Nhớ GS. Trần Văn Khê
GS.Trần Văn Khê chia tay chúng ta đi về cõi vĩnh hằng đã hai năm. Nhân sinh nhật lần thứ 96 của Giáo sư (24/7/1921 - 24/7/2017) chúng tôi xin trích một phần bài tổng thuật buổi nói chuyện của Giáo sư tại Viện Âm nhạc năm 2000. Bài tổng thuật có tựa đề "Làm thế nào để nhạc truyền thống Việt Nam đến được với người nước ngoài", đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Âm nhạc, số 45 (Tháng 5 - 8/2015)
Những năm sống và làm việc ở nước ngoài, hễ có dịp về nước là Giáo sư Trần Văn Khê lại ghé thăm Viện Âm nhạc. Lần nào ghé thăm Viện, giáo sư cũng có quà tặng, khi là những cuốn sách nghiên cứu âm nhạc của nước ngoài, khi là một hai chiếc máy thu âm nho nhỏ, một chiếc máy ảnh xinh xinh và cả những cuộc trò chuyện thân mật và cởi mở với rất nhiều các chủ đề khác nhau, từ cách thức điền dã, cách làm tư liệu sau điền dã, cách thức truyền bá âm nhạc và phương pháp phân tích âm nhạc cổ truyền Việt Nam của Giáo sư.
Với học vấn uyên thâm, giọng hát truyền cảm, ngón đàn điêu luyện, kinh nghiệm điền dã sâu rộng và đặc biệt là tình yêu âm nhạc truyền thống thiết tha, giáo sư đã biến nhưng vấn đề phức tạp của nghiên cứu âm nhạc học, âm nhạc dân tộc học thành dung dị, dễ hiểu, lôi cuốn người nghe. Tôi không thấy giáo sư sử dụng lí thuyết âm nhạc phương Tây và cách diễn đạt cầu kì để phân tích cấu trúc, phân tích cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của âm nhạc truyền thống Việt Nam mà thường sử dụng tất cả những thuật ngữ về điệu, hơi, nhịp, phách, ém hơi, đổ hột, rung giọng và lối hát nhặt, khoan của âm nhạc truyền thống Việt Nam để lí giải, phân tích cấu trúc của các loại hình âm nhạc này.
Trong rất nhiều buổi nghe Giáo sư nói chuyện, có một buổi đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc, một bài học làm lòng, đó là buổi nói chuyện vào mùa hè năm 2000 tại Viện Âm nhạc, lúc Viện còn ở 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.
Buổi nói chuyện đó diễn trong phòng thu thanh nhỏ nhắn của Viện đúng vào những năm Đảng, nhà nước ta bắt đầu thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Năm đó, nhà nước đã đầu tư cho Viện một số thiết bị thu thanh hiện đại, Chính phủ Nhật Bản cũng đã tài trợ cho Viện những phương tiện điền dã đồng bộ. Năm đó Viện Âm nhạc được nhà nước giao cho nhiệm vụ phải có trách nhiệm nghiên cứu và truyền bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam rộng rãi toàn thế giới.
Để thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi đã bàn bạc và đưa ra rất nhiều các cách thức khác nhau, nào sản xuất băng đĩa nhạc, nào xây dựng các chương trình biểu diễn, xây dựng Ngân hàng Dữ liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam, xuất bản các công trình nghiên cứu. Tất cả những nội dung đó sẽ là công cụ hữu dụng để truyền bá âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Thời ấy, chúng tôi tin rằng, nhiều hình thức âm nhạc truyền thống còn tồn tại đến ngày hôm nay, đó là những kiệt tác nghệ thuật của dân tộc. Và đã là kiệt tác nghệ thuật của dân tộc mình thì sẽ dễ dàng nhận được sự đồng cảm và thích thú của các dân tộc khác. Ấy vậy mà buổi nói chuyện của Giáo sư hôm đó đã gỡ bỏ chúng tôi khỏi cái niềm tin có chút gì đó ngây thơ. Đồng thời giúp chúng tôi có cái nhìn biện chứng hơn về cách thức truyền bá nhạc truyền thống Việt Nam ra nước ngoài.
Để sẻ chia điều này với quý độc giả tạp chí, chúng tôi xin tổng thuật lại nội dung buổi nói chuyện của Giáo sư ngày hôm đó .
