Nhạc sỹ Lê Minh Sơn: Tôi thi thoảng cũng biết mỉm cười rồi
Có người nói, nếu "Sing my song" vắng mặt huấn luyện viên Lê Minh Sơn, "bữa tiệc" âm nhạc sẽ mất đi nhiều phần thú vị. Anh từng ví mình "giống như mắm tôm ý. Ai ăn được thì mê tít".
Ở tập 1 của chương trình Sing my song, với phần thi của Nguyễn Hoàng Ly, nhạc sỹ Lê Minh Sơn nói: "Tôi biết phải làm gì để em sâu sắc hơn với những ngôn từ như thế kia". Tới phần thi của cặp đôi hip-hop Juun Đăng Dũng và Rtee, anh nói: "Tớ cần một sự sâu sắc hơn".
Cũng là vị nhạc sỹ nổi tiếng khó tính, khắt khe ấy, khi nghe Lộn Xộn Band hát "Người yêu tôi không có gì để mặc", nghe Trần Đình Khương hát "Hương à" gần như phát cuồng và bảo: "Đây mới là Việt Nam".
Tới phần thi của thí sinh Nguyễn Minh Cường ở tập 3, Lê Minh Sơn thẳng thắn: "Điều mà tôi chán nhất chính là cái tên "I'm sorry" của bạn. Bao nhiêu cái tên khác Việt Nam đẹp như thế. 'Anh xin lỗi em', 'anh xin lỗi vợ' có phải hay không? Tôi không thể nào chịu nổi. Âm nhạc đang rất là hay. Tự nhiên mình là người Việt Nam, lại 'I'm sorry vợ'".
- Nhạc sỹ Lê Minh Sơn hình như là kẻ suốt đời đi tìm sự sâu sắc?
+ Nhạc sỹ Lê Minh Sơn: Tôi muốn hỏi lại, sự sâu sắc có đi tìm Lê Minh Sơn không nhỉ? (Cười lớn!). Thực ra, có thứ âm nhạc được nghe trong quán bar, trong lúc ăn uống, đám cưới; có thứ âm nhạc chỉ dành cho tập thể dục; nhưng cũng có những thứ âm nhạc nghe để thưởng thức.
Tôi muốn thứ âm nhạc như thế, để khi tôi nhắm mắt lắng nghe thì có một điều gì đó ở lại. Âm nhạc chính là biểu cảm tâm hồn; ca từ là biểu cảm văn hóa của người cầm bút. Văn hóa sống của người đó như thế nào thì sẽ được thể hiện qua ngôn ngữ của họ.
Bây giờ là thời internet bùng nổ, các bạn trẻ có rất nhiều phương tiện để tiếp cận âm nhạc của thế giới. Đó là điều tốt vì các bạn cập nhật được sự văn minh, về tiết tấu, nhạc cụ, hòa thanh…
Nhưng ngược lại, cũng có cái bi kịch khi các bạn trẻ muốn ăn "xổi" ngay, sẽ nghĩ tới việc "thuổng", "ăn cắp". Đó là những điều cực kì không hay, thậm chí tối kị của kẻ làm công việc sáng tạo.
Sự ảnh hưởng khác với sự trộm cắp. Tôi biết, các bạn đang mười tám, hai mươi, hai mốt…. - một độ tuổi rất trẻ. Đây chính là cái tuổi bùng nổ nhất, dữ dội nhất của người cầm bút. Bản thân các nhạc sỹ nổi tiếng ở Việt Nam cũng vậy thôi, những cái gì lóng lánh nhất của họ đều có ở thời điểm tuổi hai mươi đầy khát vọng và nhiệt huyết.
Trên bục giảng vài chục năm nay, tôi luôn hướng học trò của mình tới hai chữ "sáng tạo". Khi cầm bút, đầu tiên phải là sáng tạo; nếu không, đừng cầm bút làm gì.
- Sự sâu sắc có liên quan gì tới chất Việt?
