Nhớ Anh Đào ca sĩ của Trường Sa

12/07/2019

Đã có hàng trăm ca khúc của các nhạc sĩ viết về Trường Sa, giọt máu thiêng của Tổ quốc giữa ngàn trùng đại dương. Cũng đã có hàng trăm ca sĩ, chuyên nghiệp và nghiệp dư, trên khắp đất nước hát thành công các ca khúc ấy. Nhưng cho tới nay, có lẽ chỉ có một người coi việc hát về Trường Sa, truyền bá tình yêu với Trường Sa là công việc của cả đời mình. Người ấy là Anh Đào, ca sĩ của Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng, Khánh Hoà...

Ca sĩ Anh Đào trên mâm pháo các chiến sĩ bảo vệ đảo Trường Sa

Trưởng thành trong phong trào ca hát quần chúng Cam Ranh từ những năm đầu giải phóng, đúng năm 20 tuổi, Anh Đào được tuyển vào Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng. Ở đoàn nghệ thuật từng rất nổi tiếng này, giữa hàng loạt các tên tuổi Ánh Tuyết, Ngọc Thuý, Mỹ Hạnh, Ngọc Liên, Nhật Linh, Bách Thảo, Thanh Trúc, Thu Trang...Anh Đào lấp lánh một giọng điệu riêng, một dáng vẻ riêng. Chị chuyên hát dân ca và loại nhạc mà bây giờ người ta gọi là bolero. Hồi ấy, bolero còn chưa thịnh hành, Anh Đào không nhiều người hâm mộ ở các thành thị lớn, nhưng cứ về đến các vùng quê thì “thôi rôi”, chị là ngôi sao số một. Đó là khi lãnh đạo Hải Đăng chúng tôi rất sợ Anh Đào “đau bụng”. Và Anh Đào được người yêu âm nhạc cả nước biết đến khi chị là ca sĩ đầu tiên hát bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long, cũng là một nhạc sĩ Khánh Hòa...

“Gần lắm Trường Sa” là ca khúc Hình Phước Long sáng tác trong dịp được dự trại sáng tác âm nhạc dành cho các cây bút âm nhạc không chuyên của tỉnh Phú Khánh năm 1982. Từ một trại sáng tác có tính chất phong trào, “Gần lắm Trường Sa” bất ngờ vượt lên, trở thành một trong những ca khúc hay nhất về Trường Sa từ trước tới nay của các nhạc sĩ cả nước với điệp khúc mà những ai yêu Trường Sa đều nhớ:

Không xa đâu Trường Sa ơi
Không xa đâu Trường Sa ơi
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em.

Khi Hình Phước Long đem ca khúc “Gần lắm Trường Sa” tìm đến Anh Đào, lúc đó đã là ca sĩ của đoàn Hải Đăng, Anh Đào mừng lắm. Chị mơ hồ cảm nhận đây sẽ là bài hát của đời mình. Anh Đào rất yêu thích và đã từng biểu diễn nhiều bài hát về người bộ đội Cụ Hồ, từng hai lần đi phục vụ các chiến sĩ tình nguyện quân Việt Nam trên mặt trận Đông Bắc Campuchia và vẫn mong ước có được một bài hát hay về Trường Sa để hát. Và bây giờ, chị đã có “Gần lắm Trường Sa”. Những lời ca tràn đầy yêu thương, chia xẻ và giai điệu tha thiết gần gũi của bài hát dường như từ lâu đã ủ sẵn trong trái tim chị, giờ có dịp cất lên. Khi Anh Đào hát“Gần lắm Trường Sa” tại buổi báo cáo của trại sáng tác, người nghe lặng đi vì xúc động. Dường như chị không hát bài hát của Hình Phước Long mà đang tâm sự những nhớ thương, thao thức của riêng mình. Bài hát kết thúc trong những tràn vỗ tay không dứt và những đôi mắt nhoè ướt của người nghe...

Từ đó, “Gần lắm Trường Sa” trở thành tiết mục biểu diễn chính của Anh Đào trong chương trình của Hải Đăng nhiều năm và được thu thanh thu hình phổ biến khắp nơi. Bài hát cũng theo chân Anh Đào và Hải Đăng vang lên ở Nga, Látvia, Nhật Bản, Thái Lan, Lào, Cămpuchia...Hiện nay, “Gần lắm Trường Sa” đã rất phổ biến, nhiều ca sĩ trong cả nước cũng đã biểu diễn thành công bài hát này. Nhưng với nhiều người, đặc biệt là với các chiến sĩ từng ở Trường Sa những năm 1980- 1990, thì vẫn không ai có thể hát hay hơn xúc động hơn Anh Đào...

