Nhạc trưởng Tetsuji: Vẫn vẹn nguyên tình yêu với VN

04/10/2013

Nhạc trưởng Honna Tetsuji.

Trong khuôn khổ chương trình lưu diễn hòa nhạc Việt Nam-Nhật Bản nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO) hiện đang có chuyến lưu diễn tại các thành phố lớn như Yokohama, Koriyama, Osaka, Tokyo và Nara.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn nhạc trưởng Honna Tetsuji và nghe những bộc bạch về những tình cảm mà ông đã dành cho đất nước và con người Việt Nam, nơi mà ông đã cống hiến trên 12 năm hoạt động âm nhạc. Đến nay, dường như trong ông vẫn vẹn nguyên một tình yêu đối với Việt Nam.

- Cảm ơn nhạc trưởng đã nhận lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN, nhạc trưởng có thể chia sẻ đôi điều về những cảm nhận của ông về đời sống âm nhạc ở Việt Nam, đặc biệt là nhạc giao hưởng, vốn là dòng nhạc bác học và rất kén người nghe?

Nhạc trưởng Honna Tetsuji: Tôi đã có quãng thời gian hoạt động âm nhạc tương đối lâu ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội, tính đến nay đã là năm thứ 13. Có lẽ là 5-6 năm trở lại đây, có khá nhiều quốc gia tham gia vào quá trình phát triển của dòng nhạc giao hưởng thính phòng Việt Nam như Nauy, Pháp hay Đức, Australia và đôi khi là cả Nhật Bản.

Trước đây, việc trình diễn nhạc giao hưởng ở Việt Nam chỉ giới hạn ở những bản nhạc nhất định như Tchaikovsky với Symphony No. 5, Beethoven với Symphony No.5 "Bản giao hưởng định mệnh", đôi khi với cả Symphony No.7. Sau này, số lượng các bản giao hưởng cũng tăng lên. Tôi cho rằng như vậy là rất tuyệt vời. Và rồi nhạc thính phòng Việt Nam cũng đạt được những bước tiến nhất định, cụ thể như các bạn đã diễn tấu được những tác phẩm kinh điển như Symphony từ No. 1 đến No. 9 của Beethoven, Brahms No. 1 đến No. 4, Schubert từ No.1 đến No. 8 và toàn bộ các bản nhạc của Mahler.

Tôi nghĩ, đến nay đã có các cuộc giao lưu giữa dàn nhạc với thính giả thông qua khá nhiều tác phẩm kinh điển so với trước đây và con số các tác phẩm được trình diễn cũng ngày càng được mở rộng. Tuy vậy, ở Việt Nam vẫn cần có thêm ngày càng nhiều tác phẩm được trình diễn trong tương lai. Về chất lượng chuyên môn, tôi cho rằng các nhạc công Việt Nam đã nỗ lực hết sức bằng nhiều cách khác nhau nhưng tôi nhận thấy là những nhạc công giỏi hay những người có khả năng chuyên sâu về âm nhạc cổ điển tham gia công tác giảng dạy trong một thời gian dài từ Bắc và Nam hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tôi nghĩ nếu những điều kiện và cơ hội như vậy gia tăng nhiều hơn, sẽ tốt biết bao.

Có thời gian gắn bó với dàn nhạc trong hơn 12 năm qua, nhạc trưởng đánh giá thế nào về khả năng âm nhạc của các nhạc công Việt Nam?

Nhạc trưởng Honna Tetsuji: Như tôi đã đề cập trước đó, số lượng các bản nhạc cổ điển được trình diễn ở Việt Nam ngày càng nhiều và chất lượng chuyên môn cũng ngày một nâng cao. Ngoài ra, các nhạc công Việt Nam cũng có điều kiện trình diễn các tác phẩm hiện đại của Việt Nam và Nhật Bản. Qua việc trình diễn nhiều loại hình khác nhau, các nhạc công đã tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm và kiến thức về nhạc giao hưởng, khả năng cảm thụ và trình diễn cũng được cải thiện đáng kể.