+ Mình là người ở đâu, mình phải bộc lộc văn hóa, vùng miền của mình ở đó. Ngay cả những thứ âm nhạc thời thượng của Mỹ, từ R&B đến Jazz… đều xuất phát từ âm nhạc của người da đen; âm nhạc đó lại xuất phát từ âm nhạc dân gian của họ mà thôi.
Tôi nghĩ rằng, mỗi vùng miền đều có những chất liệu riêng và âm nhạc dân gian là những cái chắt lọc mà ông bà để lại hàng trăm năm rồi.
Nhìn lại thế hệ nhạc sỹ đi trước như Nguyễn Văn Tý, Đỗ Nhuận, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… họ đã có công rất lớn đưa khi Tân nhạc vào nhưng vẫn đậm chất Việt trong sáng tác của họ.
Những tác phẩm của những cây đại thụ đó đã để lại ảnh hưởng tới lứa nghệ sỹ sau này như Trần Tiến, Nguyễn Cường, Dương Thụ, Phó Đức Phương…
Bây giờ các bạn trẻ cố gắng bắt chước làm sao giống Tây và nghĩ thế là hay, là văn minh. Nói cho cùng, âm nhạc cũng chỉ có 7 nốt nhạc. 7 nốt đó cũng là 7 nốt của Tây. Nhưng chúng ta cũng không thể nói, chúng ta mặc quần âu, ăn bơ sữa, chúng ta là người Tây. Không có đâu.
Chúng ta mặc quần âu, ăn bơ sữa nhưng chúng ta vẫn ăn các loại mắm… Chúng ta cũng không thể đi chùa thắp hương mà khấn bằng tiếng Anh được. Đấy chính là hồn cốt của văn hóa Việt Nam, không phải ư?
Bây giờ, người ta hay dùng chữ "văn minh". Tôi thấy chúng ta đang lạm dụng từ đó quá. Lớp trẻ hiện nay mới chỉ tiệm cận với thế giới văn minh mà thôi. Internet, smarphone... - những cái đó chỉ là công cụ văn minh. Người văn minh là người có nền tảng văn hóa vững.
Thực ra để viết một bài hát rất đơn giản. Nhưng khi xác định mình là người cầm bút đi theo con đường chuyên nghiệp, phải có cách đặt vấn đề phải khác, chất liệu khác, không riêng gì âm nhạc mà những ngành nghề khác cũng thế. Chỉ khi nào như thế, chúng ta mới có tác phẩm để lại.
- Chất Việt như một thứ tài sản nội tại, một yếu tố hiển nhiên; nhưng khi nhắc đến Lê Minh Sơn, người ta hay gán cho anh là một người có "tư duy ngược"?
+ Khi hỏi "Tại sao?", lập tức có một câu hỏi phản biện lại là "Tại sao không?". Họ sẽ làm đủ mọi cách để chứng minh "Tại sao không?". Quá trình đi tìm giải đáp đấy chính là sáng tạo, là tìm tòi. Vậy, tư duy ngược là một điều rất tốt. Ai cũng có thể tư duy được nhưng để bảo vệ tư duy đó, thực sự là một giá trị. Phải mất một quá trình, thậm chí mất cả cuộc đời để bảo vệ. Từ âm nhạc nói rộng ra đến văn hóa, chúng ta đã có gì đâu?
Trước sự nhai lại, tôi cho rằng, chúng ta vẫn nên kích thích và ủng hộ sự sáng tạo. Tư duy ngược mở ra cho mình những chân trời mới. Khát vọng của kẻ đi sáng tạo là khát vọng của kẻ đi chinh phục, không phải ư? Buồn nhất hiện nay chính là truyền thông đang xem công chúng cần gì rồi đáp ứng.
Nguy hiểm nhất chính là chúng ta có nhiều ca - nhạc sỹ nhưng chúng ta chỉ chăm chăm chờ xem số đông thích gì rồi đáp ứng. Thay vì làm nghệ sỹ, họ là những người làm nghề buôn nhạc. Bây giờ, để đọc một tờ báo, nghe một bài hát có giá trị, sao khó đến thế?
