Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương

01/02/2016

Ông có một ân nghĩa đặc biệt với gia đình tôi.

Mẹ tôi đã viết trong hồi ký: "Mấy năm tiếp theo là thời gian khó khăn nhất của đời tôi: suýt chết trong một trận địch càn. Về trường Huỳnh Thúc Kháng rồi gặp nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, sinh ra cháu Hoài ở Hà Tĩnh trong sự bao bọc của bà con bạn bè. Cho đến một chiều được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương vào tận làng quê heo hút tìm đưa tôi về Đoàn Văn công Trung ương. Thế là tôi vội gửi Hoài cho bà ngoại và người mợ để ba lô lên đường với hai bộ quần áo vải, dép cao su, nón cũ...".

Mùa xuân, nhớ về mẹ và nhớ về những văn nghệ sĩ đồng nghiệp của mẹ, những ân nhân của gia đình...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương bắt đầu cuộc đời âm nhạc từ những năm tháng tuổi đời còn rất trẻ. Năm 1936, khi còn là một học trò nghèo trường Quốc học Huế, một đêm trăng hạ nằm thuyền trôi trên sông Hương, nghe ơi hời câu hò của những con đò dọc thả từ Kim Luông về Ngã Ba Sình, ông đã cất lên tiếng hát đầu tiên của đời làm nhạc:

Trên sông Hương
Bên nước mơ chan chứa bao tình…

Ngay từ bài hát đầu tiên Trên sông Hương đã được nhiều bạn trẻ Huế ưa thích, được truyền ra Hà nội, và rồi một nhà xuất bản ở Hà nội viết thư vào xin tác giả cho in.

Cái vốn âm nhạc buổi đầu để ông có thể viết nên bài ca này bắt đầu từ cây đàn nguyệt. Cha ông là một người Huế rất yêu văn nghệ, đã đã gởi con trai lên 9 tuổi theo học đàn nguyệt ở một nữ nghệ nhân miền Đông Hội. Những điệu ca nam ai, nam bình in vào lòng Nguyễn Văn Thương từ thuở ấy, và cây đàn nguyệt trở thành người bạn thủy chung suốt thời thơ ấu. Rồi một lần cậu bắt gặp cây đàn mandoline nảy tý tách trên tay một người giáo học với những bản tân nhạc hấp dẫn, cậu mê lắm, về nhà tìm mua dây sắt, hì hục lắp vô cây đàn “đoản” bằng được. Nhưng bất thành. Thương con, người cha lại mua cho một cây đàn mandoline để tập. Cùng với cây đàn Tây này là những bản nhạc mới ùa vào lòng chú bé, nhất là bài Tôi có hai mối tình, một bài ca đẹp của Pháp. Có một ngày chú ôm cây đàn mandoline lại thăm cô giáo đã dạy mình đàn nguyệt năm xưa, và cô đánh đàn nguyệt, trò chơi mandoline hòa tấu những bản nhạc rất ăn ý và điệu nghệ! Tuổi thơ say mê âm nhạc của Nguyễn Văn Thương là vậy.Vốn âm nhạc đầu tiên của Nguyễn Văn Thương là vậy. Sau này từ cây đàn mandoline, ông tiến tới học guitare, piano…

Đến tuổi thành niên, tưởng rằng cậu trò Huế giàu mơ mộng và sẵn lòng yêu âm nhạc sẽ gửi đời mình cho nghệ thuật, nhưng vì cuộc sống, cậu thi vào ngành bưu điện để nối nghiệp cha.

Học bưu điện nhưng tâm hồn vẫn dành cho âm nhạc. Một đêm giao thừa, lạnh lùng bơ vơ giữa Hà nội, chàng trai Huế đã viết nên bài ca Đêm đông ngay lập tức được đông đảo công chúng yêu thích. Sau đó vào Sài gòn lãnh việc, ngoài giờ đến sở, Nguyễn Văn Thương lại cùng Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng say sưa trong một nhóm nhạc tài tử. Bài Bướm hoa của Nguyễn Văn Thương được một nữ ca sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ hát thâu đài, Lưu Hữu Phước đệm mandoline và chính Nguyễn Văn Thương đệm guitare. Những ngày đầu hoạt động âm nhạc của Nguyễn Văn Thương cũng chính là giai đoạn “ âm nhạc cải cách “, và ít nhiều ông cũng là một nhạc sĩ nghiệp dư có tên tuổi và có những đóng góp.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Nguyễn Văn Thương tham gia Hội văn hóa cứu quốc Trung bộ, là ủy viên thường vụ Hội phụ trách âm nhạc.Nhưng hoạt động âm nhạc với ông lúc ấy vẫn chỉ là nặng “phần hồn”, chứ chưa phải cả “phần xác”. Bởi lẽ trọng trách chính của ông giai đoạn này là công tác bưu điện do Đảng giao. Kháng chiến lần thứ nhất, ông là quyền giám đốc bưu điện khu IV (cũ). Đây cũng là những ngày Bình Trị thiên hết sức gian khổ và ác liệt. Những tên làng tên xóm như Hải lăng, Chí Long, Cự nẫm gắn liền với những tội ác tày trời của giặc:

Nhà cháy cây héo khô
Đồng nương nồng hơi súng
Xa tắp còn đâu bóng lúa xanh…

Một đêm giữa quê hương lửa máu, xúc động không ngăn với quê hươnhg đau thương và anh dũng, Nguyễn Văn Thương đã viết Bình Trị Thiên khói lửa. Ông viết liền một mạch trong đêm,và sáng hôm sau tập gấp cho hai nhân viên điện thoại, ba anh kế toán trong cơ quan bưu điện, để đến tối biểu diễn ở lửa trại. Bài hát lập tức như ngọn lửa bừng cháy trong lòng mọi người. Ông Hải Triều có mặt trong đêm ấy, đã chạy lên ôm chầm lấy Nguyễn Văn thương vì quá xúc động. Chính ông Hải Triều đã gịuc Nguyễn Văn Thương chép gấp bài hát đó để đích thân ông gửi ra Trung ương. Bài hát nhanh chóng lan truyền khắp toàn quốc kháng chiến. Ca sĩ Quốc Hương cũng thường trình diễn bài hát này trên những nẻo đường kháng chiến, được bà con phương Nam yêu mến.

Trong một lần đi công tác bị giặc bố, Nguyễn Văn Thương bị bắt. Chúng vui mừng in ngay lên báo với hàng chữ lớn: “Trong một cuộc tảo thanh ở Huế, quân đội liên hiệp Pháp đã bắt được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương…”. Chúng dụ dỗ ông về làm cơ quan thông tin hoặc làm giám đốc bưu điện Huế. Nhưng ông nhất mực từ chối.Tra tấn, dụ dỗ chán, cuối cùng chúng buộc phải thả ông. Nhìn con trở về đầu trần, chân đất, người nhức nhối vì đòn roi quân thù, người mẹ Huế bàng hoàng, câu đầu mạ hỏi lại như một lời động viên cháy lòng: “Bao chừ con lại đi?”.

Ông tìm đường lên chiến khu. Từ đây ông sang hẳn với nghệ thuật, làm đoàn trưởng Đoàn Nghệ thuật khu 4 lúc ấy. Và từ đây, tắm mình trong cuộc kháng chiến, những sáng tác văn học và nghệ thuật mang tên ông ngày càng thêm phong phú, đa dạng, có tác động lớn lao trong cả nước.

 

 

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...