Nhạc sỹ xa xứ Nguyễn Lân Tuất: “Điều ấp ủ nhất trong tôi là vinh danh Tổ quốc mình”

06/03/2014

Nói đến ông - “người nhạc sỹ tha phương”, người từng có những tác phẩm “để đời” (ca khúc “Người con gái Việt”, Nhạc giao hưởng “Tổ quốc tôi” v.v...) hẳn không ít người biết. Thế nhưng đến được tận nơi ông sống và làm việc để nghe, để biết về những gì người dân ở đây nói về ông, dành tình cảm cho ông thì không nhiều người có được. Chúng tôi đã có một dịp may mắn như thế khi tới được thủ phủ của vùng Xi-bê-ri - thành phố Nô-vô-si-birsk (Novosibirsk). Và càng may mắn hơn khi chỉ có một khoảng thời gian rất ngắn ngay trước dịp Tết cổ truyền của dân tộc mà chúng tôi đã được gặp, được chứng kiến công việc, cuộc sống thường nhật của ông, được cảm nhận tình cảm các đồng nghiệp, học trò và người vợ chung tình dành cho ông - Giáo sư, Tiến sỹ khoa học “Lân Lân” (cách gọi thân mật người Nga vẫn gọi ông) - nhạc sỹ Nguyễn Lân Tuất.


Bà giám đốc bảo tàng của nhạc viện luôn ngưỡng mộ người nhạc sĩ Việt Nam tài đức

Có lẽ bởi được sống trong một môi trường nhiều tình cảm của những người xung quanh mà ông luôn có một vẻ thảnh thơi, trẻ trung hơn rất nhiều so với cái tuổi đã là “xưa nay hiếm” (Ông vẫn nhắc nhớ chúng tôi: “thêm mùa xuân này nữa là tôi tròn... tám mươi đấy”) ?! Hay, ngược lại, vì ông luôn có phương châm: “sống, làm việc sao cho tốt nhất với mọi người quanh mình” ... mà ông được như vậy?! Lý giải cách nào cũng đúng, nhưng với chúng tôi, một điều nữa ở ông mà chúng tôi cảm nhận được đó là cái tâm “làm gì đó để vinh danh Tổ quốc mình” cứ đau đáu khiến ông lúc nào cũng như tràn đầy nhiệt huyết để làm nhiều nữa bằng chính cái nghiệp mà ông theo đuổi – giảng dạy và sáng tạo âm nhạc.

Chúng tôi đã gặp những ánh mắt thân thiện, những câu chào hỏi gần gũi và những cái bắt tay rất chặt của những đồng nghiệp thuộc các thế hệ sau ông và những sinh viên các lứa tuổi, dù ông có dạy hay không, khi cùng ông bước vào tòa nhà (không thật cổ kính, nhưng đã cũ kỹ mà ít được tu bổ bởi kinh phí eo hẹp của thành phố) có tuổi đời cũng xấp xỉ như ông, tòa nhà Nhạc viện Quốc gia Nô-vô-si-birsk. Nơi đây ông đã gắn bó cuộc đời suốt gần 40 năm qua. Và với bất cứ ai ông cũng vồn vã chào hỏi như một người anh, người bạn thân thiết và cả như một người cha của những cô, những cậu sinh viên người Nga hay bất kỳ quốc gia nào... còn trẻ măng ấy.

Cái sự hòa đồng của ông với cộng đồng đa sắc tộc ở vùng đất Si-bê-ri này được Bà Ol-ga Svet-lô-va, Phó Hiệu trưởng Nhạc viện, người cũng từng là học viên của ông từ những năm học thứ nhất, thứ hai..., nhận xét rằng: (Băng tiếng Nga...)

“Đối với chúng tôi, Lân Lân như một người Nga thực thụ rồi, bởi vậy chúng tôi không có cảm giác ông là người nước ngoài và không gặp khó khăn gì trong các mối quan hệ như đồng nghiệp, thày - trò khi cùng nhau làm việc. Chúng tôi không có cảm giác gì về một ranh giới quốc gia, dân tộc.”


Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất trong một buổi chiều cuối năm 2013

Rồi bà kể rằng, Nhạc viện Nôvôsibirsk thành lập từ cách đây ngót 70 năm rồi nhưng bà không nhớ chính xác ông Nguyễn Lân Tuất đã công tác ở đây bao nhiêu năm. Chỉ biết ông là một người nước ngoài duy nhất làm việc lâu năm như vậy ở Nhạc viện với tư cách một nhà sư phạm trong lĩnh vực âm nhạc. Thông qua cá nhân ông mà đến nay Nhạc viện Novosibirsk có mối quan hệ hợp tác khá tốt với Việt Nam. Năm ngoái, một đoàn đại biểu của Nhạc viện do ông Hiệu trưởng dẫn đầu đã về thăm Việt Nam và làm việc với Trường Cao đẳng Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội. Và năm nay đoàn lãnh đạo của Trường Quân đội cũng đã sang thăm Nhạc viện Nôvôsibirsk. Hai bên đã ký văn kiện hợp tác trong đào tạo và sáng tác nghệ thuật. Và như thế, giáo sư Lân Tuất đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ này. Ấy cũng là một việc “được” mà bản thân ông cũng thấy hài lòng.

Cô học trò nhỏ, Ê-ka-tê-ri-na Khal-tu-ri-na, đang học năm thứ hai khoa Lý luận. Sáng tác rất thích thú với những giờ học trực tiếp một thầy - một trò với ông bên cây đàn piano: (Băng tiếng Nga...)

“Tôi rất sung sướng được làm học trò của thầy Lân Lân. Ông thường có những cách giảng dạy rất thú vị và tạo sự hưng phấn đối với học trò của mình. Chúng tôi thường có sự giao tiếp rất gần gũi và tôi rất may mắn là có một cuộc sống học đường như vậy, điều đó rất đáng quý. Ông đối xử với học sinh rất tốt, với mỗi người theo một cách và tất cả đều rất yêu mến Lân Lân.”


Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất và cô trò nhỏ bên cây đàn piano ông hướng dẫn cô mỗi ngày

Bà Nina Golovneva vốn là một giảng viên môn Lịch sử Âm nhạc, đã nghỉ hưu và chuyển sang làm Giám đốc Bảo tàng của Nhạc viện. Bà từng có thời gian công tác với ông khá nhiều năm và biết về nhạc sỹ Lân Lân khá rõ. Trong sâu thẳm trái tim bà là cả một niềm cảm phục và quý mến người Việt Nam tài năng này: (Băng tiếng Nga ...)

“Âm nhạc vẫn có sự tác động qua lại giữa nhạc cụ phương Đông và phương Tây. Nhạc sỹ Lân Lân, người có kiến thức về các loại hình âm nhạc truyền thống của Việt Nam đã sang Nga học tập rồi nghiên cứu và trong ông có sự kết hợp của những truyền thống phương Đông và phương Tây để rồi kết thành một nhạc sỹ hiện đại với những nét đặc biệt của con người ông. Điều đó đã làm nên một sự tuyệt vời và Nhạc viện của chúng tôi rất tự hào có một con người tài giỏi, một nhà nghiên cứu, một nhà sáng tác và một nhà sư phạm như giáo sư Nguyễn Lân Tuất, đang làm việc. Kiến thức của ông ấy rất tốt và tất cả chúng tôi đều rất yên mến và kính trọng ông.”

Trò chuyện với chúng tôi, Nhạc sỹ Nguyễn Lân Tuất cũng rất bằng lòng với công việc của mình. Ông mới chỉ ngừng công tác quản lý (Chủ nhiệm khoa Lý luận, Sáng tác) vài ba năm trở lại đây với lý do tuổi tác thôi, còn các công việc giảng dạy và sáng tác ông vẫn tiếp tục theo đuổi. Mới đây, ở thành phố Novosibirsk, một buổi hòa tấu bản nhạc mới sáng tác của ông đã diễn ra và khán giả đã rất tán thưởng khi lại có dịp được thưởng thức những giai điệu khí nhạc hiện đại nhưng vẫn có hồn dân tộc Việt trong những cung, bậc cảm xúc. Ông chia sẻ: (Băng tiếng Việt...)

Nhạc của mình được phổ biến thế là người ta biết, người ta thích và người ta sẽ tôn trọng Việt Nam hơn. Ở đây từng có một tờ báo, sau khi biết tôi họ đã viết “hóa ra Việt Nam không phải chỉ là những người chạy chợ” (vốn là ở Novosibirsk có nhiều người Việt Nam nhưng chủ yếu họ sống bằng nghề kinh doanh hàng chợ). Điều ấp ủ nhất trong tôi chỉ là vinh danh Tổ quốc mình. Làm thế nào để vinh danh đất nước mình.”