Tôi cho rằng, kẻ sáng tạo phải là kẻ vạch ra con đường và đám đông sẽ đi trên con đường đó. Chúng ta biết như thế nào là thành công hay thất bại đâu? Nó không nằm ở việc mình thấy đâu. Quan trọng nhất là những gì mình làm vừa vặn với tâm hồn, cảm xúc của mình. Như vậy là hạnh phúc đấy.
- Còn nhớ trong một bài báo nào đó, anh nhận mình là "một người đàn ông hay". Hay và sâu sắc có phải là một không?
+ Tôi chưa bao giờ nói rằng mình "hay", chỉ có thằng hâm mới tự nhận mình "hay" thôi. Nếu vậy, chắc người ta nói tôi đấy. Tôi không phải là một người hâm, tôi là một người điên.
Bộ tứ quyền lực của "Sing my song" mùa 2.
- Nhưng có vẻ, Lê Minh Sơn dạo này cũng bớt điên, bớt ngổ ngáo đi nhiều…
+ Tôi năm nay 42 tuổi. Tuổi này thi thoảng cũng biết mỉm cười rồi.
- Điều vui nhất khi ngồi ghế nóng Sing my song là gì?
+ Ngày xưa, các ông già yêu mình như thế nào thì bây giờ, mình yêu lớp trẻ như thế. Chúng ta đang có một lớp trẻ tuyệt vời. Họ cực đoan: không tin vào cái gì đâu.
Tôi nghĩ rằng, khi họ viết được như vậy, có kĩ năng như vậy, có tâm hồn như vậy, nền âm nhạc Việt Nam sẽ phát triển, chứ không phải là toàn hàng nhái như bây giờ. Đến với sân chơi Sing my song, đó là điều vui nhất. Mình tin chắc chắn 10 năm nữa âm nhạc Việt Nam sẽ khác.
- Anh có lạc quan quá không?
+ Chúng tôi đã trải qua một thời bao cấp nghèo, khổ. Ăn còn không đủ, nói gì nghe nhạc và thưởng thức? Rồi những giai đoạn bế tắc kinh khủng của cuộc đời mình, tôi cũng có chứ. Nhưng tôi đã trót được học những thứ cao đẹp quá rồi, mình nên phải làm gì đây, viết gì đây khi mà ngoài kia là cái đói, cái khổ?
Thế mà vẫn phải nghiến răng để kiên trì đi theo con đường mà mình nghĩ rằng đó là sự tử tế. Không phải người tử tế thì không làm được những điều tử tế đâu. Bạn hãy tin lời tôi đi.
Các bạn trẻ hiện nay rất giỏi về tay đàn, về công nghệ. Họ cũng có mong muốn thoát cái cũ. Cái thiếu nhất của các bạn là vốn sống, và hình như các bạn không "đói khát" một cái gì đó (Ý tôi ở đây không phải là đồ ăn thức uống).
Nhưng tôi nghĩ, không sao đâu. Nếu đó là một người có khát vọng và muốn hướng tới điều gì đó đẹp đẽ, thiếu cái gì sẽ tìm cái đó thôi. Tôi tin vào sự nhạy cảm của mình.
10 năm nữa, tôi tin rằng, âm nhạc Việt Nam không hề thua kém bất cứ âm nhạc của quốc gia nào đâu. 10 năm nữa, cùng với dòng chảy của đất nước, xã hội dần dần, chúng ta cũng dần đi vào con đường chuyên nghiệp chứ.
- Chúng ta nói nhiều về sự sâu sắc rồi. Tôi muốn hỏi anh một câu cuối cùng: Lần mà anh thấy nhạt nhẽo nhất gần đây nhất, là khi nào?
+ Có lẽ cách đây vài chục phút, khi tôi đồng ý trả lời bài phỏng vấn này. Với cánh đàn ông, tôi có một tuyên ngôn hay lắm: Đàn ông nên nói ít làm nhiều. Từ lúc nãy tới giờ, Lê Minh Sơn nói nhiều quá. Đàn ông nói ít thôi. Làm đi.
- Cảm ơn anh!
(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)