Nhạc trưởng có thể chia sẻ đôi điều về những kỷ niệm đáng nhớ nhất và điều tâm đắc nhất của ông trong quãng thời gian hoạt động âm nhạc ở Việt Nam?

Nhạc trưởng Honna Tetsuji: Năm nào cũng vậy, chúng tôi thường có những chuyến lưu diễn xa, đi rất nhiều nơi từ miền Bắc đến miền Nam. Trong số những chuyến đi như vậy, chúng tôi đã đi bằng tàu hỏa. Tôi vẫn còn nhớ như in chuyến đi khi đó. Chúng tôi ở trong toa tàu có giường nằm có 3 tầng giường, đủ chỗ cho 6 người. Nếu tính cả trẻ con đi cùng thì có tới 8 người. Khi dừng lại ở một ga, tất cả chúng tôi cùng mua cơm trưa và cơm sáng. Đến giờ ăn cơm, mọi người quây hành lý lại làm thành một cái bàn cùng nhau ăn uống. Chứng kiến cảnh tượng đó, tôi nghĩ mình thật hạnh phúc khi được đặt chân đến Việt Nam. Chắc là bạn cũng biết, người Việt Nam coi trọng gia đình và sự sum họp.

Ở Nhật Bản, châu Âu và ngay cả Mỹ, một dàn nhạc cho dù có khả năng trình diễn tập thể tốt đến đâu thì cũng không thể có được sự gắn kết theo kiểu “gia đình” như ở Việt Nam. Và cứ như thế. Dàn nhạc chúng tôi cứ tiếp tục đi dần xuống phía Nam, dừng lại biểu diễn ở Huế 3 ngày và lại tiếp tục lên đường và ngày nào cũng vậy, chúng tôi cũng đều mua đồ ăn và ăn uống cùng với nhau rất vui vẻ. Chuyến đi dài ngày ấy đã để lại ấn tượng tuyệt vời đối với tôi. Tôi cứ ước ao là quãng thời gian ấy cứ kéo dài mãi... Và chuyến lưu diễn bằng tàu hỏa xuyên Việt đó đúng là kỷ niệm mà tôi không thể nào quên.

Những kỷ niệm của tôi ở Việt Nam còn nhiều lắm. Còn một kỷ niệm đẹp nữa mà tôi cũng khó có thể quên được là vào mùa Thu năm 2000 ở Nagoya. Sau buổi diễn, anh Ngô Hoàng Quân đã đến chỗ tôi và nói rằng anh ấy cần sự trợ giúp của tôi. Và đó là sự khởi đầu cho những năm tháng gắn bó với Việt Nam của tôi.

Vậy điều gì đã giữ chân ông ở lại Việt Nam lâu đến vậy?

Nhạc trưởng Honna Tetsuji: Có lẽ một vài câu sẽ không đủ để diễn đạt hết lý do vì sao Việt Nam đã níu chân tôi lâu đến vậy. Quả thật là có một số điều mà tôi thấy tâm đắc khi ở Việt Nam. Đầu tiên phải kể tới là phong cảnh những nơi tôi đặt chân đến. Đến bất cứ nơi đâu, tôi đều cảm thấy thật dễ chịu. Ở Việt Nam chẳng có nơi nào lạnh lẽo và u ám. Qua từng địa phương thì con người và cảnh vật có sự khác biệt rõ rệt nhưng quả thật là luôn có điều gì đó rất đỗi thân thương và ấm áp.

Trong thành phố, các tòa nhà cổ và những con phố chịu ảnh hưởng của kiến trúc thời Pháp, mang đến niềm hứng khởi và cảm giác đầy sức sống. Có một điều hơi đáng tiếc là khi màn đêm dần buông xuống, ánh sáng điện trong thành phố lại có màu trắng, làm cho ánh sáng và màu sắc đặc trưng của hoàng hôn bị thay đổi đi đôi chút. Tuy vậy, vẻ đẹp vào lúc chiều tối ở Việt Nam thực sự quyến rũ lòng người. Tôi rất yêu mến người Việt Nam và năm tháng dẫu có qua đi thì thứ tình cảm ấy vẫn không hề thay đổi trong tôi. Anh biết đấy, người Nhật luôn tự hào vì họ là công dân của một đất nước mến khách nhưng so với Việt Nam thì điều đó chẳng thấm tháp vào đâu. Người Việt Nam thực sự là những con người luôn mang trong mình một trái tim mến khách.