Cũng thật dễ hiểu, bởi Anh Đào không chỉ hát về Trường Sa mà còn sống với Trường Sa trọn vẹn như sống với tình yêu lớn của đời mình. Từ 25 năm nay, Trường Sa đã là đề tài chính trong cuộc đời ca hát của chị. Sau “Gần lắm Trường Sa” là “Gặp nhau trên đảo Sinh Tồn”, “Tiếng hát đảo Sơn Ca” (Hình Phước Long), “Khúc hát người lính đảo”, “Chú bê vàng và chàng lính đảo”(Hình Phước Liên), “Mưa Trường Sa” (Xuân An–Triệu Phong)...Dù ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào, khi có dịp cất tiếng hát, là Anh Đào lại buộc mọi người phải nhớ tớí mảnh đất hải đảo khuất xa ngoài đại dương này. Có lần, trong một buổi gặp mặt mừng xuân giữa lãnh đạo tỉnh Phú Khánh và văn nghệ sĩ, thấy suốt buổi không ai nhắc gì tới Trường Sa, Anh Đào giận lắm. Khi được mời lên hát, trước khi hát Anh Đào thẳng thừng “mắng” ngay cái sự mà theo chị là vô tình vô ơn đó, làm tất cả những người có mặt, kể cả các vị lãnh đạo tỉnh, được một bữa giáo huấn ra trò về tình yêu biển đảo... 

Đáp lại tình cảm chân thành của người ca sĩ, các chiến sĩ Trường Sa từng coi chị như là “sứ giả của đảo trên đất liền”. Các sinh hoạt truyền thống của vùng 4 Hải quân hay lữ đoàn 146 (Lữ đoàn bảo vệ Trường Sa) luôn có chị xuất hiện với tiếng hát của mình. Anh Đào cũng đã ba lần đặt chân đến Trường Sa thân yêu của chị. Lần sau cùng là vào tháng 3 năm 2002, trong đoàn đại biểu của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh Khánh Hoà do Chủ tịch Phạm Văn Chi dẫn đầu. Lúc chuẩn bị chuyến đi, Anh Đào không được khoẻ nên lãnh đạo đoàn Hải Đăng và Sở VHTT không đưa tên chị vào danh sách nghệ sĩ ra thăm huyện đảo. Biết được tin này, Anh Đào đã lên gặp trực tiếp Chủ tịch Phạm Văn Chi kiên quyết xin đi. Cảm động trước tình cảm của người ca sĩ, anh Chi đã đồng ý.

Đối với Anh Đào, mỗi lần ra đảo như là mỗi lần đi xa trở về nhà. Chị rút hết số tiền tiết kiệm ít ỏi chị có để mua quà cho lính đảo. Anh Đào thường xuyên nhận được thư của các chiến sĩ Trường Sa. Chị có nhiều cái tên, nhiều kỷ niệm khó quên ở Trường Sa Lớn, Sơn Ca, Đá Tây, Phan Vinh, Nam Yết, Thuyền Chài...Chị biết ở đó, nhiều người đang mong chị. Chị đã chuẩn bị vài chục gói quà cho người thân ở đảo. Chị tới Trường Sa không với tư cách một ca sĩ mà là một người con, người chị, người bạn, người em của các chiến sĩ giữ đảo. Chủ tịch Phạm Văn Chi hết sức xúc động khi chứng kiến chiến sĩ trên các đảo Trường Sa vui mừng thế nào khi thấy có mặt Anh Đào trong đoàn đại biểu của anh...Anh Đào như cá được về với nước, chị lại được say sưa hát trước những khán giả hiểu tiếng hát của mình nhất, được tặng quà, nấu cơm, vá áo cho họ như hai lần chị có mặt trước đây. Anh Đào coi đó là những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời...

Những ngày đẹp đẽ đấy của Anh Đào đã qua hơn 16 năm rồi. Người ca sĩ của Trường Sa năm xưa nay đã qua tuổi công chức nhà nước, đã về hưu và giờ đây dường như không ai còn nhớ tới chị. Anh Đào không được hạnh phúc trong cuộc sống riêng. Chị đã nghèo, sức khỏe yếu lại phải một mình nuôi con, một cậu con trai đẹp như mơ. Dù quá sức chật vật, Anh Đào cũng hoàn thành tốt nghĩa vụ người mẹ, giúp con khôn lớn trưởng thành. Cuộc đời ca hát đã không cho chị tiền tài cũng không đem tới cho chị một chút danh vọng chính thức nào. Đến mỗi đợt xét tặng các danh hiệu nghệ sĩ nhà nước, chẳng hiểu vì sao, người ta đều không nhớ đến chị. Có lẽ chị còn thiếu một hai huy chương định mức chăng? Nhưng Anh Đào chẳng mấy bận tâm “ ba cái chuyện lẻ tẻ đó”, với chị, phần thưởng lớn nhất, vinh dự cao nhất của 25 năm ca hát, chính là cái danh hiệu do những người lính đảo bình thường phong tặng, danh hiệu: Ca sĩ của Trường Sa...

Mấy năm qua, Anh Đào liên tục bệnh tật, có lúc tưởng không qua nổi. Trong những lúc khó khăn nhất của cuộc đời, Anh Đào luôn có bè bạn Hải Đăng một thủa sát cánh, những Lê Vũ, Đặng Thanh Vân, Ánh Tuyết và các bạn khác trong Nam ngoài Bắc, ở nước ngoài. Được biết, ngày 17 tháng 11 năm 2018 vừa qua, kỷ niệm 59 năm sinh nhật của chị, Anh Đào đã kịp khỏe mạnh tươi xinh trở lại. Nhớ Anh Đào, tôi vẫn tin rằng, khi nào còn có thể, chị sẽ không bao giờ thôi hát bài hát thiêng liêng nhất của cuộc đời chị, bài hát mà chúng ta vẫn thèm nghe từ tiếng hát không thể nào quên của Anh Đào, “Gần lắm Trường Sa”.

(Nguồn: http://vanhien.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...