Nhóm Oplus: “Người trẻ có trách nhiệm bảo tồn nhạc xưa”
Album Như mưa ngày nào chỉ in hạn chế 500 bản
Từ việc tận dụng bài để đi diễn, Oplus (Á quân X-factor 2014) bỗng trở nên yêu nhạc xưa và cả bolero lúc nào không hay. Trưởng nhóm Nguyễn Quang Minh thậm chí còn khóc khi nghe lại các bản thu của nhóm trong album Như mưa ngày nào vừa phát hành. Anh tâm sự: nhạc xưa cho mình cảm giác thực sự là nghệ sĩ khi hát.
Làm mới nhạc xưa
Tất nhiên trước khi Oplus hát nhạc xưa, rất nhiều ca sĩ khác đã hát và đã thấy nó hay rồi. Trong tình cảnh bão hòa đó, Oplus làm khác đi bằng cách phối hai bài làm một. Đĩa gồm 6 liên khúc, mỗi liên khúc 2 bài. Trong đó có những bài khác phong cách khác dòng nhạc như Tình bơ vơ (Lam Phương)- Nối lại tình xưa (Ngân Giang- Vinh Sử) hay Một mình của Thanh Tùng với Một mình của Lam Phương, không thể thiếu nhạc Trịnh với cặp đôi Hạ trắng- Một cõi đi về…
Nguyễn Đức Tùng chia sẻ: “Khi thu âm hầu như cả 4 đều không nghe lại những bản thu của các anh chị. Giọng ai thế nào cứ thể hiện như vậy, không bắt chước ai cả. Không biết những người yêu nhạc xưa quen với cách hát cũ có chấp nhận tụi tôi không…” Kỳ thực từ album thứ ba này, Oplus hát đã khác xưa. Chẳng hạn trước đây họ tự phân bè với nhau còn từ nay, bè do nhạc sĩ Lê Thanh Tâm viết. Mọi ý tưởng về phối khí Oplus cũng tin tưởnh giao cho Tâm hết. Tâm nay là giám đốc âm nhạc của nhóm, coi như thành viên thứ năm.
Tân giám đốc âm nhạc Oplus phát biểu: “Xuất điểm album là sản phẩm để đáp ứng nhu cầu đi biểu diễn hải ngoại. Nhưng sau khi làm việc với nhóm, Tâm quyết định thay đổi ý tưởng. Tâm không muốn làm xong dự án rồi bye-bye, không muốn làm sản phẩm đáp ứng thời vụ rồi trôi vào quên lãng. Mà phải làm cho xứng đáng. Tất cả mọi thứ chỉn chu nhất có thể”. Theo Thanh Tâm, âm nhạc ngày xưa đã “rất tiến bộ” rồi, việc của người phối chỉ là áp dụng những công nghệ và kỹ năng mình tích lũy được trong thời điểm này mà thôi.
Trưởng nhóm Quang Minh cho hay hai năm trở lại đây, từ khi hát nhạc xưa, Oplus nhiều “sô” hơn. “Một số ý kiến cho rằng thế hệ hôm nay không nên ăn mày dĩ vãng - lấy nhạc xưa làm mới để phục vụ công tác mưu sinh. Tôi không nghĩ như vậy” - Minh nói. “Khi nhìn nghệ sĩ hãy nhìn vào cả chặng đường mà nhạc xưa chỉ là một dấu mốc. Cả bốn bọn tôi khi hát nhạc xưa, không hiểu vì sao thấy rất thăng hoa - phải dùng từ đấy! Và tôi cảm thấy tôi là một nghệ sĩ. Xưa giờ, bọn tôi đi hát vẫn có nhiều lý trí. Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình có thể thả mình vào trong một ca khúc nhiều như khi hát nhạc xưa. Không phải tự nhiên mà nhạc xưa hay nhạc đỏ có sức sống mãnh liệt như vậy. Vì nó là tiếng nói, là văn hóa của người Việt Nam. Và tôi nghĩ không có lý do gì chúng ta ngừng sáng tạo trên những ca khúc như vậy”.
Điều thú vị là trước đây, Minh không nghe và cũng không thích nhạc xưa. Và anh tự thấy ngạc nhiên khi có những ca khúc sáng tác ở miền Nam vào lúc anh chưa sinh ra vẫn làm anh cảm thấy trong đó có một phần con người mình. “Nghe xong bản thu thử, tôi có thể chảy nước mắt ngon lành được” - Minh chia sẻ - “Nhạc xưa từ giai điệu tới lời ca rất hay, rất Việt Nam. Giống như tinh thần của nhạc xưa có sẵn trong tôi từ lâu mà giờ tôi mới biết”.