Được biết trong chuyến lưu diễn lần này, dàn nhạc giao hưởng đã đi một loạt các thành phố lớn của Nhật Bản. Ông có thể cho biết đôi điều về mục đích chuyến đi lần này được không?

Nhạc trưởng Honna Tetsuji: Thông qua âm nhạc, đặc biệt là nhạc giao hưởng, tôi muốn mang đến cho người dân Nhật Bản cơ hội được chiêm ngưỡng, lắng nghe và biết đến một Việt Nam đang đổi thay nhanh chóng. Ngược lại, các nhạc công Việt Nam cũng có điều kiện khám phá những điều thú vị từ đất nước và con người Nhật Bản thông qua những chuyến lưu diễn ở các địa phương của Nhật Bản. Đó là một phần mục đích của tôi. Tôi cũng suy nghĩ rất nhiều về ý nghĩa của chuyến đi lần này.

Nhật Bản là một đất nước hướng nội điển hình trong khi Việt Nam lại là quốc gia hướng ngoại mạnh mẽ. Có lẽ tôi suy diễn hơi thái quá chăng nhưng phải chăng do đặc thù là nằm trên lục địa lớn nên đất nước các bạn có nhiều điều kiện tiếp xúc với bên ngoài hơn so với chúng tôi. Ngay cả với châu Âu, các bạn cũng có điều kiện gần gũi hơn so với chúng tôi. Người Việt Nam có lẽ là những người mang trong mình niềm tự hào dân tộc hàng đầu thế giới. Người Nhật Bản chúng tôi cũng có đôi chút tự hào nhưng không thể sánh với các bạn về lòng tự tôn dân tộc. Tôi nghĩ rằng người Nhật có lẽ cũng cần phải yêu Nhật Bản thêm chút nữa, giống như là người Việt các bạn yêu đất nước mình vậy. Tôi thấy ghen tị trước tình cảm ấy của người Việt Nam.

Trong những ngày qua, các thính giả Nhật Bản đã phản hồi như thế nào về chất lượng trình diễn của VNSO?

Nhạc trưởng Honna Tetsuji: Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã biểu diễn tại Yokohama, Koriyama, Osaka, Nagoya và tối 27/9, VNSO sẽ có buổi hòa nhạc tại Tokyo. Các thính giả Nhật Bản đều hết sức cảm động khi lắng nghe các nhạc công Việt Nam trình diễn. Điều đó khiến tôi thực sự xúc động. Vì Nhật Bản là một đất nước hướng nội nên những dịp giao lưu âm nhạc hai nước như Nhật-Việt, Nhật-Trung, Nhật-Pháp, Nhật-Mỹ… luôn là cơ hội rất tốt để mọi người có thể trình diễn âm nhạc của đất nước mình, từ đó người Nhật sẽ không còn thu mình nữa. Nhật Bản đúng là có nhiều vấn đề xung quanh đặc tính hướng nội nhưng nhờ những cuộc giao lưu như vậy thì điều đó sẽ được khắc phục.

Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, ông có điều gì muốn gửi gắm đến các thính giả của hai nước không?

Nhạc trưởng Honna Tetsuji: Tôi cho rằng đây là một dịp để các nhạc công của hai nước giao lưu và gắn bó mật thiết với nhau hơn nữa. Điều đó quả thật rất tuyệt vời. Tôi hy vọng là nhân năm kỷ niệm trọng đại này, dàn nhạc giao hưởng Việt Nam sẽ có thêm động lực để trình diễn tốt hơn và tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, phục vụ đông đảo công chúng yêu mến nhạc giao hưởng.

Xin cảm ơn ông!./.

(Nguồn: http://www.vietnamplus.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...