nhịn đói cả tuần lễ, uống nước suối cầm hơi nhưng vẫn quyết phá vòng vây quân thù để rút về Tuy Hòa. Khi lên tới gần đỉnh đèo, mọi người đều lả đi vì đói. Lương thực đã cạn, chỉ còn duy nhất 1 nắm cơm. Trung tướng Nguyễn Bình cầm khẩu phần ăn ấy đưa cho người chiến sỹ nhỏ tuổi nhất. Khánh từ chối, không dám nhận. Vị tướng ra lệnh :
-Ăn đi mới có sức hát cho bộ đội nghe!
Khánh đành tuân lệnh, cầm nắm cơm. Ăn xong, cậu bé được Trung tướng Nguyễn Bình bế lên mỏm đất cao, đứng giữa đoàn quân cất cao tiếng hát :
“Đoàn vệ quốc quân một lòng ra đi
Nào có xá chi đâu ngày trở về
Ra đi, ra đi bảo tồn sông núi
Ra đi, ra đi thà chết chớ lui …”
Tiếng hát của Khánh như phép tiên mầu nhiệm, tiếp thêm sức mạnh cho hàng trăm con người và họ lại vững bước hành quân. Những chiến sỹ vệ quốc áo xám năm ấy dẫu mới chỉ được nghe Khánh hát một lần, họ đều dành cho anh cái tên dễ thương “chim sơn ca”.
Đánh giặc ở chiến trường Liên khu 5 ít lâu, Khánh được điều ra Bắc hoạt động bí mật ngay trong lòng Hà Nội bị địch tạm chiếm. Có một lần Khánh bị địch bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò. Những người bị giam chung với Khánh dạo ấy vẫn còn nhớ cái hôm họ xiết chặt tay đứng bên nhau vòng trong vòng ngoài, hứng chịu trận mưa dùi cui, roi vọt của bọn cảnh sát, cai ngục dội xuống đầu, xuống người họ, máu chảy ướt manh áo tù, để bảo vệ cho Khánh kiêu hãnh hát vang bài ca bất tử :
“Vùng lên, hỡi các nô lệ ở thế gian,
Vùng lên, hỡi ai cực khổ bần hàn …”
Không khai thác được gì, địch buộc phải thả Khánh. Ra khỏi nhà tù, người chiến sỹ quân báo mang mật danh ĐKZG nhỏ tuổi ấy lại tiếp tục hoạt động cho đến ngày quân ta về tiếp quản Thủ đô.
Hồi tưởng - (Hoàng Vân) - Trần Khánh - Hợp xướng Đài TNVN - Đội Sơn Ca Đài TNVN
Nhận xét về người chiến sỹ “nhí” một thời công tác dưới sự chỉ đạo của mình, nhà lão thành cách mạng Nguyễn Hải Thanh, nguyên bí thư Đệ tứ chiến khu Đông Triều, vị chỉ huy đại đội Ký con năm xưa, nguyên ủy viên đoàn thẩm phán, chánh án hình sự Tòa án Nhân dân Tối cao khẳng định rằng Trần Khánh là một trong nhiều chiến sỹ dũng cảm, kiên cường trước kẻ thù, tuyệt đối trung thành với Đảng và Tổ quốc. Dẫu sau đó có thời bị bắt oan, bị đối xử chưa phãi nhẽ, bao năm ròng vật lộn với muôn vàn khó khăn trong đời thường thời bao cấp, người nghệ sỹ – chiến sỹ Trần Khánh vẫn một lòng tận tụy với sự nghiệp của dân tộc, không một lời oán trách. Sức chịu đựng của con người ấy thật vô hạn.
Ca ngợi Tổ quốc - (Hồ Bắc) - Trần Khánh - Hợp xướng Đài TNVN
Gần 30 năm ròng rã, nghệ sỹ ưu tú Trần Khánh hát trên sóng phát thanh, truyền hình, trên sân khấu âm nhạc ở khắp mọi miền đất nước. Có thời tiếng hát Trần Khánh và các bạn đồng nghiệp của ông được xem là vũ khí đấu tranh trực diện với địch trên làn sóng, là tiếng nói tâm tình nồng nàn, thắm thiết gửi anh em đồng chí, đồng bào Miền Nam ruột thịt, là hiệu kèn thôi thúc các chiến sỹ quân giải phóng xông lên trong cuộc chiến một mất, một còn. Ở thời điểm lịch sử nào, ở sự kiện trọng đại nào cũng có tiếng hát Trần Khánh. Ông như người lính xung kích trên mặt trận âm nhạc cách mạng, phục vụ đắc lực những nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.
Suốt ngày này qua ngày khác, năm nọ qua năm kia Trần Khánh lao động nghệ thuật say sưa, cần mẫn, không biết mệt mỏi. Ông chau chuốt từng âm thanh, từng ca từ, tạo ra cách hát tròn vành rõ chữ, ấm áp, sâu lắng và không thể lẫn với bất cứ giọng hát nào; một phong cách hát rất “Trần Khánh”, giầu sức truyền cảm lạ thường. Ông Cao Xuân Điệp, một người cầm máy quay các chương trình văn nghệ truyền hình suốt 27 năm qua kể lại rằng : tiếng hát Trần Khánh quyến rũ tới mức làm ông gai cả người. Còn nhạc sỹ Hoàng Vân thì cho rằng dẫu ở nơi nào, trong phòng thu hay trên sân khấu, Trần Khánh đều hát say sưa đến độ xuất thần.