Phạm Tùng Linh thậm chí còn khẳng định: “Người trẻ có trách nhiệm bảo tồn những nét đẹp như nhạc xưa. Những ca khúc này đến khi làm album tôi mới bắt đầu nghe. Cách thể hiện của người đi trước có cái rất hay, có cái không đúng tư duy mình. Mình muốn làm khác đi cho đúng với mình, dù chưa chắc đã hay hơn. Nhưng qua đó nhạc xưa sẽ trở nên gần với thế hệ mình và trẻ hơn mình sau này. Để nhạc xưa có thể trường tồn lâu hơn”. Oplus khẳng định: làm mới nhạc xưa khó hơn làm nhạc mới. Nhưng đồng thời với họ, nhạc xưa đã thành nền tảng quan trọng để khám phá, làm phong phú bản thân để tiếp tục làm những sản phẩm mới tinh tế, chất lượng hơn.
Phát triển bản thân
Lê Thanh Tâm có tham vọng biến Oplus trở thành nhóm nhạc mô hình Beatles - tức là tự chơi nhạc cụ trên sân khấu luôn chứ không chỉ là boyband “thời trang”. “Thành công không phải cuối cùng họ có làm được điều đó hay không mà là không bao giờ bỏ cuộc. Nếu chưa chơi được, họ sẽ tập nhạc đến 80 tuổi” - Tâm nói. Nguyễn Đức Tùng không chỉ viết nhạc cho Oplus mà còn bán được cho ca sĩ khác. Nhưng Tâm còn muốn Oplus hát nhạc của cả 3 thành viên còn lại. Anh tin vào tương lai hoạt động lâu dài 10-20 năm của Oplus, không như các nhóm nhạc “sớm nở tối tàn” khác. “Muốn như thế, Oplus phải coi nhau như người trong gia đình, và nhớ tính cả Tâm vào nữa” - anh nói với ban nhạc.
Oplus đến với nhau bằng tình bạn và niềm đam mê chung. “Không nhiều người tin bọn tôi sẽ đi đường dài. Nhưng bọn tôi ở bên nhau đã 10 năm, đó là điều không đơn giản. Thời gian trong ngày đến 60-70% dành cho nhau. Nhiều nhóm nhạc phân chia tài chính theo trách nhiệm của mỗi thành viên, nhưng chúng tôi bao giờ cũng chia đều, kể cả thất thoát. Chính vì thế ai cũng có trách nhiệm như nhau, không ai có vị trí hơn ai. Như tôi nói nhiều nhất nhưng chưa nhận nhiều tiền hơn” - Minh cười.
Họ quen nhau từ khi còn là sinh viên. Đã có thời gian ban ngày họ đều phải đi làm những công việc bản thân không hứng thú, chỉ chờ tối về để tập hát với nhau. Nhóm hay có kiểu tắt đèn tối om khi tập để cảm nhận sự hòa quyện trong giọng hát của nhau. “Sau này có cơ hội bước ra ánh sáng, bọn tôi chưa bao giờ thôi cảm ơn cuộc đời đã cho nhóm cơ hội kiếm tiền, sống được bằng chính đam mê của mình” - trưởng nhóm nói - “Chúng tôi hiểu mình ở vị trí nào. Thậm chí bọn tôi có thể khẳng định ở thời điểm hiện tại, ở một số khía cạnh, Oplus là nhóm nhạc hàng đầu của Việt Nam”.
Nhóm cũng cho hay từ khi làm việc với Thanh Tâm, họ được mở mang học hỏi nhiều và được làm việc với cả những chuyên gia đẳng cấp quốc tế thông qua mạng lưới quan hệ của Tâm. “Có có công cụ trong tay cộng những gì mình đã làm được, cộng hoài bão của mình, mình sẽ có thể làm được điều rất lớn không phải chỉ cho bản thân mà còn cho cả âm nhạc” - Minh nói - “Từ khi được tiếp xúc với âm nhạc đến giờ, ngày nào chúng tôi cũng cảm thấy háo hức. Chúng tôi hoạt động với tâm thế cống hiến chứ chưa bao giờ sử dụng âm nhạc như công cụ kiếm sống qua ngày”.
Nhóm Oplus và gia đình nhạc sĩ Lê Thanh Tâm
(Nguồn: Tiền Phong, Ảnh: NVCC)