Khởi đầu cuộc trò chuyện, giáo sư nói:
"Hôm nay tôi hết sức vui khi trở lại thăm Viện Âm nhạc. Tôi nhớ ngày xưa tôi đến đây nó chưa được cơ ngơi, chưa có được máy móc. Băng từ thì để dưới gầm giường, những hình ảnh xếp cũng không có theo lề lối. Lần này tôi đến đây tôi thấy chỗ trưng bày nhạc cụ có máy móc được tinh vi, lại có cả nhân viên làm việc, mà người nào cũng hăng hái, thu thập, ghi chép lại được bao nhiêu việc. Những cái chuyện tưởng đã mất đi rồi, hôm nay lại có thể tìm trở lại được, dường như là cho nó hổi sinh. Tôi nghĩ rằng có người khách quốc tế nào đến đây, chúng ta có thể hãnh diện đưa ra cho người ta xem mà không mất mặt với người ta, là bởi vì các bạn vừa sưu tầm đúng phương pháp, rồi bảo quản cũng có phương pháp. Kể ra máy móc bây giờ cũng không phải là ghê gớm nhưng cũng đã đủ để hoạt động, điều đó làm cho tôi rất vui”.
Sau những câu khen ngợi tình cảm và chân thành, giáo sư bắt đầu bài nói chuyện. Giáo sư nói ngay vào cái điều mà chúng tôi lâu nay vẫn lầm tưởng.
Giáo sư nói:
“Thật ra nói thế giới say mê âm nhạc Việt Nam thì không đúng đâu. Là bởi vì trên thế giới không biết có bao nhiêu là truyền thống âm nhạc. Mà Việt Nam là một trong những truyền thống mà người phương Tây chưa biết. Bây giờ có ai nói lên thì họ nghe. Mà nói lên mà họ nghe được thì họ nghe nhiều, mà nói lên họ nghe không được thì họ không ngồi nghe nữa.
Các bạn có hỏi: Người phương Tây họ nghe nhạc truyền thống Việt Nam thế nào? Họ đánh giá thế nào và tại sao họ thích nhạc truyền thống Việt Nam? Họ thích ở chỗ nào?
Thưa các bạn, người phương Tây, thứ nhất là không biết nhạc Việt Nam, tìm đến nhạc Việt Nam là hiếu kì. Để thỏa mãn cái hiếu kì thì họ hỏi cái gì mình giống họ, cái gì mình khác họ. Tôi thường giải thích: Nhạc của chúng tôi có cấu trúc động và mở, còn các bạn là cấu trúc tịnh và đóng. Mình phải nói cho họ thấy cái khác nhau, đặng rứt họ ra khỏi cái hệ thống bình quân đã thấm sâu vào họ, cho họ bước vào cái lĩnh vực mà âm thanh nó di động, mà nó di động theo cái phong cách của chúng ta - phong cách Việt Nam. Thì chừng đó để họ tìm tòi, họ thấy nó có cái mới lạ, nó có cái sự sinh động mà mỗi một cái thanh của chúng ta nó không phải là một, là hai, mà nó nhiều, nó biến chuyển.
Ví dụ: Mình lấy Hát Bội cho họ nghe, mình nói cho họ biết láy rúc như thế nào, láy nhún như thế nào, láy đắp bờ như thế nào, lay sa hầm là như thế nào. Trong truyền thống ngữ khí của chúng ta thì nó vô cùng biến chuyển. Cái chuyện đó lần lần dẫn cho người ta hiểu, thế thì người ta thấy người ta thích".
Sau những lời giảng giải có tính lí thuyết, Giáo sư kể chuyện về những chuyến đi giảng bài và biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam ở một số nước trên thế giới. Câu chuyện của những chuyến đi đó là những đúc kết của giáo sư về phương pháp truyền bá âm nhạc truyền thống Việt Nam ra thế giới. Mỗi câu chuyện là một chủ đề, mỗi câu chuyện là một cách vận dụng phương pháp làm cho người nước ngoài muốn tìm hiểu âm nhạc Việt Nam, muốn nghe âm nhạc Việt Nam.
..........
Kết thúc buổi nói chuyện, GS. vừa đờn tranh vừa ngâm bài kệ này của Mãn Giác (1052 - 1096) một thiền sư nổi tiếng văn chương thời nhà Lý.
Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Giáo sư dịch ý:
Mùa xuân đi thì trăm hoa rụng
Mùa xuân đến trăm hoa nở
Trước mắt sự qua mãi
Nhìn trên đầu thấy cái già đến rồi
Nhưng đừng tưởng hễ xuân tàn thì hoa rụng hết
Đêm hôm qua sang trước cửa chùa
một cành mai đang nở"
Ngâm xong bài thơ của thiền sư Mãn Giác, giáo sư buông đàn, mỉm cười, nói: "Mỗi một lần gặp nhau, nó có một cái thú vị, bởi vì trên con đường đi của chúng ta, mỗi con đường đi một khác, nhưng chúng ta hướng về một hướng. Nhờ vậy gặp gỡ với nhau dễ dàng lắm, mà cũng coi chúng ta như là anh em ruột thịt một nhà".
Hà nội vào thu - 2015