Hà Nội niềm tin và hy vọng - (Phan Nhân) - Trần Khánh
Có lần anh chị em ca sỹ Đất Mỏ hỏi Khánh về cách luyện thanh và kỹ thuật biểu diễn. Khánh trả lời họ rằng kỹ thuật thanh nhạc là cần nhưng chưa phải là tất cả. Lúc biểu diễn không thể chỉ hát bằng cái miệng, cái mũi mà phải hát bằng chính trái tim mình, cuộc đời mình, và cao hơn nữa là bằng cả cuộc đời dân tộc mình. Tiếng hát Trần Khánh chính là tiếng hát mang cuộc đời của cả một dân tộc “đã rũ bùn, đứng dậy chói lòa” .
Một nghệ sỹ có giọng hát tuyệt vời như vậy mà gia sản của ông trước lúc qua đời chỉ vỏn vẹn dăm bộ quần áo cũ kỹ và quán rượu dân dã xoàng xĩnh, còn chiếc đàn ghi ta thì vốn lại là của ca sỹ Trần Thụ. Song, kho băng âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt nam thì còn lưu lại hàng trăm bài do Trần Khánh hát, được thu thanh suốt mấy chục năm trời, trong đó có những bài do chính ông sáng tác. Chắc hẳn những người làm công tác địa chất hôm nay vẫn còn nhớ bài “Tiếng sáo anh địa chất” của Trần Khánh mang âm điệu trữ tình, êm đềm, mượt mà và sâu lắng. Trong những năm làm hợp đồng ở Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trần Khánh không chỉ là ca sỹ xuất chúng, được anh chị em đồng nghiệp và quần chúng yêu mến, mà ông còn là tác giả một số bài hát ca ngợi Bác – Đảng, ca ngợi Tổ quốc, phục vụ công tác binh vận, phục vụ các ngành địa chất, lâm nghiệp, thương nghiệp. Trong những năm tháng ấy Trần Khánh đã dìu dắt một lớp ca sỹ đàn em kế cận. Trong số những học trò của ông có những người đã vươn tới những thành công đáng kể, nổi bật hơn cả là ca sỹ Ngọc Tân. Người nghe trên mọi miền đất nước yêu mến giọng hát giầu sức truyền cảm, đầy ma lực của Tân. Phải chăng Tân đã tiếp thụ được cách hát biểu cảm của người thầy quá cố của anh ?
Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam - (Chu Minh) - Trần Khánh
Có lẽ khi thai nghén tác phẩm, phần lớn các tác giả, trừ nhạc sỹ Phan Nhân, đều không có ý định viết riêng cho Trần Khánh. Song, với giọng ca vàng bất tử độc nhất vô nhị ấy thì “Tôi là người thợ lò”, “Người chiến sỹ ấy”, “Hồi tưởng”, “Ca ngợi tổ quốc”, “Hà Nội – niềm tin và hy vọng”, “Tiếng đàn xe nước”, “Tình ca”, “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam!” … của ông đã trở thành những đỉnh cao nghệ thuật chưa hề bị chinh phục!
Đã bao năm rồi người Đất Mỏ vẫn nghe ông hát “Tôi là người thợ lò” và họ như tìm thấy trong tiếng hát ấy mảnh tâm tư rất riêng của mình. Đất Mỏ vốn có duyên nợ với Trần Khánh ngay từ thuở người chiến sỹ Việt Minh nhỏ tuổi đến với anh em công nhân mỏ. Rồi họ lại nặng tình nặng nghĩa với ông khi ông lâm vào hoàn cảnh cơ hàn. Biết ông phải thôi việc giữa thời “gạo châu, củi quế”, những người anh em đất mỏ lại dang tay đón ông, nguyện nuôi ông tới trọn đời. Và rồi người nghệ sỹ – chiến sỹ tài hoa đã qua đời cũng chính vì tình sâu, nghĩa nặng ấy : ông đã mất trong một tai nạn giao thông trên đường về Đất Mỏ vào ngày 15 tháng 6 (âm lịch) năm 1981.
Nhớ đàn xe nước - (Vân Đông) - Trần Khánh
Đã bao năm Trần Khánh đi xa nhưng người Đất Mỏ vẫn nghe ông hát mà không khỏi xót xa, chạnh lòng nghĩ đến số phận đắng cay, nghiệt ngã của một đời người với Tài – Mệnh tương đồ. Có lẽ chính những gian khổ, đắng cay và ước mơ hy vọng ở nơi ông đã làm nên tiếng hát “Tôi là người thợ lò”, “Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam”… chúng như lời tự sự ẩn chứa những suy tư sâu lắng, đa dạng; một phong cách hát “rất Trần Khánh”, tuyệt mỹ, hoàn hảo, vừa mang niềm vinh quang kiêu hãnh, vừa mang cả nước mắt và nỗi niềm day dứt, xót xa.
Trần Khánh ơi, mỗi lần nghe ông hát, tự soi mình trong tiếng hát thanh tao, sâu nặng tình đời của ông, chúng tôi không khỏi thấy mình còn quá nhỏ bé, cứ đắm đuối mãi với bát cơm, manh áo, với muôn ngàn đòi hỏi đời thường, mà chưa có được tâm hồn và nghị lực lao động nghệ thuật sáng tạo như ông. Chúng tôi nhớ lắm một Trần Khánh, người nghệ sỹ – chiến sỹ có giọng hát huyền thoại sống mãi với thời gian.
Hà Nội, tháng 5 năm 1997
(Nguồn: http://baicadicungnamthang.net)