Chụp ảnh lưu niệm với Nhạc sĩ Lân Tuất bên trong khuôn viên nhạc viện Novosibirsk

Ông cũng không giấu niềm tự hào khi ông là người Việt Nam duy nhất ở LB Nga được phong tặng danh hiệu “Nghệ sỹ Công Huân LB Nga” (vào năm 2001) và cũng là Việt Kiều duy nhất ở Nga được “Vinh danh nước Việt” (vào năm 2006), một phần thưởng cao quý do trang điện tử “VietnamNet” bình chọn và tặng những Việt kiều có nhiều cống hiến cho đất nước.

Một mùa xuân mới của đất nước, của dân tộc lại đến. Chúng tôi chia sẻ với ông nỗi niềm của người con xa xứ, đang sống trong một gia đình Việt – Nga. Vợ ông là người phụ nữ thuần Nga và con gái duy nhất của ông bà cũng đã lập gia đình với một người Nga, nay họ đã có 3 đứa cháu ngoại... Ông rất bùi ngùi khi nghĩ đến cái Tết Việt Nam, nhưng lại như được an ủi khi bên ông, bà vợ người Nga vẫn luôn tạo cho ông và gia đình một cái Tết Việt. Vào những dịp này các con, cháu lại quây quần chúc Tết bố mẹ, ông bà như phong tục của Việt Nam. Được tiếp xúc với bà Xvetlana, người vợ nhân hậu của ông, cũng là một Nghệ sỹ Công huân Nga, giảng viên piano của Nhạc viện Nôvôsibirsk, chúng tôi càng hiểu thêm nguyên nhân níu giữ ông ở đất này. Bà đã dành những lời rất tốt đẹp khi nói về ông: (Băng tiếng Nga...) “Có thể nói là chúng tôi có một cuộc sống rất hạnh phúc và chúng tôi hài lòng với cuộc sống đó. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục cùng làm việc. Khi nào ông sáng tác nhạc mà có phần pianô thì tôi lại tham gia. Mới đây có buổi hòa nhạc, trình diễn bản nhạc mới của ông là “Mô-bil”, tôi cũng đã tham gia biểu diễn. Như các bạn đã thấy đấy, ông ấy không còn trẻ nữa nhưng vẫn tiếp tục làm việc. Tôi chỉ cầu mong sao cho ông luôn luôn có sức khỏe để tiếp tục sáng tạo nghệ thuật. Nói về một người chồng thì ông là một người rất quan tâm. Khi tôi đi làm, ở nhà thì ông ấy không ngồi không đâu mà chuẩn bị các món ăn cho tôi... Nghĩa là ông ấy là một người chồng rất tốt, rất chú ý đến mọi thành viên trong nhà. Tôi thật hạnh phúc! Tôi cũng đã về VN 3 lần rồi. Có nhiều điều rất thú vị nhưng thú vị nhất là được gặp gỡ bà con bên nhà chồng tôi. Gia đình chồng tôi là một gia đình lớn và thật thú vị khi được cùng tụ họp với tất cả mọi người.”

Vâng, với những tâm hồn ấy, tình cảm ấy, cuộc sống của nhạc sỹ Nguyễn Lân Tuất hôm nay dường như thật bình yên. Ông đang sống, làm việc trên mảnh đất đã trở thành thân thiết, bên những con người đã trở nên gắn bó máu thịt... Nhưng ở một phần nữa trong sâu thẳm tâm hồn mình, ông vẫn đau đáu hướng về nguồn cội nơi xa và vẫn âm thầm làm hết sức để “vinh danh Tổ quốc mình”. Ông cũng muốn lắm một dịp đưa được “đại gia đình” gồm cả ông, bà và con, cháu giờ đã thành 7 người, về Việt Nam đúng dịp Tết cổ truyền, để thưởng thức hương vị thuần Việt mà ông mới chỉ có thể về một mình vào một cái Tết duy nhất cách đây đã 10 năm trong cả hành trình xa xứ đã ngót 50 năm. Ông chưa thể làm được điều đó bởi theo lời ông“lương giáo sư ở Nga không giàu có gì” và ông khó lòng thu xếp được một khoản chi phí lớn như thế.

Còn bây giờ, khi chưa thực hiện được điều mong ước ấy, ông vẫn cùng vợ tận dụng những dịp có thể để cho con và các cháu mình thấy được hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong gia đình Việt – Nga của mình. Một gia đình Việt - Nga duy nhất mà cả hai ông bà đều là “Nghệ sỹ Công Huân LB Nga”./.

(Nguồn: http://baonga.com)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...